Một nhà nghiên cứu văn hóa nặng lòng với Gia Lai vừa ra đi

Ngày đăng: 24/02/2021, 13:45

Cách đây hơn 10 năm, tôi được Giáo sư Nguyễn Tấn Đắc (80 tuổi) hướng dẫn thực hiện một bài tập lớn. Trước đó, khi đọc hồ sơ cá nhân của học trò xong, ông điện thoại, nói: Tôi già rồi, chuyên môn sâu về lĩnh vực này lại mỏng. Nhưng anh là người Gia Lai nên tôi đồng ý…
 
Giáo sư Nguyễn Tấn Đắc sinh năm 1931 trong một gia đình có đến 14 người con (11 nữ, 3 nam) ở Tư Nghĩa, Quảng Ngãi. Cha ông là nhà giáo nổi tiếng xứ này - ông Nguyễn Tấn Đức. Sinh năm 1903, ông Đức từng tốt nghiệp Thành chung (trung học) ở Huế sau năm 1920, rồi suốt đời làm nghề dạy học, kinh qua nhiều nơi.
 
Giáo sư Nguyễn Tấn Đắc xúc động gặp lại bà Kpă H’nhit, vợ ông Siu Luynh. Ảnh Nguyễn Quang Tuệ.
 
Được làm việc dưới sự chỉ dẫn của Giáo sư Nguyễn Tấn Đắc nhiều năm liền, tôi nhớ mãi những chuyện ông kể: Tập kết ra Bắc sau 1954, ông được cử đi đào tạo về nghiên cứu văn học. Rời Bắc Kinh (Trung Quốc) năm 1961, ông về làm việc tại Viện Văn học (Hà Nội). Năm 1973, khi thành lập Viện Đông Nam Á, ông được tăng cường sang làm công tác quản lý. Thời gian đó, ông biết đến Tây Nguyên chủ yếu qua chuyện kể từ một số người từng điền dã nơi này trở ra Hà Nội. Mãi cho đến đầu năm 1985 ông mới có dịp đến Gia Lai – Kon Tum nhân một liên hoan cồng chiêng được tổ chức tại Pleiku. Khung cảnh hoành tránh của sự kiện, âm thanh trầm hùng của cồng chiêng cùng những gương mặt thô mộc mà tài hoa hết mực của hàng ngàn nghệ nhân đã hấp dẫn ông.
 
Mấy tháng sau, một đêm, ông đang ngồi làm việc trong căn phòng tập thể thì có tiếng gõ cửa. Mở cửa, ông ngạc nhiên nhưng nhận ra ngay vị cán bộ khắc khổ ấy chính là người bạn mới quen khi vào Gia Lai – Kon Tum lần đầu: Ông Trịnh Kim Sung (Sanh), Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin. Ông Sung cất công ra Hà Nội kỳ này với một nhiệm vụ quan trọng, đó là “mời đồng chí Nguyễn Tấn Đắc vào viết giúp cho ngành, cũng là giúp cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh một bản chiến lược văn hóa”.
 
Giáo sư Đắc bồi hồi nhớ lại: Vừa mừng lại vừa lo. Mừng vì có cơ hội trở lại Tây Nguyên, mừng nữa vì được địa phương tin tưởng, nhưng cũng lo vì vốn liếng về văn hóa nơi này ông chưa có là bao. Để chắc chắn, ông đề nghị Giám đốc Sung mời thêm các nhà nghiên cứu khác từng lên Tây Nguyên trước mình.
 
Giáo sư Nguyễn Tấn Đắc và dân làng Plơi Ơi, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện. Ảnh Nguyễn Quang Tuệ.
 
Những ngày sau đó, người ta thấy các giáo sư: Nguyễn Tấn Đắc, Từ Chi và Tiến sĩ Ngô Văn Doanh rong ruổi khắp các làng xã trong tỉnh. Vì công việc ở Hà Nội, sau hai tháng lăn lộn, những người đồng hành cùng Giáo sư Nguyễn Tấn Đắc rời Pleiku, để lại ông cùng căn phòng tập thể và những bữa ăn đạm bạc quen thuộc. Ông ở lại thêm 4 tháng nữa, vừa điền dã vừa và hoàn thành bản “chiến lược văn hóa” dài ngót trăm trang như đã nhận lời giúp. Sau này, ông kể: Viết văn bản ấy không khó, vì sau khi đi thực tế, mọi thứ đã thành những cuộn phim trong đầu, chỉ việc “mở” ra chép lại, cái khó là chọn cái nào, bỏ cái nào, vì bỏ cái nào đi cũng tiếc.
 
