AN KHÊ ĐÌNH – NGÔI ĐÌNH CÓ TUỔI ĐỜI LÂU NHẤT Ở BẮC TÂY NGUYÊN

Ngày đăng: 26/10/2021, 15:47

AN KHÊ ĐÌNH – NGÔI ĐÌNH CÓ TUỔI ĐỜI LÂU NHẤT

Ở BẮC TÂY NGUYÊN

Bài và ảnh: Huỳnh Bá Tính – Bảo tàng tỉnh Gia Lai

Vùng An Khê (bao gồm thị xã An Khê và huyện Đak Pơ ngày nay) có hơn 20 ngôi đình lớn nhỏ khác nhau. Trải qua thăng trầm của lịch sử, An Khê đình (còn gọi đình An Lũy) nằm trong quần thể di tích cấp quốc gia Tây Sơn thượng đạo là ngôi đình cổ, có tuổi đời lâu nhất, mang trong mình những dấu ấn riêng, chứa đựng giá trị văn hóa – lịch sử đặc sắc của người Việt ở vùng đất An Khê hàng thế kỷ qua.

          Đình làng là một thiết chế văn hóa cổ truyền của người Việt xuất hiện ở nước ta vào khoảng thế kỷ XV (dưới thời Lê Sơ) sau phổ biến ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Về mặt tâm linh, trong suy nghĩ của người Việt luôn tồn tại niềm tin đất có Thổ công, sông có Hà bá, cảnh thổ nào phải có Thành hoàng ấy, muốn được thần linh phù hộ, con người phải thờ thần linh. Vì vậy, khi một làng mới ra đời, ước nguyện của Nhân dân là phải có nơi để thờ thần linh, từ đó đình làng ra đời.

Cư dân tại chỗ ở vùng An Khê là người Bahnar. Nửa sau thế kỷ XVII, An Khê là nơi những người Việt đầu tiên đặt chân lên Gia Lai nói riêng và vùng Bắc Tây Nguyên nói chung. Ban đầu, họ là những tù binh bị bắt trong chiến tranh Trịnh - Nguyễn được chúa Nguyễn đưa lên khai phá vùng đất mới, trong đó có ông tổ 4 đời của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ là Hồ Phi Khang. Sự kiện đó đã được ghi lại trong “ Đại Nam chính biên liệt truyện” (Quốc sử quán triều Nguyễn) như sau: “khoảng năm Thịnh Đức (Niên hiệu của vua Lê Thần Tông (1653-1657) đời Lê, bị quân ta bắt được cho ở ấp Tây Sơn Nhất (Tây Sơn có hai ấp là Nhất và Nhị, nay là thôn An Khê, thôn Cửu An), Quy Ninh (nay là Hoài Nhân)”.

Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân, trong suốt một thế kỷ (từ thế kỷ XVII – XVIII) số lượng cư dân người Việt ở vùng đất này vẫn còn ít ỏi.
Mãi đến thế kỷ XIX, những cộng đồng dân cư nơi đây bắt đầu phát triển đông đúc, từ đó đình làng bắt đầu xuất hiện cho đến ngày nay.

Thời Nguyễn, vì muốn mở rộng và xác lập lãnh thổ trên vùng đất người Thượng này, nên từ tháng 7 năm 1870, vua Tự Đức cho lập nha doanh điền ở An Khê, di dân đến khai hoang và lập thành 8 ấp. Tiếp sau đó, vào năm Tự Đức thứ 30 (1877) nhà Nguyễn đặt Nha Kinh lý ở An Khê và chuẩn cho ông Trần Văn Thiều cùng Bố chánh tỉnh Bình Định là ông Phan Văn Điển đặt quan lại cư trú và mộ dân khai khẩn ở phía Tây và phía Đông sông Ba lập được 28 thôn. Để lập được 28 thôn ở 2 bờ sông Ba, ông Trần Văn Thiều đã dốc toàn tâm toàn lực thực hiện công tác chiêu dân khẩn hoang lập ấp, quy dân lập làng, giúp dân mở mang ruộng đất canh tác… để mộ cả người Kinh và người Thượng khai khẩn, biến rừng hoang thành ruộng vườn, phá đồi núi thành làng mạc… ông đã vượt qua trở ngại về sức khỏe, hòa mình trực tiếp tham gia khẩn hoang lập làng. Do vậy, hầu hết các đình làng ở đây đều hình thành trong khoảng thế kỷ XIX, trong đó sớm nhất là An Khê đình.

