BẠO LỰC GIA ĐÌNH - NỖI ĐAU TRẦN GIAN

Ngày đăng: 11/10/2013, 00:00

Bạo lực gia đình  đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, vi phạm quyền con người, danh dự, nhân phẩm và tính mạng của mỗi cá nhân , đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Trường hợp đau buồn của gia đình chị  L. ở một huyện phía Nam Gia Lai dưới đây là một câu chuyện có thật.

L. vốn là một thiếu nữ xinh đẹp, nết na. 18 tuổi  cô được cha mẹ gả cho C.  20 tuổi, khuôn mặt trắng trẻo, điển trai; hiềm nỗi  khi còn nhỏ bị sốt bại liệt nên  một chân hơi bị khập khiễng;  điều đó càng làm cho cha mẹ L.  tỏ ra yên tâm vì “ nó bị khiếm khuyết như thế  có khi lại  càng yêu chiều con gái mình hơn”.
Vậy mà tuần trăng mật chưa qua đã thấy L.  2 mắt sưng húp, nức nở: “ Mẹ ơi, đêm qua anh C. thua bài, 2 giờ sáng mới về đến nhà,  bắt con phải đưa tiền để gỡ gạc, anh ấy lục tủ lấy đi  5.000.000 đồng tiền mừng cưới nướng hết vào cờ bạc rồi”.
Thương con gái, ông bà ngọt nhạt  khuyên nhủ con rể hãy từ bỏ cờ bạc, chí thú mà làm ăn rồi cắt cho 2 vợ chồng L. miếng đất cất nhà; mở tiệm cắt tóc, buôn bán hàng tạp hóa, nhưng cuộc sống  của vợ chồng L cứ trôi đi nặng nề. C. thường xuyên tra khảo vợ lấy tiền đi đánh bài. Hắn tụ tập, đàn đúm với những thanh niên bất hảo, cá độ bóng đá, đánh số đề với số lượng tiền ngày càng nhiều hơn.L.  âm thầm chịu đựng. Đủ chín tháng mười ngày cô sinh hạ một bé gái. Tưởng đâu có con C. sẽ thay đổi tâm tính, chí thú làm ăn, nhưng máu cờ bạc đỏ đen đã ngấm sâu vào trong  huyết mạch hắn mất rồi. Gia tài còn lại cái đầu máy là có giá trị, hắn cũng gỡ nốt đem đi sau một lần đỏ đen.
Năm 1996 L. mang thai lần thứ hai.
Một buổi chiều, đang đầu tắt mặt tối giặt giũ, cơm nước, L. nghe bước chân hắn  lẹt xẹt, khật khưỡng trở về,  miệng lè nhè chửi thề. Hắn lại say, thế là lại thua bạc rồi. Lục xoong nồi chẳng thấy thịt cá, chỉ có mấy miếng đậu khuôn khô khốc với chút cơm nguội, hắn nổi khùng quăng chén đũa vỡ loảng xoảng. L.uất nghẹn : “ Tại sao anh không lo làm ăn phụ giúp vợ con mà cứ suốt ngày cờ bạc, rượu chè;  tôi thì bụng mang dạ chửa đi làm cật lực một ngày cũng chỉ đủ tiền mua gạo, thuốc thang cho con khi đau ốm, tiền đâu mà mua  thịt, mua cá như nhà người ta…” Nghe chưa hết câu, hắn xông tới, cao chân đá vào lưng, vào ngực, vào bụng làm L. đau đến nghẹt thở. Cô khuỵu xuống quằn quại,  mồ hôi vã ra như tắm.Bàn tay chới với cố lết ra cửa  phều phào kêu cứu. Sau vài phút  trao đổi với người nhà ở bệnh viện,  Bác sỹ  thông báo chỉ cứu được mẹ.
Trong lúc này, ở nhà C. vẫn như con thiêu thân lao vào rượu chè, cờ bạc không một chút hối hận khi biết tin vợ hắn đã bị sẩy thai.
Hai ngày sau, L. xuất viện. Bỗng C. lù lù xuất hiện, hắn ra lệnh: “ Ngày mai, mày phải ra quán cắt tóc cho khách”.
Biết rằng nếu chống lệnh, L. sẽ lại phải ăn đòn, thế là cô đành cắn răng chịu đau, gượng đứng cắt tóc cho khách mà máu tuôn ướt đỏ 2 bàn chân.
Một buổi tối, sau  khi chửi bới chán chê nhưng L.vẫn lặng thinh nín nhịn, hắn tức tối dùng búa đinh đập phá  vách nhà và bàn ghế; sau đó hắn vật L. ngay trước mặt đứa con gái 11 tuổi và hãm hiếp.Quá khiếp sợ và xấu hổ, Bé K. chỉ biết lấy 2 bàn tay nhỏ xíu che mặt; la khóc. Xong cái việc thú tính kia; hắn liền túm lấy đứa con  gái tội nghiệp  đánh đấm liên hồi,  con bé  hết đường trốn chạy do hắn đã khoá trái cổng, đường cùng liền bu lên cánh cửa như con nhái bén nhưng hắn vẫn không tha. Cơn cuồng nộ  của kẻ say máu như càng bốc lên ngùn ngụt;  hắn lao đến bàn vớ một điếu thuốc châm lửa rồi  lừ lừ tiến lại phía L. Đột ngột  hắn lại đè L. xuống, châm điếu thuốc  rực đỏ vào chỗ kín của cô rồi cười như  điên như dại : “Tao đốt phong long mày”.
Đến nước này thì không thể nhân nhượng mãi được. L. làm đơn xin ly hôn. Cả gia đình 2 bên đều đồng ý.
Thời gian này hắn càng quậy phá nhiều hơn. Quần áo, dày dép của  mẹ con L. hắn gom thành đống đốt sạch.
Rồi hắn bị công an huyện bắt tạm giam 10 ngày vì hành vi gây thương tích cho người khác. Chả là hôm ấy, hắn lại nổi cơn thịnh nộ đánh vợ dã man, lấy xe Hon đa cố tình tông  vào người vợ. Cô cháu gái 18 tuổi  chạy theo ngăn cản liền bị hắn cho ngay một nhát dao. Lưỡi dao xược qua  cách động mạch cảnh  bên phải  1 cm. Cô  cháu gái thoát chết trong gang tấc.
L. đưa tay quyệt những giọt nước mắt lã chã rơi và nghẹn ngào:
Hôm có Quyết định ly hôn,  cha mẹ chồng cứ nắm lấy tay em khóc ròng : “ Con ơi, con  là đứa sống có nghĩa, có tình. Cha mẹ không trách gì con, chỉ tự trách mình sao không bảo ban được con trai; nó là đứa bất hiếu. Nếu các con không sống được với nhau nữa thì con  đừng bỏ cha mẹ, anh em bên chồng  nghe con”.
Những hành vi  bạo lực gia  đình hiện nay diễn ra không ít; điều đáng trách ngay cả nạn nhân bạo lực gia đình cũng do xấu hổ, sợ bị miệt thị hoặc bị phụ thuộc vào kinh tế nên âm thầm chịu đựng.
Trường hợp chị L. nêu trên, theo tìm hiểu của chúng tôi,  trong suốt quá bị bạo lực, chị gần như im lặng, không báo chính quyền can thiệp;  chỉ đến khi không thể chịu đựng được nữa mới dám nói ra, lúc đó chính  quyền, cơ  quan bảo vệ pháp luật mới biết để vào cuộc.
Một trường hợp khác xảy ra tại gia đình chị H. cũng ở một huyện phía Nam Pleiku. Giờ đây chị đã “ xanh cỏ” ; C. – chồng chị đã bị pháp luật trừng trị vì tội trộm cắp tài sản công dân, tội bức tử. Chỉ tội nghiệp cho 4 đứa trẻ, giờ đây đang phải sống trong vòng tay che chở của các Sư Cô Chùa Bửu Châu.
 
