KỶ NIỆM 20 NĂM NGÀY GIA ĐÌNH VIỆT NAM (28/6/2001 -28/6/2021)

Ngày đăng: 18/06/2021, 07:08

Xuất phát từ truyền thống ngàn năm văn hiến cho đến nay, tên tuổi các vị anh hùng, các danh nhân, các bậc kỳ tài, các nhà cách mạng lỗi lạc đều xuất phát từ những gia đình có tính chất đặc biệt, tiềm ẩn trong những gia đình đó là sự giáo dục, chăm sóc của những người cha, người mẹ đã tảo tần nuôi con ăn học thành tài để ra giúp dân giúp nước. Gia đình có vai trò rất lớn trong việc hình thành và phát triển của xã hội, góp phần xây dựng, tô thắm, làm rạng rỡ thêm bản sắc văn hoá dân tộc; là nơi giữ gìn, vun đắp, phát huy những giá trị truyền thống quý báu của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam đã được hình thành trong quá trình lịch sử là lòng yêu nước, yêu quê hương; thủy chung, hiếu nghĩa; cần cù, sáng tạo trong lao động, bất khuất kiên cường vượt qua mọi khó khăn thử thách.
 
Gia đình là nơi cuộc sống bắt đầu và tình yêu không bao giờ kết thúc. Đó là món quà tuyệt vời nhất, là điểm tựa vững chắc nhất, là đến đỗ bình yên nhất đối với mỗi con người. Thật tuyệt vời nếu bạn có một mái ấm gia đình mà nơi đó ngập tràn tình yêu thương.
 
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Rất quan tâm đến gia đình là đúng, vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng Chủ nghĩa xã hội thì phải chú ý hạt nhân cho tốt”. Theo lời Bác ngày 28/6/2000, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 55-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của các cấy uỷ Đảng đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg lấy ngày 28/6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam, với mục đích đề cao trách nhiệm lãnh đạo của các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng các gia đình để góp phần từng bước ổn định, củng cố, xây dựng gia đình theo tiêu chí ít con (mỗi cặp vợ chồng có một hoặc hai con), no ấm, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc.
 
Tiếp tục khẳng định vai trò của gia đình: “Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người” và có vai trò rất quan trọng trong vấn đề gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc.
Tuy nhiên, xã hội hiện đại đòi hỏi mỗi người phải phát huy cao độ năng lực cá nhân vào các mặt hoạt động xã hội, thời gian còn lại dành cho cuộc sống gia đình rất eo hẹp nên các mối quan hệ ruột thịt trở nên lỏng lẻo, mọi sinh hoạt gia đình trở nên nghèo nàn. Hơn nữa, ở một bộ phận dân cư nhất là lứa tuổi thanh niên ý thức về gia đình rất mờ nhạt. Mặt trái của cơ chế thị trường khiến nhiều gia đình bỏ quên hiếu nghĩa, lòng chung thủy của vợ chồng bị nghi ngờ, sự nuông chiều dẫn tới con cái sa sút đạo đức, hư hỏng và phạm tội…

 
Hướng tới kỷ niệm 20 năm Ngày Gia đình Việt 28/6 và Tháng hành động quốc gia, phòng chống bạo lực gia đình với Chủ đề là “Gia đình bình an – xã hội hạnh phúc” nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội về phòng, chống bạo lực gia đình góp phần bảo vệ người già, phụ nữ, trẻ em, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. Tôn vinh những giá trị nhân văn sâu sắc của gia đình Việt Nam; đẩy mạnh tuyên tuyền, vận động các tầng lớp Nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa ứng xử trong gia đình, cộng đồng, kế thừa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, tiếp thu có chọn lọc các giá trị mới, tiến bộ.
 
Công tác gia đình được các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh đặc biệt quan tâm. Tiếp tục đẩy mạnh Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, luôn được các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương quan tâm. Mỗi tổ dân phố, thôn làng đều có các mô hình Câu lạc bộ Phòng chống bạo lực gia đình, Câu lạc bộ Phụ nữ với pháp luật và những địa chỉ tin cậy tại cộng đồng dân cư, đã góp phần giảm thiểu các vụ bạo lực gia đình, các vụ vi phạm luật hôn nhân gia đình.
 
Tập trung vào công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về xây dựng gia đình, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình đã in và cấp phát cho các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh với số lượng trên 250.000 tờ rơi, tập gấp tuyên truyền các loại, trong đó có 12.060 tờ rơi nội dung “Tiêu chí ứng xử trong gia đình” và các nội dung khác về “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ hạnh phúc và phát triển bền vững - nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”; 300 cuốn sách “Cẩm nang giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình, bạo lực học đường, phòng tránh xâm hại trẻ em trong các cơ sở giáo dục”; 300 cuốn sách “Giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và cộng đồng Việt Nam hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh”; in và cấp phát hơn 3.700 sổ ghi chép thông tin về gia đình và bạo lực gia đình cấp cho các địa phương trong tỉnh; 5.000 tập tranh và diễn ca với chủ đề: “Hãy nói không với bạo lực gia đình”.
 
