KBANG – ĐỊA CHỈ TUYỆT VỜI CHO DU LỊCH SINH THÁI, LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA TỘC NGƯỜI

Ngày đăng: 14/01/2021, 15:36

Nói về du lịch Gia Lai, các điểm đến như: Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng (Kon Jrăng) với thác K50 hùng vĩ, Làng kháng chiến Stơr - quê hương anh hùng Núp, Vườn Mít và Cánh đồng Cô Hầu - nơi gần 300 năm trước đã đóng góp nguồn lương thực đáng kể nuôi nghĩa quân Tây Sơn, Căn cứ địa cách mạng Khu 10 – linh hồn của tỉnh Gia Lai trong những năm chống Mỹ cứu nước, homestay A Ngưi - đậm dấu ấn văn hóa Bahnar… thường được các công ty lữ hành, các hướng dẫn viên du lịch… nhắc đến như để chắp thêm cánh cho những lời mời gọi; các cơ quan, tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp… cũng không thể quên mỗi dịp “Về nguồn”. Nhưng mấy ai biết rằng, tất cả những địa danh ấy đều nằm trên địa bàn Kbang - một huyện nằm ở phía đông bắc tỉnh Gia Lai - như một sự sắp đặt mà cả “thiên, địa, nhân” đều ưu ái dành cho du lịch. 
 
Kbang – một cái tên, nhiều điểm đến đa dạng sắc màu
 
Huyện Kbang mang tên của một ngọn núi cao hơn 900 mét, nằm ở ranh giới giữa 2 xã Krong và Sơpai. Những người Bahnar trong vùng cho rằng, tên của núi này là Gbang, vì thế, tên huyện lẽ ra phải là Gbang mới đúng. Nhưng hơn 30 năm trôi qua, cái tên Kbang đã được định danh và đi vào muôn mặt đời sống – xã hội nơi này. 
 
Có địa hình đa dạng, núi – cao nguyên – thung lũng nối tiếp nhau, Kbang được thiên nhiên ưu ái trao cho nhiều danh thắng. Trong đó, hệ thống 23 thác nước lớn nhỏ, nằm trên sông Ba, sông Kôn và các phụ lưu của chúngcó thể xem là nguồn tài nguyên du lịch quan trọng của địa phương. Những thác nước có giá trị của Kbang tập trung nhiều nhất ở phía bắc huyện, đặc biệt là trong Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng thuộc xã Sơn Lang, nơi có địa hình núi cao, độ dốc lớn, phân cắt mạnh.Thác nước đẹp nhất, hùng vĩ nhất, thu hút sự quan tâm của nhiều khách du lịch nhất ở Kbang là thác 50, còn được biết đến với một số tên gọi khác như thác Hang Én,tơkơi Bok Yai- theo cách gọi của những người Bahnar.
 
Thác 50 nằm trên suối Say (đak Hngăl)- một nhánh của sông Kôn. Đến thời điểm hiện tại, với độ cao cột nước khoảng 54 mét, nằm giữa rừng nguyên sinh, còn vẹn nguyên vẻ hoang sơ, thì đây là ngọn thác được coi là cao nhất, đẹp nhất của Gia Lai. Ở khu vực khí hậu có hai mùa mưa, khô, vẻ đẹp của tháccũng theo mùa mà đổi. Mùa khô, bề mặt thác rộng khoảng 20mét, từ cột nước hiền hòa, những hạt nước li ti bay ra, tạo nên màn sương huyền bí vào sáng sớm và hoàng hôn. Khi mặt trời lên cao, ánh nắng xuyên qua màn sương bảng lảng, xuyên quanhiều tầng rừng nguyên sinh tạo nên muôn sắc hình sống động. Mưa về, chiều rộng lòng thác có thể lên đến cả trăm mét. Cột nước từ trên cao ầm ầm đổ theo chiều thẳng đứng,như muốn hét lên rằng, đây mới là vẻ hùng vĩ của đại ngàn. Những năm gần đây, thác 50 được nhiều du khách quan tâm. Ngọn thác huyền thoại này đặc biệt có sức hút với các bạn trẻ thích cảnh nên thơ của rừng nguyên sinh, thích cắm trại bên suối, thích bắt cá, nướng ốc trên lửa hồng, thích qua đêm giữa tiếng suối rì rầm, tiếng xạc xào của cây lá… sau khoảng thời gian trèo đèo, lội suối, vùng vẫy giữa thiên nhiên hoang dã. 
 
