Câu lạc bộ dệt thổ cẩm làng Phung, xã Biển Hồ - Nơi bảo tồn và phát triển những giá trị văn hoá truyền thống

Ngày đăng: 02/02/2024, 10:21

Cách trụ sở UBND xã Biển Hồ, thành phố Pleiku gần 1 km, có một điểm đến để bạn có thể tìm hiểu về những giá trị văn hoá truyền thống của người đồng bào dân tộc Jrai với hình ảnh những phụ nữ ngồi bên khung cửi dệt vải, tượng trưng cho sự cần cù, khéo léo của phụ nữ người Jrai, đó là Câu lạc bộ dệt thổ cẩm làng Phung.
 
 
 
Được thành lập từ năm 2022, Câu lạc bộ dệt thổ cẩm làng Phung hiện có 23 thành viên với 23 khung dệt, duy trì hoạt động thường xuyên. Các thành viên dệt vải tại câu lạc bộ và ở nhà riêng; 5 khung dệt được đặt tại Câu lạc bộ, số khung dệt còn lại đặt tại nhà riêng các thành viên để thuận lợi cho việc dệt thổ cẩm của các thành viên.
 
Chị Pel - Chủ nhiệm Câu lạc bộ cho biết: “Nghề dệt thổ cẩm tại làng Phung, xã Biển Hồ có từ lâu đời, được mẹ truyền dạy lại cho con gái từ thế hệ này đến thế hệ khác; được lưu giữ, bảo tồn và phát triển đến nay”.
 
Những họa tiết, hoa văn tinh tế quyện với gam màu quyến rũ, qua đôi bàn tay khéo léo của các chị ở câu lạc bộ đã tạo ra những sản phẩm thổ cẩm độc đáo, đậm bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Jrai.
 
 
Tùy vào từng loại sản phẩm dệt mà thời gian hoàn thành cũng khác nhau, để dệt thành một cái váy thổ cẩm với hoa văn truyền thống, các chị phải dệt một tuần. Trong quá trình dệt, công đoạn dệt hoa văn là khó và mất nhiều thời gian nhất.
 
Hoa văn trên thổ cẩm ở đây rất đa dạng, chủ yếu là các hoa văn hình học như khối hình vuông, chữ nhật, hình thoi,… Các mẫu hoa văn được lưu giữ qua trí nhớ của người phụ nữ. Mỗi hoa văn mang một ý nghĩa riêng, phản ánh tập tục sinh hoạt, đời sống của đồng bào. Những họa tiết trên mỗi sản phẩm thổ cẩm cho thấy sự tài hoa, óc thẩm mỹ, tính sáng tạo từ những đôi bàn tay lao động cần mẫn của những phụ nữ Jrai nơi đây.
 
Các sản phẩm làm ra phong phú, đa dạng, ngày càng phù hợp hơn với thị hiếu của khách hàng như váy, áo, khố, túy xách, túi đeo, ba lô, ví, hộp bút, gối, khăn quàng,… và được bán với nhiều mức giá khác nhau. Những chiếc hộp bút có giá 50.000 đồng, chiếc túi thổ cẩm lưu niệm có giá dao động từ 150.000 đồng - 200.000 đồng, bộ váy áo thổ cẩm có giá 400.000 đồng - 2.000.000 đồng tuỳ thuộc vào độ khó của các hoa văn.
 
 
 
Nhằm tăng cường quảng bá các sản phẩm dệt thổ cẩm của làng Phung, các chị đã đăng lên các trang facebook, zalo nhằm đưa sản phẩm đến nhiều hơn với khách hàng.
 
Có thể nói, Câu lạc bộ dệt thổ cẩm làng Phung không những là nơi lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống, tạo tiền để các thế hệ sau lưu giữ, tái tạo và phát triển nghề truyền thống của người Jrai mà còn góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho nhiều phụ nữ người Jrai ở làng Phung, xã Biển Hồ.
 
Để đẩy mạnh hơn nữa công tác quảng bá các sản phẩm thổ cẩm của câu lạc bộ trong thời gian tới, bên cạnh sự tham gia của các nghệ nhân tâm huyết cần phải có sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan chức năng để xây dựng thương hiệu, sản phẩm du lịch từ loại hình dệt thổ cẩm đến với du khách trong và ngoài tỉnh, tích cực tìm kiếm thị trường, đầu ra cho các sản phẩm thổ cẩm. Đồng thời quan tâm hỗ trợ các nghệ nhân, tạo động lực truyền dạy cho thế hệ trẻ. Qua đó, góp phần thúc đẩy nghề dệt thổ cẩm của làng Phung ngày càng phát triển.
 
 
 
Chị Lê Thị Loan – công chức văn hoá xã Biển Hồ cho biết: “Trên địa bàn xã hiện nay có Di tích thắng cảnh Biển Hồ thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan trải nghiệm; bên cạnh đó xã Biển Hồ đang đầu tư phát triển làng văn hóa du lịch cộng đồng nên di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có nghề dệt thổ cẩm góp phần tạo nên nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng cho du lịch cộng đồng, tạo công ăn việc làm cho một số lao động trong làng có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, du lịch của địa phương”./.
 
Hồng Trang

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công