Bến đò A Sanh – Điểm đến thú vị ở Gia Lai

Ngày đăng: 11/09/2023, 15:48



Những năm gần đây, Gia Lai được du khách biết đến nhiều hơn không chỉ bởi những nét văn hóa đặc sắc của cư dân bản địa Bahnar, Jrai, với Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên cùng vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng. Vùng đất này còn được biết đến với nhiều di tích lịch sử, khảo cổ và danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Trong đó, Bến đò A Sanh là một trong những điểm đến hấp dẫn trên hành trình về vùng đất phía Tây của tỉnh.

Di tích lịch sử giá trị

Cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 50 km theo tỉnh lộ 664, Bến đò A Sanh thuộc địa phận làng Nú, xã Ia Khai, huyện Ia Grai. Nơi đây gắn với tên tuổi và quá trình hoạt động cách mạng của anh hùng Puih San (A Sanh, 1937-2000), người lái đò trên sông Pô Cô huyền thoại trong những năm chống Mỹ cứu nước.

Theo hồ sơ di tích, vào những năm 60 của thế kỉ trước, bến đò làng Nú và một số bến đò khác thuộc huyện Ia Grai ngày nay là những địa điểm đưa đón bộ đội, lương thực, vũ khí qua sông Pô Cô ra chiến trường. Phương tiện vận chuyển chủ yếu là thuyền độc mộc. Những người lái đò phần đông là người Jrai được tuyển chọn tại địa phương, có sức khỏe và thông thạo địa bàn như: Puih San, Lim, Vân… nổi tiếng trong số đó là Puih San. Ông là người lái đò mưu trí, dũng cảm, có những đêm A Sanh và đồng đội chở hơn 30 chuyến đò, đưa hàng trăm lượt người cùng hàng hóa qua sông an toàn.

Puih San được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân năm 1998. Ông chính là hình mẫu trong bài hát nổi tiếng “Người lái đò trên sông Pô Cô” do nhà thơ, nhà báo Mai Trang sáng tác, nhạc sĩ Cầm Phong phổ nhạc. Ca khúc này đã được phát liên tục trên Đài Tiếng nói Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh.

Với những giá trị và ý nghĩa lịch sử nêu trên, ngày 12/6/2020, Bến đò A Sanh được Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Điều này một lần nữa khẳng định và ghi nhận những đóng góp của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trên chiến trường Bắc Tây Nguyên. Không chỉ riêng Puih San mà còn có hàng trăm, hàng ngàn người dọc đôi bờ Pô Cô ngày ấy đã không ngại hy sinh, gian khổ đóng góp sức người, sức của vào công cuộc Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Đây là địa chỉ đỏ góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, đồng thời tạo điểm nhấn trong phát triển du lịch văn hóa - lịch sử của tỉnh nhà.

Điểm du lịch mới mẻ, hấp dẫn

Những năm qua, Bến đò A Sanh trở thành một trong những điểm đến mới mẻ, thú vị. Tại đây, vào các năm 2019, 2020 và 2022 chính quyền địa phương đã tổ chức Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô kết hợp với Liên hoan văn hóa cồng chiêng. Sự kiện đã thu hút hàng chục ngàn người dân và du khách đến tham dự. Ngoài việc chứng kiến những con thuyền độc mộc trở lại trên dòng sông Pô Cô huyền thoại, Nhân dân và du khách có thêm cơ hội được đắm chìm trong không gian văn hóa cồng chiêng, trải nghiệm, tìm hiểu phần thi tạc tượng gỗ dân gian và thi nhảy dân vũ…

 

Bến đò A Sanh. Ảnh: Văn Nhất

Cùng với đó, phiên chợ hàng nông sản được diễn ra nhằm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp và ẩm thực đặc trưng của huyện như: rượu cần, cơm lam, gà nướng, cá khô sông Sê San, gạo, mật ong, tinh dầu, các loại cây ăn trái. Lễ hội đã tạo được sức hút và tiếng vang rộng khắp trong và ngoài tỉnh, hàng trăm bài báo, phóng sự truyền hình, hàng ngàn bức ảnh đã đưa tin, mô tả chi tiết về sự sôi động, thành công của lễ hội này.

Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô không chỉ là dịp để tôn vinh anh hùng A Sanh, bảo tồn và phát huy giá trị của thuyền độc mộc, nghề đẽo thuyền truyền thống. Mà còn là cơ hội để quảng bá về tiềm năng thế mạnh của địa phương, thu hút sự quan tâm đầu tư, phát triển du lịch. Con đường từ làng Nú đến Bến đò A Sanh hiện đang được đầu tư xây dựng, cùng một số hạng mục như: nhà bia di tích, tường rào bảo vệ, sân bê tông. Đây là điểm kết nối với các điểm đến trong Kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021 – 2025. Trước hết, trong phạm vi không quá 20 km, địa phương hoàn toàn có thể xây dựng các tour, tuyến điểm du lịch kết nối với các điểm: Lòng hồ Sê San 4 – Bến đò A Sanh – Thác Mơ – Di tích Chiến thắng Chư Nghé (xã Ia Krăi, huyện Ia Grai)… đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách tham quan về: khám phá thiên nhiên, trải nghiệm văn hóa bản địa, thăm chiến trường xưa, …tại vùng đất này.

