40 NĂM “NHÀ LƯU NIỆM BÁC” NƠI CHÚNG CON TRỞ VỀ BÊN NGƯỜI

Ngày đăng: 17/05/2024, 15:20

Người dân Tây Nguyên nói chung và người dân Gia Lai nói riêng chưa một lần được đón Bác, nhưng tình cảm của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên dành cho Bác là không ai có thể nói hết bằng lời, viết hết bằng chữ. Với tâm niệm “không được đón Bác vào thăm thì làm nhà rước Bác về ở”, cách đây 42 năm công trình Nhà trưng bày hình ảnh về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Gia Lai - Kon tum được khởi công xây dựng vào ngày 02/9/1982. Công trình hoàn thiện được đưa vào khánh thành, hoạt động ngày 19/5/1984, nhân kỷ niệm 94 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là nơi để lớp lớp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh sinh viên tỉnh Gia Lai nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung được trở về bên Bác.
 
 
Lễ khởi công xây dựng Nhà trưng bày về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh
 
 
Quang cảnh buổi lễ khánh thành Nhà trưng bày về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 1984
 
Ngày 04/6/1988 Bảo tàng Hồ Chí Minh Trung ương ra quyết định công nhận Nhà trưng bày hình ảnh về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh Gia Lai - Kon Tum là một Chi nhánh thuộc hệ thống Bảo tàng và di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong toàn quốc. Ngày 18/12/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã ký Quyết định số 587/QĐ-UBND về việc thành lập Bảo tàng tỉnh Gia Lai trên cơ sở hợp nhất 3 đơn vị: Bảo tàng tỉnh, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Gia Lai - Kon Tum, Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku).
 
Có thể khẳng định rằng, trong 40 năm qua Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Gia Lai - Kon Tum (Nhà lưu niệm Bác) luôn là công trình văn hóa mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc, là nơi giáo dục truyền thống cách mạng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, đã đáp ứng được nguyện vọng và tình cảm thiêng liêng của các dân tộc đối với Bác Hồ. “Nhà Bác Hồ” mãi là di sản quý giá trong lòng đồng bào Tây Nguyên. Nhà lưu niệm Bác (Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Gia Lai - Kon Tum) đồng thời là nơi thể hiện tinh thần đại đoàn kết của các dân tộc Tây Nguyên một cách rõ nét nhất: “Nhà Bác” đã được xây dựng trên sự đồng thuận, đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên, Nhân dân đã góp sức người sức của cùng xây dựng trong niềm hân hoan, phấn khởi. “Nhà Bác” cũng là nơi để lớp lớp con cháu cùng quay về ôn lại truyền thống cách mạng dân tộc, để báo công với Bác… cũng là nơi một lần nữa tình cảm, tình đoàn kết dân tộc được thắt chặt hơn, keo sơn bao giờ hết.
 
 
Đồng chí Phan Văn Khải tham quan ngày 19 tháng 5 năm 1984
 
 
Đồng chí Võ Chí Công - chủ tịch Hội đồng Nhà nước tham quan ngày 02 tháng 6 năm 1988
 
Trên cơ sở nhận thức đúng đắn, sâu sắc về ý nghĩa về tầm quan trọng của việc tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. 40 năm qua, tập thể lãnh đạo, viên chức Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Gia Lai - Kon Tum (Bảo tàng tỉnh Gia Lai) luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc gìn giữ, bảo quản, trưng bày và làm sống lại những hiện vật lịch sử, lan tỏa giá trị di sản Hồ Chí Minh.
 
Để làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục hàng năm, Bảo tàng đã chủ động, tích cực trong việc phối hợp với các cơ quan, ban, ngành xây dựng các kế hoạch phối hợp trong việc tổ chức đón các đoàn khách, học sinh, sinh viên, chiến sỹ mới đến tham quan học tập tại đai trưng bày cố định. Tiên cử như Kế hoạch phối hợp giữa các Bảo tàng và Nhà truyền thống với Phòng GD-ĐT thành phố Pleiku trong việc tổ chức học sinh tham quan học tập ngoại khóa tại Bảo tàng đã được thực hiện gần 20 năm và đem lại hiệu quả tích cực. Hay như chương trình phối hợp với Bảo tàng Quân đoàn 3, hàng năm đón hàng nghìn lượt chiến sỹ mới về tham quan học tập tìm hiểu về Bác. Phối hợp với Trung tâm Bảo trợ Xã hội Kon Tum, các Phòng giáo dục, trường học … tổ chức các đợt tham quan tại Bảo tàng.
 
