Nỗi đau để lại

Ngày đăng: 05/03/2013, 00:00

Những năm gần đây, trên địa bàn xã IaRbol (thị xã AyunPa – tỉnh Gia Lai) xảy ra không ít vụ tự độc. Chỉ tính riêng trong năm 2012 nơi đây đã có 5 trường hợp. Nguyên nhân chính dẫn đến các vụ việc đau lòng ấy có khi chỉ là những xích mích nhỏ trong gia đình, những hiểu nhầm không đáng có, nhưng điều đáng bàn là sự bất bình đẳng  giới vẫn tồn tại trong một số gia đình và tình trạng đẻ nhiều, đẻ dày ở một số cặp vợ chồng vẫn diễn ra.

Từ những xích mích, hiểu nhầm trong gia đình
Điều làm cho tất cả những ai chứng kiến phải giật mình là hầu hết những con người ấy đều còn rất trẻ nhưng chỉ vì một câu la rầy trong lúc nóng giận của người thân mà khiến họ bốc đồng tìm đến cái chết, như  chuyện N. tự ý thịt gà đãi bạn, bị bà quở trách mấy câu là phung phí liền uất ức uống thuốc bảo vệ thực vật, chuyện B. không đi gặt lúa bị anh ruột la rầy là lười biếng: cũng uống thuốc; chuyện cha vợ dặn con rể trông nhà cẩn thận để cha đi công chuyện, nghĩ rằng bị nhà vợ coi thường, H. cũng uống thuốc... rất may, tất cả những trường hợp tự độc nêu trên  đều được người thân sớm phát hiện đưa đi bệnh viện cấp cứu nên đều thoát chết.
Đến mặt trái của tư tưởng “mẫu hệ”…
Bà Phạm Thị Vân-Bí thư- Chủ tịch xã IaRbol (thị xã AyunPa – tỉnh Gia Lai) cho chúng tôi biết: Trước tình hình đó, Chính quyền, các ban ngành đoàn thể thường xuyên tổ chức họp dân để tuyên truyền về  pháp luật, về những giá trị đạo đức lối sống trong gia đình, về quyền bình đẳng giữa nam và nữ, giữa vợ và chồng …nhưng những mặt trái của tư tưởng “mẫu hệ” bao đời nay hầu như vẫn ăn sâu, bám rễ trong không ít người ở đây. Ngay trong các cuộc họp làng, lực lượng tham gia chủ yếu vẫn là phụ nữ. Nam giới có đi  dự thì nhiều người cũng ngồi  ở rất xa chủ tọa, xa  cách với chị em và rất ít những phát biểu, ý kiến; Hầu như từ chuyện” chính sự” đến chuyện gia đình, giáo dục con cái họ đều coi đó là việc của phụ nữ.
Vì vậy có thể khẳng định: Vai trò của người cha trong gia đình cũng như trong giáo dục con cái ở một số gia đình nơi đây rất mờ nhạt nên trẻ vị thành niên là trai khi muốn giãi bày những khúc mắc trong cuộc sống với mẹ  thì ngại ngùng, e thẹn, mà muốn tâm sự cùng cha thì càng  không thể. Điều đó lý giải một phần vì sao những trường hợp tự độc nêu trên hầu hết là phái nam.
…và hệ lụy từ việc sinh nhiều con:
Theo chị  H’ Hiên - cán bộ chuyên trách Dân số - KHHGĐ xã Ia Rbol- thị xã AyunPa: Buôn Sar có 133 hộ gia đình thì có tới 57 hộ có từ 3 trở lên; Hiện có 52 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, riêng trong năm 2012 có tới 6 cặp sinh con thứ 3.
Tại đây xảy ra hai trường hợp làm cho những ai chứng kiến đều  phải xót xa: đó là vì đẻ nhiều, đẻ dày khiến các thành viên trong gia đình luôn rơi vào cảnh  tự ty, túng quẫn. Không thể vượt qua  những khó khăn, mặc cảm ấy, họ đã tự kết liễu cuộc đời mình.
Không may mắn được cứu sống như các trường hợp kể trên, Nay H’ Quyên (sinh năm 1995) con của chị Nay H’ Kuyem đã vĩnh viễn ra đi vì tự độc.
