CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỚI TỔNG TUYỂN CỬ BẦU QUỐC HỘI ĐẦU TIÊN ĐÁNH DẤU THẮNG LỢI CỦA QUỐC HỘI VIỆT NAM

Ngày đăng: 20/05/2021, 07:14

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

VỚI TỔNG TUYỂN CỬ BẦU QUỐC HỘI ĐẦU TIÊN   

ĐÁNH DẤU THẮNG LỢI CỦA QUỐC HỘI VIỆT NAM

 


Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo củng cố mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, đây chính là vấn đề tiên quyết đưa cách mạng Việt Nam vượt quan những sóng gió, hiểm nguy nhất để đi đến thắng lợi sau này.

Với tầm nhìn xa trông rộng và sự lãnh đạo tài tình sáng suốt, khoa học của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay trong những ngày đầu thành lập nước, Người đã đề nghị tổ chức càng sớm càng nhanh cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu bầu cơ quan quyền lực cao nhất đó là Quốc hội của nước Việt Nam, đại diện cho quyền lợi của nhân dân, nói tiếng nói của nhân dân Việt Nam.

Một trong những tiền đề của Người từ rất sớm đó là sáng kiến về việc triệu tập Việt Nam Quốc dân đại hội đại biểu, ngày nay gọi là Quốc dân Đại hội Tân Trào, có thể xem như "Một tiền Quốc hội" là sự thể hiện sâu sắc tư tưởng của Chủ Tịch Hồ Chí Minh về ý thức độc lập tự do, về xây dựng thiết chế nhà nước của dân, do dân và vì dân trên cơ sở xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Sau khi đọc tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, trong phiên họp đầu tiên của chính phủ lâm thời ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Tôi đề nghị chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai, gái 18 tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử không phân biệt giàu, nghèo, tôn giáo, dòng giống...”1

Nhận thấy tình hình cấp bách của đất nước bấy giờ. Ngày 8-9-1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt chính phủ lâm thời ký sắc lệnh số 14 về cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội. Trong bài viết "Cách tổ chức các Uỷ ban nhân dân" đăng trên báo Cứu Quốc ngày 11-9-1945, Người đã chỉ ra: "Các Uỷ ban nhân dân Làng, Phủ là hình thức chính phủ địa phương, phải chọn trong những người có công tâm, trung thành, sốt sắng với quyền lợi dân chúng, có năng lực làm việc được đông đảo dân làng tín nhiệm. Không thể nhờ đến tiền tài hay một thế lực nào khác mà chui lọt vào đó được” 2

Song song cùng với việc chuẩn bị tiến hành tổng tuyển cử bầu Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất của nướcViệt Nam dân chủ cộng hoà. Người cũng luôn chú trọng đến công việc xây dựng hệ thống chính quyền ở các làng xã là cực kỳ quan trọng. Trong thư gửi "Uỷ ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng", tháng 10-1945, Người nhắc cán bộ: "Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng đều là công bộc của dân nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân chứ không phải để đè đầu dân như thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hếy sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta" 3.

Chủ trương của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đã được chính phủ lâm thời và toàn dân ủng hộ. Ngày 20-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 34 về việc thành lập Uỷ ban dự thảo Hiến pháp. Ngày 26-9-1945, ký Sắc lệnh số 39 lập Uỷ ban dự thảo thể lệ Tổng tuyển cử. Trong thời điểm khó khăn này của đất nước, cuộc Tổng tuyển cử đã được chuẩn bị rất khẩn trương, chu đáo trong khắp cả nước. Chỉ với 100 ngày chuẩn bị với sự chỉ đạo trực tiếp và tài tình của Người, cùng với sự cố gắng của Chính phủ lâm thời, đặc biệt là sự đồng thuận cao, ủng hộ của nhân dân cả nước nên cuộc tổng tuyển cử theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu đã được tiến hành thành công trên phạm vi cả nước.


        Sắc lệnh thành lập ủy ban dự thảo thể lệ        

        cuộc tổng tuyển cử đầu tiên -Ảnh tư liệu

Để đồng bào cả nước nhận thấy rõ quyền lợi to lớn của tổng tuyển của. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết nhiều bài đăng trên báo Cứu quốc nhằm động viên nhân dân đi bỏ phiếu thực hiện quyền làm chủ nước nhà. Ngày 31-12-1945, Người viết bài "Ý nghĩa Tổng tuyển cử", trong đó có đoạn viết: " Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử... Vì lẽ đó cho nên Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng, tức là dân chủ, đoàn kết...”4 . Ngày 5-1-1946 trong lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu Người đã nhấn mạnh“…Ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta hưởng dụng quyền dân chủ của mình…Ngày mai, quốc dân ta sẽ tỏ cho thế giới biết rằng dân Việt Nam ta đã: Kiên quyết đoàn kết chặt chẽ, Kiên quyết chống bọn thực dân, kiên quyết tranh quyền độc lập.”5

Ngày 6-1-1946, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà được tiến hành sôi nổi trên phạm vi cả nước, hơn 89% cử tri trên khắp mọi miền của Tổ quốc, không phân biệt nam nữ, giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo, chính kiến… đã nô nức tham gia cuộc tổng tuyển cử đầu tiên mặc cho kẻ thù điên cuồng luôn tìm cách chống phá, phá hoại. Ngày 6-1-1946, Người đi bầu cử tại hòm phiếu đặt tại số 10 phố Hàng Vôi (nay là phố Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội), sau đó Người đi thăm một số phòng bỏ phiếu tại thành phố Hà Nội. Kết quả là nhân dân cả nước đã bầu 333 đại biểu vào Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trúng cử với số phiếu cao nhất 98,4%. Sau khi thực hiện thắng lợi cuộc Tổng tuyển cử, Người chủ trương nhanh chóng triệu tập cuộc họp Quốc hội để đối phó kịp thời với tình hình mới.