Bến đò A Sanh nằm ẩn mình sau những vườn điều rộng lớn. Vào mùa điều chín, những chùm quả chín mọng đong đưa trước gió, sẽ tô thêm vẻ đẹp cho vùng đất này. Nơi đây, hàng trăm nếp nhà của đồng bào Jrai vẫn còn duy trì phong tục tập quán, phương thức sản xuất truyền thống, ngày ngày họ vẫn xuôi thuyền qua bên kia sông để làm rẫy, đặt bẫy, đánh bắt cá, hái lượm cây rừng… Khung cảnh này mang lại cảm giác yên bình cho du khách khi đứng bên bờ sông phóng xa tầm mắt về phía chân trời.

Vùng đất này còn giữ được nhiều giá trị văn hoá truyền thống, thu hút sự tò mò, khám phá của du khách. Đồng bào Jrai nơi đây vẫn còn duy trì các nghi lễ, lễ hội, phong tục tập quán liên quan đến vòng đời con người và chu kỳ sản xuất cây trồng. Theo số liệu thống kê mới nhất được biết, trên địa bàn huyện Ia Grai hiện có gần 750 bộ cồng chiêng, với trên 11.300 chiếc chiêng, trong đó các xã hiện lưu giữ nhiều cồng chiêng gồm: Ia O, Ia Khai và Ia Krăi.

Dòng sông Pô Cô (Sê San) năm nào không chỉ chứng kiến những con người sự kiện lịch sử, mà nơi đây còn cung cấp nguồn năng lượng dồi dào cho những công trình thủy điện như Sê San 3, Sê San 3A, Sê San 4. Đồng thời, nó cũng tạo ra khu vực lòng hồ rộng lớn để đầu tư nuôi trồng thủy sản, kết hợp với khai thác phát triển du lịch.

Vài năm gần đây, tour du lịch khám phá lòng hồ Sê San 4 (xã Ia O, huyện Ia Grai) đang là điểm đến được nhiều người lựa chọn. Không chỉ được thiên nhiên ưu đãi bởi cảnh quan tươi đẹp, với các đảo lớn nhỏ khác nhau, nơi đây còn có lợi thế về thuỷ sản cho ngư dân trong vùng. Nhiều đặc sản cá được du khách ưa chuộng như: Cá sọc dưa, cá anh vũ, cá lăng, cá chép, cá chạch, cá bống, cá cơm… Đến sông Sê San vào đầu mùa khô, du khách dễ dàng bắt gặp hình ảnh những mẻ cá cơm trắng phau phơi mình trên những tấm lưới trải dọc bến sông. Sản phẩm cá cơm khô hay bánh tráng cá cơm là món quà không thể thiếu với mỗi người khi trở về từ vùng đất này.

Một điểm đến lý tưởng không thể bỏ qua trên hành trình này đó là làng chài Sê San thơ mộng, yên bình– bức tranh thu nhỏ của miền Tây sông nước trên cao nguyên. Nơi đây, có hàng chục hộ dân mưu sinh bằng nghề chài lưới, kể từ khi các công trình thủy điện ngăn đập, chặn dòng. Trên những chiếc thuyền máy hay ca nô chạy xuôi dòng, du khách được dịp mãn nhãn với cảnh sắc sông nước mây trời, cùng những vạt cây xanh thẫm ở đôi bờ. Đến với làng chài, ngoài việc tìm hiểu về cuộc sống sinh hoạt của con người nơi đây, khách tham quan còn được thưởng thức nhiều món đặc sản do người dân tự nuôi trồng, đánh bắt, chế biến, cũng như tham gia vào hoạt động thả lưới, câu cá trên sông.

Nằm trên một nhánh của dòng sông Pô Cô, Thác Mơ (làng Ếch, xã Ia Khai, huyện Ia Grai) cũng là điểm đến kết nối với di tích lịch sử Bến đò A Sanh. Vẻ đẹp của thác Mơ được ví như “nàng công chúa ngủ quên trong rừng” đang chờ được đánh thức. Băng qua cánh rừng cao su thẳng tắp, những vườn điều, vườn cà phê xanh mướt, du khách được tận hưởng vẻ đẹp mà thiên nhiên ưu ái dành tặng cho nơi này, những dải đá xếp tầng nhiều bậc tuôn bọt trắng xóa góc trời. Một ngày không xa, những chiếc thuyền độc mộc lướt trên dòng Pô Cô sẽ là phương tiện vận chuyển chính đưa du khách thưởng ngoạn, khám phá vùng đất lịch sử này.  

