BẢO TÀNG GIA LAI: KẾT NỐI CỘNG ĐỒNG GÓP PHẦN BẢO TỒN DI SẢN VĂN HÓA

Ngày đăng: 11/05/2021, 13:21

Gia Lai là một địa phương đa dạng về thành phần dân tộc, trong quá trình cộng cư và phát triển, các tộc người đã cùng nhau xây dựng một nền văn hóa chung, đồng thời cũng đã sáng tạo và gìn giữ di sản văn hóa riêng. Ngày nay, với sự phát triển kinh tế ngày càng tăng, sự chuyển đổi cơ cấu xã hội ngày càng mạnh mẽ, quá trình toàn cầu hóa làm nảy sinh mối đe dọa về sự suy thoái và hủy hoại các di sản văn hóa. Do vậy, việc kết nối cộng đồng để chung tay bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đã và đang trở thành định hướng hoạt động cho hệ thống bảo tàng nói chung và Bảo tàng tỉnh Gia Lai nói riêng trong giai đoạn hiện nay.

 Phục dựng Lễ bỏ mả tại khuôn viên Bảo tàng tỉnh Gia Lai (Ảnh: Bá Tính)

Những năm gần đây, cái tên Bảo tàng tỉnh Gia Lai đã trở nên quen thuộc đối với nhiều người dân địa phương. Những đổi mới từng bước trong hoạt động chuyên môn đã đưa bảo tàng phát triển đảm bảo về chất và lượng, trong đó việc tạo lập kết nối cộng đồng luôn được người làm công tác bảo tàng chú trọng. Đây được xem là hoạt động mang tính định hướng lâu dài nhằm tạo ra những hiệu quả tích cực góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của địa phương.

Một trong những cơ sở quan trọng của việc tạo lập kết nối cộng đồng đó chính là nguồn hiện vật bảo tàng. Những năm qua Bảo tàng Gia Lai luôn quan tâm đầu tư cho công tác nghiên cứu sưu tầm hiện vật, chú trọng việc xây dựng và hoàn thiện các bộ sưu tập hiện vật có giá trị, mang tính lịch sử - văn hóa đặc trưng của tỉnh nhà. Từ năm 2018 đến nay, Bảo tàng Gia Lai đã sưu tầm được hơn số lượng hiện vật tương đối lớn nhằm bổ sung cho trưng bày cũng như lưu giữ tại kho cơ sở. Để có được kết quả đó, những người làm công tác sưu tầm đã không ngừng nỗ lực xây dựng, tạo lập các mối quan hệ với một số tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh để sưu tầm, vận động hiến tặng hiện vật cho bảo tàng.
 
Song song với công tác nghiên cứu, sưu tầm, việc đổi mới nội dung trưng bày cũng được bảo tàng chú trọng, đem đến sự mới lạ, hấp dẫn nhằm tạo thêm sức hút và sự tương tác giữa khách tham quan với bảo tàng. Cùng với trưng bày cố định, thời gian qua bảo tàng đã thực hiện nhiều đợt trưng bày chuyên đề nhân các sự kiện lớn của trung ương và địa phương đã thu hút đông đảo người dân quan tâm. Đặc biệt việc đưa các cuộc triển lãm về cơ sở tiếp tục được phát huy, kể từ khi sáp nhập (12/2018) đến nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đã chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền sâu rộng ở cơ sở. Xác định học sinh là đối tượng chính, bằng nhiều hình thức khác nhau như: kết hợp triển lãm vừa tổ chức cuộc thi rung chuông vàng; hoặc tổ chức các trò chơi dân gian; xây dựng những chương trình, hoạt động sôi nổi “chơi mà học, học mà chơi” đã đem lại những kết quả thiết thực, từ đó tạo cho các em học sinh có môi trường học tập hữu ích, vui chơi lành mạnh trong những buổi học tập ngoại khóa.  
 