Cùng với thác 50, Kbang còn có nhiều ngọn thác khác như thác 3 tầng, thác Sơn Lang, thác 40, thác Tóc Tiên, thác Trại Đầm(trong khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng và xã Sơn Lang); Thác Kon Lôk, thác Hà Đừng, thác Kon Bông (xã Đak Rong); thác Đak Pok, thác K’Bưng (xã Krong)… Và ngay tại thị trấn Kbang, các thác Hang Dơi (gồm thác Hang Dơi, thác Cuối Hang Dơi, thác Đập tràn Hang Dơi) cũng là những cái tên quen. Hệ thống thác nước ở Kbang có sức hút không chỉ vì vẻ đẹp riêng như độ thấp - cao, chia làm nhiều tầng hay chỉ nhẹ nhàng uốn lượn… mà còn bởi, chúng không phải lànhững ngọn thác đơn côi,cảnh quan đã bị phá vỡ do tác động của con người như nhiều ngọn thác ở Tây Nguyên ngày nay, mà ở đây, mỗi dòng thác đều được ôm trọn trong cảnh quan hoang sơ của núi rừng. 
 
Chủ nhân từ lâu đời, sống hài hòa với thiên nhiên Kbang tươi xanh, kỳ vĩ, không làm cho những dòng sông - ngọn thác phải nổi giận, không làm những đàn ong, muông thú phải oán thù… chính là các cộng đồng Bahnar. Cùng với thiên nhiên, những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của người Bahnar Róh, Bahnar Kon Kơđeh, được đắp bồi qua nhiều thế hệ, luôn thôi thúc du khách trong và ngoài tỉnh khao khát đượcmột lần đến Kbang, có một đêm cùng Kbang vây quanh đống lửa hồng, ngắm ánh lửa bập bùng, ngắm những hoa than đỏ chới với bay trong tiếng nổ tí tách trước sân nhà rông làng Leng Tơpung, làng Stơr(xã Tơ Tung), làng Mơ Hra, làng Kgiang (xã Kon Lơng Khơng)… nhún nhảy theo các chàng trai, cô gái Bahnar, trong vòng xoang, lúcnhịp nhàng, khi dồn dập bởi tiếng chiêng cồng dẫn lối. 
 
Cái chất văn hóa của người Bahnar ở Kbang được toát ra không chỉ từ những mái nhà rông hiền hòa, tuy không vút cao, nhưng thật sự cuốn hút bởi muôn hình trang trí từ ngoài vào trong; mà còn bởi những ngôi nhà sàn tuy nhỏ bé, nhưng ấm cúng, với kiểu dáng “thượng thách, hạ thu” rất đặc trưng; bởi những bộ trang phục giàu hoa văn do những người phụ nữ Bahnar khéo léo, chăm chỉ tự tay dệt; bởi những giọt rượu cần làm mềm môi du khách, do được ủ bằnghạt bắp, hạt kê và chất men cóhương vị riêng từ cây lá của núi rừng, được các chủ nhân mến khách, thật tình, tha thiết mời mà ta khó lòng từ chối. Nếu may mắn gặp mùa lễ hội, chắc chắn những gì về bữa tiệc giàu sắc màu, âm thanh và những tinh hoa văn hóa được gìn giữ, đắp bồi qua ít nhất hàng ngàn năm của chủ nhân của vùng đất ấy sẽ rất khó phai trong lòng du khách. 
 
