Dân làng Ngơm Thung, xã Ia Pết, huyện Đak Đoa giữ nghề truyền thống

Ngày đăng: 04/08/2023, 15:46

Ngay khi trông thấy những chiếc gùi vô cùng bắt mắt với hoa văn, phối màu tinh tế được đan bởi người dân làng Ngơm Thung, xã Ia Pết, huyện Đak Đoa tôi đã vô cùng ấn tượng và thích thú.
Giữ nghề truyền thống
Gùi là một vật dụng rất quen thuộc trong đời sống hằng ngày của đồng bào dân tộc thiểu số. Với tính năng để chứa đựng thực phẩm, bầu nước, mang vật dụng lên rẫy, gùi củi về nhà, gùi còn được dùng làm đơn vị đo lường lượng thóc, lúa vào mỗi đợt thu hoạch… Có thể nói, ngay từ khi mới sinh ra bà con dân làng đã nhìn thấy sự hiện hữu của những chiếc gùi trong gia đình như một vật dụng rất gần gũi và thân thuộc.
Độ tinh xảo, đẹp mắt của sản phẩm phụ thuộc vào tay nghề của người làm, bởi vậy thương hiệu gùi làng Ngơm Thung được người dân trong tỉnh và du khách rất ưa thích bởi được tạo ra từ những nghệ nhân lành nghề.
Là nghệ nhân đan gùi có tay nghề cao nhất làng Ngơm Thung, anh Hyoi (sinh năm 1973) cho biết: Với người dân trong làng, đan gùi đã trở thành một nghề chính tạo nguồn thu nhập đều đặn, cải thiện đời sống bà con trong nhiều năm qua. Đối với bản thân anh Hyoi, anh không còn lên rừng làm nương, rẫy nữa mà chỉ tập trung thời gian để đan gùi bán ra thị trường và truyền nghề cho mọi người trong làng khi có nhu cầu học.

 
Anh Hyoi cùng cháu là anh Rinh đan những chiếc gùi đặp mắt, độc đáo trong bán cho du khách trong Ngày hội văn hoá các dân tộc.
Giữ nghề đan gùi không chỉ mang lại công việc ổn định cho Nhân dân trong làng, mà còn góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống có từ bao đời nay. Đan gùi không khó nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo và kiên nhẫn của nghệ nhân, vì vậy không phải ai cũng có thể chú tâm theo nghề được.
Là cháu, đồng thời là học trò thạo việc nhất của anh Hyoi, anh Rinh (sinh năm 1986) đã tự đan được những chiếc gùi chắc chắn, biết cách phối hoa văn để tạo ra những sản phẩm đẹp mắt phù hợp với thị hiếu của khách hàng. Mỗi tháng anh Ring cùng một số thanh niên trong làng vào rừng để chặt lồ ô, theo anh việc tìm và chọn được loại lồ ô phù hợp cũng khá quan trọng, góp phần quyết định chất lượng, độ bền của chiếc gùi qua thời gian sử dụng.
 
