NÉT ĐẸP TRANG PHỤC TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI BAHNAR, HUYỆN KÔNG CHRO, TỈNH GIA LAI

Ngày đăng: 16/04/2024, 15:50

Trong khuôn khổ ngày Hội Văn hóa các Dân tộc tỉnh Gia Lai lần thứ III, năm 2024 do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, thành phố Pleiku. Trong 2 ngày, 13/4 - 14/4/2024, tôi có dịp tìm hiểu về trang phục truyền thống của người Bahnar, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai.
 
Kông Chro là huyện nằm phía Đông của tỉnh Gia Lai, cách thành phố Pleiku khoảng 120 km, có 14 xã, thị trấn với 74 thôn, làng, tổ dân phố, gồm 14 thành phần dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc Bahnar chiếm 67,2% dân số toàn huyện.
 
Nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Bahnar, huyện Kông Chro đến nay vẫn còn gìn giữ được bản sắc văn hóa riêng. Người Bahnar lấy bông để se thành sợi chỉ rồi nhuộm màu từ các loại cây lá, củ rừng, dệt tạo ra những tấm thổ cẩm làm trang phục cũng như một số vật dụng trong gia đình như tấm đắp, tấm địu con, khăn quấn đầu, túi xách… Trang phục truyền thống người Bahnar có hai loại: Trang phục mặc hàng ngày không có hoa văn hoặc rất ít hoa văn và trang phục dùng trong lễ hội với hoa văn, họa tiết làm nên sự độc đáo cho trang phục truyền thống của mình.
 
Hiện nay trên địa bàn huyện còn duy trì 83 mô hình, tổ, nhóm dệt thổ cẩm với 1.609 hội viên. Từ năm 2005 đến nay, bà Đinh Thị Drinh, ở làng Nghe, thị trấn Kông Chro đã truyền dạy nghề dệt cho hơn 500 học viên, năm 2022, bà được Chủ tịch nước công nhận là nghệ nhân ưu tú có những cống hiến trong việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.
 
 
Hội thi Nét đẹp văn hóa gia đình dân tộc Bahnar tại xã Đăk Kơ Ning, huyện Kông Chro, năm 2022
 
Trong những năm qua, huyện Kông Chro luôn quan tâm chú trọng công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó có dệt thổ cẩm là nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Kông Chro. Ngoài ra, hội Liên Hiệp Phụ nữ huyện tổ chức Hội thi “Nét đẹp văn hóa trong gia đình người Bahnar”, “Dệt thổ cẩm truyền thống”. Đây là sân chơi bổ ích giúp chị em phụ nữ Bahnar trên địa bàn có cơ hội giao lưu, học hỏi cách dệt thổ cẩm, thể hiện sự tinh tế, tài hoa, khéo léo và tính thẩm mỹ của người dệt, từ đó nâng cao ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
 
 
Trang phục tham gia lễ hội của đoàn nghệ nhân huyện Kông Chro
tại ngày Hội Văn hóa các Dân tộc tỉnh Gia Lai lần thứ III, năm 2024
 
Trang phục truyền thống của người Bahnar, huyện Kông Chro màu đen là màu chủ đạo, với điểm nhấn các hoa văn màu đỏ, vàng và trắng. Nét đặc trưng của trang phục người Bahnar không chỉ thể hiện trên các loại trang phục mà còn phối hợp cùng các loại trang sức: vòng đeo cổ, vòng đeo tay, chuỗi hạt cườm ngũ sắc…
 
Tham gia dệt thổ cẩm tại ngày Hội Văn hóa các Dân tộc tỉnh Gia Lai lần thứ III, nghệ nhân Đinh Thị Hlơr, sinh năm 1991, làng Hơn, xã Ya Ma, huyện Kông Chro chia sẻ: Ngay từ khi còn nhỏ phụ nữ Bahnar đã được học dệt thổ cẩm. Để có được tấm thổ cẩm đẹp phải trải qua nhiều công đoạn thủ công hết sức tỉ mỉ và cần sự khéo léo. Hiện giờ, người Bahnar vẫn dệt theo cách thức ngày xưa, nhưng chất liệu từ sợi công nghiệp, còn trang trí hoa văn, màu sắc vẫn theo lối truyền thống.
 
 
Nghệ nhân Đinh Thị Hlơr dệt thổ cẩm
tại ngày Hội Văn hóa các Dân tộc tỉnh Gia Lai lần thứ III, năm 2024
 
Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống lâu đời được lưu giữ, trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, thể hiện sự khéo léo, đồng thời chứa đựng những nét đẹp trong tâm hồn, tính cách của người phụ nữ Bahnar nói riêng và các dân tộc thiểu số nói chung. Được xem là nghề phụ trong hoạt động kinh tế, nhưng nghề dệt thổ cẩm đã có những vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, văn hóa xã hội của người Bahnar trong truyền thống cũng như hiện tại. Nghề dệt thổ cẩm đã góp phần tiết kiệm trong hoạt động chi tiêu cho việc mua sắm quà tặng vào các dịp lễ hội của gia đình, dòng họ và cộng đồng, góp phần vào đời sống văn hóa cộng đồng thông qua việc sử dụng các sản phẩm thổ cẩm làm quà tặng và trang phục trong các dịp lễ hội của cá nhân, cộng đồng.
 
 
Tiết mục trình diễn trang phục dân tộc của huyện Kông Chro
tại ngày Hội Văn hóa các Dân tộc tỉnh Gia Lai lần thứ III, năm 2024
 
Trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số chứa đựng nhiều giá trị về mặt xã hội của tộc người, vì vậy cần khuyến khích đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là thế hệ trẻ tự hào về giá trị đặc sắc của bộ trang phục truyền thống dân tộc mình, có ý thức sử dụng trang phục truyền thống trong sinh hoạt cộng đồng và trong cuộc sống hàng ngày./.
 
Khoa Thi

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công