Cùng với du lịch sinh thái, văn hóa tộc người, Kbang còn là điểm đến hấp dẫn của những người quan tâm đến lịch sử dân tộc qua các di tích Vườn Mít - Cánh đồng Cô Hầu, Làng kháng chiến Stơr, Căn cứ địa cách mạng Khu 10... Sau 45 năm giải phóng, các di tích này đã được quan tâm nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học, đề nghị các cấp có thẩm quyền xếp hạng là di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia và được trùng tu, tôn tạo…trở thành những điểm đến có thể giữ chân du khách thông qua các hoạt động tham quan, trải nghiệm.
Giao thông và hạ tầng du lịch
 
Với sự phát triển của hệ thống giao thông, ngày nay, đến Kbang nói chung, các địa điểm du lịch trên địa bàn huyện này nói riêng không còn làm cho người ta ái ngại như cách đây hơn 30 năm - khi Kbang vừa được chia tách khỏi An Khê. Cùng với con đường truyền thống nối An Khê - Kbang là đường tỉnh 669, những năm gần đây, du khách còn có thể đến Kbang theo tuyến đường Trường Sơn Đông chạy qua những cánh đồng, khu dân cư, xuyên rừng… đẹp như tranh thủy mặc. Từ hai tuyến đường huyết mạch này, các đường nhánh sẽ đưa du khách tới các điểm du lịch của Kbang bằng ô tô, xe máy. Một số điểm phải đi bộ vài đoạn, nhưng bù lại, du khách được thỏa sức ngắm cảnh đẹp ven đường, hái hoa rừng, trái cây rừng (dâu da, mâm xôi...), nghe chim hót véo von.
 
Giao thông ngày càng hoàn thiện không chỉ giúp du khách trong tỉnh, ngoài tỉnh tới Kbang qua đường bộ, mà Kbang còn có thể đón các đoàn đến từ hai đầu đất nước, qua các sân bay Phù Cát (Bình Định), Pleiku (Gia Lai). Để có những tour trải nghiệm hoàn hảo, đưa du khách đến được những danh thắng hùng vĩ ở Kbang trong tâm thế thoải mái, an toàn, gần đây, một số công ty du lịch ở Pleiku và Kbang như Vietjoy Tourist, Homestay A Ngưi Kbang… đã quan tâm xây dựng đội ngũ support chuyên nghiệp, có kỹ năng… hỗ trợ các đoàn trong việc dẫn đường, mang vác hành lý, thực phẩm, đặc biệt là giải quyết các sự cố trên đường… 
 
Góp phần tạo nên sự thuận lợi, thoải mái của du lịch Kbang, còn có hệ thống các khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng trên địa bàn như: Ngọc Linh, Hoàng Long, Tuấn Vũ, Tuấn Đạt, Lý Kình, Thanh Thảo… Tuy nhiên, khi đến với Kbang, khách phương xa thường quan tâm đến các dịch vụ nghỉ dưỡng, ẩm thực ngay trong các làng Bahnar cổ truyền như:Homestay A Ngưi Kbang, di tích làng Kháng chiến Stơr, Căn cứ địa cách mạng Khu 10. Dừng chân tại những địa chỉ này, du khách thường rất thích thú khi được sống lọt thỏm giữa không gian làng, được phục vụ bởi chính những người Bahnar chân chất, mộc mạc, nhưng cháy bỏng nhiệt huyết.
 
Homestay A Ngưi Kbang là điểm đến do chính chàng trai Bahnar thuộc thế hệ 8X, có tên A Ngưi, tốt nghiệp trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh xây dựng trên mảnh đất của ông cha. Với lợi thế là một người Bahnar lớn lên ở làng, được đào tạo bài bản, có năng khiếu về âm nhạc, am hiểu văn hóa dân gian Bahnar, A Ngưi đã dồn hết nhiệt huyết, tâm sức để xây dựng homestay củamình thành điểm đến lý tưởng cho những du khách yêu văn hóa Bahnar nói riêng, Tây Nguyên nói chung. Bên cạnh điều kiện về chỗ ở là những nhà sàn Bahnar truyền thống, nhưng được anh hướng đến các tiêu chuẩn của một khách sạn có sao, A Ngưi còn đưa cả dân làng Kgiang của mình cùng làm du lịch, với các chàng trai, cô gái biết chơi cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc; các già làng hát kể sử thi; các hộ gia đình trồng rau sạch, nuôi gà, lấy măng rừng… nếu ở lại, chắc chắn du khách sẽ được một đêm ngất ngây cùng cồng chiêng, rượu cần giữa cao nguyên Hơnưng lộng gió.
 
