PHÁT HUY GIÁ TRỊ HIỆN VẬT “BỨC THƯ GỖ” TẠI BẢO TÀNG HỒ CHÍ MINH CHI NHÁNH GIA LAI VÀ KON TUM

Ngày đăng: 23/03/2020, 10:46

Chủ Tịch Hồ Chí Minh- lãnh tụ vĩ đại của Đảng và của dân tộc Việt Nam, đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên Người còn chính là “Yàng” của buôn làng, là “vị thánh dũng cảm, tài giỏi, kiên cường”, là “Bok Hồ” vô vàn kính yêu. Người thật xa xôi, nhưng cũng thật gần gũi, thấu hiểu cuộc sống của đồng bào. Công tác dân tộc, việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc luôn được Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm rất nhiều. Mặc dù phải đối phó với thù trong giặc ngoài, đặc biệt là quân Pháp áp sát biên giới của tỉnh, những ngày 19 tháng 4 năm 1946 tại thị xã Pleiku (nay thành phố Pleiku) đã diễn ra Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam với hơn 1.000 người tham dự, bao gồm địa biểu các dân tộc Tây Nguyên và miền núi các tỉnh Nam Trung Bộ. Người không thể đến dự Đại Hội nhưng Người đã gửi thư cho Đại hội. Bức thư của Người gửi đến đã nói lên tất cả tình cảm, tấm lòng, sự quyết tâm và ý chí sắt son của Người với đồng bào nơi đây. Ngày nay, bức thư đó đã được trạm khắc trên chất liệu gỗ hương gọi là “Bức thư gỗ”, được trưng bày, bảo quản tại Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Gia Lai và Kon Tum (nay là Bảo tàng tỉnh Gia Lai) nhằm giới thiệu đến khách tham quan. 
 
 
 
Bức thư Bác gửi có ý nghĩa sâu sắc đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung và các dân tộc anh em sinh sống trên mảnh đất Gia Lai nói riêng. Nó làm trỗi dậy ý chí căm thù giặc và thổi bùng ngọn lửa đấu tranh, tinh thần đại đoàn kết của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên quyết tâm kề vai sát cánh cùng Đảng, cùng Chính phủ đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược giải phóng quê hương, đất nước. Thấy được giá trị to lớn và sự tác động mạnh mẽ của bức thư và bằng những tình cảm, tấm lòng biết ơn vô hạn đối với vị cha già dân tộc, những chiến sĩ công an của trại giam Gia Trung (Gia Lai) đã nung nấu ý tưởng khắc lại nội dung bức thư trên chất liệu gỗ hương nguyên khối- một loại gỗ quý của núi rừng Tây Nguyên, để truyền lại cho đời đời con cháu về sau. “Bức thư gỗ” có kích thước là 121,5cm x 84cm, hình dáng mô phỏng theo mô hình nhà Rông - một nét đẹp văn hóa đặc sắc và độc đáo của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Xung quanh có hoa văn làm tăng tính thẩm mỹ của hiện vật. Ở chính giữa là toàn bộ nội dung bức thư Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam họp tại Pleiku năm 1946 được khắc hết sức cẩn thận và tỉ mỉ từng từ, từng câu, từng dấu chấm, dấu phẩy…
 
Năm 1984, khi “Nhà trưng bày hình ảnh cuộc đời sự nghiệp cách mạng Chủ tịch Hồ Chí Minh” mở cửa (nay là Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Gia Lai và Kon Tum) cũng đúng là dịp đón nhận và tiếp quản hiện vật “Bức thư gỗ”. Khi ấy, “Bức thư gỗ” là một trong bốn hiện vật quý, hiện vật tiêu biểu của Bảo tàng (cùng với Bức tượng Bác Hồ bằng gỗ hương, Bức tượng Bác Hồ bằng đồng và Bản điêu khắc một trang Di Chúc). 
 
Điều đặc biệt của “Bức Thư gỗ” được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Gia Lai và Kon Tum là trưng bày trong tổ hợp “Tình dân với Bác và Lòng Bác với dân” và chiếm trọn một không gian trưng bày với yếu tổ thẩm mỹ cao và có sự liên kết mạnh mẽ với các hiện vật khác trong tổ hợp. Và đây cũng chính là tổ hợp rất riêng biệt của Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Gia Lai và Kon Tum so với các Bảo tàng Hồ Chí Minh khác trong cùng hệ thống.
 