Hiện nay, chưa có tài liệu nào cụ thể nói về quá trình hình thành, xây dựng An Khê đình, tư liệu sớm nhất cho chúng ta biết sự có mặt của ngôi đình là các đạo sắc phong dưới thời Nguyễn hiện đang lưu giữ ở đình.

Theo PGS.TS. Nguyễn Quang Ngọc, khi ông đến An Lũy vào tháng 5/1977, trong đình có hai sắc phong: một sắc thời Tự Đức (1878), sắc còn lại thời Duy Tân (1909).

Theo ông Lê Đại Lượng, nguyên là chủ bái của đình thì trước đây, đình được các vua nhà Nguyễn 7 lần ban sắc phong thần. Nhưng thời kỳ kháng chiến chống Pháp, 4 sắc phong đã bị giặc Pháp đốt, hiện chỉ còn lại 3 sắc phong.

Theo khảo sát thực tế, hiện nay trong đình có 3 đạo sắc phong của triều Nguyễn: Đạo sắc phong năm Tự Đức thứ 33 (1880); năm Duy Tân thứ 3 (1909) và đạo sắc năm Duy Tân thứ 5 (1911). Như vậy, khoảng cuối thế kỷ XIX, chắc chắn rằng An Khê đình đã hoàn thiện và đi vào hoạt động, nghĩa là đình đã có trước năm 1880.

Cả ba đạo sắc phong này có kích thước tương đối lớn (1,2m x 0,6m) làm từ giấy dó, dày, màu vàng đậm, một mặt trang trí hoa văn hình rồng mây nhũ bạc, diềm sắc phong rộng 4cm. Tuy nhiên trong ba đạo sắc phong, đến thời điểm hiện tại chỉ có đạo sắc phong thời Tự Đức là khá nguyên vẹn, có nội dung như sau:

Phiên âm:

“Sắc chỉ Bình Định tỉnh Tuy Viễn huyện An Khê thôn tòng tiền phụng sự dương uy ngự vũ bảo chương kiến thuận hòa nhu hàm quang bạch mã thượng đẳng thần bảo an chánh trực hữu thiện đôn ngưng bản cảnh thành hoàng chi thần tiết kinh ban chiếu.

Sắc phong chuẩn kỳ phụng sự Tự Đức tam thập nhất niên chánh trực. Trẫm ngũ tuần đại khánh tiết kinh ban bửu chiếu đàm ân lễ long đăng trật đặc chuẩn hứa y cựu phụng sự dụng chí quốc khánh nhi thân tự điển khâm tai

Tự Đức tam thập tam niên thập nhất nguyệt nhị thập tứ nhật”

Dịch nghĩa:

“Sắc cho tỉnh Bình Định, huyện Tuy Viễn, thôn An Khê vốn trước đây đã được ban mỹ tự: dương uy, ngự vũ, bảo chương, kiến thuận, hòa nhu, hàm quan Bạch Mã thượng đẳng thần, bảo an chánh trực hữu thiện đôn ngưng bản cảnh thành hoàng.

Năm Tự Đức ba mươi mốt, nhân dịp mừng thọ trẫm ngũ tuần, nên ban chiếu báu, nhớ tới ơn thần mà có lễ phẩm trật. cho phép được thờ cúng như cũ để ghi nhớ ngày quốc khánh mà tỏ rõ điển lễ thờ phụng. Hãy noi theo.

