KHÚC HOÀ CA GIỮA RỪNG XANH

Ngày đăng: 11/03/2024, 16:23

Không phải lần đầu tiên được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của dòng thác K50 kỳ vĩ, thế nhưng trong tôi vẫn mang môt cảm giác ngỡ ngàng khi đặt chân đến một tuyệt tác của thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này. Dòng thác ầm ì, miên man cuộn chảy ngày đêm như một khúc nhạc reo ca giữa rừng xanh làm say đắm lòng người.
 
 
 
Tôi may mắn được đến thăm Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng (thuộc địa phận xã Sơn Lang, huyện Kbang) cách đây hơn 10 năm trước. Đoàn khảo sát di chuyển hơn 100km từ thành phố Pleiku đến trung tâm huyện Kbang, tiếp tục gần 90km nữa thì đến được Trụ sở của Khu Bảo tồn. Khi đó, đón tiếp và dẫn đường cho đoàn là ông Trịnh Viết Ty-Giám đốc Khu bảo tồn. Hành trình năm đó có lẽ là chuyến công tác đáng nhớ và mang nhiều kỷ niệm nhất trong những chặng đường mà tôi đã đi qua.
 
Những năm trước, người dân và khách du lịch chưa được biết nhiều về thác K50 cũng như Khu BTTN Kon Chư Răng. Chặng đường để đến được thác K50 khá khó khăn và vất vả, nhất là đối với dân không chuyên đi rừng, leo núi thì lại càng gian nan. Ngày đó chỉ có một con đường duy nhất là xuất phát từ Trụ sở Khu bảo tồn, ô tô di chuyển tầm 15km sẽ đến Trại bò (khu vực này là một trảng bằng rộng trên 3ha trước kia được thiết lập để nuôi bò trong thời kỳ chiến tranh). Từ vị trí này, du khách chuẩn bị hành trang và sẽ đi bộ xuyên rừng trong đoạn đường dài hơn 5km. Chặng đường trải qua 5 lần vượt sông, xen kẽ, băng rừng, sau đó lại lội qua những con suối mát lành được lót những hòn đá mồ côi, cứ thế mà háo hức tìm đến thác K50 hoà ca phía trước. Thời gian chinh phục của đoàn khi đó kéo dài từ sáng sớm cho đến khi trời bắt đầu ngả tối là lúc chúng tôi vừa ra khỏi con đường mòn trong rừng.
 
Hành trình chinh phục cách đây vài ngày của đoàn khá chiều lòng người, tiết trời trong xanh, mát mẻ, đường đi dễ dàng và mất ít thời gian. Những năm gần đây, K50 là một điểm đến ấn tượng và được nhận định là một trong những dòng thác hấp dẫn nhất thu hút du khách khắp nơi tìm đến. Từ năm 2018, Khu bảo tồn được chủ trương đầu tư xây dựng đường bê tông để hành trình đến thác K50 được thuận lợi hơn. Sau hai giai đoạn, đến đầu năm 2024 con đường trải nhựa 17km trải dài từ Trụ sở Khu bảo tồn cho đến gần chân thác đã hoàn thiện. Đoạn đường dài 17km này khách du lịch sẽ di chuyển bằng xe máy do nhân viên Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ môi trường và nhân viên quản lý bảo về rừng đưa đi. Chặng đường này cũng khá chiều lòng những tín đồ thích mạo hiểm, khám phá bởi có nhiều đoạn dốc lên/xuống thẳng đứng, quanh co, uốn lượn theo con đường nhỏ xuyên rừng khiến các tay lái phải thật quen đường và tập trung tối đa khi chở khách.
 
Sau khi di chuyển 17km, du khách sẽ dừng tại một trạm nghỉ và chuẩn bị hành trang cần thiết để tiếp tục băng rừng khoảng 700m đi bộ nữa sẽ đến chân thác K50. Kon Chư Răng là Khu bảo tồn về đa dạng sinh học nghiêm ngặt, có hệ sinh thái động, thực vật rất đa dạng và hệ thống thác ghềnh kỳ vĩ. Con đường đi bộ xuyên rừng luôn rợp bóng cây và râm ran tiếng chim líu lo gọi bầy. Lúc này, chỉ đơn giản là hoà mình vào không gian của rừng xanh, ngắm ánh mặt trời xuyên qua tán cây, cảm nhận mọi thứ bằng tất cả giác quan của bạn mới thấy được thiên nhiên tuyệt vời biết bao.
 
Anh Nguyễn Văn Thắng-nhân viên bảo vệ rừng và là người bạn đồng hành dẫn đường cho đoàn ngày hôm nay. Anh Thắng đưa chúng tôi tiếp cận Hang Én nằm ở phía sau của dòng thác. Đây là nơi hàng nghìn tổ én về trú ngụ, sinh sống. Từng đàn chim én chao nghiêng, mải miết uốn lượn trước hang sâu khiến cho cảnh vật thêm phần thơ mộng. Có lẽ vậy mà K50 còn được gọi là thác Hang Én. Đứng trong lòng hang, không gian tĩnh lặng, chậm rãi ngắm nhìn từng lớp đá đã bị phong hoá thành đất, trên mặt đá nhiều mảng đen tuyền, sáng bóng qua năm tháng thời gian mới thấy được sự kỳ vĩ của tạo hoá. Theo mùa, vào khoảng tháng 9 hằng năm trong lòng hang loài dơi kéo về làm tổ sinh sống rất đông đúc, sau đó lại tiếp tục di cư.
 
