Về miền danh thắng phố huyện Kbang

Ngày đăng: 09/01/2024, 16:55

Kbang là vùng đất mang trong mình trầm tích văn hóa, lịch sử lâu đời và có giá trị. Là huyện nằm ở phía Đông của tỉnh, được thiên nhiên ưu đãi ban cho nhiều danh thắng tuyệt đẹp, đặc biệt là hệ thống thác ghềnh hoang sơ, kỳ vĩ.
Nói đến hệ thống thác phong phú nằm trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng mọi người hầu như đều biết đến dòng thác K50 kì vĩ. Bên cạnh đó hệ thống thác ghềnh kỳ vĩ nằm sâu trong vùng lõi nơi đây cũng vô cùng đẹp và hoang sơ. Chúng tôi mời bạn đến chiêm ngưỡng thác Rêu, một con thác không kém phần hấp dẫn cùng nằm trong Khu bảo tồn chắc hẳn sẽ khiến những lữ khách đắm say.
 
Dòng thác ầm ì cuộn chảy khiến lữ khách say mê.
Xuất phát từ thành phố Pleiku đến trung tâm huyện Kbang, chúng tôi mất tầm hơn 2 giờ cho chặng đường gần 100 km. Từ phố huyện di chuyển hơn 60 km nữa sẽ đến cửa Trụ sở Khu BTTN Kon Chư Răng (thuộc địa bàn xã Sơn Lang). Chúng tôi tiếp tục di chuyển bằng phương tiện xe máy vào Trạm quản lý bảo vệ rừng Đăk Bla, khoảng cách tầm hơn 7 km. Chặng xe máy di chuyển qua con đường đất nhỏ xuyên rừng, khá gập ghềnh và trơn trượt do đất hơi ẩm và có lá mục phủ dày bên dưới. Sau đó, từ Trạm sẽ tiếp tục đi bộ khoảng 500 m nữa sẽ đến đỉnh thác Rêu. Nếu đủ sức khỏe và đam mê du khách có thể chọn cách đi bộ trong suốt hành trình giữa thiên nhiên tươi đẹp sẽ đồng hành cùng bạn chinh phục thử thách.
Chúng tôi bắt đầu len lỏi giữa những hàng thông nàng xanh tốt hai bên đường để tiếp tục tiến vào dòng thác hoang sơ phía trước. Đường khá dễ đi, cứ khoảng một đoạn du khách sẽ được chiêm ngưỡng những gốc cổ thụ hùng vĩ sừng sửng giữa đất trời. Trên đường đi có một loại hoa màu đỏ như ráng chiều rơi rụng phủ trên mặt đất in dấu chân người khiến cho cảnh vật thêm phần nên thơ. Mùa này tiết trời khá đẹp, nắng vàng nhưng không gay gắt mà dịu nhẹ cùng không gian mát mẻ giữa cảnh sắc núi rừng đồng điệu cùng tiếng nói cười râm rang của những lữ khách như hòa quyện vào thiên nhiên. 
Trước khi đến thác, bạn sẽ băng qua một đoạn suối nhỏ mát lành, nơi đây có nhiều tảng đá nhỏ lọt thỏm dưới con suối phủ dày rêu rất đẹp mắt. Từ xa tiếng nước chảy đã bắt đầu vang vọng cùng không khí mát lành tỏa ra xung quanh khiến cho mọi người đều háo hức và nhanh chân hơn hẳn. Khó nhất trong suốt chặng đường là đoạn bám vào dây thừng mà các anh trong ban quản lý bảo vệ rừng cột chặt vào các gốc cây to để làm điểm tựa cho du khách leo xuống thác. Mọi người cần có đủ thể lực cùng sự chuẩn bị chu đáo về hành trang, tinh thần, sự đam mê vượt qua thử thách khi quyết định khám phá những điểm đến có độ khó như hành trình tìm đến thác Rêu. 
 