Ngày hai mươi bốn tháng mười một năm Tự Đức thứ ba mươi ba”

 Theo lẽ thông thường, đối với các đình làng ở Việt Nam, sắc phong thường có khá muộn so với thời điểm lập đình. Bởi sau khi hình thành các cộng đồng dân cư, dân làng lập đình và thờ cúng thần linh, sau đó người dân mới đề nghị các quan địa phương, rồi các quan địa phương mới đề đạt lên triều đình thì mới được ban sắc phong. Tuy nhiên, vùng đất An Khê có những điều kiện khác biệt mà có lẽ, việc ban sắc phong sẽ được tiến hành khẩn trương sau khi thành lập đình mà không theo lẽ thông thường. Bởi trong bối cảnh lịch sử thời bấy giờ vùng rừng núi Tây Nguyên ngày nay được các chúa Nguyễn trước đó và các vương triều nhà Nguyễn sau này rất quan tâm, muốn mở rộng lãnh thổ, tạo ảnh hưởng và xác lập chủ quyền trên vùng đất người Thượng này. Chính vì vậy nhà Nguyễn mới đẩy mạnh việc khẩn hoang lập ấp, lập làng. Khi có làng, đình làng đi vào hoạt động ổn định rồi vua sẽ ban sắc phong ngay chứ không để lâu. Việc ban sắc phong còn là để khẳng định chủ quyền của triều đình đối với vùng đất đó. Do vậy, rất có thể, mãi đến thế kỷ XIX, An Khê đình mới được thành lập và được triều Nguyễn ban sắc phong sau đó không lâu.

An Khê đình thuộc địa bàn tổ 14, phường Tây Sơn, thị xã An Khê, là một trong những di tích trong quần thể di tích cấp quốc gia Tây Sơn thượng đạo. Những người cao niên ở vùng An Khê cho biết: ban đầu đình được xây dựng trên một khoảng rừng rậm rạp, trên một gò cao gần bên suối cái, hướng mặt về phía Nam nơi có ngọn núi Mò O trùng điệp, gỗ làm đình được lấy tại chỗ theo kiểu tự cung tự cấp, mái được lợp tranh, vách làm bằng đất. Hiện nay trong khuôn viên đình vẫn còn khoảng chục cây cổ thụ (gồm các loại cây: ké, bằng lăng, muồng, đa, sung…) đã vượt quá tuổi ngôi đình. Đến thời Tây Sơn dựng cờ tụ nghĩa thì đình nằm trong lũy An Khê giữa hai lớp tre dày và hào nước sâu che chắn bao bọc, vốn là nơi hội họp của bộ chỉ huy nhà Tây Sơn.

Đến thời Nguyễn, vì muốn xóa bỏ công lao to lớn của nhà Tây Sơn và làm lu mờ tình cảm của Nhân dân đối với triều đại này mà hai tiếng Tây Sơn trở thành quốc cấm. Việc thờ cúng những lãnh tụ Tây Sơn cũng là bất hợp pháp. Để tỏ lòng biết ơn với nhà Tây Sơn và qua mắt chính quyền nhà Nguyễn, Nhân dân đã viện cớ thờ các vị thần dân gian như: Thành hoàng bổn xứ, Nhị vị công tử, Chúa sơn lâm… Mặt khác họ thiết lập ba dinh thờ ở trước sân đình để thờ cúng ba ngài, dinh được dựng theo lối kết hợp kiến trúc Kinh – Thượng với nhà sàn và mái nhà người Kinh. Dinh chính giữa được thiết kế vách ngăn bên trong để thờ Nguyễn Nhạc - Cô Hầu, hai dinh hai bên thờ Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ.

Khi thực dân Pháp đặt nền đô hộ nước ta, nhiều cơ sở đình, chùa bị đốt phá. Và An Khê đình cũng chịu chung số phận. Khi đình bị cháy, hương chức, dân làng đành dời những gì có thể về An Khê trường trong đó có các sắc phong thời Nguyễn và đóng góp tiền của, công sức xây dựng một ngôi đình mới ở An Khê trường. Một thời gian dài sau đó, An Khê đình bị bỏ hoang phế, vùng đất thiêng ấy không có dân cư, vườn đình thành rừng, vượn khỉ tụ về phá phách, lâu dần mái dột tường long. Sau Cách mạng Tháng Tám, dân làng mới có dịp về sửa sang lại và lợp mái tôn cho đình.