 
Âm thanh thác đổ dần vang vọng khiến cả đoàn nhanh chân và háo hức hơn hẳn. Mọi thứ như vỡ oà khi chúng tôi vừa chạm mắt đến dòng thác. Dòng nước từ đỉnh tuôn trào mạnh mẽ theo chiều thẳng đứng, đổ xuống tạo nên một lực khá mạnh tung bọt trắng xoá rồi hoà vào dòng sông Côn chảy xuống miền đồng bằng. Tia nước bắn ra xung quanh tạo thành lớp sương mù bảng lãng tạo nên vẻ đẹp như thực như mơ, huyền ảo của dòng thác. Từ đó góp phần mang lại bầu không khí mát lành, cảnh quan thêm phần xanh tươi, rạng rỡ. Thác có độ cao chừng 54m, khi ánh mặt trời chiếu rọi dòng thác đổ như một tia sáng xuyên qua tầng đá. Khu vực phía dưới chân thác rộng từ 30m đến gần 100m tuỳ theo mùa, mặt nước lung linh ánh bạc, lấp lánh reo ca. Một món quà tuyệt đẹp từ thiên nhiên tạo nên tiên cảnh giữa rừng xanh.
 
 
Phía dưới chân thác có nhiều tảng đá lớn nhỏ mang hình thù khác nhau được xếp đặt ngẫu nhiên, bên trên được phủ từng lớp thảm thực vật rêu phong. Nơi đây là điểm tựa cho du khách thưởng cảnh, cùng neo vào lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ giữa thiên nhiên tươi đẹp. Trải qua hàng triệu năm từng mảng địa chất, địa tầng đã tạo ra hệ sinh thái đặc biệt của thác K50. Ngay giữa dòng thác có một mỏm đá khá đặc biệt có hình thù giống như con King Kong, vì thế các anh trong Khu bảo tồn đặt tên cho nó là đỉnh King Kong. Cảnh vật xung quanh như những nét chấm phá, tô điểm cho bức tranh thiên nhiên thêm phần huyền hoặc, khiến cho chân cứ phải bước, mắt cứ phải kiếm tìm và lồng ngực mở toang để đón nhận bao la núi đồi bao bọc dòng thác hoan ca. Cùng chạm, hít thở, lắng nghe và cảm nhận không gian bao la giữa đất trời.
 
 
 
Chúng tôi tiếp tục ngược lên đỉnh thác. Len lỏi giữa những tán cây rừng, vượt qua khá nhiều đoạn lên xuống bậc thang, đôi khi có đoạn khá dốc và thẳng đứng phải níu vào đoạn dây thừng đã được trang bị sẵn nhằm hỗ trợ cho du khách thuận lợi hơn trong hành trình trải nghiệm. Tại khoảng không gian rộng, đoàn thưởng thức bữa trưa giữa mênh mang của khu bảo tồn. Thức ăn đơn giản là con gà được mang theo và một ít đồ khô. Trong lúc chúng tôi mê mải trên hành trình khám phá dòng thác của mình thì anh Hưng và anh Chánh ở lại thả lưới bắt được khá nhiều ốc suối và một ít cá niên, cá bống đá, cá phá… là những đặc sản nức tiếng sinh sống ở lòng suối này. Mỗi người một tay, người thì nướng gà, người khác chế biến các loại cá, luộc ốc… bữa trưa của chúng tôi hôm nay có lẽ là bữa ăn ngon đặc biệt theo nhiều khía cạnh.
 
Trọn vẹn chiêm nghiệm, tắm trong hương rừng và hoà ca cùng dòng thác, trên đường quay trở về thong dong thả bước, kẻ sau tiếp chân người trước, tự tại thưởng thức và kết nối với thiên nhiên. Đôi lúc đứng dưới tán lá, vòng tay ôm cái cây to, hít thở và đắm mình trong khung cảnh của đất trời, đưa tay cảm nhận sự mềm mại của đất để tìm được cảm giác thư thái khi thật sự đắm mình giữa thiên nhiên, vạn vật.
 
Trên đường đi, anh Trần Minh Bằng-nhân viên Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ môi trường cho biết: “Hiện nay du khách muốn khám phá Khu BTTN Kon Chư Răng phải thông qua các công ty lữ hành để đăng ký trước với Trung tâm về dịch vụ đưa đón từ Trụ sở của Khu bảo tồn, phương tiện di chuyển bằng xe máy hay ăn uống… không lưu trú qua đêm và không được tự phát khi chưa đăng ký. Đối với người dân tại huyện Kbang nếu có nhu cầu tham quan thì liên hệ trực tiếp với Trung tâm để được hướng dẫn nhằm đảm bảo sự an toàn cho du khách khi trải nghiệm”.
 
Võ Thanh Thảo

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công