Tinh thần của bản “chiếc lược văn hóa” ấy, theo Giáo sư Nguyễn Tấn Đắc, đã có một số câu chữ được đưa vào nghị quyết của Đảng bộ tỉnh giai đoạn này. Cũng như vậy, trên cơ sở “chiến lược”, không chỉ thời kỳ ông Trịnh Kim Sung phụ trách ngành Văn hóa, mà sau này một số người kế nhiệm ông cũng đã nối tiếp hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương. Các công trình liên quan đến cồng chiêng, nhà rông, nhà mồ, tượng mồ,… ra đời sau đó ít nhiều chịu ảnh hưởng từ những chủ trương, đường lối xuất phát từ bản “chiến lược” kể trên. Nhiều năm sau, từ nội dung cơ bản của “chiến lược văn hóa” dành cho Gia Lai – Kon Tum, Giáo sư Nguyễn Tấn Đắc đã mở rộng đề tài, bổ sung tư liệu và xuất bản thành sách Văn hóa xã hội và con người Tây Nguyên (Nxb Khoa học xã hội, 2005). Cùng với tác phẩm Truyện kể dân gian: Đọc bằng type và motif (Nxb Khoa học xã hội, 2001), đây là công trình giúp ông được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, năm 2012.
 
Như nhiều nhà nghiên cứu khác, Giáo sư Nguyễn Tấn Đắc bị hiện tượng Vua Lửa hấp dẫn ngay từ khi chưa đặt chân lên Tây Nguyên. Đến được Gia Lai – Kon Tum thuở còn vô vàn khó khăn ấy, ông dành nhiều thời gian tìm hiểu về vị vua không ngai này. Âm thầm làm việc, qua lại khu vực cư trú của các Vua Lửa nhiều năm liền (liên tục từ 1988-1991) nhưng ông không công bố thông tin liên quan đến kết quả nghiên cứu. Cuối năm 2012, Giáo sư Đắc xuất bản cuốn sách Tôi gặp các Ơi (Nxb Hồng Bàng, 2012). Trong công trình dày gần 400 trang mà ông cho tôi được quyền đọc bản thảo đầu tiên này, tác giả khẳng định: Trước nay, việc nhiều người gọi các Pơtao Apuih là Vua Lửa là một sự nhầm lẫn. Theo Giáo sư Nguyễn Tấn Đắc, trên thực tế, người Jrai chỉ gọi họ là Ơi tức là Ông mà thôi. Người Jrai, Bahnar không sở hữu từ pơtao để chỉ vua và họ cũng không có khái niệm về vua, hay Vua Lửa như người ngoài cộng đồng áp đặt.
 
Tôi gặp các Ơi, một công trình tâm huyết về văn hóa Gia Lai của Giáo sư Nguyễn Tấn Đắc. Ảnh Nguyễn Quang Tuệ.
 
Để ý kiến của mình thêm rõ, dưới tiêu đề của cuốn sách, ông chua thêm một dòng mạnh mẽ: Tôi gặp các Ơi (các thầy cúng nổi tiếng thường bị gọi nhầm là Vua Lửa, Vua Nước, Vua Gió).
 
Cuốn Tôi gặp các Ơi của Giáo sư Nguyễn Tấn Đắc gồm 6 phần. Trong đó, đáng kể nhất là những ghi chép, phỏng vấn điền dã kèm theo hình ảnh của tác giả khi gặp các Ơi và những người khác. Ghi chép đầu tiên của ông về các Ơi diễn ra ngày 19-7-1988 và ghi chép sau cùng vào ngày 15-12-1990, không kể thông tin từ những cuộc thăm viếng sau đó. Đây là những ghi chép hết sức chi tiết về mọi vấn đề của hiện tượng tín ngưỡng độc đáo này, mà ngày nay không ai còn cơ hội thực hiện được nữa. Cho rằng mình chưa đủ sức giải mã, Giáo sư Đắc cho biết ông đã ghi chép tất cả những gì có thể, kể cả các việc mà nhiều người khi đó cho là hoang đường.
 
