TÌM HIỂU VỀ “CÂY NHIỆT ĐỚI” MỸ SỬ DỤNG TRONG CHIẾN TRANH XÂM LƯỢC VIỆT NAM

Ngày đăng: 20/10/2021, 10:48

TÌM HIỂU VỀ “CÂY NHIỆT ĐỚI”

MỸ SỬ DỤNG TRONG CHIẾN TRANH XÂM LƯỢC VIỆT NAM

Huỳnh Bá Tính – Bảo tàng tỉnh Gia Lai

 

            Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang trưng bày một hiện vật có tên “Cây nhiệt đới”, mới nghe tên, có vẻ đây là một loài thực vật vùng nhiệt đới, nhưng thực ra đây là một loại thiết bị điện tử mà Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam.

            Trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, nhằm ngăn chặn sự chi viện của hậu phương miền Bắc cho chiến trường miền Nam, quân đội Mỹ đã sử dụng những phương tiện, vũ khí được coi là tối tân của khoa học quân sự Mỹ thời bấy giờ. Cây nhiệt đới là một trong những vũ khí trinh sát điện tử nằm trong hàng rào điện tử Macnamara mà Mỹ xây dựng từ năm 1966 dọc khu phi quân sự ở vĩ tuyến 17 và dọc đường mòn Hồ Chí Minh như một biện pháp trinh sát mặt đất tự động nhằm phát hiện các hoạt động vận chuyển của Quân đội Nhân dân Việt Nam lưu thông qua khu vực này trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam.

1. Kế hoạch xây dựng “hàng rào điện tử McNamara” của Mỹ

Trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, theo hiệp định Giơnevơ, Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành hai miền Nam - Bắc. Cho rằng lực lượng du kích miền Nam có thể chiến đấu được là nhờ sự tiếp tế của miền Bắc, do đó ngày 09/7/1967, tại một cuộc hội thảo ở Washington, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là Robert McMamara đưa ra kế hoạch xây dựng một hàng rào điện tử chống xâm nhập dọc khu phi quân sự (DMZ) giữa miền Bắc và miền Nam Việt Nam. Hệ thống này thường được gọi tên là “hàng rào điện tử McNamara” đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara.

          “Hàng rào điện tử McNamara” bao gồm hệ thống 17 căn cứ quân sự, kết hợp với hệ thống vật cản (hàng rào dây thép gai, bãi mìn...), các thiết bị trinh sát điện tử mặt đất và trên không (rađa, máy cảm ứng âm thanh, cảm ứng địa chấn...), được bố trí liên hoàn trong khu vực có chiều rộng 10–20 km, dài khoảng 100 km từ cảng Cửa Việt lên đường 9, tới biên giới Việt Nam – Lào, sang Mường Phìn (Lào).

Người thiết kế “hàng rào điện tử Mc Namara” là giáo sư Roger Fisher, Đại học Havard, một người đam mê quân sự. Năm 1966, Fisher đã dựa vào hàng rào Moroce Line tại Algeria để xây dựng một hệ thống hàng rào “hi-tech”, là sự kết hợp hoàn hảo của mìn, hố bẫy, dây thép gai và các thiết bị trinh sát điện tử.

“Hàng rào điện tử Mc Namara” gồm 2 thành phần chính: Thứ nhất là hàng rào chống xâm nhập được xây dựng dọc theo vỹ tuyến 17 từ biển Đông tới Lào; thứ hai là một hàng rào khác gồm các thiết bị điện tử được thả xuống dọc đường mòn Hồ Chí Minh, kể cả trên đất Lào nhằm theo dõi quá trình vận chuyển, tiếp tế của hậu phương miền Bắc qua con đường này.

Các loại vũ khí mới được sử dụng gồm có bom chùm SADEYE/BLU-26B, có thể chứa 600 quả bom con. Khi được thả, bom mẹ sẽ phát tán các bom con ra một vùng rộng lớn và khi nổ, mỗi quả bom con sẽ tung ra 3000 viên bi thép, gây ra khả năng sát thương khủng khiếp.

