Ấn tượng với một không gian quán mang đậm bản sắc văn hóa Tây Nguyên

Ngày đăng: 29/02/2016, 00:00

Ia Gui quán độc đáo, hấp dẫn với một không gian mang đậm bản sắc văn hóa Tây Nguyên thu hút người thưởng thức ngay từ cái nhìn đầu tiên khi có dịp đặt chân đến. Một điểm đến ẩm thực nằm ngay trong lòng phố núi Pleiku gây ấn tượng mạnh với các điệu múa cồng chiêng nhịp nhàng hòa cùng lửa trại trong ngọn lửa bập bùng tí tách, thưởng thức những chén rượu cần làm say đắm lòng người. Đặc biệt không thể không kể đến những món ẩm thực đặc trưng bản địa níu chân thực khách, giả như lá mì cà đắng, rau rừng chấm mắm cua...

Nằm ngay trong lòng làng Kép, phường Đống Đa, gia chủ đã xây dựng thương hiệu Ia Gui quán là sự kết hợp với khung cảnh thoáng mát, rộng rãi, quán được thiết kế theo kiểu nhà sàn ngồi bệt đặc trưng của đồng bào dân tộc tạo cho thực khách một không gian thưởng thức ẩm thực thật sự ấm cúng. Bên cạnh phong cảnh núi rừng bản làng Tây Nguyên nhà rông, nhà sàn là hình ảnh những bức tượng nhà mồ do chính dân làng tạc nên được trưng bày gây sự thích thú với thực khách. Rồi những hồ nước nhỏ tạo cảm giác mát lành sảng khoái, nếu thích có thể câu cá và chế biến thưởng thức ngay tại quán, những luống rau xanh mướt được trông bên cạnh dường như đưa ta về với thiên nhiên yên ả. Tất cả hòa quyện với nhau tạo nên một không gian lý tưởng vừa thưởng thức ẩm thực vừa hòa mình vào không gian rộng mở, núi rừng tách biệt hẳn với cuộc sống đô thị bên ngoài. Ta như say vì khung cảnh, say vì món ngon, say vì men rượu cần thơm nồng.
 

 
Trong khung cảnh thanh bình, trong xanh xen lẫn là mùi thơm của những ăn đặc trưng bản địa từ bao đời. Đời sống của các đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên chủ yếu dựa vào núi rừng nên văn hóa ẩm thực của người dân nơi đây mang đậm sắc thái của rừng núi. Với những nguyên liệu thô và tự nhiên như tre nứa, cá suối, thịt rừng, rau rừng... người Tây Nguyên chế biến vô cùng đơn giản để làm tăng độ tươi và ngon của món ăn. Phương thức làm chín món ăn phổ biến nhất mà mọi người dễ dàng nhận thấy đó là nướng. Nói đến các món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc Tây Nguyên phải nhắc đến Cơm lam - Gà sa lửa. Ngày xưa, Cơm lam - Gà sa lửa thường được sử dụng làm lương thực khi đi lên rẫy, thết đãi bạn bè hay trong các dịp lễ trọng đại của cộng đồng dân tộc. Hiện nay, Cơm lam - Gà sa lửa đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều trong các bữa tiệc thịnh soạn, những bữa cơm thết đãi bạn bè, người thân ở các nhà hàng, khách sạn. Từng khúc cơm lam trắng ngần đậm hương vị nồng ấm của tre, của đất và như tận hưởng được cả  âm thanh của núi rừng chấm muối hạt ăn cùng với thịt gà sa lửa được ướp muối, ớt, sả và một chút mật ong rồi kẹp vào thanh tre và cho lên bếp than để nướng, dần dần thịt gà sẽ chuyển sang màu vàng óng ả, mỡ màng còn gì thú vị hơn.
 


Gia chủ là người con của làng, ông sưu tầm rất nhiều hiện vật đặc trưng bản địa phục vụ tham quan của du khách. Phải kể đến là bộ cồng chiêng, các loại ché, trống, gùi, giáo, mác, lồ ô, đàn T’rưng… được trưng bày đẹp mắt gây ấn tượng với thực khách. Đến với du lịch thăm làng Kép, làng giữa phố núi cao nguyên trải nghiệm cuộc sống làng với những người con Jrai của núi rừng đêm đến thưởng thức ẩm thực, giao lưu lửa trại hòa cùng âm thanh cồng chiêng vang vọng níu chân người với cảnh đẹp độc đáo, vừa được chụp những tấm hình nhà Rông, nhà dài, vừa được sờ vào những bức tượng gỗ được tạc mô phỏng theo cuộc sống đời thường của người Tây Nguyên hoang sơ, hòa cùng những điệu cồng chiêng ngân vang, hãy một lần đến để cảm nhận và thưởng thức.
 
                                                                                                                 Võ Thanh Thảo (Trung tâm VHĐADL)

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công