“TÔNG” HAY “TÔN”, “KHẮC” HAY “KHÁT”… CHUYỆN CHƯA CÓ HỒI KẾT VỀ TÊN ĐƯỜNG

Ngày đăng: 19/04/2023, 07:15

    Cùng với sự phát triển của xã hội thì nhu cầu đặt, đổi tên đường và tên công trình công cộng đã và đang được các địa phương đặc biệt quan tâm; thông qua hoạt động này để góp phần thúc đẩy phát triển kết cấu đô thị, mở rộng hạ tầng, kiến trúc, tạo thuận lợi cho công tác quản lý về lãnh thổ và dân cư. Việc đặt, đổi tên đường và công trình công cộng thực hiện theo quy trình đã được pháp luật quy định đảm bảo sự đồng thuận từ Nhân dân và thống nhất giữa các đơn vị hành chính. Tuy nhiên, qua thời gian tồn tại và sử dụng, hiện nay có một số tên đường đang được dư luận quan tâm vì tên nhân vật được đặt khác với một số tư liệu lịch sử, như Lê Thánh Tôn hay Lê Thánh Tông, Trần Khắc Chân hay Trần Khát Chân... Thực ra, đây là vấn đề không chỉ tồn tại ở một địa phương nhất định và nó có căn nguyên chứ không hẳn là chưa “chuẩn xác”.
Lê Thánh Tông hay Lê Thánh Tôn?
 
Đường Lê Thánh Tôn Nha Trang, nguồn Internet
Đường Lê Thánh Tôn ở huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, ảnh Jacky
Đường Lê Thánh Tôn, thành phố Huế, nguồn Internet
Đường Lê Thánh Tôn, TP HCM, ảnh Lê Quân
 
     Nhiều người đều biết Lê Thánh Tông (1442-1497) là con vua Lê Thái Tông. Được lập làm vua năm 20 tuổi, ông là người anh minh, có tài và có tâm hồn. Để ghi nhớ công đức của vị vua này, từ lâu nhiều địa phương đã lấy tên ông đặt tên đường. Có nơi đường mang tên Lê Thánh Tông nhưng nhiều nơi lại là Lê Thánh Tôn. Một số địa phương đang sử dụng tên đường Lê Thánh Tôn như Thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố: Trà Vinh, Long Xuyên, Bà Rịa – Vũng Tàu, Phan Thiết… Tên đường Lê Thánh Tôn tại Pleiku cũng nằm trong tập hợp này, chứ không phải là cá biệt.
Vì sao lại tồn tại song song hai kiểu định danh về một nhân vật lịch sử như vậy? Theo nhà nghiên cứu Ngô Đức Thọ (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) trong sách Nghiên cứu Chữ húy Việt Nam qua các triều đại (NXB Văn hóa, 1997, trang 147) thì: Lê Thánh Tông trùng tên với tên thật vua Thiệu Trị là Nguyễn Phúc Miên Tông nên đổi thành Lê Thánh Tông “thay chữ Tông bằng chữ Tôn tại Miếu thờ Lê Thánh Tông ở kinh đô Huế. Phả hệ quan chế, đơn từ, bằng khoán, biến ngạch, sách vở đã có từ trước, nếu có chữ Tông chép riêng một mình thì cắt miếng giấy vàng dán vào. Từ đây về thì phải đổi dùng chữ khác…”. Do đó, từ thời vua Thiệu Trị (tháng 12 năm 1842) trở về sau, tên Lê Thánh Tông được đổi thành Lê Thánh Tôn.
Do hoàn cảnh chiến tranh, đất nước bị chia cắt nhiều năm, các địa phương phía trong vĩ tuyến 17 (miền Nam), thường đặt tên đường, tên trường Lê Thánh Tông thành Lê Thánh Tôn cũng là điều có thể hiểu được.
Trần Khát Chân hay Trần Khắc Chân?
 