Một vũ khí khác không kém phần nguy hiểm là những quả mìn lá Gravel, khi nổ chỉ cắt cụt chân người dẫm, khiến người bị thương trở thành gánh nặng cho đồng đội…

Rất nhiều vũ khí và thành tựu khoa học mới nhất của Mỹ đã được sử dụng để xây dựng hàng rào này. Tuy nhiên, nổi bật nhất trong số những thiết bị điện tử được Mỹ sử dụng là một loại cảm biến được gọi “cây nhiệt đới”

2. “Cây nhiệt đới” – vũ khí trinh sát điện tử được Mỹ sử dụng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam

“Cây nhiệt đới” có tên khoa học là “Tranggen Radio” có nghĩa là trinh sát điện tử. Đây thực chất là một loại cảm biến địa chấn phát hiện xâm nhập, có khả năng cắm chặt xuống đất khi thả từ máy bay. Sau khi được thả xuống ở các khu vực nghi vấn dọc đường Trường Sơn, thiết bị này sẽ cắm sâu xuống đất chỉ để lộ phần ăng - ten được ngụy trang khéo léo như những cành cây trong rừng nhằm phát hiện các tiếng động do người và xe cộ của ta phát ra, để truyền về trung tâm xử lý, thông báo chính xác vị trí của bộ đội ta.

Cấu tạo bộ ăng – ten gồm 4 hoặc 5 râu, trong đó 1 râu thẳng lên trời, các râu còn lại xòe ra các góc. Các râu xòe có nhiệm vu thu tín hiệu, còn râu thẳng sẽ đảm nhiệm việc phát tín hiệu về trung tâm xử lý.

Bên trong các râu chứa 3 tầng linh kiện điện tử gồm các loại bán dẫn, tụ, kháng… được bao bọc bằng lớp nhựa dày rất cứng, có một khối pin lớn và 1 micro nối với cần ăng - ten. “Cây nhiệt đới” sau khi thả xuống có thể hoạt động liên tục từ 65-70 ngày.

 

 

 

Ảnh: Binh sĩ Mỹ thả “Cây nhiệt đới” xuống vùng rừng núi Nam Việt Nam

(Nguồn: https://viettimes.vn/viet-nam-dat-mui-b-52-va-khong-quan-my-the-nao-post38658.html)

 

Những cảm biến của các thiết bị này được phát triển bởi các công ty điện tử nổi tiếng ở Mỹ như: Texas Instruments, Magnavox, General Electric, Western Electric và tổng công ty Hazeltine của Little, New York. Đây là những thiết bị điện tử tiên tiến nhất được chế tạo trong những năm 60. Hàng chục loại cây nhiệt đới khác nhau đã được phát triển và triển khai tại Việt Nam, hầu hết được ngụy trang thành cây giả giống thực vật với phần trên là ăng – ten, phần dưới của cảm biến được cắm sâu trong lòng đất.

Quy trình hoạt động của Cây nhiệt đới là thu tín hiệu từ các di chuyển của bộ đội ta bằng chấn động mặt đất, đối với người cự ly là 25-35m, ô tô là 200-300m sau đó phát tín hiệu lên không trung cho máy bay ở độ cao 15-20km, máy bay lập tức phát thông tin về trung tâm xử lý của Mỹ đặt ở đảo Guam (Thái Lan). Trung tâm xử lý xác định tiếng động của người hay ôtô, kho tàng, xác định tọa độ khu vực, sau đó truyền tín hiệu về sở chỉ huy để điều động máy bay ở khu vực gần nhất đến oanh tạc. Quy trình xử lý phát tín hiệu thông tin từ cây nhiệt đới đến các bộ phận chỉ diễn ra trong giây phút.

 

 

Ảnh: Sơ đồ cảm biến “ Cây nhiệt đới”

(Nguồn: https://viettimes.vn/viet-nam-dat-mui-b-52-va-khong-quan-my-the-nao-post38658.html)

 

Trung tâm chỉ huy với 2 máy tính khổng lồ IBM 360/65 đặt tại Thái Lan, quán xuyến toàn bộ thiết bị điện tử được rải xuống khắp 40.000 km2 dọc ở dãy Trường Sơn. Chúng kiểm soát từng vùng theo mã số, đánh hơi người, bắt âm thanh theo các tần số, phát hiện các vật di động, xác định thời gian và địa điểm…vv rồi thông báo tức thì cho các loại máy bay để đánh phá.

Mặc khác, để đề phòng việc sóng bị nhiễu do bộ đội ta phá sóng, do ảnh hưởng của điều kiện vật lý, giới kỹ thuật Mỹ đã chế tạo một số phương tiện hỗ trợ chuyển tiếp đặt trên máy bay không người lái QU-22B, nhận tín hiệu từ mặt đất rồi chuyển về trung tâm. Ngoài ra, Mỹ còn chế tạo thêm trạm chuyển tiếp tự động (DART) hay chương trình bảo trợ Commando Bolt (tức hệ thống điều hành toàn bộ hệ thống trinh sát điện tử), có thể chỉ huy tự động đảm bảo cho không quân Mỹ không kích chính xác trong mọi hoàn cảnh.

