Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di săn văn hóa trên địa bàn Thành phố Pleiku

Ngày đăng: 19/04/2023, 07:10

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc là nhiệm vụ then chốt của Chiến lược phát triển văn hóa. Trong thời gian qua, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn thành phố Pleiku đã đạt được nhiều kết quả tích cực đáng ghi nhận.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc đối với đời sống xã hội, để đảm bảo thực hiện đúng quy định và phù hợp với thực tiễn địa phương, trong những năm qua thành phố Pleiku đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản quy phạm pháp luật của các cấp, các ngành, chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc quản lý, bảo vệ, trùng tu, tổ chức lễ hội nhằm giữ gìn và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn thành phố như: Quyết định số 130/QĐ-UBND ngày 25/01/2019 về việc ban hành Quy chế quản lý, khai thác Di tích thắng cảnh Biển Hồ; Công văn số 2721/UBND-TH ngày 07/11/2019 về việc đảm bảo các quy định khi triển khai các dự án bảo tồn, tu bổ di tích trên địa bàn thành phố; Công văn số 4329/UBND-NV ngày 08/01/2021 về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ khai thác có hiệu quả giá trị các di tích trên địa bàn thành phố; Công văn 715 /UBND-VHXH ngày 13/3/2023 về việc triển khai thực hiện Quyết định số 72/QĐ-UBND ngày 22/02/2023 UBND tỉnh Gia Lai về Quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh, di vật cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh Gia Lai và các văn bản liên quan,…
Quan tâm đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về di sản văn hóa trên phương tiện thông tin đại chúng, xây dựng các chuyên mục giới thiệu trên Đài Phát thanh - Truyền hình thành phố, truyền thanh xã, phường; phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản cho cán bộ cấp cơ sở có liên quan và người trực tiếp trông coi di tích. Đồng thời phân cấp việc quản lý di sản trên địa bàn thành phố cho các đơn vị, UBND các xã, phường; thống nhất về chức năng, nhiệm vụ phù hợp với tình hình thực tiễn, thực hiện tốt quy định của Luật Di sản văn hóa tạo nên dấu ấn trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong những năm qua.
Đến nay, Trên địa bàn thành phố có 7 di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng; đã xếp hạng 06 di tích, trong đó có 2 di tích quốc gia (di tích Thắng cảnh Biền Hồ; Nhà lao Pleiku), 3 di tích cấp tỉnh (di tích đền tưởng niệm mộ liệt sĩ Hội Phú; di tích Khu 9 xã Gào; di tích Địa điểm đón thư Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku năm 1946, di tích danh thắng Quảng trường Đại Đoàn Kết) và 01 di tích đang lập hồ sơ khoa học (di tích Bia tưởng niệm Trại giam tù binh Pleiku). Thành phố đã tiến hành đầu tư các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, công tác xã hội hóa trong bảo tồn di tích đã thu hút được sự đóng góp cả về vật chất và tinh thần của Nhân dân.

