VÀI SUY NGHĨ VỀ TỔ CHỨC CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC Ở BẢO TÀNG

Ngày đăng: 25/11/2021, 14:13

VÀI SUY NGHĨ VỀ TỔ CHỨC

 CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC Ở BẢO TÀNG

Bài và ảnh: Huỳnh Bá Tính

Theo định nghĩa về Bảo tàng trong Luật Di sản văn hóa Việt Nam cũng như của Hội đồng Bảo tàng quốc tế (ICOM) thì giáo dục là một trong những nhiệm vụ quan trọng của bảo tàng bên cạnh nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày, kiểm kê, bảo quản.

Trang Bách khoa toàn thư Wikipedia định nghĩa về bảo tàng như sau: “Viện bảo tàng hay ngắn gọn là bảo tàng, là nơi trưng bày và lưu giữ tài liệu, hiện vật cổ liên quan đến một hoặc nhiều lĩnh vực như lịch sửvăn hóa của một dân tộc hay một giai đoạn lịch sử nào đó. Mục đích của viện bảo tàng là giáo dục, học tập, nghiên cứu và thỏa mãn trí tò mò tìm hiểu về quá khứ.

Như vậy có thể thấy rằng, giáo dục và phục vụ quần chúng là một trong những chức năng xã hội chủ yếu của bảo tàng. Trong thời đại hiện nay, đổi mới quan niệm giáo dục bảo tàng và đổi mới các hoạt động của bảo tàng là yếu tố quan trọng trong sự nghiệp phát triển bảo tàng. Các nhà Bảo tàng học hiện đại khuyến cáo chúng ta trong tương lai “không nên quên giáo dục là một trong những chức năng quan trọng của một bảo tàng và là lý do để bảo tàng tồn tại”

Một trong những tiêu chí để đánh giá bảo tàng có thành công hay không phải là bảo tàng của công chúng. Bởi dù bảo tàng có sở hữu bộ sưu tập giá trị đến đâu mà không có người xem thì hiện vật đó chỉ là những di sản câm lặng. Có phát huy được giá trị hiện vật thì bảo tàng mới khẳng định được vị thế, vai trò quan trọng của nó trong đời sống xã hội.

Bảo tàng với lợi thế các sưu tập hiện vật về lịch sử tự nhiên và xã hội hàm chứa những nội dung và câu chuyện thú vị liên quan thực sự là nơi tìm hiểu, học tập, làm giàu kiến thức một cách hấp dẫn và hiệu quả nhất (đây là lợi thế riêng có của bảo tàng so với các tổ chức công cộng khác). Bảo tàng là nơi duy nhất để trưng bày, giảng dạy về nhiều chủ đề nếu như nhà giáo dục bảo tàng thiết lập được một cơ cấu tổ chức linh hoạt.
 
 

Thông tư số 18/2010/TT-BVHTTDL ngày 31 tháng 12 năm 2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về tổ chức và hoạt động của bảo tàng nêu rõ tại Điều 10: Hoạt động giáo dục bảo tàng gồm:

a, Hướng dẫn tham quan

b, Tổ chức chương trình giáo dục

c, Tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học, nói chuyện chuyên đề

d, Xuất bản ấn phẩm liên quan tới hoạt động giáo dục của bảo tàng.

Một số phương pháp xây dựng và tổ chức chương trình giáo dục ở bảo tàng

Để xây dựng và tổ chức chương trình giáo dục bảo tàng một cách hiệu quả nhất.

 Trước hết là khâu xây dựng thuyết minh trưng bày bảo tàng. Thuyết minh trưng bày là phương pháp quan trọng nhất giúp du khách tham quan bảo tàng. Việc xây dựng và thuyết minh trưng bày cần được thực hiện dựa vào công chúng, tức là xác định đối tượng khách tham quan. Mỗi đề cương thuyết minh trưng bày bảo tàng được xây dựng cho một lứa tuổi cụ thể, bởi mỗi đối tượng công chúng khác nhau sẽ có nhu cầu khác nhau. Một chương trình giáo dục bảo tàng được coi là thành công nếu chúng phù hợp với mối quan tâm hoặc nhu cầu của công chúng. Ví dụ: học sinh phổ thông sẽ tiếp thu được nhiều kiến thức hơn qua thông tin được trưng bày, giới thiệu phù hợp với chương trình học của nhà trường. Người lớn sẽ sẵn lòng học hỏi hơn nếu chủ đề trưng bày liên quan tới mối quan tâm đặc biệt của họ hoặc đó là chủ đề phù hợp với sở thích của họ…vv

