Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai

Ngày đăng: 26/03/2024, 13:50

Kông Chro là huyện nằm phía Đông của tỉnh Gia Lai, cách thành phố Pleiku khoảng 120 km. Công tác bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử là mục tiêu vô cùng quan trọng góp phần không nhỏ vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống tinh thần, giáo dục thế hệ trẻ và khơi dậy lòng tự hào dân tộc.
 
Kông Chro có Cụm di tích Nền nhà, Hồ nước và Kho tiền Ông Nhạc tại làng Hlang, xã Yang Nam, huyện Kông Chro, thuộc quần thể di tích lịch sử Tây Sơn Thượng đạo, đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 93/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
 
Trải qua hàng trăm năm, vùng đất “ Địa linh nhân kiệt” đã tạo nên một kho tàng di sản vật thể hết sức phong phú, có giá trị, mang tính nhân văn sâu sắc, cố kết cộng đồng bền chặt, giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh giành độc lập của cha ông cho các thế hệ mai sau.
 
1. Khu vực Nền nhà, Hồ nước ông Nhạc:
 
Là nơi Nguyễn Nhạc dùng để giao tiếp buôn bán với đồng bào Bahnar, tập hợp lực lượng khởi nghĩa. Nền nhà, Hồ nước được ông Nguyễn Nhạc làm địa điểm dừng chân để đi tuyên truyền và vận động đồng bào các dân tộc trong vùng hưởng ứng và ủng hộ phong trào Tây Sơn.
 
Nguyễn Nhạc là lãnh tụ tối cao của phong trào nông dân Tây Sơn giai đoạn đầu đã đi các vùng xung quanh cùng với bà Đố dưới hình thức buôn bán để tập hợp lực lượng gây dựng phong trào. Nguyễn Nhạc và bà Đố đã đến làng Đê Hlang làm nhà và xây hồ nước trên núi Prum tập hợp quân lính, mua voi, ngựa và lâm thổ sản ở vùng này.
 
Khu vực Nền nhà, Hồ nước Ông Nhạc tại làng Hlang, xã Yang Nam đã được trùng tu các hạng mục như: Nền nhà (diện tích 330,6 m2); Hồ nước ông Nhạc bằng đá ong; Nhà bia (diện tích 36 m2); cổng vào bằng đá tự nhiên; bàn lễ, lư hương, lối đi nội bộ. Khu vực xung quanh được bảo vệ bằng hàng rào kẽm gai khoảng 5.200 m2; trong đó dựng bia di tích tại công trình bằng đá granit 2 m2, có đường bê tông nối từ trục đường liên xã đến Khu di tích, nhằm tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân, khách du lịch đến tham quan nghiên cứu, học tập. Việc trùng tu đã góp phần tuyên truyền, giới thiệu và bảo vệ giữ gìn Khu di tích hiệu quả.
 
2. Khu vực Kho tiền Ông Nhạc:
 
Kho tiền cách khu vực Nền nhà, Hồ nước Ông Nhạc khoảng 3,5 km về phía Tây Nam, nằm trên một khúc suối H’lang. Khúc suối này có nhiều khối đá chồng lên nhau tạo thành nhiều hốc đá, khe đá. Nhiều người dân địa phương cũng như các chuyến khảo sát khác nhau đều tìm thấy trong khu vực này có nhiều đồng tiền xu cổ, đa phần là tiền đồng Trung Quốc và Việt Nam trước thời Tây Sơn .
 
Tổng diện tích hiện trạng 3.300m2, Kho tiền hiện tại là một hốc đá kín đáo bên bờ khe suối (một nhánh của suối Hlang, xã Yang Nam), hiện chưa được đầu tư, tôn tạo, khoanh vùng bảo vệ, đường giao thông đi lại khó khăn. Kết cấu hạ tầng hầu như chưa có gì nên khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động tham quan và giới thiệu, tuyên truyền của Di tích này.
 
Cuối năm 2021, UBND huyện Kông Chro đã phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh lập quy hoạch khu di tích lịch sử Nền nhà, Hồ nước, Kho tiền Ông Nhạc trên địa bàn xã Yang Nam, huyện Kông Chro, diện tích quy hoạch Nền nhà, Hồ nước Ông Nhạc là 28.349,6 m2; Diện tích quy hoạch Kho tiền Ông Nhạc là 18.392,9 m2 trình Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Chính phủ xem xét phê duyệt và có kế hoạch đầu tư, tôn tạo sau này.
 
3. Công tác bảo tồn phát huy khu di tích
 
Trong thời gian qua, các đơn vị chuyên môn, các ngành chức năng và các đơn vị có liên quan thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử trên địa bàn như: Trồng cây xanh xung quanh khu di tích Nền Nhà, Hồ nước ông Nhạc, đặt bảng giới thiệu về di tích, tu bổ, làm đường bê tông và biển chỉ dẫn đường vào khu di tích…
 
Đoàn viên, thanh niên tổ chức lao động vệ sinh sạch sẽ khuôn viên khu di tích cũng như đường vào khu di tích; Trường Phổ thông dân tộc bán trú TH-THCS Yang Nam và trường THCS Quang Trung thị trấn Kông Chro đưa học sinh đến tham quan, thắp hương tưởng niệm và chăm sóc khu di tích vào mỗi dịp ngày 27/7. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tổ chức Cuộc thi viết tìm hiểu về “Di sản văn hóa quê hương em” Qua đó giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, nâng cao lòng tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm đối với việc gìn giữ và kế thừa truyền thống, bản sắc văn hoá dân tộc.
 
 
Đoàn thanh niên xã Yang Nam, huyện Kông Chro tham gia
dọn vệ sinh khu di tích lịch sử Nền Nhà, Hồ Nước ông Nhạc
 
Thực hiện video clip “ Kông Chro bốn mùa” giới thiệu về tiềm năng phát triển du lịch gắn với việc bảo tồn bản sắc văn hóa trên địa bàn. Video đã quảng bá trên cổng thông tin của huyện, trên các trang mạng Zalo, Facebook, trên kênh YouTube, quảng bá các kênh tuyên truyền của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh về khu du lịch sinh thái, di tích lịch sử Tây Sơn Thượng đạo, không gian văn hóa cồng chiêng và nhiều cảnh quan môi trường, giới thiệu về tiềm năng du lịch của huyện. Năm 2023 phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Gia Lai thực hiện xây dựng phim tài liệu, quảng bá xúc tiến đầu tư, giới thiệu về tiềm năng lợi thế của huyện.
 
Di tích lịch sử là tài sản của các thế hệ đi trước trao truyền lại cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Vì thế, việc bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử trên địa bàn huyện chính là thể hiện cụ thể tinh thần yêu nước, sự biết ơn của chúng ta đối với các bậc tiền nhân, vun đắp những truyền thống tốt đẹp của cha ông, đó là cội nguồn, gìn giữ và lưu truyền cho các thế hệ mai sau, đồng thời là sức mạnh nội sinh để phát triển kinh tế - xã hội bền vững./.
 
Bích Thuận

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công