Học tập ngoại khóa thông qua mô hình biển đảo tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai

Ngày đăng: 10/10/2023, 10:21

Nói đến Biển Đông người ta không thể không nói đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm ở trung tâm Biển Đông. Nói đến chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam cũng không thể không nói đến việc đã từ rất lâu trong lịch sử Việt Nam đã khám phá và liên tục thực hiện quyền chiếm hữu đối với hai quần đảo này. Trong tiềm thức của người dân Việt Nam, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được coi là những phần đất thiêng liêng của Tổ quốc do ông cha chúng ta đã khám phá và thực thi chủ quyền từ xa xưa, mà trách nhiệm của các thế hệ người Việt Nam sau này phải quyết tâm gìn giữ và bảo vệ.
Năm 2014 tỉnh Gia Lai khánh thành mô hình tuyên truyền chủ quyền biển đảo Việt Nam tại khuôn viên Bảo tàng tỉnh Gia Lai. Mô hình đã tái hiện sinh động về biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ Quốc. Với đầy đủ thông tin, toạ độ, mô hình biển đảo Việt Nam tại bảo tàng không chỉ giúp học sinh tiếp thu nhanh bài học ở nhà trường, khơi dậy tình yêu, trách nhiệm với Tổ quốc, với biển, đảo quê hương mà trở thành nơi sinh hoạt ngoại khoá của các trường học trong tỉnh. Ngoài giá trị giáo dục tinh thần yêu nước, mô hình còn là dịp để giới thiệu đến Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, bạn bè trong nước, quốc tế mỗi dịp đến với Gia Lai.
Nhằm giúp các em học sinh tìm hiểu thêm về đất nước, biển đảo bằng hình thức trực quan, sinh động, có cái nhìn đầy đủ hơn chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Thời gian qua, Bảo tàng tỉnh Gia Lai tổ chức nhiều đợt triển lãm chuyên đề đón hàng ngàn lượt khách tham quan, nhất là các em học sinh trong việc tìm hiểu lịch sử của địa phương. Đồng thời, giúp các em thêm yêu quê hương, đất nước, có ý thức giữ gìn, trân trọng những gì cha ông để lại, Bảo tàng tỉnh Gia Lai phối hợp với các trường học tổ chức học tập ngoại khóa, tham quan thực tế, minh họa bài giảng qua các hiện vật trưng bày tại Bảo tàng và mô hình biển đảo Việt Nam để bài học trong sách giáo khoa của các em dễ hiểu hơn.
Các em học sinh học tập ngoại khóa tại mô hình biển đảo Việt Nam trong khuôn viên Bảo tàng tỉnh Gia Lai
Bên cạnh việc học văn hóa, học ngoại khóa cũng cần thiết với các em học sinh lứa tuổi từ 6 đến 18 tuổi để các em phát triển toàn diện. Giáo dục, nâng cao nhận thức về chủ quyền biển đảo và lòng yêu nước cho học sinh là một trong những nội dung luôn được Bảo tàng, thầy, cô giáo quan tâm, thay vì chỉ học trên bản đồ, sách vở, các trường học tổ chức chương trình ngoại khóa về biển đảo quê hương tại mô hình biển đảo đã thu hút đông đảo học sinh tham gia, các em được trải nghiệm qua mô hình biển đảo, khơi gợi tình yêu biển đảo trong mỗi học sinh một cách cụ thể, chân thực nhất.
Có thể thấy, việc giáo dục học sinh kiến thức về chủ quyền biển, đảo Việt Nam ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường là một việc có ý nghĩa thiết thực và cần được phát huy, nhân rộng. Qua đó, góp phần giúp học sinh hiểu được sự hy sinh to lớn của các thế hệ đi trước trong việc giữ gìn chủ quyền biển, đảo và có nhận thức đúng về biển, đảo, đồng thời nuôi dưỡng tình yêu quê hương và có trách nhiệm đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, cũng như bảo vệ các quyền và lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông. Em Nguyễn Thị Như Quỳnh, lớp 11, Trường THPT Hoàng Hoa Thám, xã Biển Hồ, TP.Pleiku chia sẻ: Em rất thích các hoạt động ngoại khóa tìm hiểu về lịch sử, biển đảo ở Bảo tàng tỉnh Gia Lai. Thông qua hoạt động, em được hiểu rõ hơn về điều kiện tự nhiên và tình hình biển đảo quê hương hiện nay.
Ngoài ra, Bảo tàng tỉnh Gia Lai còn tổ chức các hoạt động triển lãm, trưng bày hiện vật, văn bản, khẳng định chủ quyền biển, đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Nhằm tạo điều kiện cho các tầng lớp Nhân dân hiểu thêm lịch sử về biển đảo Việt Nam; qua đó, khẳng định nước ta có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đã phối hợp với UBND các huyện, thị trong tỉnh thực hiện trưng bày lưu động hình ảnh tư liệu, bản đồ với chủ đề “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử”; triển lãm chuyên đề “ Hồ Chí Minh với chủ quyền biển đảo”. Đây là một hoạt động tuyên truyền sâu rộng về chủ quyền biển đảo quê hương. Triển lãm tập hợp các nguồn tư liệu đã được công bố từ trước tới nay của các nhà nghiên cứu, học giả trong nước và quốc tế chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, khẳng định việc xác lập và thực thi chủ quyền liên tục đối với hai quần đảo này. Đặc biệt là các châu bản triều Nguyễn ban hành liên quan trực tiếp đến vấn đề khai thác, quản lý đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa giai đoạn 1802-1945. Từ những tư liệu, người xem có thêm những minh chứng tin cậy khẳng định rõ Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền lãnh thổ Việt Nam.
 
