LỄ HLÔM ĐON ĐỘC ĐÁO CỦA NGƯỜI BAHNAR

Ngày đăng: 06/12/2018, 15:16

Người Bahnar thường tổ chức lễ Hlôm Đon cầu mong Yang che chở phù hộ cho đứa bé sau khi được sinh ra thời gian (một lần trăng) mạnh khỏe, mau ăn chóng lớn và báo cáo đứa trẻ đã được cha mẹ đặt tên và cả họ thống nhất với họ và tên của đứa bé.

 

Tại nhà bà H’Ren và ông Drơ tại làng Klot, Kon Gang, Đăk Đoa Gia Lai tổ chức lễ Hlom Đon cho đứa con gái thứ hai ra đời dưới sự chứng kiến của dòng họ nội ngoại và người thân cũng như báo cáo với các thần linh tên gọi của con mình và mong sự che trở của thần linh để đứa bé mạnh khỏe, mau ăn trong lớn…
  
 

Bà Kri tiến hành nghi lễ cúng (áo xanh)

 

Nghi lễ không quá phức tạp nhưng cũng không thể thiếu được trong lễ cúng, các lễ vật cúng bao gồm:

01 ghè rượu (Tơ drô) với ý nghĩa cúng các Yang tinh hoa lúa gạo mà Yang đã ban cho mùa màng bội thu, thóc lúa đầy kho; 01 con gà (Ayer) là một trong những vật sống được nướng để cúng tế, kèm theo miếng gan với ý nghĩa gan dạ, dũng cảm trong mọi thách thức…; 01 cái liềm biểu trưng sự cứng cáp, khỏe mạnh…; một ít muối trắng (Poh) với quan niệm cuộc sống luôn đậm đà tình cảm đằm thắm…thường thì chúng ta thấy giã muối ớt nhưng riêng lễ này thì kiêng muối có ớt vì quan niệm nếu có ớt em bé sẽ nóng nảy, nổi hạt, lười ăn, gầy gòm…; một bát huyết gà để bôi lên bốn tai ghè rượu, cần rượu và trán em bé mong sự kết nối của gia đình báo cáo, cầu xin nhanh chóng đến thần linh; một cành lá Ngăn (Pngal) là một loại lá mà bất cứ lễ cúng nào cũng phải có để xua đuổi xui xẻo, tà ám… lá này có mùi thơm rất dễ chịu cũng như khử được các mùi tanh hôi… quả của nó từ người lớn đến trẻ nhỏ rất thích ăn có vị ngon ngọt và mùi thơm của cây, đây là một loại cây thân gỗ thường mọc trên rừng, nơi có nguồn nước trong sạch, thường được quan niệm là cây thần, cây may mắn…;

Chúng ta thường bắt gặp thầy cúng là đàn ông trong các lễ to nhỏ của cộng đồng và gia đình, nhưng trong lễ Hlôm Đon người cúng chính là bà ngoại của đứa trẻ được cúng (lễ đặt tên mà người Bahnar gọi là (Anăm măt) có tên gọi là Y Ngọc Trâm).

Mọi lễ vật đã chuẩn bị xong bà Kri cũng là bà ngoại của Y Ngọc Trâm cúng:

Năr anau nhôn xoi ăn cơ xau Y Ngọc Trâm. Tơ drô, ayer, they mă lyem kau tih, ơ druh, bluh tơ dăm. Au Yang Kông, Yang Đăk, Yang Trêl, xa et, đak sik, pham ayer, tơ au,  Yang cơ nê veh tơ nai, Yang rong con bơ ngai xa et đak sik, nham ayer tơ au”.

Lược dịch: “Ới Yang Núi, Yang nước, Yang thác, Yang đá hôm nay gia đình cúng các Yang gồm có rượu ghè, con gà báo cáo các Yang tên của bé gái là Y Ngọc Trâm mong các Yang che trở cho con, cháu chúng tôi sức khỏe, mau ăn chóng lớn…”

 

Sau đó, bà cúng lấy lễ vật mỗi thứ một ít như gan, máu, thịt gà, 1 ly rượu rồi bước ra ngoài sân báo cáo các Yàng . Thủ tục cúng xong bố mẹ bế em bé quanh ghè rượu và lấy gà, rượu chấm nhẹ vào miệng em bé…bố mẹ của em bé cũng uống rượu ăn gà…lấy lộc của Yang…sau đó lần lượt những người lớn tuổi trong nhà làm lễ uống rượu, ăn gà theo nghi lễ (phel lep - có nghĩa ăn ít, uống có lệ, nhấp môi), quả bầu khô đen bóng lúc này mới phát huy vai trò của mình nhiệm vụ chính là đựng nước và tiếp nước cho ghè mỗi khi cạn căn rượu.
 
 
 

Ông Angưi là ông nội của bé đang “bói” qua cang lưỡi gà

 

Phần cuối cùng và quan trọng nhất đó là khi chính ông Angưi là ông nội của bé rút lưỡi con gà kiểm tra xem có thẳng và đều không? Vì người Bahnar quan niệm, nếu lưỡi gà cong đều, đẹp thì mọi chuyện đều tốt đẹp và may mắn; ngược lại phải chuẩn bị tâm lý cho những điều xui xẻo ngoài ý muốn. sau khi kiểm tra kỹ lưỡng ông Angưi chia sẻ: cang lưỡi gà  đều, đẹp, may mắn nhưng phần giữa cho thấy cháu gái của ông sau này hơi lỳ lợm, ngang bướng nhưng thông minh lanh lợi, nói chung là tốt và điều đó làm tăng thêm niềm vui của tất cả mọi người.

Bà Drưp là bà nội của bé gái Y Ngọc Trâm chia sẻ những đứa trẻ sẽ khỏe và gặp may mắn hơn khi được bố mẹ và gia đình tổ chức lễ Hlôm Đon về phần ông bà cha mẹ cũng cảm thấy yên tâm hơn không thấy áy náy và có lỗi với đứa bé, qua lễ này em bé chính thức là một thành viên trong gia đình, đầy đủ tên gọi, đã được báo cáo cho tổ tiên, dòng họ đặc biệt đã được Yang che trở gặp nhiều may mắn…

Lễ Hlôm Đon tuy nhỏ, nằm ở phạm vi gia đình và dòng họ nhưng thể hiện trách nhiệm, tình yêu thương của các bậc ông bà, cha mẹ đối với con cái qua lễ này sự gắn kết giữa hai gia đình nội ngoại lại thêm khăng khít, quan tâm, chia sẻ hơn trong cuộc sống đặc biệt đối với dân tộc Bahnar không có quan niệm “mẹ chồng nàng dâu” hay “dâu là con, rể là khách” mà đều coi dâu rể như chính con ruột của mình yêu thương, giúp đỡ như nhau, không phân biệt đối xử cháu nội, cháu ngoại…đó cũng là nét văn hóa truyền thống cần được phát huy duy trì trong cuộc giao thoa văn hóa đa sắc tộc và cuộc sống hiện đại phát triển như vũ bão hiện nay./.

  

Y Phương 

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công