TỪ THƯ BÁC HỒ GỬI ĐẠI HỘI CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ MIỀN NAM ĐẾN TƯỢNG ĐÀI BÁC HỒ VỚI CÁC DÂN TỘC TÂY NGUYÊN

Ngày đăng: 18/04/2023, 13:02

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa một lần đến Tây Nguyên, nhưng miền Nam nói chung, Tây Nguyên nói riêng luôn đau đáu trong tim Người. Đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, Bác Hồ luôn là vị cha già yêu kính nhất, người đã đưa cộng đồng Tây Nguyên cùng cả nước vượt qua muôn vàn gian khó, để có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc hôm nay.
Ngay từ năm 1946, khi hoàn cảnh đất nước ta còn vô cùng khó khăn, Bác đã dành trọn tình thương yêu và niềm tin cho người dân Tây Nguyên. Trong thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam diễn ra tại Pleiku vào ngày 19/4/1946, Người đã viết: “Hôm nay, đồng bào khai hội, sum họp một nhà thật là vui vẻ. Tiếc là đường sá xa xôi, tôi không đến dự được. Tôi tuy xa, nhưng lòng tôi và Chính phủ vẫn gần gũi đồng bào. Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia-rai hay Ê-đê, Xê-đăng hay Ba-na và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau …”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Bác thường xuyên quan tâm, gửi thư khen ngợi, động viên khích lệ tinh thần đối với cán bộ, quân và dân các tỉnh Tây Nguyên. Năm 1968, khi cuộc chiến diễn ra ác liệt, Bác Hồ đã gửi điện thăm hỏi đồng bào, chiến sĩ và cán bộ Tây Nguyên. Người nhắc nhở: “Quân và dân Tây Nguyên già trẻ, trai gái, Kinh-Thượng đoàn kết một lòng, luôn luôn nêu cao truyền thống anh hùng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, thi đua giết giặc lập công, giữ gìn buôn rẫy, thu được nhiều thành tích to lớn, cùng đồng bào cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.
Theo lời Bác, khắp rừng núi Tây Nguyên đã mọc lên những làng kháng chiến. Chỉ với chông tre, bẫy đá, cung tên… mà đại ngàn Tây Nguyên đã làm cho quân thù khiếp sợ. Trong những tháng năm đói cơm, lạt muối, làng, buôn luôn phải di dời để tránh càn, du kích bố phòng đánh địch, người Tây Nguyên vẫn luôn mang trong tim hình ảnh Bác Hồ làm điểm tựa tinh thần. Hiện Bảo tàng tỉnh Gia Lai, đang lưu giữ một hiện vật quý, đó là bức tượng Bác bằng đồng, cao 12,5 cm, do đồng bào Jrai đúc thủ công. Bức tượng được truyền từ tay người ngã xuống cho thế hệ sau với lời căn dặn “Đây là tượng Bác Hồ, các đồng chí hãy giữ lấy làm cách mạng, dù có phải hy sinh cũng quyết giữ gìn”. Để giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm, niềm tự hào về việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc góp phần củng cố, thắt chặt, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam, Đảng, Nhà nước đã quyết định lấy ngày 19/4 hàng năm – ngày Bác Hồ gửi thư đến Đại hội Đoàn kết các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku - là ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Ảnh: Đinh Sơn
Trong suốt hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung đã có những đóng góp nhất định cho sự nghiệp chung. Chúng ta đã có hàng trăm người con ưu tú vượt Trường Sơn ra Bắc để được học tập, rèn luyện rồi trở về chiến đấu, bảo vệ quê hương. Những người Tây Nguyên suốt đời tin tưởng vào Đảng, Bác Hồ như Anh hùng Núp, Anh hùng Wừu, Anh hùng Kpă Klơng hay nhà giáo Nay Đer, các cụ Nay Phin, Ksor Ní, Nghệ sĩ Nhân dân Y Brơm,… đã trở thành một phần lịch sử của miền đất này.
Khi hòa bình lập lại, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Nhân dân các dân tộc Tây Nguyên luôn chung sức, đồng lòng, đoàn kết, phấn đấu xây dựng cuộc sống mới “to đẹp hơn, đàng hoàng hơn” như Bác đã dạy, xây dựng quê hương vững mạnh giàu đẹp theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Với mong ước khôn nguôi được đón Bác về với đồng bào Tây Nguyên và xuất phát từ sự đồng thuận của cán bộ, người dân và cả hệ thống chính trị tỉnh nhà, ngày 30/6/2008, Tỉnh ủy Gia Lai có Tờ trình số 23-TTr/TU gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng xin chủ trương xây dựng Tượng đài. Đến ngày 02/8/2008, Ban Chấp hành Trung ương Đảng có Thông báo số 171-TB/TW về kết luận của Bộ Chính trị đồng ý xây dựng Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên. Đây là niềm vui, niềm vinh dự lớn đối với tỉnh Gia Lai nói riêng và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung.
Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên là một trong những hạng mục quan trọng tại Quảng trường Đại Đoàn Kết hiện nay. Tượng có chiều cao 16,26 m, chất liệu đồng nguyên chất, bằng công nghệ gò ép; khung xương tượng bằng thép không gỉ; chiều cao tượng 10,8 m, đứng trên bệ bê tông ốp đá xanh Thanh Hóa cao 4,5 m. Bức phù điêu chất liệu đá xanh tự nhiên của Thanh Hóa dày trung bình 30 cm, dài 58 m, hai bên cao 10,5 m, chính giữa cao 12,5 m. Mẫu phù điêu với nhiều cánh sen cách điệu phía sau và 2 bên Tượng Bác, các hình tượng thể hiện quá trình sinh hoạt, chiến đấu, xây dựng và phát triển của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên; các nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào như nhà rông, rượu cần, cồng chiêng, hoa văn cách điệu của các dân tộc Tây Nguyên. Phía sau Tượng đài được đắp quả đồi mô hình núi Hàm Rồng, diện tích xây dựng 7.820 m2, đỉnh cao nhất là 15 m. Trên đồi được trồng thảm cỏ, các loại cây xanh bản địa như sao đen, dầu nước, sanh, sộp, thông, k’nia, chè... Trước Tượng đài là phần sân thoáng đãng và đường nội bộ có diện tích 5.950 m2, mặt sân lát đá bazan trên nền sân bê tông. Mặt sân được trang trí các hoa văn Tây Nguyên và bông sen, kết hợp với hệ thống cây xanh và sắc hoa tạo nên một bức tranh thảm dệt nghệ thuật khổng lồ. Trước sân tượng đài được bố trí các bậc cấp rộng 1,8 m, dài 115,2 m, gồm có 4 dãy bậc để tạo thành khán đài khi có lễ, hội được tổ chức; hai bên dãy bậc được bố trí hai đài phun nước nghệ thuật kết hợp với hệ thống đèn Led chiếu sáng tạo hiệu ứng các sắc màu, tạo cảnh quan lung linh sinh động của khu vực tượng đài.
Tượng đài Bác Hồ tại Quảng trường Đại Đoàn Kết là công trình văn hóa có ý nghĩa lịch sử và nhân văn tiêu biểu của đồng bào các tỉnh Tây Nguyên, là nơi lưu giữ tình cảm sâu đậm của Nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đối với vị Cha già kính yêu của dân tộc. Việc xây dựng Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên tại Gia Lai còn có ý nghĩa nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau tiếp bước truyền thống đoàn kết, phấn đấu xây dựng cuộc sống mới, xây dựng quê hương vững mạnh, giàu đẹp theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Trong bức phù điêu đặt tại Quảng trường Đại Đoàn Kết hôm nay, ta như thấy sức mạnh ngàn năm của các dân tộc Tây Nguyên được hun đúc, hội tụ dưới ánh sáng cách mạng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Bác Hồ vĩ đại. Không thể nói khác, những người dân Tây Nguyên lam lũ ngày xưa sau khi được giác ngộ, dìu dắt đã đứng lên thay đổi cuộc đời mình, góp phần vào thắng lợi chung của đất nước.
Trải qua 10 năm đưa vào sử dụng, việc Quảng trường Đại Đoàn Kết được công nhận là di tích danh- thắng cấp tỉnh càng khẳng định thêm ý nghĩa, giá trị của công trình này trong sự phát triển của địa phương. Chúng ta đã từng bước làm cho Quảng trường trở thành một thảm xanh đẹp đẽ giữa lòng thành phố, một điểm đến được yêu thích của hàng trăm du khách mỗi ngày. Tuy Bác Hồ đã đi ra song những lời căn dặn, chỉ dẫn thiêng liêng, tình cảm thiết tha và tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của Người vẫn hiển hiện trong cuộc sống hôm nay. Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên vững chãi giữa Quảng trường Đại Đoàn Kết, trên gương mặt Bác như đang nở nụ cười mãn nguyện, Bác vui vì nước non thống nhất, cả dân tộc cùng đoàn kết, đồng sức, đồng lòng xây dựng quê hương đất nước. Bác vui vì giữa đại ngàn thênh thang lộng gió, Bác được chứng kiến sự “thay da, đổi thịt” của mảnh đất đi lên từ nhiều khó khăn, gian khổ. Dưới chân Tượng Bác, ngày ngày đón chào những nụ cười, tiếng hát của các bạn trẻ; những bước chân tung tăng, ríu rít của các em nhỏ theo ba mẹ đến chơi Quảng trường; những nhịp bước chân chạy bộ khỏe khoắn, năng động của người đến tập thể dục… Ở nơi này, mọi người vẫn sống trong tình yêu thương, đoàn kết – “gia sản” mà Bác Hồ để lại cho dân tộc Việt Nam./.
Bài: Huyền Thương – QLVH

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công