Một số kết quả đạt được trong công tác nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn giá trị trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai

Ngày đăng: 15/12/2022, 10:33

Một số kết quả đạt được trong công tác nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn giá trị trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai

Thái Bình

Gia Lai là tỉnh miền núi nằm ở khu vực Bắc Tây Nguyên, với diện tích 15.536,92km2, là địa bàn cư trú của 44 thành phần dân tộc anh em với 2 lớp cư dân: Lớp cư dân tại chỗ bao gồm dân tộc Bahnar, Jrai; Lớp cư dân di cư đến định cư tại Gia Lai qua các đợt khác nhau bao gồm dân tộc Kinh và các dân tộc thiểu Tày, Nùng Thái, H’Mông… Với sự cộng cư của nhiều dân tộc đã tạo cho mảnh đất này có một nền văn hóa phong phú và đa dạng, trong đó trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số là một trong những nét văn hóa đặc sắc. Những vẻ đẹp muôn màu, riêng biệt trong trang phục của các dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh Gia Lai không chỉ nằm trong các kho tàng mà đang lan tỏa trong cuộc sống hàng ngày, hòa quện vào nhau làm nên vẻ đẹp lớn lao và thẩm sâu của văn hóa Việt Nam. Nghiên cứu, sưu tầm và bảo tồn giá trị trang phục truyền thống tỉnh Gia Lai đã và đang đạt được những kết quả đáng ghi nhận góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Trang phục truyền thống, là những tinh hoa, sáng tạo độc đáo, của mỗi cộng đồng dân tộc. Nó không chỉ dùng để phục vụ nhu cầu của con người, bảo vệ cơ thể, làm đẹp mà còn là tác phẩm nghệ thuật của mỗi nghệ nhân, của mỗi tộc người. Trang phục còn là một dấu hiệu để phân biệt giữa dân tộc này với dân tộc khác. Song trước những tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường việc gìn giữ, sản xuất và sử dụng trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai có nhiều thay đổi. Hiện nay tại các làng, đồng bào chỉ sử dụng các trang phục truyền thống trong các dịp lễ hội, cưới hỏi, hay mặc để trình diễn cồng chiêng trong các dịp liên hoan văn hóa, hoặc làm vật phẩm, quà tặng khi con gái bắt chồng. Những năm gần đây ở một số làng đồng bào theo đạo thường mặc đồ truyền thống khi đi làm lễ vào chủ nhật hàng tuần; tại các trường dân tộc thiểu số ở địa phương giáo viên và học sinh mặc trang phục truyền thống vào thứ 2 hàng tuần. Nhìn chung hiện nay việc sử dụng trang phục không còn phổ biến như trước nữa, đi cùng với nó là nghề dệt thủ công cũng giảm đi đáng kể.

Đứng trước sự mai một của nghề dệt truyền thống, mặc dù trang phục truyền thống vẫn còn nguyên giá trị trong tâm thức của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và đồng bào dân tộc thiểu số di cư tại đây. Việc nghiên cứu về trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai, đã được thu hút được sự quan tâm của các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh. Những công trình nghiên cứu về trang phục truyền thống các dân tộc trên địa bản tỉnh Gia Lai là nguồn tư liệu quý giúp các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học xây dựng kế hoạch, dự án bảo tồn và phát huy giá trị của trang phục truyền thống hiện nay.

Mới đây nhất phải kể đến là đề tài cấp tỉnh “Nghiên cứu, sưu tầm và bảo tồn giá trị trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số tiêu biểu trên địa bàn tỉnh”, Mã số: KHGL-01-18, do ThS. Hoàng Thị Thanh Hương là chủ nhiệm, là một trong những đề tài có tính thực tiễn, đánh giá được tiềm năng của kho tàng trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số tiêu biểu của Gia Lai.

Trong những năm qua, việc nghiên cứu, sưu tầm và bảo tồn trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, luôn được Bảo tàng tỉnh Gia Lai đặc biệt quan tậm. Hiện nay tại Bảo tàng đã sưu tầm được 174 hiện vật đồ dệt truyền thống các dân tộc thiểu số. Trong đó, hiện vật của đồng bào Bahnar là 36 hiện vật (với 31 hiện vật áo, váy, khố 5 hiện vật là tấm đắp); đồng bào Jrai: là 76 hiện vật (với 63 hiện vật khố, áo, 13 hiện vật hiện vật mũ, khăn, tấm đắp); các dân tộc khác 56 hiện vật (trong đó: Nùng 7 hiện vật, Hmông 21 hiện vật, Tày 8 hiện vật, Sán chỉ, Thái có 11 hiện vật).

Cùng với việc nghiên cứu sưu tầm Bảo tàng luôn trú trọng đến công tác phân loại lập các bộ sưu tập hiện vật nhằm hệ thống hóa các tài liệu, hiện vật một cách khoa học nhất. Trong năm 2020, Bảo tàng hoàn thành sưu tập “Trang phục lễ hội của người Jrai Chor vùng Ayun Pa”. Đây là một trong 3 sưu tập đầu tiên của Bảo tàng.