Một số người có sở thích học trực quan, những người khác học tốt nhất qua trao đổi, tương tác… Vì vậy khi xây dựng đề cương trưng bày và thuyết minh trưng bày bảo tàng cần nghĩ đến đối tượng công chúng là ai và họ thích học như thế nào? Họ cần gì, muốn gì để có trải nghiệm học tập tích cực? Bạn sẽ cung cấp những gì để đáp ứng nhu cầu của họ? Do vậy cần chú trọng công tác nghiên cứu, đánh giá, khách tham quan, tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu của các đối tượng công chúng để xây dựng đề cương trưng bày, thuyết minh khác nhau phù hợp với từng đối tượng công chúng cụ thể.

Mới đây nhất, ngày 14 tháng 10 năm 2021 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Công văn số 3809/BVHTTDL-DSVH về việc đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và xây dựng chương trình phối hợp với Ngành giáo dục và đào tạo trong hoạt động bảo tàng. Tại mục 2.2 ghi rõ “Xây dựng các chương trình giáo dục di sản văn hóa dành riêng cho đối tượng học sinh, sinh viên gắn với khung kiến thức, kỹ năng sống phù hợp. Đa dạng hình thức giáo dục tại bảo tàng, như: tổ chức tham quan - trải nghiệm, trình diễn di sản văn hóa, nói chuyện chuyên đề hoặc giới thiệu trực tuyến về di sản văn hóa.”

Điều đó cho thấy, cơ quan đứng đầu nghành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã rất quan tâm đến việc xây dựng các chương trình giáo dục ở bảo tàng để công chúng/khách tham quan tiếp cận, trải nghiệm, học tập tại bảo tàng một cách hiệu quả nhất.

Thứ hai, hoạt động giáo dục trong bảo tàng phải coi khách tham quan là những người chủ động học tập. Ở phương Tây, các nhà bảo tàng học cho rằng: Mục đích của giáo dục bảo tàng không phải là “dạy” mà là giúp khách tham quan “học”. Có học giả lại chủ trương nên dùng từ “trao đổi” (communication) thay cho “giáo dục” và cho rằng “trao đổi” có thể phản ánh rõ ràng hơn thực chất hoạt động giáo dục của bảo tàng hiện đại. Theo Hiệp hội bảo tàng Anh, trong bảo tàng “học tập là một quá trình chủ động trải nghiệm. Đó là việc con người thực hiện khi họ muốn tìm hiểu về thế giới. Nó có thể bao gồm việc phát triển hoặc đào sâu về kỹ năng, kiến thức, sự hiểu biết, nhận thức, giá trị, ý tưởng và cảm xúc, hoặc tăng cường khả năng suy nghĩ. Học tập có kết quả dẫn đến sự thay đổi, phát triển và khao khát được hỏi thêm nữa”.

Bảo tàng cần xác định rõ nhiệm vụ là cung cấp các cơ hội học tập phục vụ công chúng chứ không phải là giáo dục ai về một nội dung nào đó. Vì vậy hoạt động truyền bá tri thức, giáo dục của bảo tàng ngày nay không còn là sự chuyển giao một chiều từ hướng dẫn, thuyết minh viên sang khách tham quan/công chúng mà là sự trao đổi hai chiều, tác động ảnh hưởng lẫn nhau. Người ta không chỉ quan tâm đến việc bảo tàng “dạy” gì cho công chúng mà quan trọng hơn là công chúng “học” như thế nào. Ở đây, công chúng là người học chủ động chứ không còn là người nghe thụ động nữa. Công chúng được tiếp cận nhiều chiều để tự rút ra những trải nghiệm, tự đúc kết những bài học, những kiến thức cho riêng mình.

Thứ ba, xây dựng và tổ chức các chương trình trải nghiệm.

