Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và chuyến công tác tại Gia Lai

Ngày đăng: 19/04/2012, 00:00

Dĩ nhiên, Tổng Bí thư đã từng có nhiều chuyến công tác đến Gia Lai, Tây Nguyên, thể hiện tình cảm, sự quan tâm của cá nhân cũng như của Trung ương Đảng đối với mảnh đất yêu thương này.

Diễn ra trong tháng 4-2011, mục đích chuyến đi của Tổng Bí thư là kiểm tra tình hình học tập quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Kết luận số 02 của Bộ Chính trị về tình hình kinh tế-xã hội năm 2011 và Nghị quyết số 11 của Chính phủ về các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội; kiểm tra công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Ngoài chương trình làm việc với huyện Chư Sê, lãnh đạo tỉnh, Tổng Bí thư cũng đã đến thăm Binh đoàn 15 và Binh đoàn Tây Nguyên.
Nắm bắt, phân tích tình hình và qua làm việc với các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, Tổng Bí thư cho rằng cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Bước vào thực hiện kế hoạch năm 2011, tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều biến động bất lợi nhưng tỉnh đã bám sát Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đề ra giải pháp phù hợp, kịp thời và hiệu quả.
Tổng Bí thư lưu ý tỉnh phải tổ chức học tập nghiên cứu quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIV của Đảng bộ tỉnh cho toàn thể cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, tạo sự nhất trí cao trong nhận thức, tư tưởng, hành động; vận dụng sáng tạo nghị quyết, chủ trương của Trung ương vào thực tế địa phương, xây dựng chương trình hành động, kế hoạch, đề án cụ thể. Khảo sát, rà soát để có cơ sở ưu tiên triển khai thực hiện thành công đối với một số nhiệm vụ trọng tâm, lĩnh vực và vấn đề cấp thiết như đổi mới, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, quản lý tài nguyên, xóa đói giảm nghèo, tăng cường quốc phòng-an ninh.
Tổng Bí thư yêu cầu việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội phải đi vào thực chất. Chăm lo xây dựng hệ thống chính trị, tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành của chính quyền, đảng viên phải gương mẫu, thực sự là hạt nhân phong trào, tiền phong đi đầu trong mọi nhiệm vụ. Tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, xem đây là việc làm hàng ngày, thường xuyên, liên tục của mọi cán bộ, đảng viên và với mỗi người.
Trước đó, khi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Chư Sê, trao đổi thảo luận về một số vấn đề liên quan đến chế độ chính sách đối với cán bộ chủ chốt cấp xã, nâng cao vai trò năng lực của hệ thống chính trị cơ sở, công tác nắm bắt định hướng dư luận và tâm trạng xã hội, hiệu quả và hạn chế của công tác tuyên truyền, dân vận..., Tổng Bí thư đánh giá Chư Sê có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, có nhiều tiềm năng lợi thế nhưng cũng là địa phương trọng điểm về an ninh chính trị. Vì vậy, đi đôi với phát triển kinh tế phải tăng cường quốc phòng-an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, kiên quyết đấu tranh chống âm mưu lợi dụng dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo để chia rẽ, kích động, phá hoại khối đoàn kết toàn dân, phá hoại sự nghiệp cách mạng của Đảng…
Lĩnh vực nào, nhiệm vụ nào Tổng Bí thư cũng chăm chú tìm hiểu, gợi mở giải pháp, quan tâm sâu sát. Còn nhớ khi là Chủ tịch Quốc hội, trong một chuyến công tác tại địa phương, sau khi khảo sát thực tế, đồng chí lưu ý yêu cầu vận động người dân thực hiện quyền làm chủ trong việc lựa chọn bầu ra những người đại diện tiêu biểu vào Quốc hội và HĐND các cấp. Đồng chí nói đại ý: Nếu còn có một hay hai phần trăm cử tri chưa thực hiện quyền bầu cử, thì địa phương phải biết họ là ai, đi đâu, làm gì; họ đi làm rẫy, đánh bắt cá, bẫy con chim con thú hay làm việc gì khác. Ý kiến đó dĩ nhiên là sự chất vấn cần thiết đối với các đồng chí có trách nhiệm, cho thấy cách làm việc cụ thể sâu sát, không phụ thuộc vào báo cáo giấy tờ, cần thiết cho bất kỳ ai, làm bất cứ việc gì.
Lần này ngay khi vừa đến nơi, Tổng Bí thư đã đến thăm và tặng quà gia đình người Jrai có công với cách mạng và cũng là điển hình sản xuất giỏi ở làng Tôk Tâu, xã Chư Pơng, huyện Chư Sê. Tổng Bí thư ra tận vườn hồ tiêu của ông Rah Lan Kam tham quan, hỏi han tình hình và không giấu được sự vui mừng, sung sướng trước thành quả của người cựu chiến binh giỏi giang. Tổng Bí thư cho rằng, những người như cựu chiến binh Kam chẳng những làm giàu cho gia đình, tô thắm thêm truyền thống Bộ đội Cụ Hồ trong thời bình mà còn có sức ảnh hưởng và lan tỏa to lớn trong công cuộc làm giàu, phát triển kinh tế trong cộng đồng dân cư địa phương.
Thăm Binh đoàn 15, Binh đoàn Tây Nguyên, Tổng Bí thư bắt tay hỏi han ân cần tình hình sức khỏe, công tác, thăm nơi ăn ở, làm việc, huấn luyện của cán bộ, chiến sĩ và việc làm của người lao động, các già làng, trưởng thôn, cá nhân tiêu biểu, phát biểu quán triệt nhiệm vụ, thăm nhà truyền thống, ghi lại cảm tưởng… Việc gì Tổng Bí thư cũng nhẹ nhàng nhưng cẩn thận, nghiêm túc. Tổng Bí thư cho rằng nội dung thực chất, hiệu quả công việc mới là cái quyết định chứ không phải hình thức trống giong cờ mở, khẩu hiệu băng rôn. Trồng cây lưu niệm thì nhất thiết phải có cuốc xẻng, phải lấp kín đất, nén gốc cẩn thận trước khi tưới nước giữ ẩm.
Trên đường đi, ngang qua những vườn cà phê, hồ tiêu, cao su xanh tốt, Tổng Bí thư yêu cầu xe chạy chậm, giữ trật tự, không gây sự chú ý của nhiều người. Hẳn là Tổng Bí thư muốn thật khách quan để quan sát, chứng kiến Gia Lai cũng như Tây Nguyên hiển hiện trong khung cảnh thật, con người thật, đang đổi thay phát triển từng ngày. Lòng đầy tin tưởng và hy vọng, Tổng Bí thư không khỏi vui mừng, trầm trồ về sự no ấm, bình yên, trù phú của  một vùng đất giàu đẹp và bản sắc-Gia Lai.
Theo Báo Gia Lai

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công