NGƯỢC DÒNG SÔNG BA TÌM LẠI DẤU TÍCH CỦA NGƯỜI XƯA

Ngày đăng: 06/12/2021, 07:45

NGƯỢC DÒNG SÔNG BA TÌM LẠI DẤU TÍCH CỦA NGƯỜI XƯA

Xuân Toản

(1) Khởi nguồn và những cái tên của dòng sông

Sông Ba là con sông có lưu vực rộng lớn nhất khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên. Từ thượng nguồn núi non hùng vĩ, uốn lượn qua bao rừng cây đại ngàn rồi hòa mình vào dòng lớn Đak Rong vượt qua bao ghềnh thác nối liền hai miền ngược - xuôi, mang dòng nước mát lành với dưỡng chất trù phú nhuộm thắm những cánh đồng xanh biếc để rồi hòa mình vào biển cả bao la.

Sông có chiều dài 396km, bắt nguồn từ núi Ngok Rô trên dãy Ngok Linh theo dòng Đak Pak ở xã Hiếu thuộc tỉnh Kon Tum đổ vào suối Đak Rong thuộc xã Đak Rong, huyện Kbang. Sông chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam từ thượng nguồn đến vùng An Khê, sau đó chuyển hướng Bắc - Nam đến vùng Ayun Pa; rồi chuyển dòng theo hướng Tây Bắc - Đông Nam đến vùng đất Phú Yên và đổ ra biển Đông. Ở  làng Kon Plông của xã Hiếu, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, nơi được xem là khởi nguồn của dòng sông mà người M’nâm gọi là Đak Pak. Tại Gia Lai, sông chảy qua các địa phương Kbang, An Khê, Đak Pơ, Kông Chro, Ia Pa, Ayun Pa và Krông Pa. Khi chảy qua mỗi địa phận thuộc môi trường cư trú của từng tộc người khác nhau, dòng sông lại được gọi bằng những cái tên khác nhau: người Bahnar gọi là Đak Rong; người Việt (ở Gia Lai) gọi là Ba; người Jrai gọi là Krông Pa, Ia pa, Apa và khi vào địa phận Phú Yên, người Việt gọi là Đà Rằng. Đà Rằng được bắt nguồn từ Rarang (tiếng chăm cổ) là dòng sông lớn; Ra được biến âm là Đà - có nghĩa là lớn; Rang là con sông. Rarang đọc lại thành Đà Rằng là con sông lớn.[1] Mỗi một vùng đất, dòng sông chảy qua đều ẩn chứa những trầm tích về lịch sử, văn hóa tộc người đã và đang sinh sống, đi lại trên những vùng đất gắn với dòng sông này.

 (2) Gắn liền với sinh hoạt văn hóa tộc người

Sông Ba không những tạo nên những đồng bằng trù phú dọc theo lưu vực sông, không chỉ là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất cho nhiều địa phương mà còn gắn liền với đời sống sinh hoạt, văn hóa từ bao đời của người dân. Sông là nơi cung cấp nguồn thức ăn lớn trong bữa ăn hàng ngày, nhiều ngành nghề, phong tục, nghi lễ gắn liền với sông nước đã hình thành từ lâu trong đời sống. Dòng sông dường như hòa mình vào cuộc sống dung dị, gần gũi với cộng đồng các dân tộc, đó không chỉ là con đường giao thương quan trọng giữa miền ngược với miền xuôi, mà còn là sự giao lưu/ảnh hưởng văn hóa lẫn nhau giữa các tộc người trong quá khứ cũng như hiện tại được biểu hiện qua các tập tục, lễ hội, sinh hoạt với nhiều nét tương đồng trong cuộc sống. Trong bối cảnh đó, cộng đồng Bahnar, Chăm, Ê đê, Jrai, Việt, Xơ Đăng dù có những đặc điểm mang tính đặc trưng riêng của mỗi tộc người, nhưng khi cùng chung dòng chảy nên thường có sự trao đổi, giao thoa với nhau trong nhiều lĩnh vực. Và câu ca dao “Ai về nhắn với nậu nguồn/ Mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên” là một trong những hình ảnh biểu hiện của sự giao lưu ấy.

