VĂN HÓA CỘNG ĐỒNG NGƯỜI BAHNAR QUA GÓC NHÌN NGHI LỄ CÚNG BẾN NƯỚC

Ngày đăng: 05/08/2022, 14:25

Lễ cúng bến nước của người Bahnar sinh sống tại thôn Bi Gia, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa thường diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 7 hàng năm. Đến với nghi lễ này, chúng ta sẽ khám phá được nhiều nét độc đáo trong văn hóa truyền thống của người dân bản địa. Đáng chú ý nhất là nếp sống cộng đồng gắn bó bền chặt được thể hiện một cách cụ thể, sinh động.

Từ lâu, bến nước được xem là một trong những biểu trưng của nếp sống cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, trường hợp tại thôn Bi Gia không ngoại lệ. Ở bến nước duy nhất của thôn, những câu chuyện xung quanh cuộc sống được dân làng bày tỏ cùng nhau sau thời gian đi làm nương rẫy, cùng nhau rửa rau, tắm giặt, cùng nhau hứng những giọt nước mát ngọt được “Yang đak” ban cho mang về sử dụng. Lễ cúng bến nước là nghi lễ rất quan trọng, thông qua đó, dân làng gửi đến “yang” lời mong cầu mưa thuận gió hòa, nước chảy quanh năm, mùa màng tươi tốt, bội thu, vạn vật trong buôn làng đều mạnh khỏe, không có bệnh dịch xảy ra.

Để tổ chức Lễ cúng bến nước, từ trước đó khoảng 1 tháng già làng sẽ kêu gọi dân làng về nhà rông, cùng nhau bàn bạc, thống nhất ngày thực hiện lễ cúng. Vì là việc chung, nên già làng sẽ đứng ra kêu gọi các gia đình đóng góp của cải phục vụ nghi lễ, phân chia công việc cho từng nhóm, từng người. Năm nay, ngô, lúa được mùa, dân làng no ấm, Lễ cúng bến nước được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng, mỗi hộ sẽ góp 1 lon gạo và hai trăm ngàn đồng để mua gà, heo, bò làm lễ vật, mỗi tổ góp 2 ghè rượu (làng có 150 hộ người Bahnar, chia làm 9 tổ). Tất cả dân làng cùng chung sức, đồng lòng chuẩn bị cho nghi lễ lớn của cộng đồng.

Dân làng cùng nhau chuẩn bị lễ vật trong không khí gần gũi, vui vẻ

Vào ngày diễn ra Lễ, ngay từ sáng sớm, các thanh niên trong làng đã tập trung tại bến nước để làm vệ sinh, phát cỏ, dọn dẹp khu vực tổ chức lễ (mọi việc chỉ được thực hiện đúng vào ngày tổ chức Lễ cúng, không được thực hiện trước). Công việc được phân công rất cụ thể và rõ ràng cho mọi người trong làng, ai làm việc nấy. Đàn ông chia nhau làm các việc như: đi chặt tre dựng cây nêu, chạm khắc một số hiện vật cúng (hình các đồ vật thường dùng trong đời sống hàng ngày như dao, rựa, bầu nước...), làm lễ vật dâng cúng (gà, heo, bò), tát và làm sạch vùng chứa nước, dựng cây nêu. Còn phụ nữ thì đảm nhiệm việc nấu cơm, làm các món truyền thống như cà đắng xào lá mì, thịt nướng... Việc chuẩn bị cho lễ cúng được thực hiện trong không khí gần gũi, vui vẻ, đoàn kết của tất cả dân làng.

Với tín ngưỡng đa thần, vạn vật hiển linh của người Bahnar, đầu tiên, 3 thầy cúng của làng có mặt tại nhà rông, thực hiện bài cúng mời tất cả các thần linh cùng về dự lễ. Sau đó, tại bến nước, cây nêu được dựng lên, các thầy bày giàn cúng, đặt lễ vật và bắt đầu các nghi thức cúng (bôi gan gà lên ghè lớn, ghè nhỏ, đọc lời khấn gọi yang, khấn cầu thần nước phù hộ cho dân làng, lấy tiết gà pha chung với rượu ghè, đổ vào nguồn nước). Quá trình này được thực hiện trước sự chứng kiến và ủng hộ của toàn thể dân làng; thể hiện tín ngưỡng, mong ước, nguyện vọng của cả cộng đồng. Sau khi nghi lễ kết thúc, dân làng Bi Gia cùng nhau vào hội, đánh cồng chiêng, múa soang, uống rượu cần và ăn những món ăn truyền thống của dân tộc.

Các thầy cúng bày lễ vật lên giàn chuẩn bị nghi thức cúng

Đối với người Bahnar tại thôn Bi Gia, Lễ cúng bến nước là một nghi lễ quan trọng của cộng đồng. Thông qua Lễ cúng, các giá trị văn hóa bản địa về ẩm thực, trang phục, tín ngưỡng, không gian văn hóa cồng chiêng… được thể hiện một cách chân thực. Sau những ngày lao động vất vả, trong khoảng thời gian nông nhàn khi lúa vừa về đầy kho, việc tổ chức Lễ cúng bến nước bên cạnh những ý nghĩa về tâm linh, còn là môi trường giúp cộng đồng thêm gắn kết bền chặt; cùng nhau chia sẻ cuộc sống, bảo tồn và phát huy hơn nữa văn hóa truyền thống dân tộc./.

Trà My – phòng QLVH

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công