Người nghệ sỹ đa tài.

Ngày đăng: 04/05/2021, 08:18

Y Tư người con dân tộc Bahnar sinh ra từ làng Roh, xã Đông, huyện Kang được biết đến với vai trò là một nghệ sỹ múa chuyên nghiệp, bên cạnh đó ông còn chế tạo được nhiều loại nhạc cụ dân tộc và nặng lòng với dân ca Bahnar, Jrai cổ.
 
Nghệ sĩ Y Tư đang thẩm âm cho cây đàn goong trước thềm nhà.

    Chúng tôi đến thăm nghệ sỹ Y Tư đúng lúc ông đang chỉnh âm cho chiếc đàn goong vừa mới hoàn thành ngay trước thềm ngôi nhỏ của mình. Trong suốt quá trình công tác và cống hiến cho nền nghệ thuật tỉnh nhà, nghệ sỹ Y Tư đã đi nhiều nơi, biểu diễn nhiều loại hình múa nhưng điều đặc biệt nhất là ông đã tự mày mò chế tác ra nhiều loại nhạc cụ như đàn goong, k’ni, tơ rưng, chuông gió… hoàn toàn bằng tay mà không qua bất kì loại máy móc hiện đại nào.
 
    Nghệ sĩ Y Tư biết chơi nhạc cụ dân tộc từ năm anh mới 7 tuổi và từ đó từng chiếc tre, nứa rồi thanh âm trầm bổng, réo rắc cứ nhịp nhàng theo anh đến tận bây giờ. Dụng cụ chính để ông chế tác chỉ từ một chiếc rìu, rựa và chất liệu là các loại tre, nứa, lồ ô hay những quả bầu khô do tự ông về các bản làng để tìm hay đặt mua lại của bà con người dân tộc bản địa để làm. Khi tìm được nguyên liệu vừa ý, thì công đoạn sơ chế, cắt gọt, phơi khô, xử lý mối mọt… bắt đầu được tiến hành. Sau đó mới bắt đầu tiến hành công đoạn chế tác, thẩm âm cho nhạc cụ, đây cũng là phần khó nhất trong việc hoàn thiện các loại nhạc cụ sao cho tạo nên loại âm thanh trong trẻo, hấp dẫn nhất khi đàn được cất lên. Khoảng sân nhỏ phía sau nhà là nơi anh đặt các dụng cụ, nguyên vật liệu để chế tác, nơi thỏa chí sáng tạo với đam mê theo anh suốt cả đời.
 
    Nghệ sĩ Y tư chia sẻ: “Để chế tác hoàn thiện một chiếc đàn goong (người Jrai gọi là đàn Ting ning) khi đã chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu thì phải mất gần 2 tuần, đây là nhạc cụ tôi chế tác thường xuyên nhất bởi ngoài việc để biểu diễn, trưng bày hay thỏa chí đam mê nếu có khách đặt mua tôi sẽ làm theo yêu cầu, có khi nhận làm cho khách từ Sài Gòn, Đà Nẵng, Hà Nội đặt mua. Điều đặc biệt nhất của đàn goong là khi âm thanh của tiếng đàn được tấu lên làm cho người nghe có cảm giác đang được đắm chìm trong không gian thanh âm của cả một dàn chiêng đang trình tấu, nói cách khác là cây đàn goong được xem như làm nhiệm vụ thay cho cả một dàn chiêng”.
 
Mỗi khi chạm từng nét đục, khắc trên những cái long tuyênh (là những thanh gỗ để canh chỉnh âm thanh được đặt trên thân chiếc đàn goong) nghệ sĩ Y Tư tỉ mỉ, chau chuốt trong từng nét vẽ. Những họa tiết được ông thường xuyên sử dụng là mô phỏng hình ảnh vầng trăng khuyết, khung dệt, quả bầu hay vẽ những họa tiết hoa văn đặc trưng của đồng bào dân tộc bản địa. Ông cho biết, ngày trước sợi dây dùng để gãy đàn được tận dụng từ dây điện thoại hay dây xích xe đạp chứ không có dây đàn như ngày nay, vì vậy nghệ nhân phải tận dụng mọi thứ có thể sử dụng được trong cuộc sống để tạo nên những loại nhạc cụ phục vụ trong đời sống sinh hoạt tinh thần cũng như trong các lễ hội thường niên của buôn làng.
 
 Nghệ sĩ Y Tư đang thẩm âm cho cây đàn K'Ni do mình chế tác.
 
    Có thể nói Y Tư là người nghệ sĩ đa tài, ngoài việc chế tác và chơi thành thục các loại nhạc cụ dân tộc, cùng với khả năng cảm thụ âm nhạc trời phú của mình ông còn sưu tầm và hát được nhiều bài dân ca Bahnar, Jrai truyền thống. Nghệ sĩ Y Tư tâm tư: “Ngày trước mỗi khi buôn làng diễn ra lễ bỏ mả hay đâm trâu tôi thường hát những bài dân ca cổ hay chơi nhạc cùng bà con trong dàn hòa tấu nhạc cụ dân tộc, đó là những lúc tôi cảm nhận được giá trị quý báu từ âm nhạc dân tộc mà cha ông đã để lại cho muôn đời sau. Âm nhạc nó thể hiện được bản tính của con người, toát lên bản sắc đặc trưng riêng của từng vùng. Ví như, âm nhạc dân ca của người Bahnar hiền hòa, nhẹ nhàng và sâu lắng, tinh tế hơn như người phụ nữ trong gia đình, còn âm nhạc của người Jrai thì nhanh, dồn dập và sôi sục, trầm bổng mạnh mẽ như tính cách của người đàn ông”.
 
    Khi nói về tình yêu cùng sự nhiệt huyết của người bạn lớn tuổi, người đồng nghiệp chân thành đối với âm nhạc dân tộc, anh Nguyễn Khắc Phú-Trưởng đoàn nghệ thuật (Nhà hát CMNTH Đam San) đồng cảm: “Ngay những ngày còn công tác trên đơn vị Y Tư đã được biết đến là một người nghệ sĩ tài năng, bên cạnh chuyên môn múa anh dành hết thời gian của mình để sưu tầm những bài dân ca cổ, đặc biệt là dân ca Bahnar truyền thống. Anh còn sáng tác những tác phẩm múa dựa trên những nền tảng của âm nhạc dân gian. Có thể nói Y Tư là một nghệ sĩ thực thụ, cống hiến cả cuộc đời mình cho nghệ thuật tỉnh nhà mà lứa nghệ sĩ trẻ sau này cần noi gương và học tập theo con đường anh đã đi qua”.
 
    Điều làm anh Phú trăn trở nhất là sau này khi những người nghệ nhân, nghệ sĩ lớn tuổi không còn nữa thì những kho báu quý giá là những ghi chép các bài nhạc dân ca Bahnar, Jrai cổ; những giai điệu âm nhạc truyền thống của dân tộc có còn được lưu truyền lại không hay rồi sẽ mất dần theo năm tháng nếu như không có kế hoạch bảo tồn, gìn giữ và phát huy.
 
Võ Thanh Thảo

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công