Gia Lai tham gia Ngày hội văn hóa – du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022

Ngày đăng: 06/12/2022, 08:21

Từ ngày 27 đến 29 tháng 11 tại Quảng trường Hùng Vương, Phường 1, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, Gia Lai tham gia tại Không gian “Hội tụ tinh hoa di sản văn hóa phi vật thể đại diện các vùng, miền” trong khuôn khổ Ngày hội văn hóa – du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022. Đây sẽ là cơ hội giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm để thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Từ đó, gắn việc phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể với phát triển du lịch, thúc đẩy liên kết vùng, liên vùng trong hợp tác phát triển du lịch.

Đoàn nghệ nhân Gia Lai biểu diễn cồng chiêng Đưa nước về làng trong đêm Khai mạc Ngày hội.

 

32 nghệ nhân Jrai đến từ làng Choét 2, phường Thắng Lợi, thành phố Pleiku tham gia 4 tiết mục trong chuỗi hoạt động của sự kiện gồm: Trình diễn Cồng chiêng mừng chiến thắng; Hoà tấu nhạc cụ dân tộc; Hát giao duyên Cùng nhau lên rẫy; Tốp ca Gặt lúa đông xuân; Cồng chiêng Đưa nước về làng và Tái hiện lễ phục dựng Mừng lúa mới. Cùng với phô diễn giá trị văn hóa địa phương, Gia Lai tăng cường thông tin, giới thiệu nguồn tài nguyên du lịch đến với du khách thông qua việc quảng bá các chương trình tour du lịch đặc trưng của tỉnh, các ấn phẩm du lịch cùng với trưng bày những sản phẩm lưu niệm truyền thống của người dân bản địa như: trang phục truyền thống đồng bào Bahnar, Jrai; nhiều loại trang sức như ví, túi, dây đeo cổ, khăn choàng thổ cẩm; các loại nhạc cụ dân tộc như T’rưng, đàn Goong, Kơ ní, chuông gió, quả bầu khô, ghè rượu… giới thiệu đến với bạn bè trong và ngoài nước. Phim đặc thù về du lịch “Gia Lai chưa xa đã nhớ” và bộ ảnh đẹp Gia Lai được trình chiếu trong những ngày diễn ra sự kiện sẽ đưa du khách đến gần hơn với một vùng đất cao nguyên xanh giàu bản sắc văn hóa, di sản.

Du khách tham quan Không gian trưng bày văn hóa - du lịch tỉnh Gia Lai

Ngoài di sản văn hóa Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên (đại diện tỉnh Gia Lai trình diễn), trong khuôn khổ của Không gian trưng bày và trình diễn di sản văn hóa phi vật thể còn có sự tham gia của Di sản văn hóa Đờn ca tài tử Nam Bộ (Bạc Liêu); Dân ca Quan họ (Bắc Ninh); Ca trù (thành phố Hà Nội); Hát Chèo và hát Xẩm (Ninh Bình); Nghệ thuật Bài Chòi, đàn đá và văn hóa Chăm  (Quảng Nam) và Các loại hình nghệ thuật của đồng bào Khmer (Sóc Trăng).

Chuỗi sự kiện văn hóa, du lịch có ý nghĩa quan trọng này nhằm đẩy mạnh các hoạt động giao lưu văn hóa giữa các tỉnh, thành phố trong nước, quốc tế, đồng thời quảng bá hình ảnh, di sản văn hóa, con người mỗi vùng, miền, địa phương tham gia đến bạn bè trong nước và quốc tế, phục vụ phát triển du lịch.

 

Võ Thanh Thảo – Nhà hát CMNTH Đam San

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công