Ngày 2-3-1946, Quốc hội khoá I đã họp kỳ họp thứ nhất tại Nhà hát lớn thành phố Hà Nội, gần 300 đại biểu Quốc hội của cả nước đã về họp. Người nêu rõ: "Quốc hội và chính phủ còn có những gánh nặng nề, phải bước qua nhiều sự khó khăn, nhưng tôi tin chắc rằng quốc dân sẽ nhất trí, dựa vào sức đoàn kết mà làm việc, và như thế thì dù khó khăn đến đâu, kháng chiến sẽ thắng lợi và kiến quốc sẽ thành công" 6. Tại kỳ họp này, Người được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước. Người giới thiệu trước Quốc hội bản danh sách Chỉnh phủ mới, Đoàn cố vấn tối cao, Kháng chiến uỷ viên hội và được các đại biểu Quốc hội tán thành.

Sự kiện Tổng tuyển cử bầu quốc hội đầu tiên trọng đại này đã đi vào lịch sử nước ta như một mốc son chói lọi, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ, mở ra một thời kỳ phát triển mới của đất nước, một nhà nước thật sự của dân, do dân và vì dân. Đây chính là  thắng lợi của tinh thần yêu nước nồng nàn được đúc kết từ truyền thống giữ vững độc lập, tự do của dân tộc nghìn đời; thắng lợi của chính thể dân chủ cộng hoà lần đầu tiên được thiết lập trên đất nước Việt Nam; thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo.

Có thể khẳng định ngày nay với những thành tựu đạt được vô cùng to lớn, đất nước ngày càng lớn mạnh về mọi mặt, tạo một chỗ đứng uy tín trên trường quốc tế đó là có sự đóng góp to lớn của Quốc hội Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: “Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, Quốc hội luôn gắn bó với nhân dân, mang trong mình sức mạnh của nhân dân, đồng hành cùng dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước cũng như trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. Mỗi bản Hiến pháp, mỗi đạo luật, mỗi nghị quyết, mỗi quyết định quan trọng của Quốc hội luôn gắn liền với vận mệnh của quốc gia, dân tộc, là sự kết hợp nhuần nhuyễn của ý Đảng, lòng dân” 7

Không những với nhân dân Việt Nam mà các chính khách, bạn bè trên thế giới cũng đánh giá cao uy tín của Quốc hội Việt Nam. Khi trả lời phóng viên về Quốc hội Việt Nam. Ông Chheang Vun - Chủ tịch Ủy Ban Đối ngoại, Hợp tác quốc tế, thông tin và tuyên truyền Quốc hội Campuchia nhận xét về vai trò của Quốc hội Việt Nam Quốc hội Việt Nam luôn có trách nhiệm trong việc lập pháp và giám sát Chính phủ. Các Bộ luật nào mà Chính phủ trình lên đều được Quốc hội thảo luận kỹ trước khi thông qua và đặc quyền lợi nhân dân lên hàng đầu. Việc hành pháp của Chính phủ cũng được Quốc hội theo dõi sát sao. Việc giám sát Chính phủ không phải ngồi nghe báo cáo Chính phủ mà từng đại biểu quốc hội xuống từng cơ sở tiếp xúc cử tri, lắng nghe ý kiến cử tri, làm việc với các cấp chính quyền để giải quyết những vấn đề mà cử tri quan tâm. Chúng tôi đánh giá cao hoạt động của Quốc hội Việt Nam”.

Một chặng đường hơn 75 năm, trải qua 14 nhiệm kỳ Quốc hội đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật làm cho hệ thống pháp luật nước ta ngày càng hoàn thiện và phát huy cao vai trò trong thời kỳ đổi mới. Đây là một quá trình kế thừa lâu dài liên tục, không ngừng đổi mới về mọi mặt để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của của mỗi giai đoạn cách mạng khác nhau như đẩy mạnh quyền lập hiến, lập pháp, giám sát để phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, an ninh – quốc phòng và công tác đối ngoại của đất nước đã đáp ứng được nguyện vọng, ý chí của nhân dân để xây dựng một nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Phạm Đình Phúc -Bảo tàng tỉnh Gia Lai

 

1. Bài nói: Nhiệm vụ cấp bách nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Nói ngày 3/9/1945. Hồ Chí Minh toàn tập, tr8, tập 4, 1945

2. Bài viết: Cách tổ chức các Uỷ ban nhân dân đăng trên báo Cứu Quốc ngày 11-9-1945. Hồ Chí Minh toàn tập, tr14, tập 4, 1945

3. Thư gửi "Uỷ ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng", tháng 10-1945. Hồ Chí Minh toàn tập, tr56, tập 4, 1945

4. Bài viết: Ý nghĩa Tổng tuyển cử đăng trên Báo Cứu Quốc ngày 11-9-1945. Hồ Chí Minh toàn tập, tr133, tập 4, 1945

5. Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu Báo Cứu Quốc ngày 5-1-1946. Hồ Chí Minh toàn tập, tr146, tập 4, 1945

6. Diễn văn khai mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I, ngày 02/03/1946. Hồ Chí Minh toàn tập, tr191, tập 4, 1945

7. Bài phát biểu của Đ/c Nguyễn Sinh Hùng tại lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam, ngày 6/01/2016.

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công