Nạn tảo hôn và giải pháp ngăn chặn

Ngày đăng: 25/06/2012, 00:00

Krông Pa là huyện xa nhất của tỉnh Gia Lai. Xét về điều kiện chung, Krông Pa vẫn còn là địa phương xếp vào diện khó khăn: Đời sống nhân dân thấp, trình độ phát triển kinh tế-xã hội nhiều hạn chế… Bởi vậy, không khó để lý giải vì sao, nơi đây vẫn còn tồn tại nhiều tập tục lạc hậu mà tảo hôn là một điển hình.

Những cô bé tuổi 16-17, thậm chí là nhỏ hơn đã vội vã làm vợ, rồi làm mẹ. Cuộc sống những cô gái lớn lên nơi bản làng heo hút vốn đã nghèo khổ, khốn khó, nay tương lai sẽ chẳng mấy sáng sủa hơn khi con đường học tập để đổi đời của chính các em bị chặn đứng phía trước vì các em đi “bắt” chồng.
Xếp bút nghiên… “bắt” chồng
Về những buôn làng người dân tộc Jrai, Bahnar sinh sống ở huyện Krông Pa, không khó bắt gặp những trường hợp tảo hôn.
Rơ Lan H’Phuy (buôn Tang- xã Phú Cần- Krông Pa) năm nay mới 19 tuổi nhưng đã “bắt” chồng cách đây 3 năm. Hiện tại, H’Phuy đã có 2 đứa con, đứa lớn 2 tuổi, còn đứa nhỏ chưa đầy 2 tháng.
H’Phuy kể: Em bắt chồng từ năm 16 tuổi. Lúc đó, em đang là học sinh lớp 7, trường THCS Lương Thế Vinh, xã Phú Cần. Nhà nghèo quá, nghỉ học cũng chẳng biết sau này sẽ làm gì, vậy là bỏ học giữa chừng. Ít lâu sau gặp Hoan (tên chồng H’Phuy-N.V), thấy thích nên bảo gia đình cho “bắt” chồng thôi.
Chồng H’Phuy là Ksor Hoan, sinh năm 1988. Như bao thanh niên ở buôn Tang khác, Hoan không công ăn việc làm, suốt ngày chỉ biết quanh quẩn phụ gia đình chăm vài sào mì và chăn thả đàn bò. Bố Hoan mất sớm nên hoàn cảnh gia đình rất khó khăn.
Cùng cảnh ngộ như Hoan, nhà H’Phuy cũng rất nghèo. H’Phuy mồ côi mẹ từ nhỏ, ba có vợ khác, H’Phuy ở với bà ngoại đã già. Lấy nhau trong cái nghèo, H’Phuy lại còn quá nhỏ, đã thế lại sòn sòn “3 năm 2 đứa” nên gia cảnh hai vợ chồng Hoan- H’Phuy rất khó khăn. “Cả nhà em chỉ biết trông chờ vào 5 sào mì, 2 sào lúa và 1 con bò. Không nghèo sao được chị”- H’Phuy hồn nhiên giải thích.
Ở Buôn Tang còn có trường hợp của Nay H’Quyên, “bắt” chồng từ năm 16 tuổi. H’Quyên cũng nghỉ học sớm vì nhà nghèo và học không được. H’Quyên mới “bắt” chồng từ năm ngoái. Hiện tại, “bà mẹ” 17 tuổi H’Quyên đã có 1 đứa con chưa đầy 1 tuổi…
Theo anh Rơ Com Heo- cán bộ văn hóa xã Phú Cần, thì ở buôn Tang tính sơ sơ trong vài năm qua cũng đã có 5-6 trường hợp tảo hôn. Hầu hết là tầm 16-17 tuổi đã “bắt” chồng. “5-6 gia đình này đều thuộc diện hộ nghèo. Họ lấy nhau còn trẻ quá, hầu hết gia đình bố mẹ lại nghèo thành thử chuyện xô xát, đánh mắng nhau làm sao tránh được”.
Những hệ lụy khó tránh
Dù mới bắt chồng được khoảng một năm, song hiện tại H’Quyên đang phải sống trong cảnh một thân một mình nuôi con mọn và nuôi chồng ở tù.
Chồng H’Quyên là người Kinh. Lúc mới cưới, H’Quyên thấy “oai” lắm vì “bắt” được anh chàng này. Chồng Quyên vốn chuyên đi làm thuê, làm mướn, lang bạt kỳ hồ khắp nơi, khi thì Phú Thiện, Ayun Pa, khi thì Krông Pa. Nói chung, cứ ở đâu có việc là chồng H’Quyên lại cất gánh lên đường kiếm cơm.
Gặp nhau, cả 2 yêu thương nhau rồi xin phép gia đình tính chuyện hôn nhân. Khi đi lên xã đăng ký kết hôn, cán bộ tư pháp xã không đồng ý vì H’Quyên chưa đủ tuổi theo quy định của pháp luật và khuyên hai đứa nên chờ đến ngày H’Quyên đủ tuổi, nhưng làm sao mà chờ được vì hai đứa đã quá say nhau. Vậy là, đám cưới theo phong tục người Jrai vẫn cứ diễn ra.
Cưới nhau chưa đầy năm, H’Quyên sinh con. Khi đứa con chưa đầy 3 tháng, một cú “sốc” trời giáng xuống đầu H’Quyên khi cô hay tin chồng đã bị Công an bắt vì tội đánh nhau. Vì tội này, chồng H’Quyên phải ngồi tù. Vậy là, chỉ mới hơn 17 năm tuổi đời và 1 năm làm vợ, H’Quyên đã phải sống trong cảnh vò võ một mình nuôi con dại, chờ chồng ra tù.
Tảo hôn không chỉ xảy ra trong cộng đồng người Jrai, Bahnar ở những vùng nghèo khó, đời sống kinh tế-xã hội kém phát triển mà còn xảy ra không ít trường hợp con em người Kinh được gia đình cho ăn học đàng hoàng cũng chấp nhận tảo hôn vì đã lỡ…
Cách đây không lâu, một đám cưới của đôi cô cậu học trò lớp 12 trường THPT C.V.A đã được tổ chức trước thềm kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ ít ngày- mà đáng lý ra, cả 2 đều là thí sinh sẽ tham gia trong cuộc đua nước rút này. Chú rể là người ở thị trấn Phú Túc, còn cô dâu là người ở xã Chư Gu. Vậy là, kỳ thi nước rút diễn ra, chồng vẫn cùng bè bạn tham gia nốt kỳ thi, còn vợ thì đành bỏ cuộc dù đã đi đến cuối chặng hành trình. Không biết tương lai 2 vợ chồng này sẽ đi đâu về đâu, chỉ biết rằng, chuyện học hành đèn sách đã đành ngậm ngùi tạm dừng với cô vợ tuổi ô mai; còn chàng trai, liệu khi đối mặt với những vướng bận gia đình, vợ con, chàng sẽ bước tiếp đến đâu trên con đường học tập và thực hiện ước mơ đời trai trẻ của mình?

