Kế hoạch Thực hiện quản lý, giảm thiểu chất thải nhựa trong nông nghiệp

Ngày đăng: 22/08/2022, 09:23

KẾ HOẠCH

Thực hiện quản lý, giảm thiểu chất thải nhựa trong nông nghiệp

 

          Thực hiện Quyết định số 2711/QĐ-BNN-KHCN ngày 18/7/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Kế hoạch giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái sử dụng chất thải nhựa trong ngành nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Kế hoạch thực hiện quản lý, giám sát, giảm thiểu chất thải nhựa trong nông nghiệp, cụ thể như sau:

          I. MỤC TIÊU

          1. Mục tiêu tổng quát

          - Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 2711/QĐ-BNN-KHCN ngày 18/7/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Kế hoạch giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái sử dụng chất thải nhựa trong ngành nông nghiệp.

          - Nâng cao năng lực, nhận thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong công tác thu gom, phân loại, tái sử dụng chất thải nhựa trong sản xuất nông, lâm nghiệp.

          - Thực hiện lồng ghép kế hoạch hoạt động giảm thiểu chất thải nhựa trong chương trình khuyến nông và chương trình nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

          2. Mục tiêu cụ thể

          2.1. Giai đoạn 2022 đến năm 2025

          - Lĩnh vực trồng trọt: Giảm sử dụng tối thiểu 15% vật liệu nhựa; thu gom, phân loại được tối thiểu 60% và tái sử dụng được tối thiểu 12% chất thải nhựa.

          - Lĩnh vực bảo vệ thực vật: Giảm sử dụng tối thiểu 20% vật liệu nhựa; thu gom, phân loại được tối thiểu 80% và tái sử dụng được tối thiểu 12% chất thải nhựa.

          - Lĩnh vực chăn nuôi: Giảm sử dụng tối thiểu 30% vật liệu nhựa; thu gom, phân loại được tối thiểu 80% và tái sử dụng được tối thiểu 25% chất thải nhựa.

          - Lĩnh vực thú y: Thu gom, phân loại 100% theo quy định hiện hành về quản lý chất thải.

          - Lĩnh vực lâm nghiệp: Giảm sử dụng tối thiểu 30% vật liệu nhựa; thu gom, phân loại được tối thiểu 60% và tái sử dụng được tối thiểu 10% chất thải nhựa.

          - Lĩnh vực thủy sản: Tối thiểu 10% cơ sở nuôi trồng thủy sản thay thế một số vật tư, dụng cụ chuyên dùng bằng vật liệu thân thiện môi trường hoặc nhựa sử dụng nhiều lần; tối thiểu 50% cơ sở nuôi trồng thủy sản nhỏ lẻ và 70% cơ sở nuôi trồng thủy sản tại vùng nuôi trồng thủy sản tập trung thu gom, phân loại rác thải nhựa tại cơ sở.

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái sử dụng chất thải nhựa ngành nông nghiệp.

+ 100% doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông nghiệp được cập nhật đầy đủ các quy định, chính sách liên quan đến quản lý vật liệu và chất thải nhựa.

+ 50% cán bộ quản lý ngành nông nghiệp được tập huấn về các quy định, chính sách liên quan đến vật liệu và chất thải nhựa ngành nông nghiệp.

+ 50% nông dân được tập huấn nâng cao nhận thức về các quy định, chính sách liên quan đến vật liệu và chất thải nhựa.

          2.2. Giai đoạn 2026 đến năm 2030

          - Lĩnh vực trồng trọt: Giảm sử dụng tối thiểu 30% vật liệu nhựa; thu gom, phân loại được 100% và tái sử dụng được tối thiểu 20% chất thải nhựa.

          - Lĩnh vực bảo vệ thực vật: Giảm sử dụng tối thiểu 30% vật liệu nhựa; thu gom, phân loại được 100% và tái sử dụng được tối thiểu 20% chất thải nhựa.

