Nhớ một đồng nghiệp Jrai đã đi xa

Ngày đăng: 04/02/2021, 13:23

26 năm trước, năm 1995, khi tôi là chuyên viên, Rơmah Del (tên khai sinh: Rơmah Dêl, bút danh: Y Điền) đã là Phó phòng Nghiệp vụ của Sở Văn hóa Thông tin Gia Lai. Cùng năm đó, cuốn sách đình đám của ông –Từ điển Việt – Jrai – cũng được in lần thứ hai tại Pleiku. Sách dày dặn bìa, cứng nổi bật với hai màu đen và đỏ, được in bởi kinh phí tài trợ từ Quỹ Toyota (Nhật Bản) qua sự kết nối của nhà nghiên cứu người Huế Mai Khắc Ứng. Cầm cuốn sách còn thơm mùi mực trên tay, tôi thầm phục “sếp” phó của mình hết mức.
 
Những năm tháng đó, không chỉ ở Pleiku, Gia Lai mà gần như là khắp nơi, sách công cụ rất hiếm. Ngay cả từ điển tiếng Anh cũng còn khó tìm mua, nói gì đến tài liệu tiếng dân tộc thiểu số. Thành ra, đối với một người đang tập tành học ngôn ngữ bản địa như tôi mà có được cuốn sách này của Rơmah Del thì vô cùng quý. Có thể nói đây là cuốn từ điển đầu tiên về ngôn ngữ Jrai được in sau năm 1975, tại Gia Lai.
 
Tôi bắt đầu học những chữ Jrai đầu tiên bằng cuốn sách của một người làm việc cùng cơ quan, với tất cả sự háo hức của tuổi trẻ. Ở với ông lâu, tôi phát hiện ra những điều đã cũ đối với mọi người xung quanh: Ông hút thuốc rất nhiều và ít nói, đôi khi nổi khùng lên vì những chuyện không đâu. Nhưng Rơmah Del là ai?
 
Hai người quá cố: Rơmah Del (phải) và ông Siu Luynh (người kế vị Vua Lửa).
Ảnh tư liệu do NQT sưu tầm. 
 
Hóa ra, ông có một lý lịch rất đáng nể. Sinh năm 1943, tại Móc Đen, Ia Dom, Đức Cơ ngày nay, tháng 4-1954, cậu bé Jrai hơn 10 tuổi là ông khi ấy đã có mặt tại Phú Phong, Bình Định để một năm sau đó, lên đường tập kết. Có lẽ cũng cần kể thêm rằng, không phải bỗng dưng mà trong hoàn cảnh chiến tranh rất khó khăn lúc ấy, Rơmah Del lại được ra Bắc và học hành bài bản.
 
Theo Rơmah Del, cha và mẹ ông đều là cơ sở cách mạng. Từ khoảng năm 1946, ông Rơ châm Suing, bà Rơmah H’Biếp (thân sinh Rơmah Del) đã làm liên lạc và nuôi giấu nhiều cán bộ. Các ông Ksor Thăn (Chủ tịch Ủy ban hành chính huyện Chư Ti, nay là Đức Cơ), Siu Kle, Dung, Bông, Ngọc... đều từng là “người quen” của gia đình Rơmah Del.
 
Đặt chân lên miền Bắc, Rơmah Del được học tại trường Sư phạm miền núi Trung ương, đến năm 1961 thì kết thúc và chuyển luôn sang Đại học tổng hợp. Ra trường năm 1966, ông về làm việc tại Viện Ngôn ngữ học. Đây chính là những năm tháng ông có những đóng góp tích cực cho tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình. Năm 1974, Rơmah Del trở về miền Nam, công tác một thời gian ngắn ở Vụ Huấn học khu 5 rồi Ban Tuyên huấn Gia Lai trước khi chuyển hẳn sang Ty Văn hóa Gia Lai – Kon Tum, từ tháng 9-1975.
 
Như đã viết ở phần trên, khi tôi về cơ quan văn hóa tỉnh, Rơmah Del đã có hơn 20 năm làm việc tại đây. Ông là lão làng, còn những kẻ như tôi lúc đó mới bắt đầu học việc. Vừa học vừa làm, tôi bàn với ông dịch một số dân ca Jrai. Ông bảo: Cậu dịch đi rồi đưa tôi xem lại cho. Tôi thì làm sao mà dịch được, thế là “dự án” đầu tiên đành khép lại. Tôi cũng bàn với ông cùng nhau tranh thủ làm một ít truyện cổ, ông vỗ vào cái cặp da căng phồng vẫn thường xách bên mình, nói: Trong này cả rồi, không cần làm thêm gì nữa. Thế là tôi hiểu mình đang ở đâu và phải làm gì. Tôi bắt đầu về làng thường xuyên hơn. Vẫn mang theo quyển từ điển của Rơmah Del nhưng vốn từ vựng sống động ở làng đã mở ra cho tôi nhiều điều mới lạ và cũng phải nói thật là hấp dẫn, thực tế hơn.
 
