Từ Di sản văn hoá đến du lịch

Ngày đăng: 04/05/2023, 07:08


Ngoài thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên tại điểm đến, điều khiến du khách hứng thú tìm hiểu và trải nghiệm chính là bản sắc văn hoá địa phương. Đối với mỗi vùng, miền đều có phong tục, tập quán khác nhau. Di sản văn hoá là nền tảng hình thành tài nguyên du lịch, tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng mà mỗi nơi đều có sự khác biệt hấp dẫn du khách tìm đến.
Đối với Gia Lai, du lịch văn hóa là một dòng sản phẩm chủ đạo của ngành du lịch bởi vùng đất Bắc Tây Nguyên mang những giá trị di sản văn hoá sẵn có được lưu truyền từ bao đời. Các sản phẩm du lịch văn hoá nổi bật và hấp dẫn du khách như du lịch tham quan di tích, nghiên cứu văn hóa lịch sử, tìm hiểu và trải nghiệm văn hoá truyền thống, đời sống cộng đồng, du lịch lễ hội, du lịch văn hóa ẩm thực, du lịch văn hoá tâm linh.
Du lịch văn hoá tâm linh không chỉ đơn thuần là hoạt động hành hương, tôn giáo tín ngưỡng thuần túy mà còn là động lực thúc đẩy sự giao lưu văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội. Du lịch tâm linh thực chất là loại hình du lịch văn hóa, lấy yếu tố văn hóa tâm linh làm mục tiêu nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh của con người trong đời sống tinh thần. Do đó, việc sử dụng có trách nhiệm và bền vững các giá trị văn hóa và tự nhiên trong phát triển du lịch tâm linh sẽ mang lại cơ hội việc làm, tạo thu nhập cho người dân địa phương, góp phần thúc đẩy giao lưu văn hóa, tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo, khôi phục và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của mỗi quốc gia. Danh thắng Biển Hồ, chùa Minh Thành, Chùa cổ Bửu Minh… là những điểm hẹn kết hợp hài hòa giữa sinh thái, văn hóa và tâm linh mời gọi du khách thập phương.
Du lịch gắn với trải nghiệm các lễ hội truyền thống hay tìm hiểu giá trị di sản từ làng, đặc biệt là của cộng đồng người dân tộc bản địa Bahnar, Jrai với rộn rã cồng chiêng, nhịp nhàng xoang, hoà tấu nhạc cụ, phô diễn nghề truyền thống được trao truyền bao đời… từ những chủ nhân của di sản bản địa luôn là hành trình hấp dẫn du khách tìm đến. Thường xuyên phục dựng lại các nghi lễ, ngày hội truyền thống của người dân bản địa hay tổ chức các sự kiện ngày hội văn hoá các dân tộc… là dịp đưa văn hoá đến gần hơn với người dân và du khách. Thông qua lễ hội các giá trị văn hóa tốt đẹp mang đậm bản sắc dân tộc được phát huy, lồng ghép nhằm tăng cường giao lưu quảng bá, giới thiệu nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tâm linh của đồng bào các dân tộc đến với mọi người.
Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số cần khai thác các giá trị của nó gắn với phát triển du lịch. Các nghệ nhân dân gian tạc những tượng gỗ hay dệt các sản phẩm lưu niệm có kích thước vừa và nhỏ để du khách có thể mua về làm quà tặng bạn bè, trưng bày… hiệu quả hơn hết là công tác phối hợp cùng các công ty lữ hành kết nối đưa du khách đến trải nghiệm tại các gian hàng trưng bày sản phẩm hay nhà những nghệ nhân ưu tú trực tiếp khắc tạo nên những sản phẩm nghệ thuật độc đáo mang giá trị văn hóa này. Tất cả sẽ trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo hấp dẫn du khách, bên cạnh giúp bà con có thêm việc làm, gìn giữ nghề truyền thống còn góp phần nâng tầm giá trị di sản văn hóa địa phương.

Ngày hội văn hoá các dân tộc là dịp đưa di sản - văn hoá đến gần hơn với người dân và du khách.

Các sản phẩm thủ công truyền thống của người dân bản địa tạo ra, luôn thu hút sự quan tâm trải nghiệm của du khách.

Du lịch về thăm chiến trường xưa, về nguồn được trải nghiệm tại những ngôi làng kháng chiến anh hùng như: Căn cứ địa cách mạng khu 10 xã Krong; làng kháng chiến Stơr phục dựng; di tích lịch sử Khu lưu niệm Anh hùng Wừu, thăm quần thể du lịch văn hóa, lịch sử giữa lòng thành phố: Bảo tàng - Quảng trường -Nhà lao Pleiku - Đền tưởng niệm Hội Phú... là những “địa chỉ đỏ” để lưu giữ những giá trị lịch sử hào hùng của tỉnh nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị lịch sử của dân tộc, nâng cao đời sống người dân nơi đây.
Từ những yếu tố sẵn có, kết hợp tổ chức các lớp sinh hoạt ngoại khóa cho học sinh, sinh viên, các công chức, viên chức đến với các vùng đất anh hùng để viếng thăm và tưởng nhớ, hiểu hơn về những năm tháng lịch sử hào hùng, bất khuất của dân tộc, giáo dục truyền thống yêu nước, nhớ nguồn của đồng bào ta. Những nơi này, trở thành một trong các địa điểm học tập, giáo dục về truyền thống cách mạng cho các thế hệ của tỉnh, kết hợp với phục vụ tham quan du lịch về nguồn, tạo điều kiện khai thác dịch vụ, du lịch, ngành, nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, thưởng thức các món ăn truyền thống dân dã địa phương bên ánh lửa hồng, cùng xoang, hòa vào những giai điệu dân ca hẳn sẽ là những trải nghiệm tuyệt vời không thể nào quên.
Trong quá trình phát triển du lịch văn hoá phải luôn gắn với phát huy các giá trị di sản bản địa, bảo vệ môi trường, cảnh quan để du khách có thể cảm nhận được nét đẹp của con người ở vùng đất đó. Bên cạnh đó, phải có sự tham gia của chính người dân địa phương trong việc bảo tồn và gìn giữ các giá trị di sản văn hóa của địa phương, tạo sự kết nối để hình thành các tuyến du lịch kết hợp nguồn văn hoá, di sản chuyên đề tạo ra những trải nghiệm ấn tượng cho du khách. Cần khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên văn hoá, trong đó, giữ nguyên, không làm lai tạo, biến đổi giá trị truyền thống vốn có.
Trên cơ sở phát huy các giá trị di sản văn hóa, những năm gần đây, du lịch văn hoá đã có sự phát triển mạnh mẽ, trở thành xu hướng được người dân và du khách ưa chuộng. Từ đó tạo nên một loại hình sản phẩm du lịch đặc sắc, mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, tạo thu nhập, việc làm cho người dân địa phương./.

Võ Thanh Thảo – Nhà hát CMNTH Đam San


Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công