Thành phố Pleiku: Những kết quả đạt được sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 33 -NQ/TW ngày 09/6/2014 của BCH Trung ương (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam

Ngày đăng: 09/04/2024, 09:15

Thành phố Pleiku có diện tích tự nhiên là 26.076,85 ha, với 22 đơn vị hành chính cấp xã (14 phường và 8 xã), với 175 thôn, làng, tổ dân phố (trong đó có 37 làng đồng bào dân tộc thiểu số). Dân số khoảng 269.000 người, bao gồm 27 dân tộc đang sinh sống, trong đó người đồng bào DTTS chiếm khoảng 12,6%, phần lớn người đồng bào DTTS là dân tộc Jrai, Bahnar sinh sống.
 
Sau hơn 94 năm thành lập, đô thị Pleiku đã tạo được nhiều dấu ấn chuyển mình trong quá trình xây dựng và phát triển, đạt được nhiều kết quả, có ý nghĩa trong việc khẳng định vị thế và tầm vóc mới. Tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực, diện mạo thành phố và chất lượng sống đô thị nâng lên. Cùng với đó, thành phố là nơi có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống nên đời sống văn hóa tinh thần của người dân trên địa bàn thành phố vô cùng đa dạng và phong phú. Tất cả những yếu tố trên là những điều kiện thuận lợi trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Pleiku phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
 
 
 
Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI), nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của văn hoá đối với sự phát của triển đất nước, địa phương được nâng lên rõ rệt. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa được tăng cường; các thiết chế văn hóa, thể thao được quan tâm đầu tư xây dựng đồng bộ. Hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức rộng khắp, đa dạng về hình thức, phong phú, hấp dẫn về nội dung, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của Nhân dân. Nhận thức, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và Nhân dân được nâng lên rõ rệt, tác động tích cực trong việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đẩy lùi các phong tục tập quán lạc hậu và các tệ nạn xã hội trên địa bàn thành phố.
 
Nhiều di tích lịch sử được trùng tu, tôn tạo; Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 02 di tích lịch sử cấp quốc gia (Di tích lịch sử Nhà Lao Pleiku và Di tích thắng cảnh Biển Hồ) và 05 di tích lịch sử cấp tỉnh (Đền tưởng niệm Liệt sỹ Hội Phú, Khu căn cứ địa cách mạng Khu 9 – xã Gào, Di tích Trại giam tù binh Pleiku (1966-1972), Di tích Địa điểm đón thư Bác Hồ gửi đồng bào thiểu số miền Nam, Di tích Quảng trường Đại đoàn kết). Thành phố đã chú trọng đầu tư xây dựng sửa chữa các hạng mục tại Đền tưởng niệm mộ Liệt sỹ Hội Phú, Di tích thắng cảnh Biển Hồ; đầu tư, sửa chữa nhà rông, nhà dài, xây dựng khu vườn tượng, giọt nước tại một số làng đồng bào dân tộc thiểu số. Thường xuyên tổ chức giao lưu cồng chiêng, múa xoang cùng du khách tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành lập Đội cồng chiêng và tiến hành tập luyện để phục vụ du khách khi có yêu cầu. Tổ chức các lớp truyền dạy cồng chiêng tại các xã, phường,... nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố.
 
Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, trong những năm qua, số lượng người tham gia luyện tập thể dục, thể thao trên địa bàn thành phố ngày càng tăng và phát triển rộng khắp. Các loại hình tập luyện, các câu lạc bộ thể dục, thể thao, nhà thi đấu đã phát huy tác dụng đáp ứng nhu cầu luyện tập và thi đấu các giải thể thao của thành phố. Thành phố đã đầu tư lắp đặt 214 dụng cụ thể dục, thể thao tại các công viên, hoa viên trên địa bàn, phục vụ nhu cầu tập luyện, nâng cao sức khỏe của Nhân dân.Thành phố thường xuyên tổ chức các giải thi đấu thể thao nhân các ngày lễ lớn, kỷ niệm của đất nước, của tỉnh và của thành phố; các giải thi đấu thể thao truyền thống. Tại các khu dân cư, phong trào thể dục, thể thao quần chúng được diễn ra sôi nổi. Mỗi người dân tự lựa chọn cho mình một môn thể thao phù hợp với lứa tuổi và sức khỏe để tập luyện, hình thành nhiều câu lạc bộ có cùng sở thích. Các hoạt động giao lưu, thi đấu giữa các khu dân cư, giữa các xã, phường với nhau cũng thường xuyên được tổ chức, góp phần phát huy tinh thần đoàn kết trong quần chúng nhân dân.
 
 
 
Thành phố luôn chú trọng xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng thôn, làng, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình, gắn với việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Cuộc vận đồng “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Các giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh tiếp tục được phát huy. Việc chăm lo xây dựng con người phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách được thực hiện. Tỷ lệ gia đình, khu dân cư, cơ quan đạt danh hiệu văn hóa hàng năm tăng lên.
 
