Phụ nữ làng Choet Ngol gìn giữ nghề truyền thống

Ngày đăng: 04/04/2019, 09:22

Không giống như bao phụ nữ khác trong làng hằng ngày lên nương làm rẫy, trồng mì hay làm thuê cho các hộ gia đình khác, chị Ralan Yứt cùng một số chị em cùng làng thu nhập từ một nghề truyền thống khác, đỡ vất vả hơn nhưng mang nhiều ý nghĩa đó là dệt nên những bộ quần áo, váy từ những sợi chỉ màu. Bên cạnh là nghề nuôi sống gia đình, còn gìn giữ được nét văn hóa truyền thống bản địa của cộng đồng dân tộc không bị mai một bởi nhịp sống hiện đại.

Đó là nhóm phụ nữ người dân tộc Jrai thuộc làng Choét Ngol, xã Chư Á, phường Thắng Lợi, tuy sinh sống giữa phố nhưng vẫn còn lưu giữ được những giá trị truyền thống cha ông để lại. Chúng tôi đến vào lúc chị Ralan Yứt cùng bốn chị em khác gần nhà đang thoăn thoắt bên khung dệt để kịp giao hàng cho khách đã đặt từ tuần trước. Trước ánh mắt tò mò của chúng tôi chị Yứt chia sẻ: “Kia là chị Ralan Yưng đang dệt là chiếc áo dành cho người đàn ông, trong các sản phẩm thì áo dệt mất nhiều thời gian hơn bởi hoa văn, họa tiết trang trí nhiều do đó giá tiền cũng cao hơn đôi chút. Trung bình một bộ áo khố khi giao cho khách đặt hàng đến tận nhà lấy là 1,2 triệu đồng; còn bộ váy áo nữ dao động từ 1,7 triệu đồng, khăn địu cho bé hay quấn từ 400.000 đồng. Đây cũng là những mặt hàng khách hay đặt và làm nhiều nhất, nhiều khi làm không kịp để giao”.

 
 
 Chị Ralan Yứt hào hứng cho biết chị và chị Ralan Yưng đã từng được chọn tham gia trình diễn dệt thổ cẩm trong ngày hội Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018 tại Gia Lai và Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam tại Đăk Nông. Đây chính là động lực để mọi người hăng say hơn với nghề bởi những sản phẩm các chị dệt nên được đánh giá cao và nhận được sự yêu thích của du khách.Chị bảo, để dệt nên một tấm thổ cẩm phải mất từ 5 đến 10 ngày, người dệt rất kỳ công, khó nhất là phần phối và tạo nên hoa văn cho hài hòa, đẹp mắt chính vì vậy mỗi một tấm thổ cẩm được dệt nên mang nhiều tâm tư và công sức của người làm.Màu sắc khi dệt nên những thành phẩm cơ bản của đồng bào dân tộc làng Choét Ngol nói riêng và phụ nữ Tây Nguyên nói chung là tông màu đen và đỏ sẫm làm màu nền chủ đạo trên thổ cẩm của mình. Chủ đề hoa văn cũng được khéo léo lựa chọn là hình ảnh cây, lá, con vật gần gũi với đời sống hàng ngày với mong ước cuộc sống hài hòa với thiên nhiên, núi rừng.
 
Theo chị Yứt, ở cả xã này chỉ còn mỗi làng Choét Ngol là giữ lại nghề dệt thổ cẩm này, các làng khác hầu như đều không còn duy trì nghề này từ lâu rồi. Nếu có nhu cầu họ thường đặt mua lại bởi giá vừa rẻ lại nhanh, không mất nhiều thời gian để dệt. Thi thoảng lắm mới tự dệt cho gia đình sử dụng chứ không làm rộng rãi kinh doanh buôn bán ra ngoài như gia đình chị. Mỗi ngày có 4 phụ nữ đều đặn đến nhà chị làm việc, từ sáng đến tối như một công việc thường xuyên mang lại thu nhập khá và nhàn hạ hơn nên họ gắn bó với nghề từ nhiều năm nay. Lúc trước cũng có nhiều người đến nhà chị để học nghề, người lớn cũng có, người trẻ cũng nhiều nhưng dần chỉ có số ít theo được nghề, bởi để có thể dệt ra một chiếc áo, váy phải mất nhiều thời gian học, chăm chỉ và đòi hỏi sự tỉ mỉ, chịu khó và đặc biệt phải yêu và nhiệt huyết mới trở thành người thợ thực thụ được.Vào mùa nông nhàn, khi việc đồng áng ít đi cũng khá nhiều chị em trong làng đến tìm tòi học dệt, không những tăng thêm thu nhập mà còn có thêm kỹ năng về một nghề truyền thống mang theo bên mình để sau này chỉ dạy lại cho thế hệ con cháu mình. 

 
 
Con gái chị năm nay 25 tuổi, đã biết dệt thành thạo từ năm 13 tuổi, bởi được mẹ chỉ dạy từ nhỏ, hiện nay vẫn theo nghề của mẹ để nuôi con ăn học và có thể chỉ dạy lại cho các bạn, chị, em trong làng nếu có nhu cầu. Em Ralan Ben chia sẻ: “Từ nhỏ đã nghe tiếng lách cách bên khung cửi của mẹ, chẳng biết yêu thích âm thanh đó từ lúc nào và cứ vậy ngày qua ngày cũng gắn bó với khung dệt nhiều năm rồi. Chiếc khung dệt em đang làm này là do chính cha em làm cho, vì vậy mỗi chiếc áo, tấm khăn được dệt ra lại mang nhiều tình cảm trong đó. Việc dệt không khó chỉ cần tỉ mỉ mà chịu khó là được”. Chị Yel đến từ xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê là mối hay đến đặt mua hàng nhà chị Yứt cho biết: “Tôi cũng đặt hàng một số nơi nhưng những sản phẩm được dệt tại đây luôn được khách khen ngợi tinh tế về đường dệt lại pha màu đẹp mắt, sắc sảo đặc biệt giá cả lại hợp lý nên từ lâu chỉ lấy hàng tại nhà chị Yứt thôi. Tùy vào đặt nhiều hay ít thì khoảng một tuần là đến lấy, chủ yếu là mua váy, áo và khố”.
 
Ngày trước chỉ dùng để dệt được lấy từ cây gai rừng và màu sợi nhuộm được tạo từ các chất liệu thiên nhiên. Hiện nay, sợi chỉ để dệt thổ cẩm được mua ở các cửa hàng nên rút ngắn thời gian, mua chỉ màu về dệt vừa nhanh, lại nhiều màu sắc, giá thành sẽ thấp hơn nên dễ tiêu thụ và bán ra thị trường lưu niệm. Hy vọng rằng không chỉ hộ gia đình chị Ralan Yứt sẽ mãi lưu giữ được nghề truyền thống tốt đẹp này mà còn nhân rộng ra các bản làng khác trong nhịp sống hiện đại ngày nay.

Võ Thanh Thảo – Nhà hát CMNTH Đam San
 

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công