Dường như thiên nhiên muốn thử thách sức bền bỉ của con người nên hầu như các dòng thác càng đẹp, hùng vĩ bao nhiêu thì lại càng cách xa thành phố, ẩn mình trong những khu rừng nguyên sinh để mời gọi du khách vượt qua trở ngại, khó khăn nhất định để mà tìm đến chinh phục. Thời điểm lý tưởng để bạn khởi hành chuyến đi của mình là khi mùa mưa Tây Nguyên vừa kết thúc, lúc này, tiết trời nơi đây khá mát mẻ, dễ chịu và không quá hanh khô, rất thuận lợi cho việc băng rừng tìm đến thác.
Mọi sự mệt mỏi như tan biến khi được tận mắt chiêm ngưỡng một khung cảnh tuyệt đẹp hiện ra giữa núi rừng. Dòng thác ầm ì tuôn chảy khá mạnh, từ đỉnh thác tràn xuống từng bậc đá rêu phong tung bọt trắng xóa, những tia nước bắn ra xung quanh mang lại bầu không khí mát rượi tưới mát cả không gian. Cũng lẽ vì vậy mà rừng phòng hộ đầu nguồn cùng thảm thực vật xung quanh khu vực này rất xanh mát và vô cùng tươi tốt khiến cho cả một vùng cảnh quan tràn đầy nhựa sống. 
Có tên là thác Rêu là bởi xung quanh có rất nhiều mảng rêu xanh bám vào những tảng đá nằm dưới chân thác, vì vậy bạn phải thật cẩn thận khi di chuyển bởi địa hình khá trơn trợt. Cùng với dòng chảy thời gian, từng tầng đá được nhuộm một màu đen tuyền, qua sự bào mòn của dòng nước chảy xiết những phần đá lộ thiên nhấp nhô quanh thác lại vô tình là vị trí thuận lợi để du khách nương vào lưu lại những khoảnh khắc khó quên bên thác nước giữa rừng xanh.
Thác Rêu nằm tại vị trí tiểu khu 44, được phân chia thành 3 tầng. Thác nước không quá cao, các tầng có độ cao gần 30 m, lưu lượng nước nhiều chảy đều quanh năm mang lại vẻ đẹp đầy mê hoặc. May mắn được đến vào thời điểm thác rất nhiều nước để càng thấy được sự kì vĩ của thiên nhiên ban tặng cho nơi đây. Thác Rêu hiện vẫn còn là một “nàng công chúa ngủ trong rừng”. Du khách đến đây tự phát nhưng không quá đông, chủ yếu là dân địa phương yêu thích loại hình du lịch khám phá, mạo hiểm. Nhưng cũng vì lẽ đó, chưa in nhiều dấu chân cùng sự can thiệp của bàn tay con người nên cảnh quan, sự hoang sơ tự nhiên của dòng thác và khu vực này lại khiến cho vẻ đẹp của nó thêm phần hấp dẫn và kì thú.
Rời thác Rêu chúng tôi đến thăm làng Mơ Hra (xã Kông Lơng Khơng), một ngôi làng truyền thống còn lưu giữ lại nhiều giá trị bản địa từ ngàn xưa của đồng bào Bahnar. Làng Mơ H’ra trở thành điểm sáng trong việc phát triển mô hình du lịch cộng đồng ở Gia Lai, với mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng dựa vào di sản không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên nhằm bảo tồn, quảng bá giá trị di sản, nâng cao năng lực tạo điều kiện phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa phương để quảng bá, phát triển du lịch. 
 
Từ nền tảng này, người dân địa phương đã có nhận thức tốt hơn về di sản văn hóa của họ. Những năm qua bà con đã từng bước hoàn thiện mô hình du lịch cộng đồng, biến nó thành một thế mạnh của làng, góp phần phát triển kinh tế gia đình. Cơ bản từ cơ sở vật chất cho đến tư duy nhận thức cộng đồng đã đảm bảo các điều kiện phục vụ khách du lịch. Nếu có dịp được đến thăm làng vào dịp lễ hội du khách sẽ được nối dài vòng xoang, thưởng thức điệu dân ca cổ cùng cồng chiêng ngân vang. Bên bếp lửa làng, ẩm thực bản địa sẽ để lại dư âm khó quên trong lòng thực khách phương xa.
Võ Thanh Thảo

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công