Môi trường trải nghiệm ở bảo tàng vô cùng đa dạng với nhiều phương diện, nội dung khác nhau về thời gian, lịch sử xã hội, văn hóa; về chủng tộc, dân tộc, quốc gia, về không gian vô tận…

Cần xây dựng nội dung các chương trình trải nghiệm với nhiều hình thức phong phú như: nhập vai/hóa thân, cần nắm, tiếp xúc hiện vật; mô phỏng, trải nghiệm thông qua các giác quan; biểu diễn, thuyết trình, trình diễn thủ công dưới góc độ thực hành; tổ chức các hoạt động ngoài trời…vv. Ở đây, người trải nghiệm không chỉ xem, nghe mà quan trọng hơn là được gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ với các chủ thể văn hóa tham gia trình diễn, biểu diễn

Giao lưu với nhân chứng lịch sử là một hoạt động trải nghiệm mà nhiều bảo tàng, di tích trên cả nước đã thực hiện và thực hiện rất thành công, có nhiều sáng tạo trong hoạt động này. Điều đó tạo ra nhiều trải nghiệm thú vị cho thế hệ trẻ.

Thứ tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong giáo dục bảo tàng.

Ứng dụng khoa học kỹ thuật là việc vận dụng kỹ thuật nghe, nhìn như: ghi âm, ghi hình, phim, đĩa CD và phim đèn chiếu... ứng dụng trong những trường hợp nhất định đưa đến cho khách tham quan nội dung tuyên truyền giáo dục có liên quan nhằm đạt được mục đích giáo dục đã đặt ra. Ngày nay trong bối cảnh chịu ảnh hưởng chung của đại dịch Covid -19, nhiều bảo tàng tổ chức trưng bày và triển lãm online. Đây là một hướng đi mới, đem lại nhiều hiệu quả thiết thực, giúp công chúng tiếp cận, tham quan, trưng bày bảo tàng.
 
 

Bảo tàng tỉnh Gia Lai đưa triển lãm về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến các em học sinh trường PTDT Bán trú TH và THCS Krong,

 huyện Kbang

Thứ năm, tổ chức trưng bày lưu động

Tổ chức trưng bày lưu động không phải là vấn đề mới, thực tế đã được các bảo tàng áp dụng từ hàng chục năm nay. Ở nước ta, thường mỗi tỉnh có 1 bảo tàng cấp tỉnh đặt ở trung tâm thành phố, tỉnh, vì thế ở những huyện vùng xa xôi, việc tiếp cận trưng bày bảo tàng và hưởng thụ giá trị văn hóa vẫn rất hạn chế. Việc tổ chức nhiều hoạt động trưng bày lưu động đến các vùng nông thôn, trường học vùng sâu, vùng xa là giải pháp hữu hiệu để mở rộng chức năng phục vụ và hiệu quả xã hội của bảo tàng. Thực tế tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai những năm qua, đã có nhiều cuộc trưng bày lưu động hướng về trường học, vùng nông thôn và bộ đội… với chủ đề đa dạng, hình thức mới, lạ không những đã nâng cao hiệu quả xã hội của bảo tàng mà còn rèn luyện đội ngũ viên chức và giúp bảo tàng thu được những kinh nghiệm quý báu từ những hoạt động này.

Từ thực tiễn cho thấy, việc tổ chức trưng bày lưu động có nhiều ưu điểm như đề tài rộng, đối tượng rõ ràng, quá trình chuẩn bị nhanh gọn, cơ động, linh hoạt cho quần chúng. Hơn nữa, với chi phí ít và hiệu quả giáo dục rõ ràng, bảo tàng nên tích cực triển khai những hoạt động này, mở rộng hiệu quả xã hội của việc giáo dục, đồng thời giúp viên chức bảo tàng tìm tòi và xây dựng những kinh nghiệm mới trong thực tiễn công việc.

Tóm lại, bảo tàng là nơi lưu giữ những hiện vật thật, hiện vật gốc, nên có cơ hội đặc biệt để thu hút những người muốn tìm tòi, học hỏi, sẵn sàng đón nhận những trải nghiệm mới. Lý do bảo tàng bị gắn với những hình ảnh tiêu cực như: cũ kỹ, u ám, ẩm mốc, buồn tẻ… một phần đến từ sự trống vắng của các chương trình giáo dục. Việc chú trọng xây dựng và tổ chức các chương trình giáo dục nhằm gắn kết bảo tàng với cộng đồng, tạo cơ hội cho công chúng được trải nghiệm. Đây vừa là xu thế tất yếu của các bảo tàng hiện đại, vừa là con đường mà bảo tàng phải thực hiện nhằm tạo sự gắn kết, thu hút khách tham quan và chứng minh được vai trò, hiệu quả qua cách làm của mình.

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công