Lồng ghép tổ chức triển khai các hoạt động và tuyên truyền gần 1.200 băng rôn, khẩu hiệu, xây dựng, sửa chữa 72 các cụm pa nô, 850 áp phích tuyên truyền về ý nghĩa của việc xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình.
Có thể nói, gia đình chính là môi trường văn hóa đầu tiên, nơi mà mỗi cá nhân khi chào đời và trưởng thành, liên tục được tiếp nhận những tình cảm tốt đẹp từ các thành viên trong gia đình như ông bà, cha mẹ… Gia đình đã truyền thụ cho các cá nhân những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình, dòng họ và dân tộc, cũng như những giá trị văn hóa hiện đại tạo nên giá trị xã hội và nhân cách văn hóa của mỗi con người.
 
Gia đình là nơi dưỡng dục về thể chất, tinh thần, hình thành nhân cách cho mỗi con người; truyền thụ cho mỗi cá nhân những mẫu mực, hành vi xã hội để ứng xử trong gia đình và ngoài xã hội. Từ trường học đầu tiên này, mỗi cá nhân được những người thầy thân yêu là cha mẹ, ông bà giáo dục kiến thức, kỹ năng sống để có thể thích ứng, hòa nhập vào đời sống cộng đồng. Từng bước uốn nắn những lệch lạc, ngăn chặn những hành vi trái với chuẩn mực xã hội ở từng cá nhân.
 
Các nghiên cứu khoa học về Gia đình cho rằng: “Gia đình là trung tâm xuất phát điểm của giáo dục con người, là cơ sở của những nền tảng giáo dục con người, là trường học đầu tiên của con người, gia đình có vai trò đặc biệt trong việc xã hội hóa giáo dục con người; đầu tư cho công tác gia đình là đầu tư cho công tác bền vững, hãy xây dựng gia đình là tổ ẩm của mỗi con người, là tế bào lành mạnh của xã hội”. Do vậy, việc giáo dục và hình thành nhân cách con người trong gia đình có tính chất đặt nền móng, mang tính truyền thống gia phong, thực hiện bước đi đầu tiên là rất quan trọng.
 
Trong xã hội hiện đại ngày nay, vai trò của gia đình ngày càng có ý nghĩa hết sức quan trọng. Gia đình không chỉ là cái nôi của những mối quan hệ ruột thịt, gia đình còn là nhân tố quan trọng trong việc xây dựng và phát triển kinh tế xã hội, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc.

Thực hiện Kế hoạch của Uỷ ban nhân dân tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo Phòng Văn hoá và Thông tin; Trung tâm Văn hoá, Thông tin và Thể thao các huyện, thị xã, thành phố Pleiku tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trong hoạt động hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam sẽ tập trung vào một số nội dung cơ bản như: Đẩy mạnh công tác phối hợp truyền thông về xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, chỉ đạo tổ chức hoạt động, sự kiện, truyền thông, hỗ trợ xây dựng gia đình; tiếp tục chỉ đạo thực hiện các hoạt động đề xuất, tham gia xây dựng việc giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ xây dựng gia đình; thực hiện Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Chăm sóc bảo vệ trẻ em; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Bình đẳng giới…

 
Lồng ghép tuyên truyền với hình thức cổ động trực quan như: Băng rôn, khẩu hiệu, panô, áp phích; trưng bày giới thiệu sách giáo dục pháp luật, tài liệu hướng dẫn để tuyên truyền về phòng, chống tệ nạn ma túy; các văn bản pháp quy có liên quan; tổ chức chiếu phim lưu động, kết hợp tuyên truyền trong các chương trình biểu diễn của các Đội tuyên truyền lưu động, các câu lạc bộ tại cơ sở; in ấn tờ rơi, tập gấp tuyên truyền các loại với nội dung “Tiêu chí ứng xử trong gia đình”, “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ hạnh phúc và phát triển bền vững – nói không tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”.
 
Để thực hiện được mục tiêu là hằng năm giảm từ 10% đến 15% hộ có bạo lực gia đình, trong thời gian tới, Sở Văn hóa và Thể thao và Du lịch phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể có liên quan, các địa phương, trong chức năng và phạm vi quyền hạn của mình tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình và thực hiện tốt quy chế phối hợp liên ngành trong phòng, chống bạo lực gia đình, để công tác PCBLGĐ thực sự đạt hiệu quả như mong muốn, để mọi thành viên trong gia đình được bảo vệ trước pháp luật, để đảm bảo quyền con người được thực thi trên toàn tỉnh vì một xã hội không có bạo lực gia đình góp phần quan trọng xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng, hạnh phúc, văn minh. Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc là góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là trách nhiệm của nhiều ban ngành, nhiều tổ chức xã hội và là trách nhiệm của mỗi công dân. Mặt khác, xây dựng gia đình phát triển cũng chính là cách để bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực đáp ứng phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
 
Cùng với sự phát triển của đất nước, theo thời gian, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 cũng trở thành ngày hội trên mọi miền đất nước, một nét đẹp văn hoá - nơi mà tình yêu thương và chia sẽ được tôn vinh. Các hoạt động kỷ niệm Ngày gia đình Việt Nam được tổ chức ngày càng phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức, thu hút sự tham gia đầy của đông đảo người dân.

Anh Đào - Phòng XDNSVHGĐ

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công