(3) Những dấu tích của người xưa

Ngược dòng với diễn trình của lịch sử, sông Ba còn là nơi gắn liền với những dấu tích của người xưa, được nhiều nhà nghiên cứu ghi chép lại. Dọc theo sông Ba có bao tên đất, tên người đã đi vào lịch sử dân tộc, như những bản trường ca bất hủ: Làng kháng chiến Stơr với Anh hùng Núp như những huyền thoại, là ngọn nguồn của vùng căn cứ cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ, hoặc những địa điểm ghi dấu trong kháng chiến chống kẻ thù xâm lược như Chiến thắng đường 7 sông Bờ, Chiến thắng Đak Pơ… Theo Lịch sử Gia Lai từ nguồn gốc đến năm 1975, An Khê - vùng đất có dòng sông Ba chảy ngang là một trong những nơi người Việt đến định cư khá sớm. Từ khoảng thế kỷ XVII, lớp cư dân Việt vùng duyên hải đã lên khai hoang lập nghiệp ở vùng đất thuộc An Khê ngày nay. Việc di chuyển lên vùng đất mới, họ cũng mang theo những nếp sống sinh hoạt và những tri thức dân gian, kinh nghiệm làm nghề để phục vụ cho cuộc sống. Những hoạt động văn hóa lễ hội, tín ngưỡng, hệ thống đình, chùa, miếu được xây dựng, gìn giữ và sinh hoạt; nghề thủ công truyền thống duy trì; đặc trưng văn hóa của cư dân Việt vùng duyên hải được tiếp biến khi sinh sống trên vùng đất mới. Điều này được biểu hiện qua nhiều dấu tích còn lại là hàng chục ngôi đình miếu cổ, kiến trúc nhà cổ, các đạo sắc phong cũng như các nghi lễ cổ truyền được duy trì trong cuộc sống hàng ngày của người dân trên vùng đất này. Đồng thời, đây cũng là vùng đất phát tích của phong trào Tây Sơn khởi nghĩa. Những năm 1771 - 1773, khi anh em nhà Tây Sơn chọn Tây Sơn Thượng đạo làm nơi xây dựng căn cứ buổi đầu ắt hẳn đã dựa vào dòng chảy và lưu vực của sông Ba. Đôi bờ sông Ba là những vùng đất trù phú cung cấp lương thực, thực phẩm cho nghĩa binh, sông Ba vừa là con đường giao thương trao đổi hàng hóa, vừa là sợi dây liên lạc chính yếu trong việc kết nối cộng đồng tộc người Bahnar, Chăm, Ê đê, Jrai, Việt, Xơ Đăng đến với cuộc khởi nghĩa. Đó là một trong những mắt xích quan trọng trong việc tạo nên sự đồng lòng, đoàn kết sức mạnh của cuộc khởi nghĩa. Sông Ba và nhiều dòng suối quanh co tạo thành những chiến hào thiên nhiên ưu việt trong phòng thủ lẫn tấn công, núi non xen kẽ sông suối đã khiến vùng đất linh khí này trở thành cầu nối giữa đồng bằng và cao nguyên, nghĩa quân có thể tiến công xuống đồng bằng và rút về phòng thủ nhanh chóng góp phần làm nên thành công cuộc khởi nghĩa Tây Sơn từ thế kỷ XVIII.