Gùi 2 lớp là sản phẩm ấn tượng nhất được người dân và du khách rất ưa thích.
Anh Rinh chia sẻ: “Nguyên liệu chính để làm gùi là lồ ô, được lấy từ trên rừng. Để chọn được loại lồ ô thích hợp cần dựa vào kinh nghiệm của người làm gùi để biết được loại nào phù hợp. Kích thước ống lồ ô lớn hay nhỏ, già hay non phụ thuộc vào kích thước chiếc gùi mà người làm định sẵn. Nếu lồ ô già quá thì giòn, rất khó làm, loại non thì dễ gãy, khi khô sẽ bị tóp lại vì vậy phải chọn loại thẳng, vừa phải, đủ độ khi chế tác dễ uốn cong, tạo hình”.
Anh Rinh cho biết lồ ô được lấy từ làng, nhưng đôi khi không đủ phải vào rừng sâu hơn ở xã Đak Sơ Mei mới gom được số lượng nhiều để dùng. Bình quân khoảng hơn 1 tháng mọi người sẽ tập trung đi chặt lấy về 1 lần. Lồ ô khi được mang về sẽ cưa thành từng đoạn, chẻ nhỏ, chuốt sợi mỏng rồi mang đi phơi. Những nghệ nhân có kinh nghiệm sẽ có bí quyết riêng, mang những sợi tre đã chẻ nhỏ đem phơi nắng và hong dưới bếp lửa, sau đó mới mang đi đan gùi. Việc làm này nhằm để giữ độ bền cao, tránh hư hỏng, hạn chế mối mọt và sử dụng được lâu dài. Đế gùi được làm từ gỗ “nhau”, đây là loại gỗ khá bền có độ dẻo nên dễ uốn cong. Phần đế cao chừng 10 cm, được tạo hình vuông đính chặt dưới thân giúp gùi đứng vững khi đặt trên mặt đất.
Sản phẩm du lịch độc đáo
Anh Hyoi nói, ngoài gùi anh còn chế tác mô hình nhà rông, nhà sàn, ống đựng bút, nơm bắt cá,… như một sản phẩm du lịch độc đáo phục vụ du khách làm quà tặng. Những sản phẩm này nhỏ, xinh, khá đặc biệt vì vậy khi làm ra bán được giá cao, ví như 1 chiếc nhà rông, kích thước vừa để bàn có giá 1.500.000 đồng, nhưng cũng mất khá nhiều thời gian để chau chuốt, tỉ mỉ để hoàn thiện. Còn giá của một cái gùi có nắp, tuỳ kích thước thường được mua từ 250.000 đến 300.000 đồng một cái.
Theo anh Hyoi, về kỹ thuật đan lát thật ra không khó, chỉ dùng mỗi dao và so dây bằng tay để cố định các sợi tre lại với nhau. Khi làm chỉ cần đáp ứng đúng yêu cầu các sợi tre phải khít, không có chỗ hở và làm thật đều tay. Thân gùi khi đan xong, nghệ nhân sẽ gắn dây vào mặt sau để đeo trên vai, có thể là dùng dây mây hoặc dây nhựa. Các sợi dây này cũng được dùng để cố định miệng, nắp và đế gùi. Nghệ nhân có tay nghề cao hơn thì phối hoa văn truyền thống, tạo màu cho chiếc gùi đẹp mắt hơn, từ đó giá thành bán ra cũng cao hơn.
Ngoài mang tính ứng dụng trong cuộc sống, những chiếc gùi còn là vật trang trí, làm đẹp không gian, vì vậy việc mua, bán gùi tại làng khá đa dạng, đủ thành phần phù hợp với nhu cầu sử dụng. Khoảng vài ngày sẽ có thương lái đến làng để gom hàng rồi bỏ lại cho các cửa hàng bán lẻ cho khách. Việc đều đặn nhận được đơn đặt hàng đã giúp cho cuộc sống của gia đình anh Hyoi và bà con trong làng được cải thiện.
Anh Hyoi cho biết thêm, sản phẩm đặc biệt nhất mang thương hiệu làng Ngơm Thung là chiếc gùi 2 lớp, lớp trong cũng được đan như những chiếc gùi bình thường, còn lớp ngoài phải tỉ mỉ, chăm chút hơn từ khâu chẻ nhỏ sợi tre, phải thật mỏng và nhỏ, đều. Nghệ nhân phải có tay nghề cao và kinh nghiệm nhiều năm, khéo léo tạo độ đều tăm tắp giữa các mối đan, phần trang trí hoa văn cũng là yếu tố quan trọng tạo nên sự độc đáo của chiếc gùi 2 lớp này. Vì mất nhiều thời gian và công sức nên giá thành bán ra khá cao, tầm 450.000 đồng cho một chiếc gùi 2 lớp với kích thước vừa, loại gùi này chủ yếu được mua về làm vật dụng trang trí, làm quà tặng, vừa có giá trị, đẹp mắt lại độc đáo.

Ngày nay, tuy cuộc sống hiện đại đã có nhiều biến đổi trong sinh hoạt thường nhật cho thích nghi với thực tế nhưng những vật dụng phổ biến như chiếc gùi, cối, hay quả bầu đựng nước do chính người dân tự làm ra và đáp ứng nhu cầu hằng ngày trong đời sống thì có thể sẽ vẫn còn giữ mãi nét văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam./.
Võ Thanh Thảo - Nhà hát CMNTH Đam San

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công