Hơn ai hết, tảo hôn để lại nỗi đau, gánh nặng cho chính những người trong cuộc và gia đình. Trường hợp tương tự như H’Quyên, H’Phuy ở buôn Tang hay vợ chồng cô cậu học sinh ở trường THPT C.V. A chắc chắn không hiếm gặp ở rất nhiều địa phương khác, nhất là ở những vùng bà con người dân tộc sinh sống- nơi còn tồn tại nhiều tập tục lạc hậu mà đôi khi “Phép vua thua lệ làng”. Hôn nhân- một kết cục đẹp song lại luôn giăng đầy thử thách. Lấy vợ, lấy chồng quá sớm, khi các em còn chưa đủ độ “chín”, chưa trưởng thành về mặt thể chất lẫn tâm- sinh lý sẽ dễ dẫn đến những kết cục buồn. Chưa nói đến, làm mẹ khi còn quá trẻ sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giống nòi về sau.
Phải ngăn chặn kịp thời
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề nạn tảo hôn vẫn đang diễn ra khá phổ biến, ông Phùng Anh Kiểm- Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Krông Pa, chia sẻ: Cũng như nhiều địa phương khác, nhất là các vùng có đông người dân tộc thiểu số sinh sống, nạn tảo hôn hiện vẫn đang là vấn đề nhức nhối của Krông Pa.
Đối với các em gái người dân tộc thiểu số, rất ít em có điều kiện để theo đuổi học tập, phần do gia đình khó khăn, phần do lực học kém. Nghỉ học sớm, các em biết làm gì ngoài quanh quẩn ruộng nương? “Bắt” chồng sớm là điều dễ hiểu. Trong khi đó, dù pháp luật không cho phép kết hôn vì chưa đủ tuổi nhưng nếu nam nữ họ đã “ưng cái bụng” thì họ vẫn có thể tổ chức đám cưới theo phong tục, nghi lễ riêng của dân tộc mình. Về trường hợp này, cơ quan, đoàn thể chỉ biết khuyên bảo, tư vấn chứ can thiệp thì quả thực rất khó.
Ông Kiểm cũng thẳng thắn thừa nhận, ngoài nhận thức còn hạn chế của người dân thì lĩnh vực gia đình ở địa phương cũng chưa được quan tâm sâu sát. “Trước đây, lĩnh vực này thuộc Ủy ban Dân số- Kế hoạch hóa gia đình, sau khi chia tách, thành lập phòng mới, lĩnh vực này được giao cho Phòng văn hóa- Thông tin phụ trách. Ở cấp xã, cán bộ văn hóa mỗi xã chỉ có một người, năng lực trình độ lại có hạn trong khi phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nên rất khó”.

Ông Kiểm cũng cho rằng, muốn ngăn chặn được nạn tảo hôn, không thể một ngành, một cá nhân nào có thể làm được, mà cần sự chung tay, góp sức của toàn thể xã hội. Trong đó, gia đình- cái nôi dưỡng dục, đùm bọc và bản thân các em chính là yếu tố quan trọng bảo vệ các em trước những nguy cơ “chín ép”, “chín sớm”. Bên cạnh đó, sự chung tay của xã hội trong việc tuyên truyền, phổ biến, giải thích để các em nhận thức được những nguy cơ có thể xảy ra, tránh những hệ quả đau lòng không đáng có vì tảo hôn cũng là điều không kém phần quan trọng.
Theo Báo Gia Lai
Ảnh: Rơ Lan H'Phuy mới 19 tuổi đã có 2 con.

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công