Việc nghiên cứu, sưu tầm được tiến hành đồng thời với việc trưng bày tại các trưng bày cố định của Bảo tàng, hay thực hiện các trưng bày triển lãm chuyên đề trong và ngoài tỉnh, nhằm quảng bá giới thiệu các giá trị trang phục truyền của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh một cách sâu rộng nhất. Hiện nay, tại Bảo tàng đang trưng bày thường xuyên một chủ đề về nghề dệt và trang phục truyền thống các dân tôc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Song do không gian trưng bày hẹp, nên số lượng hiện vật còn hạn chế. Trong năm 2021, với việc lắp đặt phòng trưng bày “Sản phẩm dệt truyền thống Gia Lai” một trong những kết quả nghiên cứu của đề tài “Nghiên cứu, sưu tầm và bảo tồn giá trị trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số tiêu biểu trên địa bàn tỉnh”, đã góp phần làm phong phú trưng bày của bảo tàng tỉnh. Với gần 80 hiện vật mà chủ nhiệm đề tài cùng các thành viên đã sưu tầm được bố trí trưng bày khoa học, logic mang lại ý nghĩa thực tiễn cao, cung cấp thêm một điểm tham quan thú vị cho du khách trong và ngoài tỉnh khi đến Gia Lai. Đây là sản phẩm không chỉ nói lên quá trình làm việc nghiêm túc của tác giả và các cộng sự, mà nó còn mang ý nghĩa thực tiễn sâu sắc về bảo tồn và phát huy giá trị nghề dệt truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai, sẽ là những hiện vật quý, góp phần làm phong phú hệ thống hiện vật về trang phục trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện nay.

Cùng với việc thực hiện các đề tài, sưu tầm và bảo tồn trang phục truyền thống, trước nguy cơ mai của nghề dệt, việc tổ chức các tổ, làng nghề truyền thống tại các làng, xã, thị trấn đã và đang được các nhà hoạch định chính sách và chính quyền địa phương quan tâm. Đây không chỉ đơn thuần góp phần bảo tồn các giá trị trang phục mà còn góp phần tạo thêm nguồn thu nhập nâng cao đời sống cho một bộ phận nghệ nhân tại địa phương. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có thể kể đến một số làng nghề, tổ dệt hoạt động hiệu quả, tiêu biểu như: Tổ dệt truyền thống làng Pơ Nang, xã Tú An, thị xã An Khê, Câu lạc bộ dệt thổ cẩm xã Biển Hồ được thành lập năm 2004 (với 54 thành viên)[1]; làng Nghe Lớn (nay là tổ dân phố Plei Nghe, thị trấn Kông Chro); Hợp tác xã Nông nghiệp và Dệt thổ cẩm Glar ở thôn Dôr 2, xã Glar, CLB Dệt thổ cẩm xã A Dơk (huyện Đak Đoa); CLB Dệt thổ cẩm xã Kông Lơng Khơng, Tơ Tung, Kon M’ha (huyện Kbang)…Và gần đây, ngày 9/7/2022, tại làng Phung, xã Biển hồ, TP.Pleiku, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với MTTQ Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Biển Hồ ra mắt Câu lạc bộ Dệt làng Phung và Khánh thành phòng trưng bày sản phẩm dệt.

Có thể nói Hợp tác xã Nông nghiệp và Dệt thổ cẩm Glar ở thôn Dôr 2, xã Glar, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai là một trong những hợp tác xã hoạt động hiệu quả trong thời gian qua. Ra đời từ năm 2016, với 40 thành viên và số vốn góp là 15 triệu đồng. Đến nay HTX thu hút gần 200 thành viên với tổng mức vốn góp là 200 triệu đồng. Không chỉ là nơi sản xuất, gìn giữ bảo tồn nghề dệt truyền thống nà còn là nơi truyền đam mê đệt thổ cẩm, nâng cao tay nghề cho thế hệ trẻ[2]. Bên cạnh một số Tổ, làng, hợp tác xã hoạt động hiệu quả, thì đa phần hoạt động cầm trừng vì không có đầu ra ổn định, đây cũng là một thách thức lớn đối đối với các làng nghề truyền thống nói chung.

Để việc nghiên cứu, sưu tầm và bảo tồn giá trị trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai đạt hiệu quả thì cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trước hết phải có những cơ chế khuyến khích đồng bào sử dụng trang phục truyền thống trong các hoạt động văn hóa, sinh hoạt lễ hội để làm được điều đó cần làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân để họ thấy được những nét đẹp trong di sản văn hóa truyền thống nói chung và trang phục truyền thống nói riêng. Và quan trọng nhất là phải định hướng phát triển kinh tế-xã hội cho phù hợp, ưu tiên phát triển hỗ trợ nghề thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là dệt may thổ cẩm, để trang phục trở thành sản phẩm hàng hóa phục vụ đời sống trực tiếp của người dân hoặc trở thành sản phẩm để phát triển du lịch, dịch vụ. Để làm được như vậy cần tìm đầu ra bền vững cho sản phẩm hàng hóa này. Gắn phát triển kinh tế, nâng cao đời sống Nhân dân với bảo tồn các giá trị di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số tại địa phương là giải pháp lâu dài.

 

Một số hình ảnh: 

 

Trang phục người Bahnar thị xã An Khê (ảnh: Hoàng Thanh Hương)
 
Các đại biểu tham dự Hội thảo Nghiệm thu đề tài cấp cơ sở  tham quan phòng trưng bày “Sản phẩm dệt truyền thống Gia Lai” (Ảnh: Bá Tính)

 



[1] https://nhandan.vn/tin-tuc-kinh-te/phat-trien-nghe-det-tho-cam-truyen-thong-o-gia-lai-591825 (Phát triển nghề đệt truyền thống ở tỉnh Gia Lai/ tác giả: Phan Hòa.

[2] https://baotangtinh.gialai.gov.vn/Hoat-dong-Su-kien/Tin-tong-hop/Tui-tho-cam-%E2%80%93-san-pham-truyen-thong-cua-Hop-tac-xa

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công