3.     “Cây nhiệt đới” bị vô hiệu hóa và “tương kế tựu kế” của bộ đội ta

Trong thời gian đầu, khi chưa phát hiện ra cây nhiệt đới, bộ đội ta bị tổn thất nhiều bởi các đợt oanh tạc của Mỹ. Nhận thấy nhiều dấu hiệu bất thường bộ đội Việt Nam quyết tâm nghiên cứu và tìm ra nguyên nhân. Các nhóm trinh sát tinh nhuệ được cử vào khu vực bị ném bom, không mang theo bất kỳ đồ vật gì bằng kim loại và vô cùng cẩn trọng. Cuối cùng trong đống cây rừng ngổn ngang, có một loại cây không có lá, nhóm trinh sát đã mang cây này về và đây là lần đầu tiên bộ đội Trường Sơn giáp mặt “Cây nhiệt đới”. 

 

 

Ảnh: “Cây nhiệt đới” đang trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai

 

Các giáo sư của Viện Khoa học và Quân sự trường Đại học Bách khoa Hà Nội là những người đầu tiên tiếp cận và nghiên cứu về Cây nhiệt đới, từ đây Mỹ đã gặp phải những giải pháp hữu hiệu của bộ đội ta khi di chuyển trên đường Trường Sơn. Quân đội Việt Nam đã chủ động né tránh các khu vực có cây nhiệt đới đồng thời “tương kế tựu kế”. Đơn giản như với máy phát hiện mùi mồ hôi thì dùng hàng trăm vỏ lon thịt hộp, đựng nước tiểu vào mỗi lon một ít treo đầy rừng đánh lừa; máy phát hiện nhiệt năng thì cho các đoàn vật nuôi, gia súc gia cầm do người dân đóng góp… đi lượn lờ xung quanh để đánh lừa. Với cây nhiệt đới, thì ta tạo ra nhiều tín hiệu giả để nghi binh gây tiếng động, chạy máy nổ...và đặt cây nhiệt đới vào vị trí cần phá, mở đường... Chỉ chờ có vậy, máy bay được điều đến để oanh kích. Bao nhiêu bom đạn của địch cứ nhằm vào vị trí nghi binh, có khi là đèo dốc mà công binh ta chưa kịp khai phá để “giúp” ta mở đường.

Đại tá Hồ Minh Trí –Nguyên là Tư lệnh Sư đoàn 473 kể lại: “ Các thiết bị này rất khó phát hiện và chỉ có thể sử dụng bằng mắt thường để tìm. Các máy cảm ứng thường có cấu tạo thêm bộ phận tự hủy để chống tháo gỡ . Trước tiên phải làm liệt chi tiết này và các thao tác đã được nghiên cứu, kiểm định kỹ lưỡng và chắc chắn thì cần phổ biến ngay cho chiến sĩ. Với loại có dù treo cao trên ngọn cây, nếu cao quá thì dùng súng AK -47 bắn hủy ngay tại chỗ, nếu thấp thì hạ xuống rồi vô hiệu hóa bằng cách buộc 4 cái râu của chúng lại với nhau bằng dây thép. Với các loại “cây nhiệt đới” thì dùng kìm cắt ngay cần ăng – ten. Với các loại khó tháo gỡ thì đơn giản nhất là áp 200g thuốc nổ vào (gói theo kiểu bộc phá) hoặc dùng lựu đạn cho nổ cắt đôi khí tài ra là xong”

Mặc dù, điều kiện về phương tiện kỹ thuật còn thiếu thốn, nhưng với tinh thần mưu trí, dũng cảm của các chiến sỹ Công binh Việt Nam, không chỉ “Cây nhiệt đới” mà hàng loạt các thiết bị khác của Mỹ cũng bị ta vô hiệu hóa và “tương kế tựu kế” để đánh lại Mỹ. Kế hoạch ngăn chặn bằng “hàng rào điện tử McNamara" tiêu tốn hàng tỷ đô la bị chọc thủng khiến nhà cầm quyền Mỹ không thu được kết quả như mong đợi.

Có lẽ nhiều năm sau này, người Mỹ cũng không thể ngờ rằng một thiết bị trinh sát hiện đại như vậy, lại bị một đội quân được cho là nông dân cầm súng ấy khám phá ra. Tham mưu trưởng Không quân Mỹ John – McConnell đã phải thừa nhận: “Không quân Mỹ đang phải gánh chịu những tổn thất to lớn trong cuộc chiến kỳ lạ để giành lấy những thắng lợi nhỏ nhoi… Tôi chưa bao giờ thất vọng như lúc này”.

 

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công