Trở lại Kon Ka Kinh.

Ngày đăng: 14/01/2021, 15:36

Nếu đến với Vườn quốc gia Kon Ka Kinh chỉ mới một lần chắc hẳn bạn sẽ không đủ thời gian để khám phá hết vẻ đẹp đa dạng sinh thái tại vùng đất này. Vì lẽ đó, rồi bạn sẽ còn quay trở lại bởi nơi đây còn quá nhiều điều thú vị mời gọi du khách phương xa.
 
Mỗi hành trình khám phá lại mang đến những trải nghiệm khác biệt, mới lạ và thú vị. Bởi vậy đã đến với Kon Ka Kinh đôi lần nhưng với tôi lần nào cũng lại mang cảm giác vô cùng mới mẻ, hành trình chinh phục vẫn háo hức như lần đầu tiên đặt chân đến. Thời gian lý tưởng nhất để đến trải nghiệm cảnh đẹp vườn quốc gia Kon Ka Kinh là từ tháng 1 đến tháng 6 hàng năm, cũng là mùa khô của vùng đất Bắc Tây Nguyên. Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh được phân bố trên phạm vi hành chính thuộc 3 huyện: Kbang, Mang Yang và Đak Đoa. Mọi dịch vụ cung cấp nhu cầu tham quan cảnh đẹp đường rừng của du khách được thông tin tại trụ sở chính thuộc xã Ayun, huyện Mang Yang, cách thành phố Pleiku khoảng 50km về phía Đông Bắc. 
 
Đi bộ xuyên rừng theo đường mòn thiên nhiên cùng thưởng ngoạn nhiều loài thực vật đa dạng về hình dáng, phong phú về màu sắc, đặc biệt tận mắt chiêm ngắm quần thể cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi là hành trình thật sự lý tưởng giữa không gian rộng mở. Cây đa cổ thụ được xem là “đặc sản” của Vườn. Không những một mà có khá nhiều cây với bộ rễ hùng vĩ, ấn tượng ăn sâu và tỏa rộng ra bốn phía ăn xuống lòng đất sẽ xuất hiện trong suốt chặng đường khám phá của du khách. Mỗi cây một vẻ, mỗi bộ rễ lại tự nhiên, độc đáo đến vô cùng. 
 
Do đặc điểm đa dạng về địa hình, khí hậu và một số yếu tố khác hình thành nên hệ sinh thái tự nhiên Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh có các nguồn gen động thực vật rừng vô cùng đa dạng và phong phú với nhiều loài đặc hữu, quý hiếm của vùng cao nguyên. Đón bước du khách trong chuyến khám phá Vườn là những loài dây leo dài ngoằng cổ quái, đây chính là cầu nối giữa các tầng tán rừng để các loài động vật nhỏ di chuyển sinh sống, mở ra một thế giới đầy hoang dã. Càng lên cao hệ thống thực vật bị tác động của nắng và gió càng nhỏ lại, trở nên xù xì, dăng leo chằng chịt. 
 
Tiếp tục đi dọc theo con suối mát lành, chiều lòng người lữ khách thích vẫy vùng, du khách sẽ được tự do khám phá và tận hưởng trọn bầu không khí xanh trong, khí hậu mát lành giữa thiên nhiên phong cảnh hữu tình, rất thích hợp cho những kì nghỉ ngơi, an dưỡng cùng gia đình, bè bạn. Khoảng đất bằng bên cạnh con suối nhỏ cũng là điểm dừng chân nghỉ ngơi ăn trưa. Bạn nên đặt trước dịch vụ ăn tại đây cũng do chính những cán bộ công tác tại Vườn chuẩn bị phục vụ thực khách. Gà nướng vàng ươm cùng những xiên thịt nóng hổi, cơm lam thơm nồng được nướng ngay bên cạnh chắc chắc sẽ là bữa trưa ngon nhất mà bạn từng được thưởng thức, lại còn giữa thiên nhiên tươi đẹp đến vậy.
 
Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh còn mang đậm vẻ đẹp hoang sơ của một khu rừng nguyên sinh trọn vẹn bởi chưa có tác động lớn của bàn tay con người. Càng đi sâu và lên cao địa hình vườn Kon Ka Kinh càng trở nên hiểm trở, tạo ra hệ thống thủy văn khá phong phú với mạng lưới sông suối, thác ghềnh dày đặc. Chinh phục ngọn thác 3 tầng là hành trình được mong đợi nhiều nhất, một cảnh đẹp kỳ vĩ thần tiên giữa núi rừng, từ trên đỉnh thác nhìn xuống, sự nguyên sơ hùng vĩ của đại ngàn sẽ mê hoặc bất kỳ người lữ khách khó tính trót yêu vẻ đẹp thiên nhiên hoang dã núi rừng.
 
Anh Đinh Khánh Toàn-Giám đốc Trung tâm Giáo dục môi trường và dịch vụ môi trường rừng, là bộ phận làm nhiệm vụ diễn giải môi trường kiêm đón tiếp du khách của Vườn thông tin: “Để đánh thức tiềm năng du lịch nơi đây, Ban Quản lý Vườn đã đưa ra nhiều khuyến khích, hỗ trợ khai thác loại hình du lịch trekking kết hợp sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ các di sản văn hóa cùng với cộng đồng địa phương trong việc phát triển du lịch. Hiện nay, đã khảo sát được một số tuyến du lịch và bước đầu triển khai đưa một số sản phẩm vào hoạt động khai thác các tuyến như: Quần thể cây đa cổ thụ; Trạm nghiên cứu động vật; Khám phá thác H’Ngoi; Tham quan Vườn thực vật trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật; Chinh phục đỉnh đá trắng; Khám phá tìm hiểu cây thông năm lá cổ thụ; Khám phá thác Kon Bông; Chinh phục thác 95; đặc biệt là hành trình Chinh phục đỉnh Kon Ka Kinh, đỉnh núi cao nhất trên cao nguyên Pleiku sẽ là một chuyến đi có sức hấp dẫn đặc biệt đối với du khách”.
 
Làng Đê Kjiêng nằm cách Vườn Kon Ka Kinh hơn 10km, trên cùng tuyến đường đến chinh phục vẻ đẹp đường rừng bạn có thể ghé thăm ngôi làng còn gìn giữ khá nguyên vẹn giá trị văn hóa bản địa truyền thống của đồng bào dân tộc Bahnar này. Già làng Hyeek cùng vợ là bà Kuah năm nay đã hơn 60 tuổi nhưng còn rất minh mẫn và nhanh nhẹn. Khách đến thăm làng, vợ chồng ông bà có thể trò chuyện, kể chi tiết từng câu chuyện buôn làng, nói về cách ông bà đan từng chiếc gùi, tỉ mỉ bên khung dệt hay những kể về các lễ hội truyền thống hằng năm theo phong tục bản địa hấp dẫn du khách. Ngôi làng bé xinh còn đó khá nhiều điều thú vị từ mái nhà rông, nếp nhà sàn, là bếp lửa đến giọt nước nơi cuối làng hay khu nhà mồ bên cạnh cây đa cổ thụ… thật sự là điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình khám phá cộng đồng kết hợp du lịch sinh thái của du khách.
 
Chị Nguyễn Thị Hồng Diễm-giám đốc công ty du lịch Fimexco, thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ nhận định khi đã đưa một số tour chủ yếu là đối tượng khách học sinh, sinh viên đến với tuyến khám phá trải nghiệm làng Đê Kjiêng-Vườn Kon Ka Kinh cho biết: “Đây là điểm đến vô cùng lí tưởng và hấp dẫn cho loại hình du lịch đào tạo về kỹ năng sống, sinh tồn, các trò chơi tìm hiểu trải nghiệm về giá trị động thực vật giữa không gian xanh kết hợp tìm hiểu đời sống người dân bản địa quanh vùng, đặc biệt dành cho đối tượng gia đình và lứa học sinh. Nếu được quy hoạch, đầu tư đào tạo nguồn nhân sự hướng dẫn viên có nghiệp vụ, có kiến thức về văn hóa, địa lí, sinh học, kĩ năng… hỗ trợ thuyết minh, kể chuyện sẽ tăng thêm phần chuyên nghiệp và đây chắc chắn là điểm du lịch rất có tiềm năng về lâu dài”.
 
Thiên nhiên Gia Lai thật sự rất xinh đẹp và bình yên, miền đất cao nguyên hiền hòa mời bạn đến cùng trải nghiệm và sẻ chia.

Võ Thanh Thảo

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công