Gia Lai: Ban hành Quy định quản lý bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh.

Ngày đăng: 28/02/2023, 11:49

Nhằm mục đích tăng cường trách nhiệm phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương liên quan trong việc triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan, ngày 22/02/2023, UBND tỉnh Gia Lai đã ký Quyết định số 72/QĐ-UBND về việc Ban hành Quy định quản lý bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh.

Nội dung Quy định gồm 4 Chương, 18 Điều quy định trách nhiệm quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị đối với di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng và chưa được xếp hạng (sau đây gọi chung là di tích), di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; việc thành lập tổ chức quản lý, bảo vệ di tích và kinh phí quản lý, bảo vệ di tích trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Quy định cũng nêu rõ việc thành lập tổ chức quản lý bảo vệ di tích. Đối với di tích quốc gia đặc biệt do Ban Quản lý di tích quốc gia đặc biệt trực thuộc UBND tỉnh quản lý. Đối với di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh, di tích trong danh mục kiểm kê, UBND cấp huyện căn cứ vào số lượng, giá trị, quy mô của di tích thành lập tổ chức quản lý, bảo vệ. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) phối hợp tham gia quản lý cùng các địa phương.

Kinh phí cho hoạt động quản lý, bảo vệ, đầu tư, tôn tạo di tích được bố trí từ nguồn ngân sách Nhà nước theo phân cấp hiện hành, nguồn xã hội hoá và nguồn thu từ các hoạt động của di tích. Hằng năm, UBND các cấp đảm bảo ngân sách cho việc lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích; bố trí kinh phí và tổ chức huy động xã hội hoá để thực hiện công tác trùng tu, tôn tạo, bảo vệ di tích. Việc trùng tu, tôn tạo phải đảm bảo không phá vỡ những yếu tố gốc cấu thành di tích.

UBND tỉnh giao Sở VHTTDL chịu trách nhiệm tham mưu các nội dung như: Chủ trì tổ chức kiểm kê di tích; hướng dẫn các đơn vị, tổ chức, cá nhân lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích, thẩm định và trình cấp có thẩm quyền xem xét, xếp hạng; tham mưu tổ chức lễ đón bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt; thẩm định, đề nghị phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch di tích thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh; phối hợp với các cơ quan liên quan trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát huy giá trị di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia theo quy định, tiếp nhận và báo cáo Bộ VHTTDL về việc chuyển quyền sở hữu bảo vật quốc gia của tổ chức, cá nhân (nếu có); tổ chức đào tạo, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa ở địa phương; quản lý, hướng dẫn các hoạt động lễ hội, tín ngưỡng gắn với di tích; tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật theo thẩm quyền đối với việc quản lý, bảo vệ di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh; hằng năm, tổng hợp, báo cáo cơ quan cấp trên về công tác quản lý, bảo vệ di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh…

UBND cấp huyện thực hiện quản lý nhà nước về di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trong phạm vi quyền hạn và nhiệm vụ được phân công và giao UBND cấp xã thực hiện quản lý di tích trên địa bàn.

Các sở, ngành liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện việc quản lý/phối hợp với Sở VHTTDL trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh./.

                                                          Nguyễn Thị Hoa, Phòng Quản lý Văn hóa

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công