LAI LỊCH MỘT NGỌN THÁC ĐẸP

Ngày đăng: 09/08/2021, 16:25

Huyện biên giới Đức Cơ có một ngọn thác đẹp, cạnh quốc lộ 14C, thuộc địa phận hai xã Ia Nan và Ia Pnôn. Cả dân gian và trong văn bản chính thống, nó đều được gọi là thác Ông Đồng hoặc C10. Định danh như vậy có đúng không? Chúng tôi đã cất công tìm hiểu và gặp được nhiều hơn một câu chuyện.
 
Thời thanh xuân sôi nổi
 
Năm 1960, chàng thanh niên Bahnar 16 tuổi tên Bêch rời làng Dơng, xã Yang Trung, huyện Kông Chro (khu 7) đi thoát ly. Thoát ly là gì, hồi đó ở làng chẳng mấy ai biết. Chỉ thấy được cùng anh em bạn bè đi làm cách mạng thì vui. Cách mạng là gì, cũng chưa ai biết cặn kẽ, nhưng cứ được sống tập thể là thích lắm rồi. Sau này, chàng thanh niên lanh lợi ấy đã hiểu: Phát rẫy, lấy củi, gùi gạo, tát cá hay múa hát đều là công việc cách mạng…
 
Ông Khuyên Đông, sinh năm 1944, cán bộ hưu trí, người được đặt tên cho thác. Ảnh N.Q.T
 
Sau một thời gian ở khu 7, Bếch được rút lên Đội văn công của tỉnh – thành lập năm 1960, ban đầu là một bộ phận của Văn phòng Tỉnh ủy Gia Lai, đóng tại căn cứ Krong. Bên bờ suối Gleh rồi Kpier, Bêch bắt đầu làm quen với các bài hát, điệu múa mới cùng đồng nghiệp đi trước: Kơ, Pling, H’Ngia… Không thể kể hết bao vất vả, hi sinh. Nhưng với Bêch, đó là những tháng ngày đẹp đẽ và sôi động nhất của đời mình.
 
Bêch từng ao ước được cầm súng ra phía trước, chiến đấu với quân thù như bộ đội, du kích. Nhưng sau lần gặp Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Bình (Đẳng) lúc ông đến thăm văn công giữa rừng, thì Bêch mới hiểu đúng con đường mình đang đi. Một buổi tối, người bí thư giản dị và gần gũi ấy đã nói với cả đội: Hát hay, múa giỏi, phục vụ tốt đồng bào, chiến sĩ là các em đã hoàn thành nhiệm vụ đánh giặc rồi.
 
Từ đó, Bêch càng phấn đấu nhiều hơn. 20 tuổi, Bêch được kết nạp Đảng. Cũng năm đó, Bêch là đội phó, luôn cùng với đội trưởng H’Ngia gương mẫu, lãnh đạo đơn vị của mình. Năm 1968, khi bà H’Ngia chuyển sang Tuyên huấn, Bêch đảm đương vị trí đội trưởng văn công của tỉnh gần 10 năm liền. Sau 1975 một thời gian, Bêch được cử đi học tại Đà Nẵng rồi trở về công tác ở Ty Văn hóa-Thông tin Gia Lai.
 
Lai lịch một thắng cảnh
 
Khó khăn về kinh tế mấy năm đầu sau hòa bình khiến ông Bêch phải suy nghĩ. Bà Siu Byin, người vợ Jrai cưới năm 1973 tại căn cứ của ông, đã chuyển về làng cũ ở Ia Nan. Lương thấp, ông bà bàn nhau phát thêm rẫy. Thế là vừa làm cán bộ, ông vừa tranh thủ chạy về làng chặt cây. Năm 1982, dù đã là Phó trưởng Phòng Văn nghệ quần chúng cấp tỉnh, ông vẫn cố gắng bám rẫy. Năm 1992, sau khi về hưu, ông dành tất cả thời gian của mình cho đất.
 
Ông nhớ lại: Sau 1975 một số năm, cán bộ Binh đoàn 15 đi tìm chỗ để  trồng cao su thì gặp ngọn thác đẹp. Họ không biết tên nó là gì, nhưng bằng cách nào đó họ biết ông là chủ của đám rẫy cạnh đấy. Đường đi lối lại khó khăn, họ liền lấy tên ông đặt cho thác nước, để dễ nhận ra khu đất đã chọn. Thác mang tên Ông Đông có từ ngày đó.
 
Cao hơn 10m, thác Ông Đông/Ông Đồng chính tên là Jrai Glong/Thác Cao. Ảnh N.Q.T
 
Ông kể tiếp: Mình tên Bêch, vào căn cứ, anh em thấy chân cong cong như cái vòng kiềng thì bảo là khuỳnh khuỳnh, rồi cũng chẳng hiểu vì sao từ khuỳnh lại chuyển sang Khuyên Đông. Khuyên Đông là gì mình không hiểu, nhưng thấy cũng hay hay, thì cứ mặc kệ. Mà hồi chiến tranh, nhiều người hai tên lắm: Ông Bình và ông Đẳng là một; ông Lê Tam còn có tên là Nguyễn Hùng. Bà H’Ngia xinh đẹp, vốn tên là Khot, nhưng anh em văn công thấy tai bà nghe giỏi quá, học hát múa nhanh quá thì đặt cho tên mới là Ngia; Ngia tiếng Bahnar có nghĩa là tai, cái tai tài giỏi...
 
