Nhìn lại sau 5 năm triển khai thực hiện Luật phòng chống bạo lực gia đình

Ngày đăng: 12/09/2013, 00:00

Luật phòng, chống bạo lực gia đình được ra đời và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2008. Qua 05 năm triển khai, hầu hết các cấp uỷ Đảng, chính quyền đều quan tâm chỉ đạo, thực hiện, các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng.

Thực hiện Chỉ thị số 16/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về triển khai Luật phòng chống bạo lực gia đình, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Quyết định số 14/2009/QĐ-UBND ngày 21 tháng 5 năm 2009 về Kế hoạch hành động phòng, chống bạo lực gia đình tỉnh Gia Lai giai đoạn 2009-2015” nhằm đưa các mục tiêu về phòng chống bạo lực gia đình vào kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội dài hạn và ngắn hạn của địa phương. Lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch chỉ đạo thành lập mô hình phòng chống bạo lực gia đình từ cấp tỉnh đến cơ sở.
Năm 2008, bằng nguồn kinh phí hỗ trợ của Bộ VHTTDL, Sở VHTTDL đã triển khai thí điểm mô hình phòng chống bạo lực gia đình tại xã Đăk Ya, huyện Mang Yang, với 5 câu lạc bộ (trên 200 thành viên), 5 nhóm phòng chống bạo lực gia đình.
Đến nay đã có 30% xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh nhân rộng, duy trì hoạt động mô hình phòng chống bạo lực gia đình.
Bên cạnh công tác tuyên truyền của các cơ quan truyền thông, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đơn vị liên quan đã chú trọng việc phát hiện, hòa giải kịp thời các vụ xung đột, mâu thuẫn trong gia đình, không để tình trạng bạo hành gia đình kéo dài. Ngành Y tế tiếp nhận, chăm sóc và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Ngành Tư pháp hướng dẫn, kiểm tra hoạt động hòa giải ở cơ sở, hướng dẫn nâng cao nghiệp vụ cho người làm công tác hòa giải để đáp ứng nhiệm vụ của pháp luật về hòa giải mâu thuẫn và hòa giải tranh chấp giữa các thành viên gia đình, góp phần ngăn chặn tình trạng bạo lực gia đình xảy ra. Tại các xã, thị trấn, nội dung phòng chống bạo lực gia đình được cụ thể hóa, lồng ghép vào các hoạt động của phong trào xây dựng Gia đình văn hóa, phong trào xây dựng nông thôn mới; Luật phòng chống bạo lực gia đình còn được đưa vào các hương ước, quy ước của thôn, làng, tổ dân phố...Với những việc làm thiết thực đó đã góp phần hạn chế số vụ bạo lực gia đình xảy ra, thúc đẩy phong trào xây dựng Gia đình văn hóa phát triển.
Theo thống kê, năm 2007 có 34,78% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hoá; năm 2009 đạt 58,86%; năm 2010 tăng lên 60%; năm 2011 là  63,44% và năm 2012 công nhận 195.978/292.703 gia đình văn hóa (đạt 67%).
Bên cạnh kết quả đạt được, tình trạng bạo lực gia đình vẫn xảy ra và có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân sâu xa dẫn đến bạo lực gia đình là do bất bình đẳng giới, thiếu hiểu biết về Luật phòng, chống bạo lực gia đình, trong đó, rượu chè, cờ bạc, tệ nạn xã hội, ngoại tình ...được xem là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bạo lực. Điều đáng nói là khi xảy ra bạo lực gia đình, hầu hết các nạn nhân không chủ động báo cáo với các cơ quan chức năng, thậm chí, khi bị thương, phải điều trị tại các cơ sở y tế vẫn không mạnh dạn tố giác hành vi bạo lực của thành viên gia đình gây ra cho bản thân... do đó, gây khó khăn trong việc phát hiện, xử lý, ngăn chặn kịp thời tình trạng bạo lực gia đình.
Trong thời gian tới, để khắc phục những khó khăn, tồn tại, góp phần hạn chế tình trạng bạo lực gia đình, cần thực hiện tốt Quyết định số 14/2009/QĐ-UB ngày 21 tháng 5 năm 2009 của UBND tỉnh. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, làm chuyển đổi hành vi của các tầng lớp nhân dân về công tác phòng, chống bạo lực gia đình; tiếp tục đưa các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu của công tác gia đình vào kế hoạch và chương trình phát triển kinh tế xã hội hàng năm của địa phương; nâng cao chất lượng đội ngũ, cán bộ làm công tác gia đình. Hàng năm, nhân Ngày Gia đình Việt Nam, Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ, tổ chức các hoạt động kỷ niệm và lồng ghép tuyên truyền pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình.
Bạo lực gia đình dù ở bất kỳ hình thức nào cũng để lại những tác động tiêu cực đến sức khoẻ, tinh thần của nạn nhân và các thành viên khác trong gia đình, vì vậy, hoạt động phòng chống bạo lực gia đình  là một nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi sự chung tay góp sức của các ngành, các cấp và các tầng lớp nhân dân để xây dựng  nên những gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, hướng đến một xã hội phát triển, văn minh.
 
Thu Thảo
Ảnh: Hội nghị tổng kết mô hình thí điểm về phòng chống bạo lực gia đình tại xã Đăk Ya - huyện Mang Yang

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công