Giao lưu văn hóa dân gian Gia Lai trong bối cảnh hội nhập quốc tế

Ngày đăng: 20/11/2023, 08:52

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc mở rộng giao lưu văn hóa gắn với phát triển du lịch ngày càng có ý nghĩa quan trọng. Ngoài những ưu thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, các giá trị văn hóa dân gian truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai ngày càng có ý nghĩa quan trọng, trở thành yếu tố độc đáo có sức cuốn hút du khách trong nước và quốc tế. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống tinh thần người dân, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Là tỉnh miền núi khu vực Bắc Tây Nguyên, Gia Lai có diện tích đứng thứ hai cả nước, với hơn 15 ngàn km² và dân số gần 1,6 triệu người. Toàn tỉnh hiện có 44 tộc người cùng sinh sống trên địa bàn 14 huyện, 2 thị xã và 1 thành phố, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 46% tổng dân số.
Các cư dân Bahnar và Jrai chính là những chủ nhân của nền văn hóa bản địa đặc sắc của tỉnh Gia Lai, nổi bật là Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO vinh danh năm 2005, cùng với nhiều nghi lễ/lễ hội, phong tục tập quán và những sinh hoạt văn hóa dân gian tiêu biểu gắn với không gian buôn, làng.
Thời gian qua, cùng với việc tổ chức các sự kiện lễ hội văn hóa; tham gia các hội chợ, triển lãm, xúc tiến đầu tư thương mại, du lịch; giới thiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của địa phương ra nước ngoài, Gia Lai thực hiện việc kết nối và giao lưu văn hóa nghệ thuật với một số nước trong khu vực và trên thế giới như: Ấn Độ, Hàn Quốc, Campuchia, Lào…
Quan hệ hợp tác cấp địa phương giữa tỉnh Gia Lai và nước Cộng hòa Ấn Độ thông qua Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ đã có bước phát triển và mở rộng trên nhiều lĩnh vực như: Thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục, lao động và mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên. Đặc biệt, trong tháng 6 vừa qua, theo lời mời của nước Cộng hòa Ấn Độ, đoàn công tác của tỉnh Gia Lai đã đến thăm và làm việc tại bang Tamil Nadu và bang Telagana của Ấn Độ để mở rộng cơ hội hợp tác, liên kết, đầu tư. Sau chuyến thăm này, Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh đã cử đoàn văn hóa Ấn Độ - Nhóm Kuchipudi tham gia Lễ hội Chào Việt Nam 2023.
Trong khuôn khổ Lễ hội, tối ngày 15 tháng 8 vừa qua, đoàn văn hóa Ấn Độ đã đến tham gia Chương trình giao lưu văn hóa, nghệ thuật tỉnh Gia Lai - Việt Nam và Ấn Độ tại TP. Pleiku.
Trong đêm giao lưu này, các nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát ca múa nhạc tổng hợp Đam San và nhóm Kuchipudi đã mang đến cho khán giả những tiết mục văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống của mỗi quốc gia, dân tộc. Nhà hát ca múa nhạc tổng hợp Đam San tái hiện không gian văn hóa cồng chiêng qua các tiết mục dân gian truyền thống, qua đó giúp những người bạn Ấn Độ hiểu thêm về văn hóa Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng. Khán giả cũng ấn tượng với âm nhạc truyền thống, nghệ thuật múa cổ điển Ấn Độ do các nghệ sĩ nổi tiếng trình diễn. Câu chuyện về những vị thần - một đặc trưng trong văn hóa tâm linh của cư dân sông Hằng được các nghệ sĩ Ấn Độ tái hiện sinh động, để lại ấn tượng đẹp trong lòng khán giả.
Đoàn nghệ sĩ Ấn Độ - Nhóm Kuchipudi chụp hình với khán giả Phố núi - Ảnh Nguyễn Thị Hoa
Chương trình giao lưu văn hóa, nghệ thuật này một lần nữa khẳng định và thắt chặt thêm mối quan hệ hợp tác, hữu nghị, đoàn kết giữa tỉnh Gia Lai với các địa phương của Ấn Độ trên nhiều lĩnh vực như: Văn hóa nghệ thuật, y tế, giáo dục, du lịch, dịch vụ, công nghệ thông tin, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao… Sự kết nối của Gia Lai với các doanh nghiệp Ấn Độ thời gian tới sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư phù hợp với chiến lược, định hướng của mỗi bên.
Năm 2023, mối quan hệ giao lưu văn hóa với đất nước Hàn Quốc cũng được củng cố và tăng cường hơn. Dịp đầu năm, một nhóm nhỏ các nghệ sĩ của Nhà hát ca múa nhạc tổng hợp Đam San sang biểu diễn phục vụ kiều bào Việt Nam tại Hàn Quốc trong chương trình Lễ hội “Xuân yêu thương”. Tại đây, nhóm nghệ sĩ đã thể hiện các nhạc phẩm mang đậm sắc màu Tết quê nhà, như: Xinh tươi Việt Nam, Mùa xuân ơi, Tết Nguyên đán, Vị quê nhà và Đôi mắt Pleiku.
Theo lời mời của Trường Đại học Jeonju Kijeon, tháng 9 năm 2023, 14 nghệ nhân Jrai từ nhiều làng khác nhau của huyện Ia Grai và thành phố Pleiku (Gia Lai) đã đến tỉnh Jeonbuk tham dự lễ hội Âm thanh thế giới lần thứ 22 tại Hàn Quốc.