Đình đã trải qua rất nhiều lần trùng tu từ nguồn ngân sách nhà nước và Nhân dân địa phương đóng góp. Khoảng những năm 1970, đình được xây dựng lại, mái lợp tôn. Lần trùng tu năm 2005 - 2006, sường gỗ (cột, kèo, cửa) vẫn giữ nguyên, thay mái tôn bằng ngói vảy, vách được xây tường gạch, nền lát gạch bát tràng trên nóc mái đắp hai con rồng chầu mặt trời (Lưỡng long chầu nhật); sân đình được lát gạch bát tràng, khuôn viên xây tường gạch. Năm 2014, được tu sửa, lát lại gạch nền và đưa 9 án thờ bằng gỗ vào thay thế các bàn thờ bằng bê tông bên trong.
 
 

Ảnh: An Khê đình nằm trong quần thể di tích cấp quốc gia

 Tây Sơn thượng đạo, là ngôi đình cổ nhất ở Bắc Tây Nguyên

Lần gần đây nhất là năm 2020, cùng với việc trùng tu, tôn tạo, xây dựng một số công trình thuộc quần thể di tích Tây Sơn thượng đạo, An Khê đình cũng được trùng tu, lợp lại ngói vảy, thay thế một số chi tiết cột, kèo gỗ bên trong bị mối mọt và vẫn giữ lại hình dáng tổng thể của ngôi đình theo kiến trúc cổ truyền, tiền đường hậu tẩm. Ngôi tiền đường có ba gian hai chái, hậu tẩm có một gian hai chái, hội đủ sáu vày kèo, tám cây quyết, tám cây đấm và bốn mươi cây cột. Gia nguyên, đỉnh chốt của ngôi đình được 6 bộ cối chày thon thả nâng cao và an tọa trên lưng sáu cây trính ba lá uốn cong, kèo nhất đoạn tạc đầu lân đuôi cá, năm gian bàn khoa cải tiến, ngưỡng cửa xoi chỉ lá sen, ngạch cửa xoi chỉ trái cốc… Tất cả các hạng mục gỗ đều toát lên nước sơn màu gụ vàng óng, hoặc màu nâu thẫm bóng ngời. Trên nóc mái đắp “lưỡng long chầu nhật”, nền và sân lát gạch Bát Tràng…

Bên trong tiền đường, hậu tẩm bài trí chín hương án thờ các vị thần dân gian: Thiên YAna, thần Bạch mã, Ngũ hành nương nương, Thành hoàng bổn xứ, Tiền hiền, Hậu hiền...
 
 

Ảnh: Chuẩn bị cho lễ cúng Quý Xuân tại An Khê đình

vào dịp 10 tháng 2 âm lịch hàng năm

Hàng năm, cứ đếp dịp mồng 10 tháng 2 âm lịch, Nhân dân trong vùng tổ chức lễ cúng Quý Xuân (hay còn gọi cúng đình) tại An Khê đình để tỏ lòng biết ơn với các bậc thần linh và những bậc Tiền hiền, Hậu hiền có công khẩn hoang lập làng, từ đó gửi gắm khát vọng và ước muốn của mình về một cuộc sống bình yên, no đủ ở vị Thành hoàng làng, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Buổi lễ cúng chính thường diễn ra lúc 0h00 mồng 10 tháng 2 âm lịch. Lễ vật cúng thần linh thường là một ít hoa quả, nhang, đèn và một con lợn sống khỏe mạnh đã được giết thịt, cạo sạch lông, để nguyên con ở tư thế nằm sấp, đầu hướng về phía trước. Mở đầu cho lễ tế là nghi thức đánh 3 hồi chiêng và 3 hồi trống (còn gọi là chinh cổ), mỗi hồi 3 tiếng xen kẽ nhau cứ một hồi chiêng đến một hồi trống, nhằm mục đích kêu gọi thần linh về dự cúng tế. Kết thúc chinh cổ, nhạc lễ được nổi lên và Hương lễ bắt đầu đọc bài văn cúng tế. Bài cúng đọc tới đâu thì những người trong Ban nghi lễ dâng hương, dâng rượu cúng tới đó. Kết thúc lễ cúng tế là nghi thức đốt giấy và vàng mã (nghi thức này được gọi là Lễ tất).
 