          - Lĩnh vực chăn nuôi: Giảm sử dụng tối thiểu 50% vật liệu nhựa; thu gom, phân loại được 100% và tái sử dụng được 30% chất thải nhựa.

          - Lĩnh vực thú y: Thu gom, phân loại 100% theo quy định hiện hành.

          - Lĩnh vực lâm nghiệp: Giảm sử dụng tối thiểu 50% vật liệu nhựa; thu gom, phân loại được 100% và tái sử dụng được 25% chất thải nhựa.

          - Lĩnh vực thủy sản: Tối thiểu 20% cơ sở nuôi trồng thủy sản thay thế một số vật tư, dụng cụ chuyên dùng bằng vật liệu thân thiện môi trường hoặc nhựa sử dụng nhiều lần; tối thiểu 70% cơ sở nuôi trồng thủy sản nhỏ lẻ và 100% cơ sở nuôi trồng thủy sản tại vùng nuôi trồng  thủy sản tập trung thu gom, phân loại rác thải nhựa tại cơ sở.

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái sử dụng chất thải nhựa ngành nông nghiệp.

`        + 100% cán bộ quản lý ngành nông nghiệp được tập huấn, tuyên truyền, phổ biến về các quy định, chính sách liên quan đến vật liệu và chất thải nhựa trong ngành nông nghiệp.

          + 100% nông dân được tập huấn nâng cao nhận thức về các quy định, chính sách liên quan đến vật liệu và chất thải nhựa ngành nông nghiệp.

          II. NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

          1. Giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa trong nông nghiệp

- Điều tra, thống kê, phân loại và xây dựng báo cáo giám sát đánh giá hiện trạng, tình hình phát sinh, thu gom, phân loại, tái sử dụng chất thải nhựa từ các hoạt động sản xuất nông, lâm, thủy sản phục vụ quản lý chất thải nhựa trong ngành nông nghiệp.

- Ưu tiên lựa chọn sử dụng vật liệu phân hủy sinh học thay thế vật liệu nhựa trong các lĩnh vực sản xuất nông, lâm, thủy sản.

- Ứng dụng các quy trình canh tác trong nông nghiệp nhằm giảm thiểu chất thải nhựa thông qua các biện pháp như: giảm sử dụng vật liệu nhựa, tăng cường tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp thay thế vật liệu nhựa.

- Xây dựng và tổ chức thực hiện các mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn nhằm giảm thiểu chất thải nhựa, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường trong ngành nông nghiệp.

2. Tổ chức thu gom, phân loại, tái sử dụng chất thải nhựa trong nông nghiệp

- Chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch tổ chức thu gom chất thải nhựa tồn lưu trong trong môi trường nông nghiệp và chất thải phát sinh do hoạt động sản xuất nông, lâm, thủy sản.

- Phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể và địa phương tiến hành phân loại,     xử lý theo quy định hoặc tái sử dụng chất thải nhựa sau khi thu gom. Lưu ý với bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất bằng nhựa thực hiện thu gom và xử lý theo quy định hiện hành.

- Huy động nguồn lực, xã hội hóa, khuyến khích và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thực hiện các hoạt động giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái sử dụng chất thải nhựa, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, thúc đẩy xây dựng nền nông nghiệp tuần hoàn, tăng trưởng xanh.

- Ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong thu gom, phân loại, tái sử dụng chất thải nhựa phát sinh từ hoạt động sản xuất nông, lâm, thủy sản.

- Xây dựng các quy trình, hướng dẫn thực hiện và triển khai các mô hình thu gom, phân loại, tái sử dụng chất thải nhựa tại nguồn trong ngành nông nghiệp.

3. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong quản lý, sản xuất, kinh doanh và sử dụng vật liệu nhựa ngành nông nghiệp

- Xây dựng và triển khai kế hoạch, chương trình truyền thông về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành nông nghiệp. Lồng ghép các nội dung truyền thông về quản lý, phòng ngừa, giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái sử dụng chất thải nhựa vào các chương trình khuyến nông, chương trình nông thôn mới.