Đến di tích Làng kháng chiến Stơr (xã Tơ Tung), sau khi thăm quan Nhà lưu niệm Anh hùng Núp, được nghe và thấy các hiện vật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của người Anh hùng dân tộc Bahnar đánh Pháp, xem mô hình làng Stơr cũ - hình mẫu của làng Kông Hoa trong tác phẩm “Đất nước đứng lên”, nghe về những chiến công “đánh giặc giữ làng” của Bok Núp và dân làng trong điều kiện “đói cơm, lạt muối”… du khách cũng có thể ở lại đây cùng người Stơr trải nghiệm các hoạt động như trình diễn cồng chiêng, đan lát, dệt vải, nấu các món ăn truyền thống… trong nhà rông, hoặc tại 7 ngôi nhà nhỏchênh vênh trên sườn đồi, có cảnh quan gần giống với làng cũ Stơr đỉnh Ta Guthuở nào. Về ẩm thực, ngoài các món ăn thường thấy ở hầu hết các khu du lịch của Tây Nguyên như gà nướng, cơm lam, cà đắng, lá mì… thì chỉ đến đây, du khách mới được thưởng thức những đặc sản độc đáo của rừng nguyên sinh như ngọn (đọt) mây, nấm mối, hoa nghệ rừng… với những hương, vị rất đặc trưng.
 
Khác với Stơr, di tích Căn cứ địa cách mạng khu 10 (thuộc xã Krong) lại là một quần thể di tích gồm nhiều địa điểm. Trong đó, địa điểm Cơ quan Tỉnh ủy Gia Lai, nằm trong cánh rừng đại ngàn,nay thuộc tiểu khu 819 của Lâm trường Krông Pa, được trùng tu tôn tạo năm 2018, tái hiện không gian Cơ quan Tỉnh ủy Gia Lai trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, gồm các khu nhà làm việc, hội trường, nhà bếp, hầm trú ẩn... nép dưới tán rừng. Sau khi ngủ lại đây 1 đêm, rửa mặt, dầm mình trong lòng suối, du khách có thể ghé thăm các di tích trong khu vực Krong như: trạm giao bưu (trạm Thuận, trạm Kắt), Cơ quan tỉnh đội, Cơ quan ban Kinh Tài… cùng ngắm nghía dấu vết hầm trú ẩn, bếp hoàng cầm, dọc mùng, măng rừng và những “bãi khách”…, để hình ảnh của Trường Sơn hào hùng nhưng cũng rất trữ tìnhtrong các bài hát “Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây”, “Nổi Lửa lên em”… như những thước phim quay chậm, đưa ta quay về một thời chống Mỹ, thuở lớp lớp thanh niên Việt Nam sẵn sàng xếp bút nghiên lên đường ra tiền tuyến, đánh đuổi ngoại xâm, vì non sông một dải nối liền. 
 
Cùng với sự hấp dẫn của du lịch sinh thái, các di tích lịch sử, văn hóa truyền thống thấm đẫm bản sắc của người Bahnar, Kbang hôm nay còn gọi mời du khách bởi sự chuyển mình nhanh chóng của một vùng đất hiện có hơn 20 dân tộc anh em cùng chung sống. Họ đã và đang chung tay vẽ nên bức tranh quê hương Kbang sinh động từ sự đa dạng của các sắc màu văn hóa, đến những mảnh ghép muôn màu của kinh tế - xã hội, cây trái và những công trình… 
 
Bài viết:TS. Nguyễn Thị Kim Vân- Nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Gia Lai

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công