Một số công trình có sự đóng góp lớn của Rơmah Del. Ảnh: NQT. 
 
Bẵng đi một thời gian, tôi và ông được phân công lo việc bếp núc cho cuốn Luật tục Jrai (Pleiku, 1999) ra đời. Xem tôi như một người giúp việc nhỏ, ông bảo: Sửa bản in thì trang gốc thế nào, bản in thử phải giữ nguyên như vậy. Tôi dạ, nhưng khi phát hiện ra lỗi đánh máy ở bản gốc, tôi báo lên thì ông vui hẳn: Cũng biết đúng sai kia à? Tôi cười, coi như vừa được nhận được một lời khen.
 
Sau lần ấy, tình cảm của tôi và ông đậm đà thêm chút ít. Ông chia sẻ thêm nhiều chuyện riêng tư và công việc. Ông tặng tôi cuốn Văn học dân gian Gia Lai (Pleiku, 1996) mà ông là đồng tác giả, với những đóng góp đáng kể về truyện cổ, dân ca, câu đố Jrai. Ông cũng không ngại ngần kể tôi nghe việc thiếu chút nữa thì ông đã sang Liên Xô làm luận án phó tiến sĩ. Tiếc thay, khi đã gần hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh, tại Hà Nội, thì ông bị “tụt xích”, vì một lý do rất khó nói ra. Có lúc, ông bảo: Bạn bè tôi giờ toàn giáo sư, tiến sĩ cả. Còn mình thì vẫn cán bộ xoàng thôi… Tôi đáp lời: Anh là tác giả cuốn sách mà không phải ai muốn cũng có được đâu. Ông thành thật: Cuốn Từ điển Việt – Gia Rai in ở Hà Nội à? Sách ấy ghi tên mình là tác giả, nhưng có công lớn của Viện Ngôn ngữ và nhiều người Jrai khác nữa…
 
Rơmah Del về hưu năm 2003 và mất năm 2004. Một đám tang lặng lẽ đã đưa ông về với đất mẹ. Rất may, những người con của ông có công ăn việc làm ổn định.
 
Những năm gần đây, cuốn sách được làm từ những năm 70 của thế kỷ 20 mà Rơmah Del là tác giả không còn là độc nhất nữa. Trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có nhiều hơn một từ điển cho ngôn ngữ Jrai. Hơn thế, nhiều vấn đề liên quan đến tiếng nói, chữ viết của cộng đồng này cũng đã được quan tâm. Nhưng dù có muốn nói ra hay không, những người đi sau vẫn không thể quên ông, người đã đặt viên gạch đầu tiên cho việc làm sách công cụ về ngôn ngữ Jrai.
 
Có lần nói chuyện với một nhà nghiên cứu nước ngoài, tôi đã thoáng ngạc nhiên khi người đối diện hỏi tôi về Rơmah Del, với tư cách là một nhà ngôn ngữ. Thoáng chút bối rối, rồi tôi cũng chợt hiểu: Trong mắt giới nghiên cứu, chỉ với Từ điển Việt – Gia Rai gồm khoảng 11 ngàn mục từ, in trên 725 trang sách khổ lớn (Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977) thôi, Rơmah Del đã xứng đáng được gọi là nhà ngôn ngữ học rồi.
 
Gia Lai là vùng đất chịu nhiều mất mát trong chiến tranh, cũng là nơi đã sản sinh ra những nhân vật mà cuộc đời và sự nghiệp gắn liền với sự phát triển của lịch sử, văn hóa địa phương. Tôi đã nhận ảnh hưởng từ Rơmah Del để rồi thêm yêu quý văn học dân gian của tộc người này. Từ trường hợp của bản thân, tôi nghĩ hẳn là nhiều người cũng như mình đã biết ơn ông, không chỉ khi bắt đầu tìm hiểu về ngôn ngữ Jrai, mà còn là mãi sau này. Vì lý do ấy, tôi gọi Rơmah Del là một người mở đường.
 
NQT

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công