KHAI MẠC LỚP TẬP HUẤN CHỈNH CHIÊNG TẠI GIA LAI

Ngày đăng: 22/08/2023, 07:21


Sáng 21/8/2023, tại Anna’s Homestay, thành phố Pleiku, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tổ chức khai mạc lớp tập huấn chỉnh chiêng dành cho 20 học viên người Bahnar trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Đây là một hoạt động của nhiệm vụ tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023.

Sau khi Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản độc đáo này, như: tổ chức kiểm kê nắm số lượng cồng chiêng trên địa bàn toàn tỉnh; tổ chức các liên hoan, lễ hội từ cơ sở đến cấp tỉnh, đặc biệt là 2 lần tổ chức Festival năm 2009 và 2018; lập hồ sơ phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú cho các nghệ nhân trình diễn cồng chiêng và chỉnh chiêng giỏi của địa phương…
Hơn 10 năm qua, có nhiều lớp tập huấn trình diễn cồng chiêng, chỉnh chiêng đã được tổ chức ở các cấp. Tuy nhiên, những lớp này đều thực hiện theo phương thức cầm tay chỉ việc, chưa bài bản, cụ thể và phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm của người đi trước. Trong hoàn cảnh hiện nay, các nghệ nhân giỏi ngày càng già yếu, chết, thì phương pháp này đang gặp nhiều khó khăn. Do đó, cần thiết có một phương thức mới, hiệu quả hơn, truyền đạt cho các nghệ nhân trẻ nhằm tạo ra những hạt nhân trong việc bảo tồn di sản, đặc biệt là kỹ năng chỉnh chiêng.
Nhằm đáp ứng yêu cầu ấy, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã xây dựng kế hoạch tổ chức lớp tập huấn, mời nhà nghiên cứu nghệ thuật Bùi Trọng Hiền – Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và nghệ nhân chế tác nhạc cụ - Nghệ nhân Ưu tú Phạm Chí Khánh – Nhà hát tuồng Trung ương từ Hà Nội vào giảng dạy, truyền đạt kiến thức và kỹ thuật gò chỉnh cồng chiêng một cách có hệ thống.

Phương pháp chỉnh chiêng được truyền dạy trong lớp tập huấn lần này là hoàn toàn mới, do hai giảng viên Bùi Trọng Hiền và Phạm Chí Khánh nghiên cứu, xây dựng nên. Phát biểu tại lễ khai mạc, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền đã nêu mong muốn của các giảng viên là sau lớp tập huấn, các học viên sẽ là những nghệ nhân chỉnh chiêng và những người thầy truyền dạy lại phương pháp chỉnh chiêng này cho bà con trong làng, cứ một người truyền dạy lại cho hai người, tiếp diễn như thế thì mọi người trong làng đều sẽ biết chỉnh chiêng. Có như thế, di sản văn hoá truyền thống của dân tộc mới được bảo tồn.
Sau khai mạc, các học viên đã bắt đầu buổi học lý thuyết đầu tiên. Khóa tập huấn diễn ra từ ngày 21/8 đến ngày 01/9/2023./.
Thuý Phương - QLVH

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công