Gia Lai: thêm 03 di tích được xếp hạng di tích cấp tỉnh

Ngày đăng: 06/12/2022, 07:13

Gia Lai: thêm 03 di tích được xếp hạng di tích cấp tỉnh

 

Vừa qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành các Quyết định số 559/QĐ-UBND ngày 09/11/2022, Quyết định số 637/QĐ-UBND ngày 25/11/2022 và Quyết định 642/QĐ-UBND ngày 28/11/2022 về việc công nhận thêm 03 di tích cấp tỉnh.

Theo đó, 03 di tích được xếp hạng gồm: Di tích lịch sử Chiến thắng Suối Vối, Rộc Dứa (Tổ 1, Phường Ngô Mây, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai), có diện tích: 489 m², trong đó, khu vực I: 100 m²; khu vực II: 389 m²; di tích danh lam thắng cảnh Quảng trường Đại Đoàn Kết (Phường Tây Sơn, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) với diện tích: 10,6 ha, trong đó, khu vực I: 1,487 ha; khu vực II: 9,113 ha; di tích lịch sử Bia Chăm Tư Lương (Thôn Tư Lương, xã Tân An, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) với diện tích: 229 m², trong đó, khu vực I: 72 m²; khu vực II: 157 .

 Chiến thắng Suối Vối, Rộc Dứa năm 1947 tại An Khê gắn liền với tên tuổi Anh hùng liệt sỹ Ngô Mây. Buổi đầu chống Pháp, cả dân tộc ta đứng trước muôn vàn khó khăn, thiếu vũ khí, lương thực, thiếu lực lượng, chưa có nhiều kinh nghiệm chiến tranh, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã lập nên nhiều chiến công ở khắp cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Trận Suối Vối, Rộc Dứa năm 1947 với tiếng bom cảm tử của chiến sĩ Ngô Mây không chỉ tiêu diệt một đơn vị địch cụ thể mà quan trọng hơn là làm cho thực dân Pháp khiếp sợ trước tinh thần quả cảm, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của dân tộc ta.

 

Description: http://svhttdl.gialai.gov.vn/Upload/Images/3ditich.jpg

Bia tưởng niệm anh hùng liệt sỹ Ngô Mây. Ảnh Nguyễn Quang Tuệ

Việc công nhận di tích Suối Vối, Rộc Dứa gắn với công trạng của Anh hùng liệt sỹ Ngô Mây là một hành động uống nước nhớ nguồn, thiết thực tôn vinh những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc. Tên tuổi anh hùng Ngô Mây đã được đặt tên cho nhiều con đường, trường học trên khắp cả nước.

Quảng trường Đại Đoàn Kết nằm ở trung tâm TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai, được hoàn thiện và tổ chức Lễ khánh thành vào ngày 09/12/2012. Với niềm mong ước khôn nguôi được đón Bác về với đồng bào Tây Nguyên và xuất phát từ sự đồng thuận của cán bộ, người dân và cả hệ thống chính trị tỉnh nhà, ngày 30/6/2008, Tỉnh ủy Gia Lai có Tờ trình xin chủ trương Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc xây dựng tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên và đã được chấp thuận. Công trình có tổng diện tích 10,6 ha với nhiều hạng mục như: Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên, dàn cồng chiêng, mô hình núi Hàm Rồng, hồ phun nước nghệ thuật, cột cờ, sân Quảng trường, thạch thư, tháp đá đoàn kết, hòn đá mã não, hồ sen, nơi thờ Bác Hồ, vườn cây…

 

Description: http://svhttdl.gialai.gov.vn/Upload/Images/3ditich1.jpg

Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên. Ảnh Đinh Sơn

Quảng trường sau khi đưa vào sử dụng đã trở thành niềm tự hào của Nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai. Sự hình thành của Quảng trường không chỉ mang ý nghĩa lịch sử, giá trị về mặt kiến trúc xây dựng mà còn là biểu tượng của sự phát triển văn hoá - xã hội. Đây là danh lam thắng cảnh, công trình tiêu biểu, điểm nhấn quan trọng đối với du lịch địa phương, là địa điểm vui chơi, giải trí của đông đảo quần chúng Nhân dân, góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Nhiều hạng mục quan trọng của Quảng trường Đại Đoàn Kết đã được Nhà nước, các bộ, ngành, tổ chức đánh giá cao, cả về thiết kế, chất lượng kỹ, mỹ thuật, đây cũng là địa điểm tổ chức các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa lớn của tỉnh nhà thời gian qua.

 Bia Chăm Tư Lương được người dân địa phương phát hiện vào khoảng sau năm 1960. Từ khoảng giữa năm 2010, tên gọi “bia Chăm/bia đá Chăm” hoặc “bia Champa/bia đá Champa” bắt đầu được nhắc đến trên mạng xã hội và trong một số bài báo chính thống. Đến đầu năm 2018, khi GS. Arlo Griffiths (Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp – EFEO) đến Đak Pơ và tiến hành dịch các dòng ký tự bí ẩn này và ông đã định danh chính thức là bia Chăm Tư Lương hoặc bia Champa Tư Lương. Từ văn bản tiếng Chăm cổ khắc trên đá, GS. Arlo Griffiths chuyển sang Anh ngữ, và được nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Tuệ dịch sang Tiếng Việt. Nôi dung: “Văn khắc Tư Lương có đề cập đến con trai của vị vua Jayasiṅhavarma thuộc triều đại Vṛṣu, người được cho là được tôn phong tên Indravarman vào năm ba mươi hai. Từ những văn khắc khác, chúng ta biết rằng người con trai này của Jayasiṅhavarma có danh xưng đầy đủ là Srī Vr̥ṣu-Viṣṇujāti Vīrabhadravarmadeva và tên hiệu đầy đủ là Vr̥ṣu-Indravarmadeva”.

Description: http://svhttdl.gialai.gov.vn/Upload/Images/3ditich2.jpg

 

 Bia Chăm Tư Lương. Ảnh Nguyễn Quang Tuệ

Bia Tư Lương là một phát hiện hết sức đặc biệt, điều đó càng thêm khẳng định tại vùng đất này trước đây đã có đời sống, văn hóa, xã hội liên quan đến người Chăm. Việc xếp hạng di tích này, cũng như việc đầu tư xây dựng là rất cần thiết để phục vụ phục vụ du khách, các nhà nghiên cứu và Nhân dân đến tham quan, tìm hiểu.

Như vậy, đến thời điểm hiện tại, Gia Lai có tổng số 37 di tích, cụm di tích đã được xếp hạng, gồm: 01 quần thể với 09 cụm di tích được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt (quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo, xếp hạng năm 2022), 08 di tích quốc gia và 20 di tích cấp tỉnh.

Nguyễn Thị Hoa – Phòng Quản lý Văn hóa

 

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công