Trong khuôn khổ sự kiện, đoàn nghệ nhân đã mang theo thông điệp về văn hóa dân gian Gia Lai: Vùng đất giàu bản sắc văn hóa truyền thống, phong phú về âm nhạc, và đặc biệt - một phần giá trị Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESSCO công nhận là “Kiệt tác truyền khẩu và Di sản phi vật thể của nhân loại” năm 2005, được mô phỏng, tái hiện trong dịp này. Đây cũng là lần đầu tiên, các nhạc cụ làm từ tre nứa, những làn điệu dân ca và nhất là âm thanh trầm hùng của cồng chiêng Gia Lai vang lên trên một sân khấu lớn của Hàn Quốc.
Đồng chí Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cùng đoàn công tác tỉnh Gia Lai tại Hàn Quốc chụp ảnh lưu niệm chúc mừng đoàn nghệ nhân Gia Lai có buổi biểu diễn thành công. Ảnh Nguyễn Quang Tuệ
Tại đây, đoàn nghệ nhân Jrai đã trình diễn 7 tiết mục, mở đầu là bài chiêng “Lời chào đoàn kết”, khép lại bằng hòa tấu “Mừng chiến thắng”. Các bài hát dân ca, đồng dao hay thổi sáo, trình tấu đàn ting ning, đàn bró cũng đã được các nghệ nhân thể hiện đặc sắc.
Trong dịp này, đoàn đã có 4 buổi trình diễn chính thức, bao gồm các hoạt động phục vụ hội nghị, trải nghiệm, giao lưu cùng khán giả. Hai ngàn tờ rơi với nội dung Lời chào từ Gia Lai, Việt Nam được in bằng ba thứ tiếng: Hàn Quốc, Anh và tiếng Việt được phát trong các sự kiện này.
Sự kết nối bước đầu này đã thực sự đã mở ra một chương trình hợp lâu dài giữa Gia Lai – Việt Nam và các địa phương của Hàn Quốc trên nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là về giao lưu văn hóa giữa hai nước.
Công tác giao lưu văn hóa nghệ thuật cũng được các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức đoàn thể của tỉnh chú trọng. Ngày 25/10/2023 vừa qua, tại thành phố Pleiku, trong khuôn khổ Hội nghị sơ kết Chương trình phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh Gia Lai (Việt Nam) với Mặt trận Đoàn kết Phát triển Tổ quốc và các tổ chức xã hội tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia), giai đoạn 2018-2022 và ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2023-2025, nhóm nghệ sĩ của Nhà hát ca múa nhạc tổng hợp Đam San đã tham gia Chương trình giao lưu văn hóa văn nghệ chào mừng các đại biểu về dự sự kiện với nhiều tiết mục đặc sắc, ấn tượng là màn trình diễn song ca “Tình hữu nghị Việt Nam – Campuchia”.
Tại Hội nghị này, hai bên đã thảo luận, xây dựng và thống nhất ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2023-2025 với những nội dung cụ thể, thiết thực, tạo tiền đề, nền tảng vững chắc cho việc mở rộng và tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai tỉnh, cụ thể: Hai bên tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao truyền thống góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc; phối hợp tổ chức giao lưu giữa các thôn, làng giáp biên để Nhân dân hai nước hiểu biết về truyền thống văn hóa của hai đất nước.
Cùng với việc tăng cường các tin, bài tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác thông tin đối ngoại; tuyên truyền củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam với các nước láng giềng. Các cấp, chính quyền tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo các đơn vị chức năng dàn dựng các chương trình nghệ thuật đặc sắc phục vụ các sự kiện của tỉnh, phục vụ các đoàn khách trong nước và quốc tế; tham gia các hội thi, hội diễn, liên hoan văn hóa nghệ thuật do Bộ, ngành tổ chức nhằm giới thiệu nét đặc trưng về văn hóa với du khách; quảng bá, giới thiệu hình ảnh văn hóa địa phương thông qua hoạt động xúc tiến du lịch, mở rộng liên kết với các tỉnh, thành phố lớn trong nước; thông tin tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang mạng xã hội …. Các hoạt động nêu trên đã góp phần giới thiệu hình ảnh vùng đất, văn hóa, con người Gia Lai đến du khách trong và ngoài nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc giao lưu văn hóa dân gian Gia Lai trong bối cảnh hội nhập quốc tế còn nhiều hạn chế.
Là một tỉnh miền núi, ngoài việc tham gia các hoạt động văn hoá do Trung ương tổ chức tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Gia Lai chưa tổ chức được các hoạt động liên hoan, hội diễn khu vực và quốc tế, do đó, việc quảng bá văn hoá nói chung, văn hóa dân gian nói riêng của tỉnh với các nước trong khu vực và trên thế giới chưa nhiều.
Để đẩy mạnh giao lưu văn hóa dân gian Gia Lai trong bối cảnh hội nhập quốc tế, thời gian tới, các ngành, các cấp liên quan tiếp tục bám sát các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của tỉnh; đổi mới nội dung và phương thức tuyên truyền thông tin đối ngoại. Thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh như: Kế hoạch số 859/UBND-NC ngày 04/5/2022 triển khai thực hiện Quyết định số 2013/QĐ-TTg ngày 30/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Gia Lai; Kế hoạch số 516/KH-UBND ngày 09/3/2022 về hoạt động thông tin đối ngoại năm 2023 trên địa bàn tỉnh Gia Lai./.
Nguyễn Thị Hoa - Phòng QLVH

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công