Với từng đối tượng khách tham quan khác nhau, đội ngũ viên chức thực hiện công tác tuyên truyền cũng như xây dựng cho mình những nội dung thuyết minh phù hợp, đảm bảo cho du khách vừa tìm hiểu về thân thế sự nghiệp của Bác vừa lồng ghép tư tưởng, tình cảm của Bác với từng đối tượng, tầng lớp Nhân dân.
 
Từ năm 2019, Bảo tàng hợp nhất với các đơn vị Bảo tàng tỉnh, Ban Quản lý Quảng trường Đại đoàn kết, tạo thành một quần thể văn hóa đặc biệt, chính vì thế công tác tuyên truyền giáo dục cũng được mở rộng, kết hợp hướng dẫn tham quan tìm hiểu về Bác, về tỉnh Gia Lai và về các hạng mục Quảng trường Đại đoàn kết. Du khách đến với Bảo tàng được tham quan một tour đa dạng và phong phú góp phần thu hút đông đảo công chúng đến với Bảo tàng. Từ năm 2021 đến năm 2022, Bảo tàng tỉnh đón và phục vụ khoảng 810.692 lượt khách. Trong năm 2023, đã có khoảng 708.000 lượt khách tham quan, trong đó có gần 200 đoàn với khoảng 120 đoàn thiếu nhi, gần 80 đoàn người lớn. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024, Bảo tàng tỉnh Gia Lai ước đón khoảng 477. 000 lượt khách, với 81 đoàn, trong đó 66 đoàn thiếu nhi, 15 đoàn người lớn.
 
Song song với hình thức tuyên truyền, giáo dục hướng dẫn khách tham quan thông qua trưng bày cố định, Bảo tàng còn chủ động thực hiện các triển lãm, nói chuyện chuyên đề tại cơ sở, đặc biệt hướng tới học sinh, Nhân dân vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới của các tỉnh Gia Lai, Kon Tum. Thông qua triển lãm, bằng những câu chuyện xúc động về Bác, về tư tưởng đại đoàn kết mà Bác dạy góp phần tuyên truyền và thực hiện thắng lợi cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh. Trong quá trình thực hiện triển lãm, nói chuyện chuyên đề tại cơ sở các viên chức Bảo tàng đã tổ chức các phần thi nhỏ như “Rung chuông vàng” các phần thi tìm hiểu về Bác, thông qua các phần thi, trò chơi đã tạo nên không khí hào hứng, sôi nổi. Phần quà trao tặng cho các em là những ấn phẩm viết về Bác, về tình cảm của Nhân dân các dân tộc Tây Nguyên, Gia Lai dành cho Người, hay đơn giản là những cuốn vở học sinh có lô gô và hình ảnh về Bảo tàng. Đến nay, Bảo tàng đã thực hiện được các đợt triển lãm và nói chuyện chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại 17/17 huyện, thị của tỉnh Gia Lai. Chương trình đã nhận được đánh giá cao từ các đơn vị phối hợp và địa phương được phục vụ, góp phần quảng bá hình ảnh, uy tín của Bảo tàng đến với đông đảo công chúng.
 
Bên cạnh hướng dẫn tại các trưng bày cố định, hay triển lãm nói chuyện chuyên đề tại cơ sở, hàng năm Bảo tàng còn chủ động phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội), tổ chức các triển lãm chuyên đề tại Bảo tàng hướng tới các sự kiện quan trọng về Bác (vào dịp sinh nhật Bác, Quốc khánh…)…tiêu biểu có thể kể đến như các triển lãm “Hồ Chí Minh - Những nét phác họa chân dung”; “50 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”; “Người đi tìm hình của nước”…Các triển lãm đã nhận được sự quan tâm của đông đảo du khách đến với Bảo tàng.
 
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Gia Lai dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng
 
Hàng năm, tại gian long trọng của Bảo tàng, thường xuyên tổ chức các hoạt động dâng hương, dâng hoa, báo công dâng Bác của các đoàn khách Trung ương và địa phương, lễ kết nạp Đoàn, Đội …hay nhiều hoạt động văn hóa xã hội khác như Rước đuốc Bác Hồ, Lễ ra quân …của các trường học, cơ quan, ban ngành tại địa phương.
 