 

Thác Mơ. Ảnh: Nguyễn Hoa

Trên cung đường dẫn đến các địa điểm Khu du lịch sinh thái thác Mơ – Di tích lịch sử Chiến thắng Chư Nghé – Bến đò A Sanh – lòng hồ Sê San…, du khách còn có thể ghé thăm những vườn cây ăn trái như: cam, chôm chôm, sầu riêng, bơ, thanh long, mít, nhãn … có diện tích rộng đến vài héc ta của cư dân trong vùng. Tại đây, du khách vừa tham quan, trải nghiệm hòa mình vào thiên nhiên, vừa có thể thưởng thức các loại cây ăn trái tại chỗ. Vài địa điểm có thể kể đến như Longs Rose Farm (xã Ia Dêr, Ia Grai) của ông Nguyễn Thanh Long với hơn 6.000 gốc hồng các loại và một số cây trồng ăn trái, vườn cam của gia đình ông Nguyễn Xuân Dương (làng Lân, xã Ia O, Ia Grai) hay vùng chôm chôm chín đỏ (thuộc tổ 6, xã Ia Tô, Ia Grai). Các điểm dừng chân này như một sự chấm phá trong bức tranh du lịch của tỉnh nhà. Mô hình du lịch sinh thái, du lịch văn hóa – lịch sử kết hợp với du lịch cộng đồng đang được người dân và chính quyền nơi đây quyết tâm thực hiện.

Công trình điện gió Ia Pếch 2 (xã Ia Pếch, Ia Grai) với những cánh quạt trắng khổng lồ, xuất hiện dưới nền trời xanh, sừng sững giữa núi rừng trùng điệp đã thổi thêm “luồng gió mới” cho vùng đất này. Đây cũng là nơi check in lý tưởng thu hút giới trẻ trong thời gian gần đây.

Nơi đây còn có một rừng thông đẹp, rộng hàng chục héc ta nằm ngay cạnh thành phố Pleiku, cùng công trình kiến trúc độc đáo Thiền viện Trúc Lâm Gia Lai, sẽ tạo thêm điểm đến thú vị trong hành trình khám phá. Khu vực này còn nằm trong khu quy hoạch Công viên văn hóa các dân tộc Gia Lai, tạo thuận lợi cho địa phương tiến hành khai thác mô hình du lịch sinh thái kết hợp với du lịch văn hóa và du lịch tâm linh thời gian đến.

Tất cả các điểm đến trên cho thấy vùng đất này có rất nhiều triển vọng phát triển du lịch, nhưng trên thực tế, tour du lịch lòng hồ Sê San – thác Mơ – Bến đò A Sanh – di tích Chiến thắng Chư Nghé – thác Lệ Kim (xã Ia Bă) – rừng thông (xã Ia Dêr)… thuộc địa bàn huyện Ia Grai chỉ mới được khai phá, cảnh quan thiên nhiên nơi đây còn nguyên sơ, lượng du khách đến tham quan chưa nhiều, việc thu hút đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Thời gian tới, chính quyền địa phương cần tiếp tục kêu gọi đầu tư vào 5 điểm du lịch trọng tâm đã được quy hoạch: Khu du lịch sinh thái thác 9 tầng, Khu du lịch sinh thái lòng hồ Sê San 4, Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng thác Mơ, Khu di tích lịch sử Chiến thắng Chư Nghé và Khu di tích lịch sử Bến đò A Sanh với tổng số vốn đầu tư dự kiến hơn 100 tỷ đồng.

Cùng với đó, việc khôi phục lại nghề đẽo thuyền độc mộc, hay sử dụng thuyền độc mộc để khai thác phát triển du lịch trên sông Pô Cô là việc làm cần thiết để tạo điểm nhấn trong phát triển du lịch tỉnh nhà.

Xuôi mái chèo trên dòng Sê San hôm nay, chúng ta không chỉ chứng kiến sự chuyển mình trên mặt sông ấy, mà còn thả hồn theo sông nước mây trời nơi đây, lắng đọng từng phút giây, mường tượng về những gì đã xảy ra trong quá khứ, để ta thấy thêm tự hào, trân quý về vùng đất này, về những con người nơi đây, trong đó có anh hùng A Sanh, với sự hy sinh thầm lặng, mang lại cuộc sống yên bình, ấm no cho Nhân dân. Đâu đó, bên tai ta vẫn văng vẳng vang lên câu hát: “Hỡi Pô Cô ơi! Dòng sông mênh mông. Đôi bờ cây xanh biếc, nước chảy xiết sâu thẳm. Qua tháng ngày hỏi sông ơi có biết. Anh lái đò tên gọi A Sanh?”.

 

Nguyễn Thị Hoa, Phòng QLVH

 

 

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công