THÚ VỊ THÁC ĐĂK BOK'

Ngày đăng: 08/05/2017, 00:00

Qua lời giới thiệu của một người bạn là thổ địa của vùng đất Kbang, nơi được đất mẹ thiên nhiên ưu đãi ban tặng, hội tụ nhiều điểm du lịch văn hóa lịch sử và sinh thái của tỉnh nhà chúng tôi biết đến dòng thác Đăk Bok’ nằm cách trung tâm huyện gần 50km thuộc làng Cheng, xã Krong. Có hai hướng để đến được chân thác, bạn có thể đi theo đường Đông Trường Sơn đến xã Krong, thác cách UBND xã 1,5km hoặc đi theo hướng xã Sơn Lang đến trạm kiểm lâm, thác cách làng Đất Đỏ 1km.
 
   Đoàn chúng tôi khởi hành vào đúng ngày đại lễ 30/4 với tâm trạng của những lữ khách háo hức sắp được khám phá một điểm đến mới được giới thiệu với nhiều mỹ từ. Vì xuất phát hơi muộn, cả đoàn vừa đi vừa dừng nghỉ nên anh lái xe trong đoàn gợi ý nên mua cho mỗi người một gói xôi mang theo dự phòng cuộc hành trình kéo dài quá nữa trưa, quả thật sau đó ai cũng nhất trí đây là một sáng kiến hay và rất hữu dụng. Hơn 10h chúng tôi rời xe ngay điểm mốc là một tảng đá lớn để men theo con đường nhỏ với nhiều cây lau ngắn, cây gai mà phải thật cẩn thận không thì rất dễ bị đâm vào người, khi tôi đang ngồi viết bài này tay vẫn còn hơi nhức nhối vì cú trượt ngã nhè nhẹ nhưng tay bám níu hẳn một bụi gai bên đường. Mới đi được khoảng vài mét thì chúng tôi đã nghe tiếng nước chảy ầm ì, mọi người cùng đoán chắc hẳn đây là dòng thác có cường độ rộng và cao mới vang xa và rõ như vậy, người dẫn đường thì cười và bảo cứ đi rồi sẽ rõ, còn nhiều điều hay và thú vị hơn ở phía trước đang chờ. 
   Quả thật đường xuống rất trơn trợt và khó đi, du khách chỉ có thể bám vào những bụi cây hai bên đường, đôi khi phải bò và trượt bằng hai chân để xuống được những khúc quá trơn. Anh Nguyễn Xuân Tập - cán bộ trung tâm văn hóa huyện và cũng là hướng dẫn viên của đoàn cho biết: “Vì mưa rả rích cả ngày hôm qua nên ảnh hưởng xấu đến đường đi, kể cả những ổ voi trơn trợt, lầy lội trên đường lộ vào đây. Đây là một trong những dòng thác đẹp của huyện nên người dân cũng thường rủ nhau vào vui chơi, tắm thác và dã ngoại tại khu vực này, bình thường đường cũng tương đối dễ đi nên không bị ảnh hưởng nhiều, nếu được đầu tư xây dựng đường xuống thác cho bài bản và thuận lợi hơn có lẽ sẽ thu hút được nhiều du khách đến tham quan và thưởng lãm”.
   Gần 40 phút leo xuống để đến được chân thác, gần đến đích có nhiều tảng đá to nhỏ nhiều hình thù là điểm nghỉ chân và ngắm cảnh, mọi cảm xúc dường như vỡ òa, thu vào tầm mắt là một khoảng không rộng mở, cầu vồng xuất hiện, thoát ẩn thoắt hiện làm mọi người ngẩn ngơ, vừa òa lên định chớp vài tấm ảnh đẹp thì bỗng dưng cầu vồng biến mất, mọi người tự bảo nhau, đợi tí, lại xuất hiện ngay bây giờ, thật vậy! Một dòng thác cao tầm 80m, đổ ầm ầm, bọt tung trắng xóa, hơi nước bay mù mù văng xa, đứng gần rất khó để chụp được những khoảnh khắc đẹp vì nước bắn cả vào máy, vào người ướt sũng, mát lạnh. Trên kia đỉnh thác dòng nước với cường độ mạnh tuôn đổ ầm ì tạo thành một dải lụa trắng vắt trên nền những khối đá bazan hình trụ đứng xếp thẳng hàng như được sắp xếp sẵn vậy.
   Cả đoàn, mỗi người chọn cho mình gốc độ đẹp, lạ nhất để ghi lại nét đẹp thác qua từng khung ảnh, vui và phấn khởi nhất có lẽ là anh Doãn Vinh, một tay săn ảnh có tiếng của phố núi với nhiều tấm ảnh đẹp, anh chuẩn bị nào là flycam, máy ảnh đủ cả để săn ảnh thế nhưng vì không có định vị tại khu vực này nên dự định quay thước phim đẹp thất bại,  anh đành “vớt vát” lại bằng nhiều góc độ ảnh hứa hẹn sẽ có nhiều khung hình đẹp, chúng tôi lại được ảnh chụp cho khá nhiều ảnh kỷ niệm nên rộn ràng lắm...

   Anh Đào Thanh Sơn là một thạc sĩ lâm nghiệp chuyên nghiên cứu về rừng, nông nghiệp đang làm việc tại đây cho biết: “Tuy đang vào mùa khô nhưng nước tương đối nhiều và trong, vào mùa mưa nước trải rộng và mạnh, nước rất nhiều. Xung quanh khu vực có nhiều thảm thực vật cây tầm thấp và cây tầm cao, một số cây lớn như hương mật, cội tẻ… có thể nghiên cứu, tiềm hiểu thêm về thảm thực vật quanh khu vực”.
   Còn anh Lâm Ngọc Đường, công tác tại sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng tham gia trong chuyến đi này nêu ra một vài sáng kiến: “Nếu được quy hoạch trong tương lai có thể đầu tư cáp treo hoặc cầu trượt xuống tới chân thác kết hợp thưởng cảnh hai bên đường như một số tỉnh bạn Đà Lạt, Kiên Giang đã làm và rất thành công có lẽ sẽ thu hút được nhiều hơn những lữ khách trong và ngoàn tỉnh đến chinh phục dòng thác đẹp này. Bên cạnh đó khi khu Di tích Lịch sử - Văn hóa căn cứ địa cách mạng khu 10 thuộc xã Krong hoàn thành vào năm sau sẽ tạo thành cụm tour du lịch của du khách khi đến với điểm du lịch về nguồn kết hợp chinh phục và thưởng ngoạn dòng thác Đăk Bok’ với nhiều thuận lợi về giao thông và tiết kiệm được thời gian.

 
Võ Thanh Thảo (Trung tâm VHĐADL)

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công