Nhằm đưa bảo tàng gần hơn với công chúng, đồng thời nhằm sưu tầm, tích lũy nhiều hơn nữa những tư liệu, những câu chuyện kể về tình cảm của Bác dành cho Nhân dân các dân tộc Tây Nguyên cũng như niềm tin yêu kính trọng của đồng bào với Bác. Trong những năm qua Bảo tàng đã tích cực nghiên cứu, biên soạn và phối hợp xuất bản nhiều ấn phẩm có giá trị, có thể kể đến như: năm 2000 xuất bản sách “Nơi ấy Tây Nguyên có Bác Hồ”; 2 tập sách “Bác Hồ trong lòng dân Gia Lai” xuất bản các năm 2001, 2014 là tập hợp những câu chuyện về những người con Gia Lai, Tây Nguyên đã được gặp Bác Hồ và tình cảm của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên với Bác, đây là nguồn sử liệu vô cùng quý giá, giáo dục truyền thống cách mạng, thể hiện tấm lòng son sắc của đồng bào các dân tộc Gia Lai mãi mãi đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn; tiếp đó là sách “Tôn vinh cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, cán bộ ở lại miền Nam (sau 20/7/1954) tỉnh Gia Lai” xuất bản năm 2012; từ tháng 4 năm 2016 đến nay, Bảo tàng luôn duy trì xuất bản tập san thông tin tư liệu của Bảo tàng, nhằm giới thiệu các nghiên cứu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các nghiên cứu trao đổi công tác nghiệp vụ Bảo tàng, đây cũng là kênh để giới thiệu tới công chúng về hoạt động của Bảo tàng trong thời gian qua.
 
 
Một số ấn phẩm tiêu biểu 
 
Bên cạnh việc tổ chức nghiên cứu, sưu tầm và xuất bản các ấn phẩm, Bảo tàng còn xây dựng các hoạt động sinh hoạt khoa học, hội thảo gắn với chủ đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về Di sản văn hóa, về hoạt động của Bảo tàng. Tổ chức các hoạt động trải nghiệm tìm hiểu về di sản văn hóa, về Chủ tịch Hồ Chí Minh cho học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố Pleiku, như: chương trình “Mùa hè cùng di sản văn hóa” (2020); chương trình “Tìm về Di sản văn hóa năm 2022” hay chương trình “Ngày hội di sản văn hóa năm 2022”. Qua việc tổ chức các trò chơi, các phần thi kết hợp với tìm hiểu về thân thế sự nghiệp cách mạng của Bác, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục của Bảo tàng.
 
Nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách, cũng như ngày một bổ sung hoàn thiện trưng bày, gần 40 năm qua các thế hệ viên chức chuyên môn Bảo tàng, không ngừng nghiên cứu sưu tầm tư liệu, hiện vật về Bác. Tính đến thời điểm hiện tại, Bảo tàng đang lưu giữ khoảng 10.895 hiện vật, trong đó có 748 hiện vật, hơn 3.000 hình ảnh tư liệu về Bác, về tình cảm của đồng bào Tây Nguyên với Bác. Trong đó, phải kể đến những hiện vật đặc trưng về tình cảm của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên với Bác, chỉ có ở “Nhà lưu niệm Bác” mới có, đó là: Tượng Bác bằng gỗ hương nguyên khối; tượng Bác Hồ bằng đồng mà chi bộ xã E3 (nay là Ia Lang), huyện Đức Cơ đã lưu giữ từ năm 1962-1967; Bản điêu khắc Di chúc của Bác; Thư Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam họp tại Pleiku, 19/4/1946, khắc trên gỗ hương được mô phỏng nhà rông Tây Nguyên và bộ sưu tập tranh của họa sĩ Xu Man thể hiện tình cảm đồng bào Tây Nguyên với Bác, Bác với đồng bào Tây Nguyên. Đây cũng chính là những hiện vật thể hiện tinh thần đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên là các điểm nhấn mà quá trình tuyên truyền giáo dục tại Bảo tàng truyền tải đến du khách.
 
