Về một số nghệ nhân chỉnh chiêng của Gia Lai

Ngày đăng: 28/01/2021, 16:02

Sau 2 đợt đề nghị phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể (năm 2015 và năm 2018), hiện tỉnh Gia Lai có 23 nghệ nhân ưu tú, trong đó, có 7 nghệ nhân chỉnh chiêng là: Nay Phai (dân tộc Jrai, huyện Krông Pa), Đinh Đi (dân tộc Bahnar, huyện Kbang), Nay Dri (Jrai, Ia Pa), Đau, Alip (Bahnar, Đak Đoa), Rơ Châm Hmut (Jrai, Chư Păh), Rơ Châm Uek (Jrai, Ia Grai).
 
Góp phần quan trọng trong việc gìn giữ và lưu truyền giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc - nghệ thuật trình diễn cồng chiêng - của dân tộc là lòng yêu nghề, tinh thần và ý thức bảo vệ của các nghệ nhân chỉnh chiêng. Với đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của họ, những chiếc cồng, chiếc chiêng lệch âm đã lấy lại được âm thanh diệu kỳ. Muốn trở thành một nghệ nhân cần có một quá trình lâu dài và những cố gắng không ngừng của bản thân người học. Bởi vậy, những nghệ nhân giỏi được dân làng công nhận là những người đã trải qua thời gian học tập, rèn luyện lâu dài và khả năng của họ đã thành thục.
 
Được sinh ra trong gia đình có truyền thống chỉnh chiêng là một điều kiện thuật lợi cho người học vì họ được tiếp cận nhanh và dễ dàng hơn nhờ sự chỉ dạy cặn kẽ của người thân. Bên cạnh đó, yếu tố đặc biệt quan trọng để thành một nghệ nhân chỉnh chiêng giỏi là sự đam mê, khả năng nhanh nhạy và cảm thụ âm nhạc tốt.
 
Tại Gia Lai, hiện số lượng nghệ nhân chỉnh chiêng giỏi không nhiều, hơn thế, đa số là nghệ nhân lớn tuổi. Các nghệ nhân ở rải rác tại các huyện cách xa trung tâm tỉnh như Krông Pa, Ia Grai, Ia Pa, Kbang... 
 
Cách đây nhiều năm, chúng tôi có ghé thăm nhà nghệ nhân Nay Phai ở huyện Krông Pa, gặp ông cùng em trai là nghệ nhân Nay Dri, cũng là người đã được ông truyền dạy nghề chỉnh chiêng, đang chỉnh bộ chiêng bị lệch âm cho người hàng xóm. Vừa chỉnh, Nay Phai vừa mô tả và chỉ cho chúng tôi các vòng chiêng, cách dùng búa đập với độ mạnh như thế nào để tiếng chiêng không bị phô, bị lệch. Trong khoảng nửa tiếng đồng hồ, ông đã chỉnh xong 7 chiếc chiêng. Sau khi hoàn thành việc chỉnh sửa, ông cùng em trai đánh cho chúng tôi nghe một đoạn trong bài chiêng ông tự sáng tác dựa trên những bài chiêng cổ của dân tộc. Không chỉ ở quanh làng, nghệ nhân Nay Phai còn thường xuyên đi chỉnh sửa chiêng cho đồng bào Jrai, Bahnar ở các huyện khác và xa hơn là ở tỉnh Phú Yên, Đăk Lăk với nhiều loại chiêng: Arap, tơnăh, kàching, tơrum, chiêng Lào, chiêng thanh niên. Đi nhiều nơi, Nay Phai còn tìm mua những bộ cồng chiêng cũ đã bị lệch âm về chỉnh lại để sử dụng hoặc bán cho những người có nhu cầu. Ngoài ra, ông còn tham gia đội văn nghệ của địa phương với vai trò là người hát dân ca.
 
Nghệ nhân Rơ Châm Hmut ngoài việc chỉnh chiêng giỏi còn là người đánh trống chính trong đội cồng chiêng xã Ia Ka, huyện Chư Păh. Ông cùng đội cồng chiêng xã đã tham gia nhiều hoạt động, sự kiện văn hoá trong và ngoài tỉnh. Ông biểu diễn trống rất tự nhiên và rất đẹp, được nhiều người yêu thích, chụp ảnh.
 
Ở những năm 2010-2015, nghệ nhân Đinh Đi tuy tuổi đã cao nhưng vẫn tham gia truyền dạy và chỉnh chiêng tại các huyện khác trong tỉnh. Ông chỉnh được nhiều loại chiêng của người Bahnar, Jrai, chiêng Lào, chiêng thanh niên (loại chiêng hiện đại được lớp thanh niên yêu thích và sử dụng nhiều)...
 
Không thể đi nhiều nơi, tham gia vào nhiều hoạt động phong trào của địa phương, các nghệ nhân Rơchâm Uek, Đau chỉnh chiêng ở quanh làng… 
 
Mỗi nghệ nhân đều giúp chúng tôi có được những kiến thức quý báu về cồng chiêng và kể cho chúng tôi nghe về những câu chuyện về cuộc đời của họ khi đã gắn mình với tiếng cồng chiêng thiêng liêng ấy. Mỗi một hoàn cảnh và con đường đến với cồng chiêng khác nhau. Không được sinh ra trong gia đình có truyền thống chỉnh chiêng như hai nghệ nhân Nay Phai, Nay Dri nhưng các nghệ nhân khác cũng có lòng đam mê với cồng chiêng ngay từ khi còn nhỏ. Với niềm say mê ấy và sự tò mò, tính ham học, các ông đã tự học qua các buổi đánh chiêng vào ngày lễ truyền thống của làng. Nhìn các già làng, thanh niên đánh được bài chiêng hay, các ông mượn chiêng để đánh theo. Rồi khi nghe tiếng chiêng không còn đúng, còn hay như lúc ban đầu, các ông tự mày mò, gò đi gò lại để tìm được âm thanh như mong muốn. Nhưng chỉ tự mình thì thật khó để biết, để chỉnh được chính xác, được nhanh. Và họ đã may mắn gặp được những nghệ nhân lớn tuổi có tài chỉnh chiêng giúp đỡ, chỉ dạy và cùng sửa, cùng đánh. Nhờ đó, tay nghề của họ đã được nâng lên trông thấy. Bằng sự nỗ lực học tập, rèn luyện của bản thân, giờ đây họ đã là những nghệ nhân giỏi, được nhà nước công nhận là Nghệ nhân Ưu tú, là người truyền dạy cho nhiều thanh niên nghệ thuật độc đáo này và thổi vào thế hệ trẻ niềm đam mê, khơi dậy tính tò mò, ham học và ý thức bảo vệ nghề truyền thống của dân tộc.
 
Với di sản văn hoá cồng chiêng, những đôi bàn tay và tinh thần giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc ấy quý giá biết bao. Vậy mà giờ đây, thật đáng tiếc khi trong số 7 nghệ nhân chỉnh chiêng ưu tú của tỉnh, chúng ta mãi không thể gặp lại được nghệ nhân Đinh Đi và nghệ nhân Rơ Châm Hmut nữa.
 
Rất mong các nghệ nhân còn lại có thật nhiều sức khoẻ và sẽ được quan tâm nhiều hơn nữa bằng những chính sách cụ thể, ưu đãi người có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá của địa phương.
 
Thuý Phương

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công