Các em học sinh tham quan triển lãm chuyên đề “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử” tại khuôn viên Bảo tàng tỉnh Gia Lai
Với những tư liệu vô cùng quý giá, những bản đồ được sưu tầm, lưu giữ hàng trăm năm nay là những chứng cứ lịch sử không thể chối cãi về chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo trên. Các thế hệ hôm nay và mai sau cần phải có trách nhiệm giữ gìn cẩn thận nhằm góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
 
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn (ngồi giữa) giao lưu, chụp ảnh lưu niệm cùng đoàn thanh niên SVHTTDL Gia Lai, tại mô hình biển đảo.(ảnh: Tư liệu)
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp. Ta phải biết giữ gìn lấy nó.” Theo lời dạy của Bác, ngày nay Đảng, Nhà nước ta đã xác định: Công tác tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo Việt Nam là hết sức cần thiết, cấp thiết và lâu dài. Đó là công việc tuyên truyền về lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, trách nhiệm công dân của mỗi người dân Việt Nam đối với chủ quyền của đất nước.
Biển, đảo Việt Nam là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Qua hàng ngàn năm lịch sử, biển đảo trong tâm thức của người Việt là đất nước, là cuộc sống mà biết bao thế hệ cha ông ta đã đổ xương máu để xây dựng, gìn giữ, phát triển và bảo vệ chủ quyền đất nước cho hiện tại và tương lai. Chính vì vậy, việc giáo dục chủ quyền biển đảo cho học sinh là vô cùng quan trọng, khơi dậy tình yêu biển đảo quê hương đến các em học sinh để cùng nhau bảo vệ và giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Việt Nam.
Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, khơi dậy lòng yêu nước và ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước trong các tầng lớp Nhân dân, nhất là đối với thể hệ trẻ rất quan trọng và cần thiết. Bảo tàng tỉnh Gia Lai là một địa chỉ cho các trường học, giáo viên của các cấp học đưa học sinh đến học tập, mỗi buổi tham quan không chỉ đơn thuần là một buổi ngoại khóa mà có tác dụng giúp các em nhận thức quá khứ hào hùng của cha ông từ đó góp phần trách nhiệm của bản thân đối với đất nước./.
Khoa Thi

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công