Đầu năm 2013, ngay sau khi Tôi gặp các Ơi được in xong, tôi cùng Giáo sư Nguyễn Tấn Đắc trở lại vùng đất của các Ơi để tặng sách các nhân chứng mà ông từng gặp gỡ, kết thân khi thực hiện công trình này. Trừ những người đã mất, tất cả bà con dân làng đều nhớ ông. Hai bên luôn ôm chầm lấy nhau khi gặp gỡ. Suốt những ngày ở Ayun Pa, Chư Sê khi ấy, ông đã khóc rất nhiều và những người Jrai thân thiết gặp ông cũng không cầm được nước mắt. Đó là chuyến đi về miền đất đầy kỷ niệm của một nhà khoa học hiền lành, dễ cảm động nhưng cũng vô cùng mạnh mẽ và quyết đoán trong khoa học. Chuyến đi ấy cũng giúp tôi hiểu thêm một khía cạnh khác trong tâm hồn hồn người thầy của mình. Đó là sự thật thà, trong sáng đến ngây thơ của một vị giáo sư suốt đời chăm chú vào khoa học thuần túy.
 
Số là hôm đó, khi chúng tôi chuẩn bị đi tặng sách thì một nhóm làm phim tài liệu từ TP. Hồ Chí Minh cũng ngẫu nhiên đến Pleiku và đề nghị được theo cùng. Thế là bỗng nhiên, Giáo sư Nguyễn Tấn Đắc và tôi thành nhân vật trong loạt phim chưa hề có kịch bản này. Lúc chia tay, nhóm làm phim cảm ơn và vị đạo diễn nhỏ nhẹ nói lời cuối cùng: “Xin được gửi tặng Giáo sư Nguyễn Tấn Đắc một chút tiền, cụ thể là 2 triệu đồng”. Nghe xong câu này, Giáo sư Đắc tưởng đoàn phim đòi tiền công nên quay sang tôi thảng thốt, thì thầm: “Gay rồi anh Tuệ ạ. Tôi tưởng họ quay miễn phí cho mình chứ. Nói thật là trong bóp tôi không đủ tiền…”
 
Giáo sư Nguyễn Xuân Kính – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian – luôn đánh giá rất cao và xem Giáo sư Nguyễn Tấn Đắc là nhà nghiên cứu mẫu mực, một chuyên gia hàng đầu về văn hóa dân gian Việt Nam. Với nhiều người ở Gia Lai, chỉ cần qua Văn hóa xã hội và con người Tây Nguyên cùng Tôi gặp các Ơi, đã có thể nhận ra tinh thần làm việc nghiêm túc, đầy trách nhiệm của Giáo sư Nguyễn Tấn Đắc đối với mảnh đất, con người mà ông nặng lòng yêu quý suốt nhiều chục năm. Ông thực sự là một nhà khoa học tâm huyết, luôn lặn lội trong thực địa, yêu cầu thực địa cất lên tiếng nói của chính mình.
 
Bây giờ, khi những dòng này đến với quý độc giả, Giáo sư Nguyễn Tấn Đắc đã đi xa. Ông mới rời cõi tạm vào ngày 29 Tết (10-2-2021) vừa qua ở tuổi 90.
 
Nguyễn Quang Tuệ
 
Box: Một số sách đã xuất bản của Giáo sư Nguyễn Tấn Đắc: Văn học các nước Đông Nam Á (chủ biên; 1983); Truyện kể Vetala (dịch), Văn học Ấn Độ (1986); Truyện cổ người da đỏ (dịch), Văn học Châu Mỹ (1991); Văn hóa Ấn Độ (2000); Văn hóa Đông Nam Á (2003); Về type, motif và tiết truyện Tấm Cám (2013)…

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công