Sau khi cha chết, thương mẹ, thương lũ em nheo nhóc, Nay H’ Quyên quyết định nghỉ học khi đang dang dở lớp 4 để đi làm. Quần quật một nắng hai sương ngoài ruộng, trên rẫy quanh năm suốt tháng nhưng thừa hưởng nét đẹp đằm thắm từ mẹ, Nay H’Quyên cứ  ngày càng xinh tươi hơn, chỉ cần trang điểm sơ qua thôi, dân làng lại trầm trồ: Trông như diễn viên Hàn Quốc. Lời khen ấy không làm H’ Quyên vui hơn bởi ngày ngày chứng kiến cảnh bạn bè đồng trang lứa tung tăng đến trường, còn mình thì không, bên cạnh đó vốn hiểu biết kém cỏi về xã hội bộc lộ rõ mỗi khi tiếp xúc với chúng bạn khiến em cảm thấy tủi hổ vô cùng, nhiều khi H’ Quyên tức tưởi nói với mẹ: “Sống thế này thà chết đi còn hơn”.
Không người chia sẻ những bức xúc trong lòng, H’Quyên đã dại dột quyên sinh bằng thuốc diệt cỏ.
Chuyện xảy ra đã gần một năm nay nhưng nỗi đau thì vẫn chưa hề vơi đi trong lòng chị H’ Kuyem. Tiếp chuyện chúng tôi chị cứ ôm ấp tấm hình của H’ Quyên vào lòng mà thổn thức: “Nếu như ngày đó mình thực hiện kế hoạch hóa gia đình như lời cán bộ Dân số khuyên, sinh ít con  thôi để chúng được ăn học đầy đủ thì đâu nên nỗi…”
Cũng tại buôn Sar của xã này, tiếp chúng tôi là một người phụ nữ Jrai rất  mảnh mai, xinh xắn, chẳng ai ngờ chị đã là mẹ của 4 đứa con trứng gà trứng vịt, cũng chẳng ai ngờ, cuộc đời của người phụ nữ này đã và đang trải bao gian truân, vất vả như thế. Chị là Rơ Ô H’ Hiên.
Sinh ra trong gia đình đông con, Rơ Ô H’ Hiên bỏ học từ lớp 2, ngày ngày theo cha mẹ lên rẫy. Hai mươi tuổi, cô “bắt chồng”, một chàng trai cùng làng, học hơn vợ được 2 lớp. Như lẽ tự nhiên, ngay sau khi con trai đầu lòng của họ là Rơ Ô Suốt chào đời chỉ vài tháng, Rơ Ô H’ Hiên lại mang thai, cứ thế 2 đứa tiếp theo liên tục chào đời. Ghánh nặng cơm áo, gạo tiền ngày ngày cứ dồn lên vai Nay Khok- chồng H’ Hiên. Đầu tắt mặt tối quanh năm mà vẫn không đủ cơm ăn, áo mặc cho bầy con, đã thế, căn nhà sàn  nhỏ xíu, ọp ẹp không đủ che mưa che nắng cho cả gia đình khiến lũ trẻ thay nhau đau ốm, dặt dẹo. Buồn chán  vì cảnh tứng quẫn, càng buồn hơn vì lúa màu thất thu do không có tiền đầu tư chăm sóc, Nay Khok luôn than thân trách phận, nghĩ quẩn rồi trốn chạy trách nhiệm người chồng, người cha bằng ca thuốc diệt cỏ, để lại một khoản nợ lớn cho vợ con vì chi phí chữa trị nhưng đau đớn hơn vì cái chết của anh đã làm mất đi chỗ dựa của  bầy con và người vợ lúc đó  còn đang lặc lè với cái thai lần thứ 4. 
 “ Nếu không có nhà nước hỗ trợ, không có bà con dân làng giúp đỡ, có lẽ  mẹ con mình  không có ngày hôm nay” – H’ Hiên nói mà nước mắt chảy tràn.
Cùng ngồi trong ngôi nhà sàn mới làm trông rất vững chãi, rộng rãi của mẹ con chị H’ Hiên, thôn trưởng Nay Tem cho biết: Bằng chương trình 167, nhà nước đã hỗ trợ  gia đình chị trên 16 triệu đồng để mua cột, mua tôn, còn lại toàn bộ  vật liệu khác và công cán  dựng nhà đều do  bà con buôn làng đóng góp.
Sống trong tình yêu thương đùm bọc của dân làng, mẹ con chị H’Hiên nguôi ngoai đi phần nào nỗi đau nhưng những tổn thương về tâm lý của họ trước cái chết không bình thường của người thân  thì không dễ gì xóa nhòa.
Những đứa con của chị vì thế mà trở nên lặng lẽ hơn, thu mình hơn và và già giặn hơn so với lứa tuổi. Rơ Ô Suốt năm nay mới 13 tuổi - là cậu con trai lớn trong nhà, bấy lâu đã từ bỏ ước mơ đến trường và ở nhà giúp mẹ. Cháu thứ 3 thì thấy người lạ đến rất sợ nên dỗ mấy cháu cũng không chịu ra đứng chụp hình cùng gia đình, vì thế mà tấm hình thay vì có 5 mẹ con, chỉ còn 4 ( ảnh bên).
Những thực trạng đau lòng trên như một dấu hỏi lớn đặt ra cho chính quyền, các ban ngành đoàn thể nơi đây.
Thảo Nguyên
Ảnh: Chị Nay H’ Kuyem bên di ảnh con gái mình là H’ Quyên.

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công