Đoàn nghệ nhân, diễn viên, vận động viên Gia Lai đạt nhiều thành tích tại ngày Hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I năm 2023

Ngày đăng: 05/12/2023, 18:36

Trong các ngày từ 28/11 đến 01/12/2023, đoàn nghệ nhân, diễn viên, vận động viên tỉnh Gia Lai đã tham dự nhiều hoạt động tại ngày Hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch lần thứ I năm 2023 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại tỉnh Kon Tum.
Mở đầu cho các hoạt động, tỉnh Gia Lai tham gia chương trình khai mạc hoành tráng với nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc. Trong đó, Nhà hát ca múa nhạc tổng hợp Đam San biểu diễn tiết mục hát múa “Dã quỳ Chư Đang Ya” đã mang đến một màu sắc rực rỡ, sinh động cùng khung cảnh nhộn nhịp của mùa lễ hội tại Gia Lai. Bên cạnh đó, gần 40 nghệ nhân của tỉnh đã có màn hòa tấu cồng chiêng cùng nghệ nhân 5 tỉnh Tây Nguyên trên sân khấu khai mạc; thể hiện tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc và sức sống của Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên trong cộng đồng.
Ở nội dung trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống, Gia Lai đã phục dựng Lễ cúng giọt nước của người Jrai, xã Ia Phí, huyện Chư Păh. Đối với người Jrai ở Ia Phí thì cúng bến nước là một trong những nghi thức dân gian quan trọng của cộng đồng. Lễ cúng thường được thực hiện vào tháng 4 đến tháng 5 hằng năm; với mong muốn cầu Thần nước (Yang Ia) ban cho nguồn nước dồi dào để phục vụ canh tác, sản xuất; cho cây cối, hoa màu phát triển tốt tươi, không bị sâu bọ phá hoại; mang lại mùa vụ bội thu, dân làng ấm no, khỏe mạnh. Tại không gian phục dựng, các nghệ nhân tỉnh Gia Lai đã tái hiện khung cảnh bến nước nơi thực hiện lễ cúng. Già làng cùng dân làng chuẩn bị lễ vật để dâng lên Thần nước gồm 01 con heo, 01 con gà, 01 ghè rượu. Kết thúc bài khấn của già làng, dân làng cùng nhau xuống giọt hứng nước, vui chơi, cầu mong mọi điều tốt lành. Hòa trong tiếng cồng chiêng, đoàn nghệ nhân xã Ia Phí đã tạo ra một không khí lễ hội vui tươi, đặc sắc tại ngày hội và Hội đồng nghệ thuật chấm giải B cho phần phục dựng này.
Chương trình tham gia Liên hoan văn nghệ quần chúng cũng để lại ấn tượng đặc biệt cho khán với 4 tiết mục dân ca, nhạc cụ dân tộc mang đậm màu sắc dân gian được kết hợp cùng nhiều loại nhạc cụ dân tộc độc đáo như đàn goong, kní, tơ rưng, clec... Bằng phần thể hiện này, chương trình văn nghệ quần chúng của tỉnh đã được Hội đồng nghệ thuật trao tặng 02 giải A cho các tiết mục hát dân ca “Mẹ không cho – Cha không đồng ý” và hòa tấu nhạc cụ dân tộc “Mừng chiến thắng”; 02 giải B được trao cho các tiết mục hát dân ca “Tỏ tình bên suối” và “Chim Pơ – rơ – tốc”.
Phần trình diễn trang phục truyền thống đã xuất sắc giành giải A khi giới thiệu 18 bộ trang phục thường ngày, lễ cưới và lễ hội của 03 tộc người Bahnar, Jrai và Tày đang sinh sống trên địa bàn tỉnh.
Với mục đích tìm ra điểm đặc trưng cho ẩm thực tỉnh nhà Gia Lai tham gia trưng bày, giới thiệu ẩm thực truyền thống đặc trưng của địa phương tại ngày Hội đã mang đến ẩm thực hấp dẫn gồm các món: Cá lăng Sê San nướng đá muối, gà đồi cuộn ngũ sắc sốt tiêu rừng, bò Krông Pa tần bí đỏ và cocktail chanh dây. Nguyên liệu chế biến món ăn được chọn lọc từ nguồn thực phẩm đặc trưng của địa phương, được chế biến theo tiêu chuẩn nhà hàng và biến tấu trong trình bày, thưởng thức khiến Hội đồng nghệ thuật phải thốt lên rằng “đây là thực đơn đáng thử nhất tại phần thi ẩm thực này!”. Qua phần thi ẩm thực đã chứng tỏ rằng, từ những món ăn truyền thống được chế biến theo phong cách chuẩn nhà hàng sẽ giúp ẩm thực nói riêng và du lịch nói chung của địa phương đạt được những dấu ấn trong lòng du khách. Gia Lai đạt giải B phần trình diễn này.
Không gian trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa truyền thống có lẽ là nơi thu hút du khách đông nhất trong các không gian trưng bày tại ngày Hội lần này. Với chủ đề “Gia Lai - Những sắc màu văn hóa”, không gian trưng bày gồm nhiều hiện vật, hình ảnh quảng bá về văn hóa, du lịch của tỉnh như thắng cảnh Biển Hồ, khu dự trữ sinh quyển Kon Hà Nừng, di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo... Đặc biệt phần chế tạc nhạc cụ dân tộc và thực hành nghệ thủ công truyền thống: Đan lát, dệt vải, tạc tượng do các nghệ nhân thực hiện tại không gian trưng bày đã giúp nhiều du khách được tìm hiểu và biết thêm về các tri thức dân gian của người đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai. Không gian trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa truyền thống của tỉnh được Hội đồng nghệ thuật đánh giá đạt giải B.
Đối với nội dung thể thao tham gia: Leo cột mỡ, bắn ná, đẩy gậy, kéo co; đạt tổng cộng 36 Huy chương gồm: 09 Huy chương Vàng, 11 Huy chương Bạc, 16 Huy chương Đồng. Kết quả chung cuộc ở nội dung thể thao đoàn Gia Lai xếp thứ Nhì toàn đoàn.
Ngoài ra, đoàn nghệ nhân của tỉnh còn tham gia biểu diễn tại chương trình nghệ thuật bế mạc ngày Hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I năm 2023.
Theo đánh giá từ Ban Tổ chức, đoàn Gia Lai tham gia ngày Hội với tinh thần, trách nhiệm cao; nghiêm túc và có sự đầu tư, chuẩn bị tốt ở tất cả các nội dung. Là đoàn có số lượng nghệ nhân, diễn viên, vận động viên tham gia đông nhất. Tỉnh Gia Lai đã mang đến ngày Hội nhiều hoạt động sôi nổi, đặc sắc, hấp dẫn và để lại ấn tượng đẹp cho Ban Tổ chức, Hội đồng nghệ thuật và du khách. Với những thành tích trên, đoàn đã nhận được bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum. Đây chính là động lực để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên tỉnh nhà tiếp tục cố gắng tập luyện nhằm tham gia tốt hơn nữa tại Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ II được tổ chức tại tỉnh Lâm Đồng vào năm 2026./.
Huyền Thương
Một số hình ảnh các hoạt động 
 
 
 
 
 

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công