Hiện nay việc điều chỉnh các mối quan hệ có liên quan đến bạo lực gia đình được quy định tại Hiến pháp năm 1992, Luật hôn nhân Gia đình, Luật bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em, Bộ Luật Dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Bộ luật hình sự, Pháp lệnh xử lý hành chính, Luật bình đẳng giới; Tuy nhiên hiệu quả thực hiện các quy định hiện hành còn hạn chế bởi thực tiễn cho thấy gia đình là chế định đặc thù mang nặng tình cảm và sự thân thiết, huyết thống, có sự ràng buộc rất đặc biệt, do đó nhiều người  coi bạo lực gia đình là chuyện nội bộ gia đình, thường im lặng mỗi khi bị bạo lực.
Từ những bất cập nêu trên cho thấy, Luật phòng chống bạo lực gia đình, Luật bình đẳng giới đã được ban hành  là vô cùng cần thiết, hết sức đúng đắn nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên đồng thời thay đổi nhận thức của xã hội đối với hành vi bạo lực gia đình, bất bình đẳng giới nhằm  phòng ngừa, răn đe, tạo dư luận xã hội lên án người có hành vi bạo lực gia đình, bảo đảm quyền con người, tôn trọng các quyền của công dân, phù hợp với hệ thống pháp luật của Việt Nam và đảm bảo thực hiện cam kết quốc tế, nhất là Công ước về chống mọi  hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và Công ước Quốc tế về quyền trẻ em.
 (Ảnh minh họa)
Thu Thảo

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công