Trong giai đoạn từ năm 2017 - 2021, thành phố đã đầu tư cũng như khuyến khích và tạo điều kiện để các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư một số hạng mục tại di tích thắng cảnh Biển Hồ, di tích lịch sử Nhà lao Pleiku, di tích Đền tưởng niệm liệt sỹ Hội Phú, Làng Văn hóa Du lịch Plei Ơp, phường Hoa Lư và một số công trình với tổng vốn đầu tư 54.167.033.000 đồng, cụ thể: Cải tạo lan can, hồ nước, xây dựng nhà chuông, đúc Đại hồng chung, tường bao xung quanh khu vực Đền tưởng niệm Mộ liệt sỹ Hội Phú; Đầu tư, xây dựng các hạng mục thuộc Khu di tích thắng cảnh Biển Hồ như: Xây dựng bồn hoa, tiểu cảnh, ki ốt bán hàng lưu niệm của sản phẩm OCOP; hành lang hai bên dẫn xuống Tượng phật Quan âm; lắp đặt bảng chữ BIỂN HỒ PLEIKU đặt bên kia đồi Vọng cảnh,… triển khai đặt Bia di tích thắng cảnh Biển Hồ. Cho phép doanh nghiệp đầu tư xe điện để phục vụ nhu cầu của du khách tham quan; Xây dựng hệ thống thoát nước, đường vào làng Văn hóa Du lịch Plei Ơp, phường Hoa Lư. Sửa chữa nhà Rông, nhà dài, xây dựng Khu vườn tượng gồm 54 tượng phản ánh đời sống sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số thành phố Pleiku để phục vụ nhu cầu của khách tham quan.
Từ năm 2022, thành phố đang triển khai thủ tục đầu tư các dự án như: Cải tạo Nhà Bia tưởng niệm Liệt sĩ tại xã Gào 5,9 tỷ đồng; Nhà bia tưởng niệm vinh danh cán bộ, chiến sỹ Đại đội Đặc công 90, Khu 9 2,7 tỷ đồng; Xây dựng mới Nhà dài và cải tạo hạng mục phụ làng Ốp, phường Hoa Lư, thành phố Pleiku 1,5 tỷ đồng; Đầu tư xây dựng Di tích lịch sử Khu căn cứ địa cách mạng Khu 9, xã Gào, thành phố Pleiku 15 tỷ đồng; Cải tạo, sửa chữa 04 giọt nước ở 04 làng đồng bào dân tộc thiểu số 3,45 tỷ đồng; Cổng chào Biển Hồ 25 tỷ đồng; Xây dựng nhà nghỉ chân ngắm cảnh cho du khách và nhà vệ sinh tại khu vực thắng cảnh Biển Hồ 14 tỷ đồng; Đền tưởng niệm Hội Phú thành phố Pleiku: Hạng mục: Chống thấm, sơn giả đá trụ dầm đền chính, sơn sửa nhà Bia, sân trước và các hạng mục phụ 12 tỷ đồng,…
Bên cạnh đó, hoạt động duy trì và phát huy giá trị di tích luôn được quan tâm, hàng năm UBND thành phố cấp 180.000.000 đồng để duy trì hoạt động tại di tích lịch sử văn hóa Nhà Lao Pleiku và Đền tưởng niệm Mộ liệt sỹ Hội Phú như tổ chức dâng hoa, dâng hương nhân ngày Thương binh liệt sỹ 27/7; tết Nguyên đán và các ngày mồng 1, ngày rằm hàng tháng…thường xuyên duy tu, bảo dưỡng, tu bổ các hạng mục đã xuống cấp tại các khu di tích nhằm giữ gìn và phát huy giá trị lịch sử của di tích; Từ năm 2019, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 130/QĐ-UBND ngày 15/01/2019 của UBND thành phố Pleiku về việc ban hành quy chế quản lý, khai thác di tích thắng cảnh Biển Hồ; mỗi năm tại Di tích thắng cảnh Biển Hồ thu từ nguồn thu bán vé tham quan được hơn 1 tỷ đồng. Số tiền thu được sử dụng cho việc xây nhà tình nghĩa; trồng hoa, cây xanh và trùng tu, tôn tạo các hạng mục tại khu di tích.
Hiện nay các công trình di tích tiêu biểu được tu bổ, tôn tạo phần lớn đã hoàn thiện làm cho diện mạo của Thành phố có nhiều thay đổi, đặc biệt nhiều di tích đã trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh, thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế tới tham quan, nghiên cứu, đây cũng là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động ngoại khóa, kết nạp đội, đoàn cho các em học sinh; sinh hoạt chuyên đề… nhằm giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, đồng thời khai thác có hiệu quả giá trị di tích. Theo thống kê, năm 2022 trên địa bàn thành phố đón khoảng 625.570 lượt khách thăm quan, trong đó khách quốc tế đạt 1.646 lượt, doanh thu đạt 447,68 tỷ đồng, trong đó 2/3 lượng khách đến với các di tích lịch sử văn hóa.
Trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, Thành phố đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành thực hiện điều tra, kiểm kê di sản, hiện trên địa bàn Thành phố hiện có 31 đội cồng chiêng, múa xoang, trên 600 nghệ nhân cồng chiêng, múa xoang, 100 nghệ nhân làm cây nêu, 80 nghệ nhân tạc tượng. Năm 2021, thực hiện kế hoạch của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, thành phố đã tổ chức kiểm kê cồng chiêng trên toàn địa bàn, kết quả thành phố Pleiku hiện có 157 bộ/ 2.488 chiếc (1.096 chiêng bằng, 1.392 chiêng núm). Một số cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn Thành phố cũng đã sưu tầm được một số hiện vật của người bản địa, đồng bào Jrai như: Chiêng, ché và một số vật dụng sinh hoạt, trang sức qua các thời kỳ.
Đặc biệt hiện có nghệ nhân Ksor Hnao tại làng Kép, phường Đống Đa được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể (theo Quyết định số 2533/QĐ-CTN ngày 13/11/2015 của Chủ tịch nước); hằng năm Thành phố tiến hành thăm hỏi Nghệ nhân Ksor Hnao tại làng Kép, phường Đống Đa vào các dịp lễ, tết, tạo điều kiện để Nghệ nhân được hưởng trợ cấp theo Nghị định số 109/2015/NĐ-CP ngày 28/10/2015 của Chính phủ về việc hỗ trợ đối với Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn.

Việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được xem là nhiệm vụ quan trọng. Thời gian qua, thành phố thường xuyên tổ chức giao lưu cồng chiêng, múa xoang cùng du khách tại cộng đồng khu dân cư, tại các hoạt động lễ hội, hội nghị... và các chương trình nghệ thuật chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh và thành phố như 17/3, 30/4, 2/9 tại Quảng trường Đại Đoàn Kết nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố. Thành lập các Đội cồng chiêng, Câu lạc bộ và tiến hành tập luyện để phục vụ du khách khi có yêu cầu. Tổ chức các lớp truyền dạy cồng chiêng, dệt thổ cẩm tại phường Hoa Lư, phường Thắng lợi, Trà Bá, Biển Hồ; định kỳ tổ chức Tuần Văn hóa – Du lịch trong đó phục dựng các lễ hội truyền thống như Lễ cúng nhà Rông mới , lễ bỏ mả, lễ cưới, trình diễn cồng chiêng đường phố ...
Hàng năm, thành phố tổ chức Liên hoan cồng chiêng và hát dân ca cho thanh thiếu niên và học sinh trong dịp hè; Hội thao dân tộc thiểu số; Hội thi văn hóa các dân tộc thiểu số. Thành lập các đoàn vận động viên tham gia Hội thao do Tỉnh tổ chức đạt kết quả cao, góp phần bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho Nhân dân.
Công tác quy hoạch và phát triển hệ thống thiết chế Văn hóa - Thể thao cơ sở được thành phố quan tâm đầu tư. Đến nay trên địa bàn thành phố có 18 Nhà rông, 22 Nhà Văn hóa cấp xã; 175 Nhà Văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng cấp thôn. Ngoài ra, các cơ sở sản xuất nhạc cụ truyền thống, các làng nghề truyền thống, nghề thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số được duy trì và phát triển. Một số hộ dân ở làng Phung, xã Biển Hồ thành lập Câu lạc bộ dệt thổ cẩm góp phần lưu giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, đồng thời tạo việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống kinh tế.
Các cá nhân, doanh nghiệp đã đầu tư các khu ẩm thực truyền thống như cơm lam gà nướng Bazan; Cơm lam gà nướng nghệ nhân Ksor Hnao - của nghệ nhân Ksor Hnao ở phường Đống Đa; Cơm lam gà nướng Plei - tiêng xã Tân Sơn,...đã đưa ẩm thực và văn hóa cồng chiêng đặc sắc của thành phố đến du khách và Nhân dân trên địa bàn.
Để tiếp tục công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, chuyển hóa thành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững, trong thời gian tới, thành phố sẽ tập trung thực hiện các nội dung như sau:
Thứ nhất, tiếp tục Lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền sâu rộng và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng về văn hóa, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Gắn trách nhiệm của chính quyền, các tổ chức đoàn thể và người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Tuyên truyền giáo dục pháp luật cho người dân, đề cao vai trò của Nhân dân trong việc tham gia quản lý di tích, di sản văn hóa. Kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, xử lý nghiêm những hành vi cố ý vi phạm di sản văn hóa, tạo môi trường văn hóa lành mạnh cho sự phát triển kinh tế xã hội bền vững.
Thứ hai, đẩy mạnh nguồn lực xã hội hóa để đầu tư, xây dựng, nâng cao chất lượng các thiết chế văn hóa, nhất là ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến đường liên kết vùng, hạ tầng du lịch... tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch; đồng thời là điều kiện để tăng cường kết nối, giao lưu, hợp tác, phát triển văn hóa nói chung, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa nói riêng.
Thứ ba, tăng cường liên kết tour, tuyến giữa các khu, điểm du lịch trong thành phố, khu vực và cả nước; chủ động hợp tác với các địa phương trong vùng, tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp của Thành phố với các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch; tổ chức thực hiện hiệu quả các hoạt động, chương trình hợp tác phát triển du lịch. Xây dựng các chương trình, kế hoạch tăng cường quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch sâu rộng, có trọng tâm, trọng điểm và có chiến lược cho từng loại hình, sản phẩm du lịch.
Thứ tư, khôi phục và duy trì một số lễ hội truyền thống, sưu tầm các bài dân ca, các điệu dân vũ, trò chơi dân gian, bài thuốc, món ăn đặc sắc, khôi phục các làng nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc. Tổ chức các lớp truyền dạy về cồng chiêng múa xoang truyền thống, các nghề thủ công truyền thống cho thế hệ trẻ. Nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục, giao lưu, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống địa bàn Thành phố./.

Thu Hằng – VHTT Pleiku

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công