“Bức thư gỗ” nằm trong chủ ý trưng bày của những người làm công tác nghiệp vụ và cũng là sự trùng hợp ngẫu nhiên trong quá trình trưng bày theo tiến trình lịch sử. Bởi trưng bày trong Bảo tàng Hồ Chí Minh là một bố cục vô cùng chặt chẽ và logic. Chính vì thế, trong quá trình làm công tác trưng bày “Bức thư gỗ” được chuẩn bị hết sức tỉ mỉ, được đặt chính giữa tổ hợp, trên một bục cao trải thảm đỏ và có thêm trụ ambul ảnh bản dịch bức thư bằng tiếng Xê đăng, Bahnar, Jrai để bổ trợ cho Bức thư gỗ. Sự hiện diện của hiện vật Bức thư gỗ trong tổ hợp đã trở thành điểm nhấn quan trọng, không thể thiếu trong tổ hợp này. 
 
Thêm vào đó, tổ hợp “Tình dân với Bác lòng Bác với dân” là sự kết giao giữa hai chủ đề trưng bày, chủ đề trưng bày số 5 “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người tổ chức và lãnh đạo Cách mạng tháng Tám thắng lợi và sáng lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (1930 - 1945)” và chủ đề trưng bày số 6 “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người tổ chức và lãnh đạo cuộc đấu tranh giữ vững chính quyền cách mạng và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954)” trong Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Gia lai và Kon Tum. Do đó, tổ hợp này không làm gián đoạn quá trình tìm hiểu của khách tham quan mà ngược lại kết nối hai chủ đề trưng bày một cách liền mạch nhờ hiện vật “Bức thư gỗ”.
 
“Bức Thư gỗ” được trưng bày, giới thiệu và luôn thu hút sự chú ý của khách tham quan. Mỗi du khách đến tham quan Bảo tàng đều dừng chân chiêm ngưỡng và tìm hiểu về Bức thư. Lời thư Bác gửi được tạc vào chất liệu gỗ hương, được trưng bày, bảo quản và giữ gìn để lưu truyền cho đời đời con cháu sau này biết. Từng lời Bác dạy trong thư “đồng bào Kinh hay thổ, Mường hay Mán, Gia-Rai hay Ê-đê, Xê-Đăng hay Ba-Na và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau.”…. Như nhắc nhở đồng bào các dân tộc thiểu số miền Nam đoàn kết lại, đoàn kết mãi…Dù trong kháng chiến chống thực dân Pháp, chống Mỹ xâm lược hay trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước ngày nay đều mang ý nghĩa thời đại sâu sắc.
 
Đối với nhiều người là đồng bào các dân tộc thiểu số khi đến thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Gia Lai và Kon Tum được ngắm nhìn “Bức Thư gỗ”, được đọc lại lời thư Bác gửi, nhiều người đã không kìm nổi sự xúc động nghẹn ngào. Như nghe văng vẳng lời Bác dạy bên tai, sao gần gũi, nồng ấm mà thân thiết thế.
 
Còn những du khách khi đến tham quan thì lại trầm trồ khen ý tưởng tạc lại bức thư Bác gửi trên chất liệu gỗ hương, khen sự khéo léo, tài hoa của những người đã làm nên tác phẩm độc đáo này.
 
Hơn 35 năm, kể từ khi Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Gia Lai và Kon Tum mở cửa, cũng là hơn 35 năm bức thư gỗ được trưng bày và giới thiệu đến khách tham quan khi đến thăm Bảo tàng. Với hình thức mang giá trị thẩm mỹ cao, nội dung bức thư đầy đủ, không gian trưng bày đẹp và được đặt vào đúng vị trí phù hợp với tiến trình lịch sử đã phát huy được giá trị toàn diện của “Bức thư gỗ”. Cùng với nhiều hình ảnh, tài liệu hiện vật được trưng bày, “Bức thư gỗ” góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền, giới thiệu về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời, đẩy mạnh việc thực hiện cuộc vận động Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên mảnh đất Gia Lai./.

Nguyễn Xoan 

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công