Tăng cường gắn kết giữa bảo tàng với hoạt động du lịch

Ngày đăng: 26/01/2024, 10:37

Ngày 24/12/2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra Quyết định số 4788/QÐ-BVHTTDL phê duyệt Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động bảo tàng gắn với phát triển du lịch”. Mục tiêu của đề án là tạo sự chuyển biến căn bản cả về nhận thức và hành động trong quá trình tổ chức hoạt động để các bảo tàng bắt kịp với xu thế phát triển của xã hội; thực sự trở thành trung tâm giáo dục thường xuyên về truyền thống yêu nước, ý thức giữ gìn, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc.
 
Ngày nay, du lịch có vai trò quan trọng không những là ngành kinh tế mũi nhọn, ngành công nghiệp không khói được nhiều quốc gia xác định mà còn mở ra cơ hội cho các dân tộc, các cộng đồng dân cư và các tầng lớp trong xã hội giao lưu trực tiếp với nhau. Du lịch đồng thời cũng tạo ra cơ hội và điều kiện để con người được trực tiếp tìm hiểu thưởng ngoạn phong cảnh, lối sống, văn hóa, lịch sử của những khu vực ngoài nơi cư trú của mình.
 
Gia Lai là tỉnh có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử- văn hóa và những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc bản địa. Với hệ thống giao thông đường bộ, đường không, nằm ở vị trí trung tâm thuộc tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, nhiều hệ thống sông suối, địa hình thác ghềnh, gắn với những cánh rừng nguyên sinh rất thuận lợi cho việc phát triển du lịch. Ngoài ra, bảo tàng, di tích là những nguồn tài nguyên du lịch quý giá của đất nước. Trong mỗi chuyến hành trình, bảo tàng luôn là điểm dừng chân của du khách, bởi qua đó họ có thể tìm hiểu lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán vùng đất nơi mình đi qua, nếu biết khai thác, phát huy một cách khoa học thì sẽ tạo ra những sản phẩm du lịch văn hóa đa dạng, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
 
Bảo tàng tỉnh Gia Lai gồm các điểm tham quan: Quảng trường Đại đoàn kết; tòa nhà chính Bảo tàng gồm 6 phòng trưng bày cố định, giới thiệu tổng quan về thiên nhiên - con người Gia Lai, lịch sử phát triển của tỉnh và văn hóa các dân tộc trong tỉnh; Phòng trưng bày cổ vật và phòng trưng bày về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với hơn 10.800 hiện vật, tư liệu, hình ảnh, tài liệu khoa học được trưng bày giúp khách tham quan tìm hiểu sơ lược về đặc điểm tự nhiện, tài nguyên thiên nhiên, về mảnh đất Gia Lai trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đến sự phong phú, đa dạng của các bộ sưu tập gốm sứ, sưu tập hiện vật chiêng, trống… tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác.
 
Thời gian qua, nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử được khai thác, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm như: Các di tích khảo cổ Gò Đá, Rộc Tưng, quần thể Di tích Tây Sơn Thượng đạo; Tượng đài chiến thắng Đak Pơ, Nhà lao Pleiku, di tích Biển Hồ, làng kháng chiến Stơr, quảng trường Đại Đoàn Kết…Tuy nhiên, việc khai thác giá trị các di tích, bảo tàng cho sự phát triển của ngành du lịch hiện vẫn còn chưa tốt, thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa hoạt động bảo tàng và du lịch.
 
 
Du khách tham gia nhảy xoong cùng nghệ nhân
tại chương trình ngày hội di sản văn hóa năm 2023
 
Nhằm phục vụ đa dạng nhu cầu của các đối tượng, với mong muốn đưa Bảo tàng đến gần với công chúng hơn, trở thành địa chỉ quen thuộc không chỉ cho người dân mà nhiều du khách trong nước và quốc tế có dịp đến với TP.Pleiku. Tháng 10/2023, triển khai Kế hoạch số 76/KH-SVHTTDL ngày 18/7/2023 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Gia Lai về tổ chức xây dựng mô hình văn hóa truyền thống các DTTS thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2023; theo đó, chương trình “Sắc màu văn hóa Gia Lai -Bảo tồn và phát triển” được tổ chức vào sáng chủ nhật hàng tuần tại khuôn viên Bảo tàng mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm hấp dẫn và thú vị như: Tái hiện không gian sinh hoạt hằng ngày và không gian sinh hoạt lễ hội, tổ chức các trò chơi dân gian và trải nghiệm văn hóa ẩm thực truyền thống của các dân tộc trong tỉnh. Du khách đến tham quan, trải nghiệm đều thích thú với các nhạc cụ truyền thống, các trò chơi dân gian và thưởng thức các món ăn truyền thống của đồng bào các dân tộc.
 