Cùng với việc sưu tầm tư liệu hiện vật, trong những năm qua Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Gia Lai – Kon Tum (Bảo tàng tỉnh Gia Lai), đã nghiên cứu và phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh phục chế các hiện vật gắn với cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Người, nhằm hoàn thiện và bổ sung cho trưng bày, đồng thời phục vụ nhu cầu tham quan học tập của du khách. Trong năm 2023, Bảo tàng đã phục chế và đưa vào trưng bày 3 hiện vật như: Chiếc Võng đay, Bộ quần áo Nùng, Hồ Chí Minh đã sử dụng trong thời gian Người ở Cao Bằng 1944 -1945, Viên gạch sưởi Nguyễn Ái Quốc đã dùng trong thời kỳ ở Pari (Pháp)…
 
Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, Tây Nguyên là địa bàn chiến lược quan trọng cả về kinh tế - văn hóa - xã hội - an ninh quốc phòng, nơi sinh sống của nhiều dân tộc anh em, trong khi đó, các thế lực phản động và thù địch luôn tìm cách lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để kích động, chống phá gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc nhằm thực hiện âm mưu: “Diễn biến hòa bình” thì việc tăng cường công tác giáo dục khối đại đoàn kết các dân tộc càng cần thiết hơn bao giờ hết. Để phát huy giá trị của di tích “Nhà lưu niệm Bác” trong việc giáo dục khối đại đoàn kết toàn dân, với vai trò là thiết chế văn hóa có chức năng tuyên truyền giáo dục, trong thời gian đến tập thể lãnh đạo, viên chức, người lao động Bảo tàng Hồ Chí Minh (Bảo tàng tỉnh Gia Lai) tiếp tục phát huy.
 
Trước hết cần được sự quan tâm đầu tư nâng cấp đồng bộ hệ thống trưng bày tại Bảo tàng. Có thể nói, về cơ bản các nội dung trưng bày tại bảo tàng đảm bảo các chủ đề của các bảo tàng trong hệ thống. Xong nhìn chung, giải pháp trưng bày cũng như trang thiết bị phục vụ trưng bày, giới thiệu tại bảo tàng cần có sự hiện đại hóa.
 
Nhận thức rõ vị trí vai trò là cầu nối giữa du khách với di tích, hiện vật của Bảo tàng, mỗi viên chức làm công tác tuyên truyền giáo dục và viên chức làm công tác chuyên môn nghiệp vụ của bảo tàng luôn cố gắng nỗ lực phát huy năng lực của bản thân, không ngừng học hỏi anh chị em đồng nghiệp hoàn thiện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn.
 
Trước sự phát triển của thông tin đại chúng, phát triển của công nghệ thông tin, cần phải thực hiện số hóa bảo tàng, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng. Năm 2023, được sự quan tâm của các cấp, Bảo tàng tỉnh Gia Lai, bước đầu thực hiện số hóa bảo tàng. Xong với nguồn kinh phí còn bước đầu, phải san sẻ nhiều mảng hiện vật, tư liệu khác nhau, nên việc số hóa, tư liệu hiện vật, thực hiện số hóa trưng bày tại Nhà lưu niệm Bác cũng còn hạn chế về số lượng hiện vật, hình ảnh. Trong những năm tiếp theo, cần tiếp tục được đầu tư số hóa các hình ảnh, tư liệu tại bảo tàng, để đáp ứng nhu cầu tham quan học tập của công chúng.
 
Nghiên cứu xây dựng các chương trình tuyên truyền giáo dục tại bảo tàng và tuyên truyền phục vụ tại cơ sở. Đẩy mạnh các chương trình phối hợp với các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, các lực lượng vũ trang đóng chân trên địa bàn, các cơ quan ban ngành tại địa phương.
 
Nhà lưu niệm Bác 40 năm xây dựng và trưởng thành, có vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền giáo dục, định hướng cho các tầng lớp Nhân dân về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. “Nhà Bác” luôn à nơi để lớp lớp cháu con được trở về bên Người và thắt chặt hơn nữa tinh thần đại đoàn kết các dân tộc theo lời Bác dặn.
 
*Một số hình ảnh hoạt động tuyên truyền giáo dục của Bảo tàng
 
Các đoàn khách tham quan tại Bảo tàng
 
 
Thực hiện lễ dâng hương dâng hoa lên Bác tại Bảo tàng
 
 
Chiến sỹ mới thuộc Quân đoàn 3 tham quan học tập tại Bảo tàng
 
 
Hướng dẫn tham quan tìm hiểu về Bác tại Bảo tàng
 
 
 Trưng bày triển lãm, nói chuyện chuyên đề về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại cơ sở
 
 
Trưng bày triển lãm, nói chuyện chuyên đề về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại Trại giam Gia Trung
 
Nguyễn Thị An
Bảo tàng tỉnh Gia Lai
 

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công