- Nội dung tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tác hại của sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi ni lông khó phân hủy đến hệ sinh thái nông nghiệp, môi trường và sức khỏe con người.

- Hình thức tuyên truyền gồm tập huấn nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm cho cán bộ quản lý ngành nông nghiệp ở địa phương, các hội, hiệp hội, tổ chức xã hội có liên quan; Phối hợp với các cơ quan truyền thông báo, đài tích cực tuyên truyền nhằm thay đổi thói quen sử dụng các sản phẩm nhựa của người dân, doanh nghiệp nông nghiệp; In ấn các ấn phẩm truyền thông theo quy định.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

          - Kinh phí thực hiện Kế hoạch được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước hoặc nguồn đóng góp, tài trợ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong nước và các tổ chức quốc tế.

          - Lồng ghép với các nguồn kinh phí của Chương trình khuyến nông, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hàng năm và giai đoạn, nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường hàng năm của tỉnh hoặc các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định.

          IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

          1. Phòng Quản lý Xây dựng công trình và Ứng dụng Khoa học công nghệ

Đầu mối theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện, định kỳ hằng năm tổng hợp báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kết quả thực hiện Kế hoạch này.

2. Các Chi cục trực thuộc Sở

- Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật: Chịu trách nhiệm triển khai và báo cáo tình hình thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp liên quan đến quản lý chất thải nhựa từ bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thuộc lĩnh vực trồng trọt.

- Chi cục Chăn nuôi và Thú y: Chịu trách nhiệm triển khai và báo cáo tình hình thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được giao liên quan đến quản lý chất thải nhựa trong hoạt động chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi tập trung thuộc lĩnh vực chăn nuôi và thú y; chất thải nhựa từ hoạt động nuôi trồng thủy sản thuộc lĩnh vực thủy sản.

- Chi cục Kiểm lâm: Chịu trách nhiệm triển khai và báo cáo tình hình thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được giao liên quan đến quản lý chất thải nhựa trong hoạt động gieo, ươm, trồng và khai thác rừng thuộc lĩnh vực lâm nghiệp.

3. Trung tâm Khuyến nông

- Chủ trì thực hiện lồng ghép các hoạt động về tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong quản lý, sản xuất, kinh doanh và sử dụng vật liệu nhựa sản xuất nông nghiệp nhằm đảm bảo mục tiêu Kế hoạch.

- Xây dựng và triển khai các mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn nhằm giảm thiểu chất thải nhựa, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường.

4. Văn phòng Điều phối nông thôn mới

          Phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể và địa phương lồng ghép thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới các hoạt động tuyên truyền, huy động người dân nông thôn tiến hành thu gom, phân loại rác tại nguồn, xử lý theo quy định hoặc tái sử dụng chất thải nhựa, hỗ trợ xây dựng các mô hình xử lý rác thải nhựa nông thôn ở các xã, huyện nông thôn mới.

          5. Chế độ thông tin, báo cáo

          Các cơ quan, đơn vị báo cáo định kỳ (trước ngày 01 tháng 12 hàng năm) kết quả quản lý, giám sát chất thải nhựa trong nông nghiệp về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định.

          Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh bằng văn bản về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Phòng Quản lý Xây dựng công trình và Ứng dụng Khoa học công nghệ) để xem xét, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

 

          Trên đây là Kế hoạch thực hiện quản lý, giảm thiểu chất thải nhựa trong nông nghiệp, yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc Sở chủ động phối hợp triển khai, thực hiện./.

 

File đính kèm

    3286_KH-SNNPTNT Kế hoạch thực hiện quản lý, giảm thiểu chất thải nhựa trong nông nghiệp.signed.signed.pdf
Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công