Hoạt động trải nghiệm tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai (Ảnh: Xuân Toản)
 
Một trong những khâu công tác thể hiện việc kết nối cộng đồng một cách rõ nét nhất đó là tổ chức các hoạt động trình diễn, trải nghiệm tại bảo tàng. Thời gian qua, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đã tổ chức thành công nhiều hoạt động trải nghiệm, trình diễn với sự tham gia của cộng đồng với tư cách vừa là chủ nhân, vừa là người thực hành di sản và đồng thời cũng là người thưởng thức di sản. Việc tái hiện Hội hát cầu huê của người Việt vùng An Khê – một lễ hội đã thất truyền hơn 65 năm qua; Lễ hội mùa xuân các dân tộc tỉnh Gia Lai; Mùa hè cùng di sản văn hóa dân gian; Em vui hội trăng rằm; trình diễn tạc tượng, dệt thổ cẩm;... đã thu hút hơn hàng chục ngàn lượt khách tham gia. Tại các hoạt động này, công chúng cùng tham gia trải nghiệm, trình diễn các di sản văn hóa, thưởng thức ẩm thực truyền thống các dân tộc, cùng tham gia các trò chơi dân gian, giao lưu văn hóa văn nghệ với nhau tạo nên một không gian đa sắc màu trong văn hóa. Có thể nói rằng, đây là một trong những hoạt động khai thác hiệu quả khía cạnh giá trị phi vật thể của văn hóa tới công chúng, giới thiệu đến công chúng một cách rõ nét cái tinh thần của tri thức dân gian, cái tri thức cộng đồng ở trong từng hiện vật, từng hoạt động. Từ kết quả trên, có thể khẳng định một trong những cách hiệu quả nhất để đưa văn hóa phi vật thể đến gần với công chúng, kết nối cộng đồng đó là trình diễn văn hóa phi vật thể tại bảo tàng.
 
Có thể nói rằng công tác tuyên truyền quảng bá trên các phương tiện truyền thông giữ vai trò quan trọng và không thể thiếu trong định hướng kết nối cộng đồng của bảo tàng, vì nó có thể đến được với rất nhiều đối tượng công chúng và bản thân nó có sức hấp dẫn riêng. Vì vậy, với việc thông qua nhiều cách thức khác nhau như: in ấn tờ rơi, ấn phẩm, viết bài, đưa tin các sự kiện … Bảo tàng tỉnh Gia Lai từng bước tuyên truyền quảng bá sâu rộng đến công chúng. Từ năm 2018 đến nay, thường niên Bảo tàng tỉnh Gia Lai xuất bản tập san giới thiệu thông tin, hoạt động của đơn vị cũng như tập hợp các bài viết nghiên cưu khoa học tong lĩnh vực bảo tàng, di sản văn hóa; in ấn tờ rơi,... Thông qua trang thông tin điện tử, hoặc việc tham gia vào mạng xã hội: Facebook, Zalo,... thông tin hoạt động của Bảo tàng tỉnh Gia Lai được tiếp cận với công chúng ngày càng sâu rộng hơn. Đặc biệt, cuối năm 2020, đầu năm 2021 Bảo tàng tỉnh Gia Lai đã xây dựng phòng trưng bày, giới thiệu sản phẩm văn hóa của địa phương, hàng lưu niệm đã và đa mang lại những đổi mới tích cực trong hoạt động của đơn vị.
 
Việc tạo lập kết nối cộng đồng thực sự là một cơ hội quảng bá các di sản văn hóa sâu rộng đến người dân, qua đó nâng cao niềm tự hào dân tộc, ý thức bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá một cách bền vững, đồng thời đó cũng là thách thức không nhỏ trong điều kiện hiện nay. Mặc dù không tránh khỏi một số hạn chế trong quá trình thực hiện, sự đổi mới trong hoạt động của bảo tàng cả về quan niệm, cách thức và nội dung hoạt động vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng chung của xã hội. Nhưng với nỗ lực không biết mệt mỏi của đội ngũ cán bộ bảo tàng, cũng như sự cố gắng học hỏi từ các bảo tàng bạn, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang từng bước khẳng định mình trong sự nghiệp phát triển chung của hệ thống bảo tàng Việt Nam./.

Trần Thị Minh Hợi

 

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công