Các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, từ thiện nhân đạo và các phong trào thi đua yêu nước được đẩy mạnh. Việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị có nhiều chuyển biến tích cực.
 
Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hoá trên địa bàn thành phố được quan tâm. Thành phố đã kiện toàn đoàn kiểm tra liên ngành về văn hóa và phòng chống tệ nạn xã hội; chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đẩy mạnh công tác thanh tra hoạt động văn hóa, nhất là đối với các dịch vụ văn hóa, sản phẩm văn hóa tại các địa phương nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi sai phạm, sự phát tán các sản phẩm văn hóa độc hại.
 
Chú trọng công tác đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị. Phát triển và hoàn thiện đồng bộ các thiết chế văn hóa ở cơ sở đáp ứng nhu cầu và thu hút Nhân dân tham gia các hoạt động sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa.
 
Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ văn hóa, du lịch phát triển, thu hút vốn đầu tư, các nguồn lực xã hội hóa để nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa, nghệ thuật; quảng bá sản phẩm văn hóa.
 
Các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn thành phố đang bước đầu phát triển, thu hút đông đảo các doanh nghiệp trong và ngoài thành phố tham gia với nhiều lĩnh vực: Xuất bản, thủ công mỹ nghệ, quảng cáo, du lịch, phát hành phim,... trong đó mũi nhọn là phát triển du lịch.
 
 
 
Thành phố đẩy mạnh công tác quảng bá văn hóa, tiềm năng phát triển về kinh tế du lịch của thành phố trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống Cổng thông tin điện tử thành phố, mạng xã hội Facebook, Zalo...Thường xuyên tổ chức các hoạt động, các cuộc thi văn hóa, văn nghệ thể dục thể thao nhằm tuyên truyền, quảng bá văn hóa, hình ảnh quê hương, con người Pleiku đến với du khách trong nước và quốc tế; chuyển tải thông điệp Pleiku là điểm đến an toàn, thân thiện, văn minh với du khách bốn phương.
 
Thành phố thường xuyên tham gia các hoạt động văn hóa trong và ngoài tỉnh nhằm học hỏi và trao đổi kinh nghiệm như: Liên hoan tượng gỗ dân gian; Lễ hội “Âm vang đại ngàn”; Liên hoan nghệ thuật dân gian Tây Nguyên gắn với Tuần văn hóa – du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ III năm 2016 và các hoạt động tại làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam... Năm 2019, đoàn Nghệ nhân làng Chuét 2, phường Thắng Lợi tham gia Chương trình Sắc màu văn hóa Gia Lai” tại Hà Nội; năm 2023 thành phố cử 06 nghệ nhân tham gia Đoàn đại diện cho tỉnh Gia Lai (do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành lập) tham gia sự kiện Lễ hội Âm thanh Thế giới lần thứ 22 tại Hàn Quốc. Phối hợp tổ chức ngày Hội Du lịch kết nối Tuy Hòa với Pleiku năm 2022; Năm 2023, phối hợp với 04 thành phố Buôn Ma Thuột, Kon Tum, Gia Nghĩa và Tuy Hòa tổ chức ngày Hội quảng bá và kết nối du lịch các thành phố Tây Nguyên với thành phố Tuy Hòa.
 
Trong những năm qua, các cơ quan chuyên môn của thành phố đã quan tâm mở các lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ trên các lĩnh vực thuộc ngành văn hóa quản lý cho đội ngũ công chức, viên chức văn hóa từ cấp thành phố đến cơ sở, đồng thời cử cán bộ làm công tác văn hóa tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, bồi dưỡng do tỉnh, trung ương tổ chức. Bên cạnh đó, thành phố cũng đã quan tâm quy hoạch, bổ nhiệm đối với những công chức, viên chức làm công tác văn hóa có năng lực, đủ điều kiện theo quy định vào các vị trí lãnh đạo. Thường xuyên rà soát, phát hiện những tài năng, hạt nhân có năng khiếu về văn hóa, nghệ thuật, thể thao để có kế hoạch sử dụng, tạo nguồn kế cận.
 
Để phát huy hơn nữa những hiệu quả đạt được trong triển khai thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI), thời gian tới, thành phố phát huy mọi nguồn lực tập trung xây dựng con người Pleiku phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương. Tiếp tục triển khai có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Đề án xây dựng nếp sống văn minh đô thị trên địa bàn thành phố Pleiku giai đoạn 2021 – 2030; sửa chữa, bổ sung một số điều trong hương ước, quy ước thôn, làng, tổ dân phố văn hóa phù hợp với điều kiện thực tế, xây dựng văn hóa trong xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa; các hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện, lễ hội của đất nước, địa phương,... Gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch, góp phần đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Tăng cường các hoạt động đối ngoại và ngoại giao văn hóa để phổ biến và lan tỏa hình ảnh đất nước, văn hóa, lịch sử, con người Pleiku.
 
Hồng Trang

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công