          Sự hiện diện của các di tích, di vật thuộc văn hóa Champa được phát hiện trong thời gian qua ở Gia Lai đã phản ánh vai trò quan trọng của sông Ba trong quá trình xác lập/ảnh hưởng văn hóa Champa trên vùng đất này. Các dấu ấn để lại như di tích Bang Keng ở vùng Krông Pa; cụm dấu tích Yang Mum, Drang Lai, Quai King ở vùng Ayun Pa; khu vực nền nhà hồ nước, kho tiền ông Nhạc tại huyện Kông Chro cũng được nhiều nhà nghiên cứu phát hiện các dấu tích của văn hóa Champa, tại đây đã phát hiện di vật đầu rắn Naga, đồng tiền và nhiều đá ong - một trong những đặc trưng trong văn hóa Champa; ở Đak Pơ với bia đá Tư Lương… và còn nhiều di vật, dấu tích ở những vùng đất khác gắn liền với sông Ba và vùng phụ cận.

          Dưới lăng kính khảo cổ học, Gia Lai là vùng đất cho thấy sự tồn tại của nhiều nền văn minh khảo cổ từ Sơ kỳ Đá cũ đến thời đại Kim khí. Xuôi dòng từ thượng nguồn đến hạ nguồn trong địa phận tỉnh Gia Lai các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều dấu vết cư dân thời tiền sử để lại qua các di chỉ khảo cổ học. Trong những năm qua nhiều địa điểm đã được phát hiện và khai quật như: hệ thống di tích thời kỳ đá mới ở Kbang, Đak Pơ, Kông Chro… trong đó di tích H’lang ở huyện Kông Chro đã được khai quật. Di vật phát hiện được là các loại hình liên quan đến hoạt động gia công chế tác công cụ bằng đá opal, gồm các loại nguyên liệu, hạch đá, hòn ghè, bàn mài, phiến tước, mảnh tước các cỡ đến các loại hình phác vật thuộc nhiều loại hình - kiểu dáng công cụ khác nhau, rất đa dạng. Kết quả nghiên cứu cho thấy di tích H’lang thuộc vào thời đại Đá mới muộn, niên đại vào khoảng 3.500 - 4.000 BP. Đặc biệt quần thể di tích Sơ kỳ Đá cũ An Khê được phát hiện và khai quật từ năm 2014-2019 dưới sự phối hợp của các nhà khảo cổ học Việt – Nga đã phát hiện khoảng 30 di tích Sơ kỳ Đá cũ cùng hàng nghìn công cụ lao động bằng đá, kỹ thuật ghè đẽo thô sơ và hàng trăm mảnh thiên thạch được phát hiện đồng thời cùng hiện vật đá ngay tại tầng văn hóa được phân tích bằng phương pháp K/Ar (Kali Argon) cho niên đại 800.000 năm cách ngày nay. Những phát hiện khảo cổ học này là một trong những nguồn tư liệu rất quan trọng để nghiên cứu lịch sử con người thời kỳ xa xưa. Bên cạnh đó, trong những năm 2020 - 2021 trên địa bàn huyện Krông Pa đã phát hiện nhiều điểm di tích khảo cổ thời tiền sử, và tại khu vực bến nước buôn Tơnia (thuộc xã Chu Gu), nơi trước đây được cho là có hóa thạch Cúc đá - tên một nhóm các loài sinh vật biển thân mềm đã bị tuyệt diệt.

Sông Ba – dòng sông với những ghềnh thác uốn quanh co giữa núi non hùng vỹ, cũng có những đoạn uốn mình êm đềm qua những cánh đồng màu mỡ, gắn liền với những sinh hoạt thường ngày của con người. Sông Ba không thể ví sánh sông Mê Kông trải dài khắp Nam Á lục địa, sông Hằng - dòng sông linh thiêng ở Ấn Độ hay sông Nin với nền văn minh Ai Cập cổ đại. Nhưng, sông Ba có vẽ đẹp riêng của nó với những sắc màu của văn hóa tộc người, với những địa danh mà nó chảy qua và đặc biệt gắn liền với những dấu tích của những nền văn hóa cổ xưa… là chủ đề hấp dẫn, thu hút các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, khám phá./.

 

Mưu sinh trên dòng sông Ba (Ảnh: Lê Anh)



[1] http://www.baophuyen.com.vn/120/5885/song-ba-%E2%80%93-da-rang.html

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công