Hoàn toàn hoang sơ, du khách di chuyển xuống chân ngọn thác rất khó. Ảnh N.Q.T
 
Cái tên thác Ông Đông, ban đầu chỉ nói miệng với nhau thế thôi, nào ngờ sau này lại vào cả giấy tờ. Ông Khuyên Đông lắc đầu phân trần: Mình là người Bahnar, gọi tên thác như thế là không hay. Cữ lắm! Mai mốt, chết đi rồi, mà người ta vẫn cứ gọi tên mình với cái thác ấy là không được… Cữ lắm!
 
Tôi chen ngang: Vậy tên bác không được đặt cho thác rồi. Người ta gọi là thác Ông Đồng kia mà? Ông cười phá lên: Làm rẫy ở đó từ sau 1975 đến giờ, có ai tên Đồng không? Không có! Là do người ta nói nhầm, ghi sai thôi. Đông không phải Đồng! Đến giờ vẫn còn nhiều người gọi là thác Ông Đông đấy, nhưng báo chí thì đã ghi khác rồi. Không được đâu, tôi không tự hào gì cả mà bực thì đúng hơn. Các làng Jrai ở đây cũng không thích ai gọi dòng thác của họ như vậy. Nó có tên là Jrai Glong tức là Thác Cao, sao không gọi mà lại lấy tên tôi để đặt mới?
 
Trả lại tên cho thác
 
Tại nhà ông Khuyên Đông ở làng Tung, Chủ tịch UBND xã Ia Nan Bùi Thị Thanh xác nhận: Không rõ tên thác được đặt từ khi nào, chỉ biết nhiều người gọi đây là thác Ông Đông (hoặc Đồng). Sở dĩ gọi như vậy là vì người ta căn cứ vào vị trí đám rẫy ở gần thác của gia đình bác Khuyên Đông đây.
 
Về C10, Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Nan Nguyễn Văn Bằng giải thích: C10 là cách gọi mới, khi đội sản xuất số 10 của Công ty 72 đến đóng gần khu vực thác nước. Trong quân đội, C là ký hiệu chỉ đại đội;ở đây, 1 đội sản xuất tương đương với 1 đại đội. Thác C10 tức là thác ở gần đại đội/đội sản xuất số 10.
 
Ngoài báo chí và mạng xã hội, một số tài liệu chính thống cũng gọi Jrai Glong là thác Ông Đồng:
 
Sách Lịch sử Đảng bộ huyện Đức Cơ (1945- 2015)viết “thác Jrai Glong (Thác Dài)” và chú thích: “Người Kinh trong vùng thường gọi thác này là thác Ông Đồng (do gần rẫy của gia đình ông Đồng - một người Bahnar lấy vợ là người Jrai)”.
 
Thực ra, tiếng Jrai, “jrai” có nghĩa là thác, thác nước còn “glong” là cao, trên cao. Do đó, chỉ cần viết Jrai Glong/Thác Cao là đủ.
 
Cổng thông tin điện tử huyện Đức Cơ hiện có bài viết gọi đây là “thác Ông Đồng”. Tương tự, Quyết định số 1096/QĐ-UBND ngày 9-7-2020 của UBND huyện Đức Cơ ban hành Đề án phát triển du lịch của địa phương đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 cũng xác định “Thác Ông Đồng” là 1 trong 4 điểm du lịch trọng tâm của huyện…
 
Theo chúng tôi, cách gọi “thác Ông Đông/Đồng” chưa phản ảnh đúng tên của một thực thể tự nhiên. Jrai Glong có từ khi nào không ai biết chính xác, nhưng chắc chắn nó đã xuất hiện sớm hơn tất cả những cách định danh chưa đúng về nó, sau 1975.
 
Cá nhân người được đặt tên cho thác (ông Khuyên Đông) vì sự tôn trọng các cộng đồng Jrai tại chỗ - nơi có thác nước – và vì lí do tín ngưỡng (Bahnar) đã thẳng thắn từ chối vinh dự này.
 
Tóm lại, Đức Cơ nên sớm trả lại tên vốn có cho ngọn thác – Jrai Glong. Bởi địa danh gắn với văn hóa bản địa truyền thống, chắc chắn có lợi cho phát triển du lịch địa phương. Trước mắt, để du khách có thể ghé thăm nơi này thuận lợi, bảo đảm an toàn và vệ sinh, ngoài việc sớm hoàn thành lối đi, chính quyền nên đặt một số biển báo chỉ đường, biển cảnh báo và thùng rác. Trên tất cả các sản phẩm loại này, cần ghi đúng tên thác là Jrai Glong.
 
NGUYỄN QUANG TUỆ

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công