 
Du khách trải nghiệm chương trình “Sắc màu văn hóa Gia Lai,
Bảo tồn và phát triển” tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai
 
Thực tế cho thấy các công ty lữ hành vẫn chưa chú trọng việc đưa bảo tàng vào chương trình tour, do đó, việc gắn kết du lịch với bảo tàng, di tích hiện nay là việc làm cần thiết để thu hút khách du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa dân tộc và phát huy các giá trị của bảo tàng, di tích; đồng thời, thúc đẩy sự phát triển kinh tế.
 
Trong thời gian tới, để phát huy hiệu quả gắn kết hoạt động của các bảo tàng với phát triển du lịch, bên cạnh việc xây dựng kế hoạch phối hợp giữa các cơ quan quản lý và doanh nghiệp du lịch, cần có sự phối hợp liên kết giữa bảo tàng và các công ty lữ hành du lịch để qua đó hai bên có sự chia sẻ, xây dựng các chương trình tour tham quan cho phù hợp.
 
Về phía bảo tàng
 
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá, phối hợp chặt chẽ với các công ty du lịch để đưa khách đến tham quan Bảo tàng;
 
Đổi mới nội dung và hình thức trưng bày, cần có nhiều hoạt động trải nghiệm cho du khách, có những trải nghiệm mới tại Bảo tàng; chú trọng phát triển các sản phẩm lưu niệm…
 
Quảng bá, tuyên truyền về các hoạt động của Bảo tàng nhằm thu hút khách tham quan thông qua nhiều hình thức như: Tờ rơi giới thiệu, các panô, áp phích và các phương tiện truyền thông khác;
 
Sử dụng công nghệ quét mã QR code bằng điện thoại thông minh giúp du khách tìm kiếm thông tin liên quan đến hiện vật dễ dàng, thuận tiện;
 
Đổi mới chất lượng trưng bày, làm đa dạng, phong phú cách tiếp cận hiện vật tạo sự hấp dẫn trong từng mảng hoạt động, từng giá trị hiện vật và xây dựng những sự kiện để thu hút khách tham quan;
 
Ngoài không gian bảo tàng, cần có thêm không gian dành cho các loại hình dịch vụ, trình diễn nghệ thuật, trò chơi dân gian, sinh hoạt cộng đồng mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống địa phương để khách tham quan cùng tham gia;
 
Ứng dụng công nghệ kỹ thuật 3D, triển lãm mang tính trực quan cao để kích thích trí tưởng tượng cho người xem, đa dạng hóa loại hình hoạt động đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của công chúng.
 
Về phía ngành Du lịch
 
Xác định hệ thống bảo tàng là điểm đến không thể thiếu trong các chương trình du lịch, khuyến khích các công ty lữ hành xây dựng các tour du lịch có sự tham gia tích cực của bảo tàng, di tích;
 
Tăng cường xúc tiến quảng bá hình ảnh cũng như các giá trị văn hóa của bảo tàng, di tích đối với khách quốc tế;
 
Các doanh nghiệp lữ hành cần tăng cường giới thiệu, tư vấn cho du khách về giá trị của các bảo tàng, đặc biệt cần dành thời gian hợp lý cho điểm đến bảo tàng, di tích trong chương trình tour;
 
Phối hợp với bảo tàng trong việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho những người làm công tác bảo tàng, đặc biệt là đội ngũ thuyết minh viên;
 
Thiết kế những tour du lịch chuyên đề bảo tàng, di sản phù hợp với nhu cầu tham quan, thưởng ngoạn các giá trị di sản văn hóa của địa phương.
 
Biên soạn và phát hành rộng rãi những ấn phẩm thông tin có chất lượng cao (bản đồ, tờ rơi, tập gấp...) nhằm góp phần xây dựng và quảng bá hình ảnh du lịch Gia Lai./.
 
Khoa Thi

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công