Hà Nội - Gia Lai kết nối trao đổi khách du lịch

Ngày đăng: 24/11/2022, 16:41

Chiều 24/11, Sở VHTT&DL Gia Lai phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội tổ chức Hội nghị xúc tiến du lịch tỉnh Gia Lai năm 2022 tại Hà Nội qua đó kết nối, thu hút trao đổi khách 2 chiều

Gia Lai là địa phương có lợi thế về sinh thái rừng và cảnh quan thiên nhiên đẹp như Biển Hồ, thác Phú Cường, thác Mơ, vườn quốc gia Kon Ka Kinh... Gia Lai còn là cái nôi của văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên… Với sự đa dạng, đặc sắc của văn hóa truyền thống, thiên nhiên hoang sơ, Gia Lai là địa chỉ tin cậy với những du khách yêu thích thiên nhiên, văn hóa và sự mộc mạc của người dân địa phương.
Lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội và Sở VHTT&DL Gia Lai trao đổi kết nối du lịch 2 tỉnh thành tại hội nghị. Ảnh: Hoài Nam
Lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội và Sở VHTT&DL Gia Lai trao đổi kết nối du lịch 2 tỉnh thành tại hội nghị. Ảnh: Hoài Nam

Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Gia Lai Nguyễn Đức Hoàng mong muốn thời gian tới doanh nghiệp du lịch Hà Nội và Gia Lai đẩy mạnh liên kết khai thác trao đổi khách 2 chiều. Đồng thời xây dựng tour tuyến mới, qua đó góp phần tăng cường trao đổi khách, tăng lượng khách giữa 2 địa phương. ”Mong rằng các doanh nghiệp Hà Nội sẽ đồng hành, kết nối thường xuyên với Gia Lai để khai thác nhiều điểm du lịch mới, hỗ trợ cho du lịch Gia Lai ngày một phát triển” - ông Nguyễn Đức Hoàng nêu rõ.

Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu chia sẻ, mặc dù gặp nhiều khó khăn và bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 suốt 2 năm qua, nhưng các doanh nghiệp du lịch đã có nhiều cách làm hay và sáng tạo. Trong bối cảnh bình thường mới, ngành du lịch Thủ đô đã tham mưu với UBND TP Hà Nội ban hành kế hoạch phục hồi ngành du lịch.

Để thu hút, trao đổi khách 2 chiều Hà Nội - Gia Lai đòi hỏi trong thời gian tới ngành du lịch 2 tỉnh thành đẩy mạnh hợp tác tháo gỡ rào cản, qua đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp lữ hành liên kết xây dựng tour du lịch hấp dẫn theo từng nhóm loại hình.

Lễ hội hoa dã quỳ do tỉnh Gia Lai tổ chức tại núi lửa Chư Đang Ya. Ảnh: Hoài Nam
Lễ hội hoa dã quỳ do tỉnh Gia Lai tổ chức tại núi lửa Chư Đang Ya. Ảnh: Hoài Nam

Thời gian tới, để sự liên kết này chặt chẽ và đem lại hiệu quả đòi hỏi ngành du lịch 2 tỉnh thành tăng cường hợp tác quảng bá tài nguyên, sản phẩm du lịch đặc sắc của mỗi địa phương tới thị trường khách du lịch trong và ngoài nước. Phối hợp tham gia sự kiện du lịch, hoạt động quảng bá, xúc tiến, tích cực tham gia các sự kiện của 2 địa phương, hàng năm phối hợp tổ chức từ 1 - 2 chương trình, sự kiện du lịch chung.

“Bên cạnh sự cố gắng của du lịch Hà Nội còn đòi hỏi ngành du lịch tỉnh Gia Lai tạo điều kiện thuận lợi để kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc; phối hợp tổ chức đoàn FAM các doanh nghiệp du lịch khảo sát phát triển kết nối tuyến Hà Nội - Gia Lai và các địa phương lân cận” - ông Trần Trung Hiếu kiến nghị.

Đồng tình với kiến nghị này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu khẳng định, Hà Nội và Gia Lai là 2 điểm đến có nguồn tài nguyên du lịch văn hóa, du lịch sinh thái đa dạng, phong phú và còn nhiều dư địa để khai thác. Việc 2 địa phương bắt tay nhau liên kết hợp tác để phát triển du lịch trong bối cảnh bình thường mới là cơ hội để phục hồi ngành du lịch. Tuy nhiên trong quá trình xây dựng, triển khai mối liên kết đòi hỏi 2 địa phương cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu thay đổi của du khách.

Trong khuôn khổ hội nghị, doanh nghiệp du lịch Hà Nội và Gia Lai đã công khai danh sách các điểm đến du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đạt tiêu chuẩn an toàn phục vụ khách du lịch tại 2 tỉnh thành

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công