Đường Trần Khắc Chân, Đắk Lắk, ảnh C.Nguyên, nguồn Internet
Đường Trần Khắc Chân, TP Hồ Chí Minh. Tác giả Nhật Thịnh. Nguồn Internet
 
     Trần Khát Chân (1370 – 1399) là danh tướng dưới đời vua Trần Nghệ Tông. Nhiều địa phương đã lấy tên ông để đặt tên đường (Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang…). Bên cạnh đó, một số nơi vẫn sử dụng tên đường Trần Khắc Chân (Kon Tum, Buôn Ma Thuột và Pleiku…). Theo tìm hiểu của người viết bài này, riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, tên đường Trần Khắc Chân đã có từ năm 1953 và tồn tại đến hiện nay. Thông tin này cho thấy, nhiều khả năng Trần Khắc Chân (tên đường sai) ở Pleiku hiện tại, đã chịu sự ảnh hưởng từ đô thị lớn nhất miền Nam trước 1975, nơi từng là thủ đô của chế độ cũ. Đáng trách chăng là sau năm 1975, thậm chí tới những năm gần đây, (có thể) biết Trần Khắc Chân là tên sai mà các địa phương vẫn dùng để đặt tên đường. Tuy nhiên, đó lại là câu chuyện khác sẽ trình bày ở phần dưới đây.
Vì sao biết sai mà chưa sửa?
     Đặt đúng và thống nhất tên các nhân vật lịch sử cho các tuyến đường là việc bắt buộc, được pháp luật quy định. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, hiện nay điều này đôi khi chưa trở thành hiện thực. Một trong những lý do đáng kể là việc đổi tên đường có thể gây khó khăn, trở ngại cho người dân về thông tin trên giấy tờ tùy thân, giấy đăng ký quyền sử dụng đất, hợp đồng điện, nước, viễn thông, v.v.
Liên quan đến quy chế đặt đổi tên đường, Điều 5, Mục 1, Chương 2 của Nghị định 91/2005/NĐ-CP ghi: “Không đổi tên đường, phố và công trình công cộng có tên gọi quen thuộc, gắn với lịch sử - văn hóa của dân tộc, địa phương và ăn sâu trong tiềm thức, tình cảm của Nhân dân qua nhiều thế hệ. Trường hợp đường, phố và công trình công cộng đã đặt tên mà xét thấy không có ý nghĩa lịch sử - văn hóa, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, không phải là nhân vật lịch sử tiêu biểu của đất nước hoặc địa phương, gây ảnh hưởng, tác động xấu trong xã hội thì phải đổi tên, nhưng cần xem xét thận trọng”.
     Đoạn trích trên rõ ràng không ủng hộ việc đặt tên đường sai và đã sai thì phải sửa nhưng ngay cả đối với những trường hợp được xem là rất… không đúng vẫn cần sự thận trọng. Đây chính là lý do khiến nhiều tên đường phố rơi vào tình cảnh biết sai nhưng chưa thể sửa. Đường Lê Thánh Tôn (dài 4.600 m), đường Trần Khắc Chân (350 m) ở Pleiku là một ví dụ.
Không nên đặt tên đường sai. Nhưng nếu vì lý do nào đó, việc này đã xảy ra thì cần tổ chức lấy ý kiến người dân, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để điều chỉnh tên đường theo quy định của pháp luật. Khi chưa thể điều chỉnh, sửa đổi những bất cập, sai sót trong việc đặt, đổi tên đường ngay, cơ quan chức năng cần có sự giải thích thêm về các trường hợp cụ thể. Sẽ không ai thắc mắc, nếu bản “lý lịch tên đường” (trên tài liệu in, mã QR hay môi trường mạng,…) Lê Thánh Tôn, Trần Khắc Chân được chú giải thêm rằng các ông chính là Lê Thánh Tông, Trần Khát Chân./.
Huyền Thương - QLVH

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công