 

Ảnh: Nghinh sắc thần từ An Khê đình về An Khê trường

 sáng mùng 10 tháng 2 âm lịch 

Buổi sáng mùng 10 tháng 2, Nhân dân trong làng bắt đầu dâng hương cúng thần linh cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, gia đình ấm no hạnh phúc, mọi người cùng nhau ngồi thụ lộc, uống rượu và trò chuyện. Những cao niên trong làng ngồi kể cho con cháu nghe về công lao của những bậc tiền nhân có công khai phá cùng đất, răn dạy con cháu đời sau nên làm điều hay lẽ phải, tránh cái ác và những điều xấu xa.

Ngoài ra, điều đặc biệt ở An Khê đình mà các đình làng khác không có, đó là sẽ có thêm lễ Nghinh sắc thần từ An Khê trường vào An Khê đình tối mùng 9 tháng 2, lễ cúng sẽ diễn ra tại An Khê đình. Đến sáng mùng 10 tháng 2 sắc thần được nghinh về lại An Khê trường để cất giữ, bảo quản. Tại đây diễn ra lễ cúng Tiền Nhơn - nghi thức cuối cùng của lễ Quý Xuân ở An Khê đình. Trong lễ đưa rước sắc thần có đông đảo những bậc cao niên mặc áo dài khăn đóng và thanh niên mặc trang phục binh sĩ nhà Tây Sơn, tay cầm cờ hội thể hiện sự trang nghiêm. Lễ rước sắc thần được tổ chức đi vòng quanh làng xóm với mong muốn để thần chứng kiến đời sống của người dân địa phương, qua đó cảm kích mà phù hộ độ trì cho Nhân dân có cuộc sống bình an, mạnh khỏe, mùa màng tươi tốt.
 
 

Ảnh: Cúng Tiền Nhơn tại An Khê trường - nghi thức cuối cùng của lễ Quý Xuân

Trước đây trong khuôn khổ lễ Quý Xuân còn có Hội hát cầu Huê gồm: hát Bội, hát Bài chòi, khu chợ Kinh - Thượng, các trò chơi dân gian..... Tuy nhiên hơn 60 năm qua, Hội Hát cầu Huê đã bị thất truyền, lễ hội Quý Xuân chỉ còn lại phần lễ. Năm 2015, qua quá trình sưu tầm, nghiên cứu tư liệu, lần đầu tiên, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đã tái hiện thành công Hội cầu Huê của người Việt vùng An Khê. Những năm sau đó, hoạt động này được giao cho địa phương thực hiện. Từ đó đến nay, hàng năm, thị xã An Khê đều duy trì sinh hoạt văn hóa độc đáo này. 

        

Ảnh 3: Hội Cầu Huê của người Việt vùng An Khê được tái hiện hàng năm

Qua bao thăng trầm của lịch sử, An Khê đình luôn là niềm tự hào của bao lớp người sinh ra và trưởng thành trên vùng đất Tây Sơn Thượng. Từ cuộc sống nhọc nhằn, đầy bất trắc, thường xuyên phải đối mặt với thiên tai dịch bệnh, người dân An Khê gửi gắm khát vọng và ước muốn của mình về một cuộc sống bình yên, no đủ ở vị Thành hoàng làng, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Tín ngưỡng thờ Thành hoàng vẫn còn tiềm ẩn trong tầng sâu ký ức văn hóa của cư dân, khi đến vùng đất mới An Khê, lại thức dậy và phát triển, tạo thành nét đặc trưng mà chỉ cư dân vùng đất An Khê mới có trong không gian toàn vùng Tây Nguyên rộng lớn.

An Khê đình không chỉ là chứng tích lịch sử oai hùng và truyền thống thượng võ, vang danh gắn liền với phong trào khởi nghĩa Tây Sơn đã đi vào lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, mà hiện nay, đây còn là còn là điểm thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan tìm hiểu, khám phá lịch sử văn hóa vùng đất này.

 

 

 

 

 

 

 

 

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công