MÙA NGÓNG CON

Ngày đăng: 15/12/2022, 15:12

MÙA NGÓNG CON

 

Khi những hàng cây ưỡn mình đón gió, ấy là lúc chuỗi thời gian cuối cùng của năm đã cận kề với Pleiku. Trời se lạnh và hanh hao nắng. Những con đường trở nên sạch và thoáng hơn, những dòng xe cộ và bước chân người dường như cũng đã có phần hối hả. Một năm sắp khép lại, Tết âm lịch đã ngấp nghé ngoài cửa, chẳng thể nào khác được, người ta cần nhìn lại để rồi cùng đi tới mạnh mẽ hơn. Trong rất nhiều niềm hi vọng về những điều tốt đẹp sắp đến ấy, cha mẹ luôn có sự mong mỏi dành cho con cái, nhất là các thành viên xa nhà.

Đón con. Đó thường là một buổi sáng so se lạnh, khi sương đã tan và nắng bắt đầu chứa chan nơi những cành thông non nhiều kỉ niệm. Nơi xe đỗ, khác với những ngày thường, số người đứng quanh đông hơn nhiều. Trên xe, có thể nhiều đôi mắt mới choàng tỉnh sau một hành trình dài, chưa kịp biết người đón mình là ai. Nhưng dưới lề đường, các bậc phụ huynh đã nhận ra cái dáng kia, màu áo nọ chính là con cái nhà mình. Mừng rỡ vô cùng…

Thực sự mà nói thì ngày nay công nghệ đã xóa nhòa mọi khoảng cách địa lý. Con cái, cha mẹ và những người thân trong gia đình đều có thể gặp nhau hàng giờ, hàng ngày thông qua sự kết nối của internet. Tuy thế, trước cái tết cổ truyền của dân tộc, đôi bên vẫn có cảm giác nôn nao mong ngày gặp mặt, nhất là các bậc cha mẹ. Trong rất nhiều ý nghĩa, Tết là dịp sum họp. Đó là dịp cha mẹ và con cái nhìn được lại nhau trực tiếp, bằng xương bằng thịt. Họ có thể san sẻ bằng cách nói ra hoặc không, nhưng cảm giác gần gũi, yêu thương nhau là điều mỗi bên đều cùng cảm nhận được.

Có thể cuộc sum vầy sẽ khởi đi bằng một tiệc ẩm thực đông vui, bao gồm cả những người thân thích, hàng xóm, trong một căn nhà đầm ấm có hoa tươi và nhiều bánh trái. Nhưng cũng có thể, nó chỉ là một bữa ăn bình dân có thêm đôi ba miếng thịt, trong một căn nhà cũ nát, một phòng trọ đơn sơ và cô quạnh ngày cuối năm. Có thể bữa tiệc trên tràn ngập tiếng cười và những lời khen, chúc tụng thì bữa ăn dưới diễn ra trong âm thầm, cha mẹ và con cái cùng những chén đũa lặng lẽ làm nhiệm vụ của mình. Tất nhiên, cũng không thiếu những tình cảnh trái ngược: Ngày tái ngộ đơn sơ lại ấm cúng còn những đãi đằng hào nhoáng vẫn không che nổi giọt đắng cay.

Muôn hình vạn trạng hay đúng hơn như ông ba ta thường nói: Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Cảnh là hoàn cảnh, là điều kiện, sự đạt hay chưa được như ý của mỗi cá nhân, gia đình, sau 12 tháng làm lụng, xa cách. Có những ông bố bà mẹ tuổi đã xế chiều, cuối năm nào cũng ra ngõ ngóng con. Vì: Điện thoại nó nói tăng ca nhiều nên không về, vì áp Tết không có xe để về, nhưng biết đâu nó lại về thì sao? Có những ông bố bà mẹ chỉ mong những đứa con là học sinh, sinh viên của mình trở về để: Nấu cho chúng nó vài bữa ăn nóng sốt, chứ quanh năm cơm bụi rồi. Có những người con mải mê công việc nơi đô thành, cuối năm chạy về thăm cha mẹ thoáng chốc rồi lại ào đi như cơn gió - đuổi theo khách hàng. Có những người con về ăn Tết thật dài rồi mà vẫn loanh quanh bên cha mẹ không rời đi, hỏi ra mới hay: Con đang tìm việc mới…

Tôi có người bạn tuổi ngoài 30, quê tận miền Bắc, là công chức nhà nước, bảo: Anh ạ, lương chả bao nhiêu, thuê nhà, ăn uống tằn tiện đôi khi vẫn còn hụt nhưng Tết năm nào em cũng về. Không về, nhớ nhà không chịu được! Về áp Tết, đi ngay sau Tết, chen chúc trên xe đò cực lắm, nhưng nghĩ mình giờ còn tự do, thì chịu khó về thăm các cụ, chứ sau này chẳng biết thế nào nữa. Năm ngoái, hai bố con ngồi canh nồi bánh chưng, ông bảo: Giờ con về, bố mẹ còn nấu cho mà ăn. Mai kia bố mẹ già lẫn thì thôi… Mình có lớn lên bao nhiêu, có đi xa bao nhiêu thì trong mắt các cụ vẫn là nhỏ nhoi, Tết đến vẫn cần được bảo bọc, lo cho từ cái ăn trở đi.

Đại dịch Covid-19 là một dấu ấn không vui của Tết vài năm qua. Nhiều gia đình có con đi học, đi làm ngoài nước ít có cơ hội trở về đoàn tụ. Tâm trạng của các bậc cha mẹ này, không gì khác hơn là mong con cái mình được an toàn, ổn định học hành và công việc. Năm sau, năm sau đó nữa, chính là những cái tết bù, đông vui và nhiều ý nghĩa hơn.

Sự chờ đợi luôn đến từ hai phía, cả cha mẹ và con cái đều ngóng trông ngày tái ngộ. Thu xếp công việc, sửa sang nhà cửa, mua sắm vật chất,… mỗi bên đều nỗ lực để có thể gặp nhau thật vui trong mấy ngày Tết. Đây cũng là một trong những nguyên nhân đôi khi gây nên ít nhiều trở ngại trong xã hội, mà giao thông đi lại an toàn là một ví dụ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, bằng một cách nào đó, sự vất vả kể trên chưa bao giờ ngăn được những người hồi hương đón Tết cùng gia đình mình. Quảng trường Đại Đoàn Kết, Công viên Diên Hồng, Công viên Đồng Xanh, Biển Hồ, Chư Đang Ya, nhiều ngôi chùa và những giáo đường, hàng thông cổ và đồi cỏ hồng… lại sẽ là nơi tiếp tục in dấu chân những người Gia Lai trở về chơi Tết năm nay.

Xét cho cùng, dẫu cuộc sống có hiện đại đến thế nào đi chăng nữa, Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam vẫn là một dịp để các thế hệ cùng nhau sum họp dưới một mái nhà. Pleiku và Gia Lai cũng không đứng ngoài quy luật ấy. Lớp lớp mẹ cha và con cái là công dân của miền đất này, mỗi khi gió chuyển mùa, lại nôn nao chờ đợi để được gặp nhau rồi và bịn rịn tiễn đưa, khi những Tết vừa khép lại.

Nguyễn Quang Tuệ - Sở VHTTDL

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công